BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phiếm Luận Về Sự ‘Vô-Học’

03 Tháng Ba 200712:00 SA(Xem: 1278)
Phiếm Luận Về Sự ‘Vô-Học’
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tôi có người quen tên K. Anh vừa lớn tuổi, vừa có kinh-nghiệm đời nên tôi gọi anh là Đại K. Có lần trong buổi tiệc vui, lúc trà dư tửu hậu, Đại K nói : Công-an miền Nam vô học hơn công-an miền Bắc nhiều. Tôi không biết Đại K nói đùa hay nói thật. Nhưng cuối câu, chữ «nhiều» được anh kéo dài theo giọng Bắc 54 rất dễ cảm và thuyết-phục làm tôi hoang-mang.

Tôi thì người Nam, nghe Đại K nói thế cũng tự-ái, vì khi không bị động-chạm. Công-an nào thì cũng công-an, vô-học thì vô-học hết cả, hà cớ chi công-an miền Nam vô-học hơn công-an miền Bắc ? Vô-học hơn không lẽ vì là dân miền Nam? Tôi tính hỏi vặn là Đại K làm ơn chứng-minh dùm công-an miền Bắc có học hơn chỗ nào. Nhưng lúc đó đang vui, tôi sợ hỏi ra lãng-nhách làm buồn cả đám. Trong nhóm hôm đó có đến hơn nửa là Bắc-Kỳ, 54 có mà 75 cũng có. Im-lặng không hỏi mà trong bụng tôi ấm-ức lắm. Ông thủ-tướng tên Dũng nhà mình cũng dân miền Nam, cũng công-an xuất thân, không lẽ ông này “vô học” ?

Tôi nhất-định đi tìm “sự-thật”. Có hay chăng sự hiện-hữu một quan-hệ qua-lại giữa công-an với sự vô-học và công-an miền Nam vô-học hơn công-an miền Bắc?

Trước hết cũng nên hiểu thế nào là “vô-học”. Nghĩa đen “vô-học”, tức “thất học”, là không có đi học, tức là dốt. Trong đảng “ta” loại này chắc hơi “bị” nhiều. Có người nói lãnh-đạo Việt-Nam không thiếu cái gì, chỉ thiếu trí-tuệ!

Vô-học có “quan-hệ hữu-cơ” với “mất dạy” và “vô-giáo-dục”. Không được dạy-dỗ (mất dạy), không được giáo-dục (vô-giáo-dục) thành ra vô-học, dốt. Trong đời tôi có đến vô-số lần thầy tôi phải kêu trời vì tôi học dốt quá. Nhưng chưa bao giờ thầy mắng tôi là “đồ vô-học”, “đồ mất dạy”, “đồ vô-giáo-dục” cả. Giả-tỉ, thầy tôi có mắng thế thì tôi lúc đó cũng cười trừ (vì có hiểu khỉ khô gì), nhưng sau này tôi sẽ giận thầy tôi lắm.

Nghĩa bóng, “vô-học”, có nhiều nghĩa được hiểu tùy theo trường-hợp. Một anh chàng tán gái nham-nhở bị cô nàng bợp tai và chửi cho là đồ mất dạy, vô giáo-dục. Gặp cô đanh-đá hơn ta còn nghe tiếng “đồ vô-lại”. Dân ăn cướp, các tay anh-chị chuyên chôm-chỉa, giựt-dọc, cướp-bóc của dân thường hay bị mắng du-côn, du-đãng, mất dạy v.v… Gọi chung là đồ vô-lại. Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Thành-phần quan-tham cậy thế nhũng-nhiễu, chôm-chỉa của-cải dân-lành cũng bị xếp vào thành phần vô-lại ở trên. Cướp đêm hay cướp ngày, cướp nào cũng là cướp.

Chữ “vô-học” ở đây vì thế không hẳn chỉ có nghĩa là không có học, dốt. Thời buổi này ở nước ta bằng tiến-sĩ nhiều như vãi trấu, lắm tên quan-tham tiến-sĩ lưu-manh đã qua được lớp i-tờ. Nhưng tiên học lễ, hậu học văn; cha ông ta nói thế. Học lễ ở đây là học cách ứng-xử ở trên đời, giữa người và người với nhau. Tiếng “xin lỗi”, tiếng “cám-ơn”, tiếng “làm ơn” là các tiếng sơ-đẳng của… ứng-xử nhập môn, con nít chập-chững vỡ-lòng là đã học nói như thế. Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ăn còn phải học trông nồi, huống chi là các việc khác, nhất là việc nước. Làm việc gì cũng phải học. “Vô-học” ở đây vì thế phải có nghĩa như là “vô-lại”. Thằng “vô-lại” (gọi thằng vì không ai gọi tên vô-lại là ông) là một người không đạo-đức, lối ứng-xử giữa nó và người là lối giao-tiếp giữa thú vật với nhau.

Công-an có vô-học không ? Theo Luật Công-An thì công-an được lựa chọn theo tiêu-chuẩn: 1. Công dân có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khoẻ, có nguyện vọng và năng khiếu phù hợp với công tác công an thì có thể được tuyển chọn vào Công an nhân dân. 2. Công an nhân dân được ưu tiên tuyển chọn sinh viên, học sinh tốt nghiệp xuất sắc ở các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề có đủ tiêu chuẩn để đào tạo, bổ sung vào Công an nhân dân.

Theo tiêu-chuẩn lựa-chọn như vậy công-an là thành-phần “tinh-hoa xã-hội”, đương nhiên không thể dốt, tức “vô-học” được.

Đại K nói vì vậy coi bộ hơi “bị” sai. Công-an nhứt-định không thể “dốt”.

Nhưng liệu có cái “dốt” ngoại-lệ công-an miền Nam không?









…trói rất chặt!...

Theo số-liệu của bộ Giáo-Dục và Đào-Tạo thì miền Bắc (tính từ Huế trở ra) có tất cả 153 cơ-sở giáo-dục cấp đại-học cho tổng-số dân là 39 triệu người. Miền Nam 44 triệu dân thì chỉ có 50 cơ-sở. Cơ-sở giáo-dục cấp đại-học là các trường Đại-Học Quốc-Gia, Học-Viện, trường Đại-Học (công và dân-lập), trường Cao-Đẳng (gồm cả trường Cao-Đẳng Sư-Phạm và Cao-Đẳng Văn-Hoá Nghệ Thuật). Có nghĩa là, ở miền Bắc, cứ khoảng 250.000 dân thì có 1 trường Đại-Học. Miền Nam thì phải 880.000 dân mới có 1 đại-học.

Ít trường hơn, nguyên-do vì đâu không biết, nhưng để cho gọn, ít trường-học hơn nên dân Nam có ít người đi học (đại-học) hơn. Tính theo con số thì dân Nam ít đi học đến 3,5 lần hơn dân Bắc. Nếu tính theo số sinh-viên thì mỗi 1.000 dân, miền Bắc (tính chẵn) có 22 sinh viên trong khi miền Nam chỉ có 7 sinh-viên. Tính theo số điểm cũng thế, điểm thi sinh-viên miền Nam thấp so với sinh-viên miền Bắc. Nguyên-nhân việc này có lẽ dân miền Nam không thích học các tiết về chính-trị, an-ninh quốc-phòng, triết-lý Mác-Lênin hay tư-tưởng Hồ Chí Minh. Toàn các món khó nuốt và lâu tiêu nên sinh-viên miền Nam thường hay cắn bút. Dầu sao thì cũng có cái ngoại-lệ miền Nam. Công-an miền Nam, cũng là dân miền Nam, chắc phải học ít hơn công-an miền Bắc.

Nhưng dầu vậy thì cũng chỉ có thể nói công-an miền Nam “ít học đại-học” hơn công-an miền Bắc chứ không thể nói công-an miền Nam “vô học” hơn công-an miền Bắc như Đại K được.

Và còn “học”, theo lối học ăn học nói học gói học mở, thì sao?

Ta biết giữa “người” và “người công-an” có sự khác biệt nhau rất lớn. Làm nguời thì học ăn, học nói, học gói, học mở. Làm người công-an thì khác, họ học ăn, học nói, học trói nhưng không học mở. Người công-an ăn thì rất to, nói thì rất dữ và trói thì (khỏi phải nói) rất là chặt. Trói là nhiệm-vụ chính của công-an. Công-an làm nhiệm-vụ “trói” rất hăng-say, đôi khi nhà tù nhiều hơn trường học.

Tôi có thu-thập một số dữ-kiện để thống-kê nhằm tìm hiểu lối hành-xử của công-an nói chung, sau đó so-sánh cái “học” của công-an Bắc và công-an Nam. Nhìn lại bảng dữ kiện thì… không chừng Đại K tui có lý!

- Tháng 11 năm 2005 cụ Hoàng Minh Chính ghé Sài-Gòn chơi mấy ngày được sự chiếu-cố của công-an miền Nam. Cụ Chính thuật lại diễn-tiến sự-việc như sau:

“Tôi là công dân Hoàng Minh Chính… Sau hơn 2 tháng chữa trị hai trọng bệnh ung thư tại Hoa Kỳ, ngày 13/11/2005 tôi đã trở về Việt Nam và hiện nghỉ an dưỡng tại nhà con gái tôi, số 96/5 đường Lê Thị Riêng – Phường Bến Thành – Quận 1 – Tp. Hồ Chí Minh.

Chiều ngày 19/11/2005, một công an phường Bến Thành – Quận 1 đến nói với con gái tôi rằng: “Từ khi ông Chính về thì bà con lối xóm rất bức xúc, nếu ông Chính mà đi ra ngoài đường sẽ không đảm bảo an ninh. Vậy nếu ông đi đâu thì phải báo cho công an….

Sau đó là một đám đông đến bao quanh nhà, gây căng thẳng. Một người phụ nữ ném trứng vào ô tô cháu tôi và vác dao đến chém vào cổng nhà con tôi. Ít phút sau, cũng chính bà này bưng ra hai lần với hai chậu nước có dung dịch hoá chất và ngang nhiên hắt thẳng vào nhà con tôi (qua làn cửa có song sắt đã đóng). Hậu quả là chiếc xe gắn máy của gia đình và chậu cây cảnh dựng phía trong cửa sắt bị hư hại”.

- Cũng chuyện của Cụ Hoàng Minh Chính, khi về Hà-Nội, Cụ kể như sau:

“Tôi ở trong thành phố HCM ra đây khoảng 12:30. Khi tôi tới đây thì tự nhiên đã thấy ở ngoài đường, ngoài cổng có vào khoảng trên dưới 50 người rồi… tôi rảo bước vào đường hẻm để đi vô nhà, họ quây lại và trong khi tôi đi thì có mấy người dơ chai nước suối đánh mạnh vào đầu tôi, liên tiếp họ đánh như thế đến 3 lần, và họ ném cà chua, ném trứng thối…

Họ tập trung ở ngoài sân, cứ như thế mà chửi bới la hét, đả đảo…. cháu của tôi bị đinh gậy đâm vào bụng cho nó gục xuống và ba người thanh niên khác nhảy lại đá, đấm. Một cháu gái khác bị túm tóc, dúi xuống đánh... họ ném những cà chua, trứng thối, mắm tôm vào trong nhà, và đập cửa kính. Tình hình kéo dài, hô đả đảo, chửi bới suốt từ 12:30 cho tới 3 kém 15.

Gia đình tôi có gọi công an 113, tất cả là bốn người mặc quân phục mà họ cứ đứng đó nhìn, mặc cho đám đông chửi bới, thoá mạ, xông xáo.

Khi đó thì họ (đám đông, chú thích tác giả) bảo rằng "Chúng mày mà không mở cửa ra ông sẽ đập chết chúng mày. Mở cửa ra không, chúng mày chẳng là gì cả". Họ đòi vô nhà, tôi bảo con cháu tôi quyết định không mở cửa, không để họ vào trong nhà. Họ mới lấy gậy đập vào cửa kính, cửa gỗ và ném chất bẩn vào trong nhà. Họ la lên là "chúng ta vào đi, vào đi, phá cửa vào đi".

Khi đó thì một anh mặc sắc phục mới thấy rằng tình hình nghiêm trọng quá mới bảo: "thôi đủ rồi, không làm quá hơn nữa, thôi đi về".”

Mặc dầu trên đây chỉ là lời khai của cá-nhân cụ Hoàng Minh Chính chưa kiểm-chứng, nhưng ta có thể khẳng-định rằng hai trường-hợp trên đây là những dàn-dựng của công-an. Luật cho phép họ có quyền làm như thế. Có điều hơi “bị” hèn là một cơ-quan có quyền-hành nhất nước như công-an lại không ra mặt, chỉ xúi-giục, núp sau dân-chúng nhằm đối-phó với cụ già 85 tuổi. Khoản thứ 6, điều 14 của bộ Luật Công-An cho phép công-an sử-dụng biện-pháp “vận-dụng quần-chúng” để làm nhiệm-vụ của mình. Nhưng vận-dụng quần-chúng kiểu “đấu-tố” để hăm-dọa, sách-nhiễu, dánh-đập, phá-hoại tài-sản của người khác là việc không thể chấp-nhận. Vả lại, khoản thứ 2 của điều 14 ghi nhiệm-vụ của công-an là : Bảo vệ quyền tự do, dân chủ, tính mạng, tài sản của nhân dân; bảo vệ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và khách quốc tế. Luật mâu-thuẫn hay công-an ỷ thế làm càn?

Dầu vậy, ta không thể lên án công-an “vô học”. Họ có làm cái chi đâu ? Công-an đều thuộc nòi “đỉnh cao trí-tuệ”, khôn lắm. Dân làm không thôi ! Công-an Sài-Gòn hay Hà-Nội cùng áp-dụng luật như nhau. Luật cho phép thì họ làm, thế thôi. Có chăng luật này (điều 14, khoản 6 Luật Công-An Nhân-Dân) hơi “bị” thiếu văn-minh ở cái thời-điểm Việt-Nam sắp “ra biển lớn” (!).

Một dữ-kiện khác, xảy ra tại Hải-Phòng như sau:

- Vào lúc 15 giờ ngày 25/9/2005 tại nhà Chị Nguyễn, thôn Ngọc Liễn, Xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy thành phố Hải Phòng miền bắc Việt Nam, đang khi Hội Thánh Phúc Âm thuộc Liên Đoàn Truyền Giáo Phúc Âm Việt Nam nhóm lại thực hành niềm tin thuần tuý, đã bị 8 Công An Huyện Kiến Thụy và Công An xã Đại hà xông vào dùng bạo lực buộc các tín đồ Tin Lành phải giải tán, và CSVN đã tịch thu 7 quyển Kinh Thánh, cùng 8 quyển Thánh ca của những người đang thờ phượng Chúa.

Sự việc chưa yên vì ngay hôm qua ngày 2/10/2005 lúc 15 giờ, các tín hữu Tin Lành tiếp tục thờ phượng Chúa tại nhà chị Nguyễn, thì lại bị lực lượng công an Xã Đại Hà, Huyện Kiến Thụy lại ập vào với số lượng rất đông, họ lại tiếp tục sách nhiễu, khủng bố, đàn áp, dùng bạo quyền giải tán buổi nhóm giữa sự đấu tranh của các tín hữu tại đây, nhưng trong vụ việc này có một vấn đề mà chúng tôi thấy nó không đơn thuần chỉ đàn áp Tôn Giáo mà thôi, nhưng nó còn có tính chất Côn Đồ, lợi dụng quyền lực xâm phạm đến thân thể phụ nữ Tin lành, vì khi các tín hữu nơi đây không chịu giải tán buổi nhóm thờ phượng Chúa, thì 2 trong số những Công An đến nhà chị Nguyễn, đã dùng sức mạnh của đàn ông, đã đè ngửa Cô Nguyễn Thị mai là người chịu trách nhiệm buổi thờ phương Chúa, dùng tay BÓP CỔ VÀ BÓP CẢ VÚ của Cô Nguyễn Thị Mai, xúc phạm đến thân thể của Cô giữa sự chứng kiến của các tín hữu, và lực lượng Công An đại diện cho thành phần được gọi là lực lượng bảo vệ luật pháp !

Thật là “hết ý-kiến”! «Đè ngửa, tay bóp cổ, tay bóp vú», phải công-nhận công-an Hải-Phòng chơi trội hơn hai đàn anh ở Hà-Nội và Sài-Gòn nhiều. Nhưng hành-xử như thế có khác nào những tên vô-lại ?

Một dữ-kiện khác, đó là vụ mục-sư Nguyễn Công Chính ở Pleiku bị công-an “bóp dế”! Nghe nói vị công-an khả-ái đó là một nữ cán-bộ, cấp bậc Trung-Tá.

Công-an, nữ hay nam, cấp bậc cao hay thấp, ai nấy đều là tinh-hoa về «bóp» : bóp cổ, bóp vú và bóp dế. Vị nữ công-an khả-ái bóp dế này người gốc Bắc, biệt-phái vào làm việc tại Pleiku.

Nếu tạm làm cái “thống-kê” ở đây thì công-an Bắc “chơi bạo” hơn công-an Nam nhiều. Nguyên-nhân vì đâu không biết nhưng không thể do công-an Nam “vô học” hơn công-an Bắc. Nhưng chuyện không thể hết ở đây. Vì nếu kết-thúc chuyện ở đây thì Đại K tui vẫn có thể trật lất ! Bèn phải xem thêm dữ kiện:

Tin RFA tuần qua có phỏng-vấn ông Đỗ Nam Hải tại Sài-Gòn, nguyên-văn như sau:

“Tôi là Phương Nam Đỗ Nam Hải, đang phát biểu từ thành phố Sài gòn Việt Nam. Hồi 9 giờ sáng ngày 16 tháng ba, công an vẫn thừơng làm việc với tôi gọi điện thoại cho tôi nói rằng, tôi lên trên công an quận Phú Nhuận có việc…. Họ giữ tôi lại cho đến 1 giờ chiều, thì tôi thấy có bố tôi, chị gái của tôi và con gái tôi, trên công an quận Phú Nhuận.

Lúc đó thì họ nói thẳng cho mọi người biết đã có lệnh của viện kiểm sát nhân dân Sàigòn bắt tôi và truy tố tôi theo điều 88 của bộ lụật hình sự, nghĩa là tuyên truyền chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thế thì bây giờ chỉ có một cách là gia đình sẽ thuyết phục để cho họ sẽ huỷ cái lệnh này.

Bố tôi rất là lo sợ. Bố tôi khóc, chị tôi cũng khóc, con gái tôi cũng khóc.

Bố mẹ tôi nay đã trên 80 tuổi rồi, đều là những người bệnh nặng. Tôi biết rằng khi mà tôi bị bắt thì bố mẹ tôi sẽ chết ngay lập tức. Bởi vì chữ hiếu, tôi đành phải chấp nhận… Cuối cùng là tôi phải viết một lời tự thú là, những cái việc làm của tôi cho phong trào dân chủ là sai pháp luật và xin khoan hồng của cơ quan pháp luật. Vì phải bảo vệ tính mạng của bố mẹ tôi, tôi đã phải làm điều đó mặc dù tôi không muốn.”

Cũng tại Sài-Gòn, RFA phỏng-vấn Hòa-Thượng Thích Quảng Độ, nguyên-văn như sau:

Sáng thứ Năm bà Thérèse Jebsen đã bị 5 công an chận bắt ngay tại Thanh Minh Thiền Viện khi bà cùng hai người Na Uy đến vấn an HT Thích Quảng Độ. Phái viên Ỷ Lan của ban Việt ngữ từ Paris kể lại câu chuyện và phỏng vấn HT Thích Quảng Độ ngay sau khi chuyện xảy ra. Bà Thérèse Jebsen đến Sài Gòn thứ Ba 13/3 dự tính đến Thanh Minh Thiền Viện diện kiến Đại lão Hòa Thượng, nhân thể trao tấm bằng tưởng lệ giải nhân quyền Quốc tế Rafto năm 2006. Theo lẽ thì Đại lão Hòa Thượng sang Na Uy nhận giải hôm 4/11/2006 nhưng nhà cầm quyền Hà Nội không cho ngài đi.

Hoà thượng Thích Quảng Độ: Về vấn đề này tôi chỉ tội nghiệp cho bà ấy. Tôi buồn nhiều, tôi buồn ở cái là tôi xấu hổ cho dân tộc, đất nước tôi không còn một chút văn hoá, lịch sự, văn minh.

Tôi chưa từng năn nỉ cộng sản bao giờ. Bản thân mình chịu tù, lưu đày mà chưa bao giờ năn nỉ một lời mà hôm nay tôi phải năn nỉ là vì tôi thấy bà ấy tội.

Qua hai vụ này thì công-an Sài-Gòn qua mặt công-an Hà-Nội và Hải-Phòng cái vù. Công-an Bắc “bóp” rất hay nhưng không “chơi cú dưới” cũng như chưa thấy ngồi xổm lên luật. Anh Đỗ Nam Hải bị đánh “cú dưới” hơi bị nặng. Cách đánh này người ta chỉ thấy dưới thời Xít-Ta-Lin. Cụ Bùi Tín phê-bình vụ này như sau: “luật tố tụng hình sự và luật quốc tế đều nêu rõ: mọi sự lấy cung, khai báo, thú nhận, ký nhận trong không khí tra tấn, đe dọa, khủng bố tinh thần đều là vô giá trị, là hoàn toàn vô giá trị” Cụ lên án hành-động này của nhà cầm-quyền: “Tận cùng hèn hạ, vô đạo, bất nhân”.

Khoản thứ 2 của điều 14 của Luật Công-An ghi nhiệm-vụ của công-an là: Bảo vệ quyền tự do, dân chủ, tính mạng, tài sản của nhân dân; bảo vệ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và khách quốc tế.

Trường-hợp ở Thanh-Minh Thiền-Viện, công-an Sài-Gòn cũng ngồi xổm lên Luật.

Bà Thérèse Jebsen là người Na-Uy, là người nước ngoài. Người nước ngoài đến thăm nước ta, theo diện gì đi nữa, thì cũng là khách nước ngoài, công-an phải có nhiệm-vụ bảo-vệ. Công-an không thể ngang-nhiên “mời” bà Thérèse Jebsen lên phường (?) làm việc. Đi thăm một người chưa bao giờ là một tội.

Hòa-Thượng Quảng Độ nói rằng ông buồn nhiều và xấu hổ cho dân-tộc. Chắc-chắn không phải chỉ có Hòa-Thượng Thích Quảng Độ buồn và xấu-hổ. Cả nước cũng buồn và cùng xấu-hổ. Thời buổi « bay lên Việt-Nam » mà còn giữ nguyên tinh-thần Lê Đức Thọ : « tao là luật » thì hết thuốc chữa. Hòa-Thượng Quảng-Độ nói «đất nước tôi không còn một chút văn hoá, lịch sự, văn minh» chắc là Hòa-Thượng muốn nói «công-an miền Nam không còn một chút văn-hoá, lịch-sự, văn-minh».

Thật không khá cho cái đất nước tự-hào 4.000 năm văn-hiến. Vào WTO với tinh-thần như thế chỉ làm tủi-hổ tổ-tiên. Tinh-thần như thế thì «bay lên Việt-Nam» hay «Việt-Nam ra biển lớn» muôn đời chỉ là mơ-ước! Tinh-thần đó là tinh-thần man-ri, mọi-rợ, khát máu của Xít-Ta-Lin.

Các dữ-kiện thâu-lượm cho thấy quả-nhiên công-an, Nam hay Bắc cũng vậy, rất «vô học». Đại K nói đúng. Đúng ở chỗ là công-an miền Nam «vô học» hơn công-an miền Bắc nhiều. Đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bravo Đại K.

Trương Nhân Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn