Cuối năm 1989 là thời kỳ vô cùng “nhạy cảm” đối với vận mệnh của thế giới Cộng sản, mà một Ủy viên Bộ Chính Trị phụ trách nghiên cứu lý luận như ông, đã dám nói đến “đa nguyên chính trị” song song với đa nguyên kinh tế (tuy chưa dùng chữ đa đảng) thì thật dũng cảm, và sự hồn nhiên chính trị của một con người có lòng với dân tộc, với nhân dân ấy đã phải trả giá nặng nề. Tuy mất chức vụ rất cao và hầu như mất sạch quyền lợi, nhưng ông đã an nhiên chịu sự thiệt thòi cho đến cuối đời.
Tôi trộm nghĩ tư duy mới của ông chưa phải đã có hệ thống và hoàn chỉnh, nhưng nhận thức lý tính có lúc lại giống như xúc cảm tình yêu. Biến cố thế giới khi ấy khiến cho hệ Vô sản chuyên chính đùng một cái phải đối diện với “người đẹp” Dân chủ Tự do, Trần Xuân Bách đã bị chinh phục. Tình yêu chưa chịu sự tính toán chi ly chính là tình yêu sét đánh, nó đẹp vì nó là lẽ phải tự nhiên, đơn sơ nhưng cận chân lý và cận nhân tình.
Bị khai trừ, ông gửi tâm tư vào những bài thơ cảm khái được ký tên Bách Xuân. Tâm hồn ông trở đi trở lại cũng vẫn là Bách Xuân-Xuân Bách, vẫn yêu đời và được đời yêu. Khi ông mất (01/01/2006) tôi có một câu đối viếng hai chữ XUÂN và BÁCH ấy, nhưng không gửi được tới gia đình, nay nhân ngày giỗ thứ 5, xin nhắc lại câu đối ấy để cùng tưởng nhớ một người có lòng với dân với nước và đã dũng cảm tiên phong như Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc vậy.
° Đường XUÂN đã hướng đa nguyên, sao để ước mơ về Chín suối?
° Chiếc BÁCH giữa dòng đơn độc, âu đành duyên nợ với Ba sinh!
Viết xong câu đối cho ông, tôi cứ mỉm cười một mình: câu đối cho một người không tính toán mà ngẫu nhiên toàn những con số toán học. Đơn nguyên với đa nguyên thì như đơn thức với đa thức. Mà “ba” lần “ba sinh” cũng thành “chín”… suối ! Nghĩ thế lại thấy thương, thấy vui đùa cho ông và cho cả sự đời.
Hà Sĩ Phu
Gửi ý kiến của bạn