BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62231)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tháng năm này trời đất đau thương!

15 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 871)
Tháng năm này trời đất đau thương!
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Thời gian này, ở Việt Nam đâu đâu cũng đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, người ta tôn thờ Hồ Chí Minh như một ông thánh sống, không vợ con, không vụ lợi, không danh vọng, không tham tàn, không hiếu sát, tất cả chỉ một lòng một dạ với nước với dân. Một sự sùng tín Trung Cổ hết sức lố bịch, nực cười, mà bất cứ người dân nào, từ đứa trẻ lên 10, đến cụ già gần đất xa trời đều biết: ở đời nhân vô thập toàn, công 7 tội 3, hoặc công 3, tội 7, đến thánh cũng còn có thánh thọt nữa là người trần mắt thịt, dù muốn, dù không, đã sống trên quả đất ô trọc này đều mắc ít nhất một thói hư tật xấu, điều này cũng rất gần với triết lý nhân sinh của thời hiện đại:

Không khiếm khuyết không phải cuộc đời,
Chỉ xác ướp mới là người hoàn thiện.


Vậy mà suốt cái tháng 5 định mệnh ở trong tù, vật duy nhất giúp tôi biết được tin tức bên ngoài là chiếc đài cổ lỗ sĩ của trại tù. Cứ đến hẹn lại lên, một ngày quản giáo vặn lên cho nghe 3 lần, mỗi lần 30 phút, sáng, trưa và chiều. Khốn nỗi hễ bật lên là nghe ca khúc viết về người, là thơ ca ngợi người, nhàm chán đến rát tai, đến mức một người kỵ vía bác, từng viết cả tập sách để lột bỏ huyền thoại Hồ Chí Minh như tôi, dù bịt tai không muốn nghe cũng bị nhồi nhét đến thuộc lòng:

Bác là cha của muôn triệu cháu con,
Là cuộc sống của vạn ngàn cuộc sống
Là tượng trưng cho tinh thần cao cả
Là gương trong cho đạo đức loài người
Chí hy sinh hơn hẳn trên đời
Công lao như biển trời sâu thẳm...


Thời gian đầu, bực đến nỗi, tôi luôn phải đưa ra đề nghị giật dây điện ra khỏi loa để khỏi bị tra tấn, khốn nỗi cô bé cùng phòng (ở với tôi 28 ngày) lại không chịu nổi cảnh âm u tù hãm trong tù, vì thế cứ mỗi lần tôi đòi tắt, thì lập tức nhận được sự phản đối rất chi là chính đáng:

- Thôi, để nghe, méo mó có hơn không, dẫu sao cũng có tiếng người.

Thế là đành phải mình vì một người, và người kia vốn bị đầu độc từ nhỏ nên mỗi lần thấy tôi khổ sở vì phải nghe những điều giả dối, mị dân về bác, một nắm xương khô trong mả, mỗi ngày ngốn cả vài tỉ tiền của dân. Từ Bộ Tư Lệnh bảo vệ lăng, đến hóa chất tẩy rửa 6 tháng một lần, rồi tiền điều hòa nhiệt độ v.v, lại kịch liệt phản đối, và lập tức phải nghe những lời nhắc nhở nhẹ nhàng của cô bé: "- Ai cho cô nói xấu 'bác Hồ của cháu"...

Tranh cãi chưa kịp ngã ngũ thì cô bé phải chuyển đi, tôi được "ưu tiên" ở với một người đàn bà khác, vốn mê "bác Hồ" không kém... Để đả phá tư tưởng sùng tín Trung Cổ của chị ta, trong những đêm mất ngủ, thả hồn đi hoang, tôi quyết định phải có riêng một bộ sưu tầm câu đố về bác, để xóa tan những vần thơ nịnh như lớp rêu xanh bám chặt vào tảng đá, trong trí não tâm hồn bệnh hoạn của tù nhân nói riêng cũng là của người dân Việt Nam nói chung:

Tháng năm này trời đất mênh mông
Ngàn ngọn gió ngợi ca tình yêu bác
Người đại dũng, đại nhân, đại trí
Đại thiên tài hùng vĩ bao la


Tư tưởng là hạt giống của hành động, khi hạt giống vừa kịp nảy mầm thành chồi thành cây xum xuê tươi tốt, tôi liền đem ra đánh đố:

- Đố chị này... Ai kín tiếng nhất Việt Nam?

Tất nhiên người đặt câu hỏi là tôi và người trả lời câu hỏi cũng là tôi, vì một người làm ăn kinh tế như chị, tâm hồn là dãy dài các con số thì những ngóc ngách khuất nẻo của cuộc đời, chị đâu có am tường, huống hồ là trong văn chương chữ nghĩa. Vì thế tôi đành phải giải thích:

- Đó chính là Trần Dân Tiên, chính xác hơn là chủ tịch Hồ Chí Minh, vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tác giả cuốn: "Vừa đi đường, vừa kể chuyện". Kín tiếng đến mức Hội Nhà Văn Việt Nam quyết định trao giải thưởng đặc biệt cho tác giả mà kêu gọi, nhắc nhở, hết năm này sang năm khác, từ lúc sống đến lúc chết tác giả vẫn... bặt vô âm tín, không hề ló dạng.

- Thật à? Chị ngạc nhiên, đến tôi bây giờ cũng không biết Trần Dân Tiên là ai, và càng không thể tin Trần Dân Tiên lại chính là "bác Hồ" kính yêu của chúng ta.

- Tất nhiên tôi khẳng định: Chả riêng gì chị mà có đến 2/3 dân số Việt Nam không tin vào điều lố bịch ấy, vì trên thế giới này chưa có vị lãnh tụ nào lại tự bỏ thời gian viết sách ca ngợi mình cả. Điều này chỉ để chứng tỏ hai điều, hoặc ông ta là người háo danh, cầm tinh cáo mèo nên mới thích "mèo khen mèo dài đuôi", hoặc ông ta không tin có người giỏi hơn mình, viết sách ca ngợi mình lại hay như chính bản thân mình, nên mới mượn tên Trần Dân Tiên để tự ca ngợi.

Lời tiết lộ này thực sự gây nên một sự tò mò, nghi hoặc cho chị, một đảng viên cốt cán của Đảng...

Không dễ dàng dập tắt đi dòng suy nghĩ của mình, tôi hỏi tiếp:

- Theo chị, gia sản quý giá nhất bác để lại cho non sông Việt Nam là gì?

- Thì đấy chị trả lời, suốt ngày báo đài chả nhắc rồi đấy thây:

Cơ nghiệp đó toàn dân gìn giữ
Nghìn năm ghi tên họ "bác Hồ"
Tay không gây dựng cơ đồ
Non sông gấm vóc đẹp tươi, đàng hoàng


- Xì, tôi trút hết sự bực bỏ ra ngoài qua lỗ rò của "bể phốt": - Lại tích xưa vở cũ, trả lời thẳng vào câu hỏi đi, nếu không hãy nghe người dân nhận định: - Gia sản quý giá nhất bác để lại cho non sông Việt Nam là "Ba đồng chinh bằng tôn", hiểu chửa?

Thấy chị cứ ngẩn tò te, như thể... bác còn sống mãi với quê hương đất nước bác còn sống mãi với đàn cháu yêu thương, tôi liền giải thích:

- Gia sản của bác, hiểu theo nghĩa thực là tên của các lãnh đạo đảng Việt Nam, những người làm nhiệm vụ kế cận sau khi vị chủ tịch đầu tiên mất đi, cụ thể Ba có nghĩa là Lê Duẩn, còn gọi là Ba Duẩn, Đồng tức thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chinh tức là Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, người đổi một nửa dân tộc Việt Nam để lấy ngai vàng quyền lực, đó là chức chủ tịch nước, tổng bí thư. Nói dại, nếu miền Nam không bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17 ngày và đêm thì 14 triệu người dân miền Nam cũng dễ dàng trở thành món mồi đắt giá, những con dê tế thần trên bàn thờ của đảng Cộng Sản Trung Hoa, để ông tổng bí thư này "ghế cao ngồi tót sỗ sàng".

- Còn Bằng có phải là Nguyễn Lương Bằng không? Chị hỏi

- Chí lí, phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng còn gọi là anh cả đỏ, người được người dân tặng câu nói nổi tiếng: Nguyễn Lương Bằng mấy người bằng lương bác...

- Thế còn Tôn? Chắc là Tôn Đức Thắng, vị chủ tịch thứ hai ngay sau ngày bác mất?

- Vâng, tôi trả lời, đấy là nghĩa thực, còn nghĩa bóng là một sự đói nghèo, lạc hậu, bệnh tật, dốt nát... Một đất nước chỉ biết có chiến tranh, biến thanh niên thành chiếc gậy Trường Sơn "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Song tương lai lại hiện hữu bằng những vất vả, nheo nhóc, chết chóc, hy sinh, mưu sinh, kiếm sống của thời hậu chiến... Chính vì thế mà người dân Việt Nam nhận định: Tất cả cả gia tài bác để lại sau 24 năm lãnh đạo chỉ đáng giá... ba đồng trinh bằng tôn, tức ba chinh. Đó cũng là lý do vì sao tầng lớp lãnh đạo tiếp theo lại tiếp tục bán đất, như câu thơ nghịch nhĩ lưu truyền trong nhân dân:

Xẻ dọc Việt Nam, Phiêu bán đất
Đảng mình phơi phới ngậm đô la...


Không biết có phải ngậm hờn nuốt tủi vì mảnh đất biên cương lọt vào tay đảng tàu hay không, mà chị ngậm miệng nín thinh, không hó hé được câu nào, khiến tôi lại phải đánh tiếng trước:

- Với chị điểm mấu chốt quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?

- Ôi dào trong bóng tối chị chép miệng: - Chính trị, chính em nhức cả đầu. Ngày nào, giờ nào, phút nào cũng phải ra rả nghe về tư tưởng Hồ Chí Minh. Nào là kim chỉ nam cho mọi hành động, gắn liền với mọi lĩnh vực văn hóa, đời sống, kinh tế chính trị... từ thủy lợi đến giao thông, vận tải, du lịch v.v và v.v... Thực sự tôi chả hiểu "đầu cua tai nheo" ra sao... Mà tại sao lại phải áp dụng một cách máy móc ngớ ngẩn thế không biết?

Tôi cười, giọng hào hứng, chắc nịch:

- Vì điểm mấu chốt quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là Không có gì... chứ còn sao nữa? Cả cụm từ còn lại "...Quý hơn độc lập tự do" chỉ là cái đuôi định hướng của chủ nghĩa xã hội thôi. Đầu đã không có gì thì đuôi làm sao mà... quý hơn được? Thôi để em đọc bài viết trên Đàn chim Việt cho chị nghe:

Cả ngày bác chẳng làm chi
Sáng ra bờ suối, tối thì vào hang...


- Hí hí, chị cười, nụ cười làm sáng bừng cả lòng hang tối, lên giọng khích tướng: -Dân Việt Nam mình nhại giỏi thậtt, rõ là cùng lời lẽ mà ý tứ thì khác hẳn. Câu thơ của bác là:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang


Thế mà ở đây nhà thơ dân gian lại viết:

Cuộc đời cách mạng... chẳng làm chi

- Thôi để em nối tiếp mạch thơ trên của Đàn Chim Việt cho chị xem, tôi cắt ngang và sau một vài phút nghĩ ngợi, liền đọc:

Bây giờ bác ở trong lăng
Bao nhiêu lính gác lăng xăng ngó dòm
Bác ơi râu bác ba chòm
Bây giờ còn một, hai chòm nữa đâu?
Bác cười vểnh ngược hàm râu:
Hỏi bà Xuân ấy, hỏi tau... liệu hồn
Thì ra lá rụng ngoài vườn
Chòm râu của bác rụng... ồn Thị Xuân


Chỉ nhại lại chút thôi mà chị rũ ra cười, đơn giản vì một đêm nằm bằng một năm ở. Trong suốt những ngày bị nhốt ở quận chị đã quá biết về chuyện tiếu lâm hiện đại ở Việt Nam, do bạn tù kể lại. Không phải "mùa lá rụng trong vườn" như tên tác phẩm nổi tiếng của cây đại bút Ma Văn Kháng (người từng bị cánh công an phụ trách văn hóa phản động hành lên hành xuống vì câu nói "hớ hênh" mang tầm thời đại:" Đến một giai đoạn loạn lạc đến mức, mỗi gia đình phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội một đứa con hư hỏng").

Cũng vì nổi tiếng nên tên tác phẩm của ông đã trở thành câu nói thường trực cửa miệng của mọi người dân thủ đô. Phàm ở đời, cái gì đã được phủ lên mình giá trị văn hóa bỗng trở nên có hồn, linh thiêng hơn hẳn. Tiếng lá rụng trong vườn vốn chỉ là một sự vô tri vô giác, song lại trở nên sống động hơn bao giờ hết với mỗi tâm hồn nhạy cảm trong những đêm khuya tĩnh lặng, khi nghe tiếng lá khô rơi xạc xào ngoài vườn, sau khi đã đọc tác phẩm này... Một lần, giữa khung cảnh nên thơ, mơ mộng, có hai vợ chồng nhà nọ bỗng nổi hứng chơi... trò chơi vợ chồng (!).Trong cơn hương lửa nồng nàn, người vợ dướn người, nín thở đón nhận sự hứng khởi bột phát từ chồng... bỗng lặng người, nghe chồng cười tủm tỉm, gỡ ra cả túm lông trong miệng, bảo: "Em ơi mùa lông rụng trong mồm..." Và tôi vốn đáo để tinh ma, quyết không bỏ qua chi tiết này để ca ngợi bác, một người đại dũng, đại nhân, đại trí. Đại thiên tài hùng vĩ bao la trong việc chinh phục "miếng đỉnh chung" của bà Nguyễn Thị Xuân.

Chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện dông chuyện dài mãi chẳng hết đêm, có lẽ vì đêm của tù bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng "tút, tút" phát ra từ chiếc đài cổ lỗ sĩ, nghĩa là chỉ chờ được đến 6 giờ tối, cả trại tù đã mắc màn đi ngủ, kể cả mùa đông cũng như mùa hè. Bởi sáng ra nhịn đói, 9 giờ mới được ăn cơm trưa và 3 giờ đã phải ăn cơm chiều, nên 6 giờ bụng đã ngót, phải mắc màn đi ngủ để đảm bảo sức khỏe, cũng là để muỗi khỏi vào phe với quản giáo, cai tù hành hạ mình thêm... riêng tôi với chị cùng ở độ tuổi "cút kít về già" nên đêm nảo đêm nao cũng lắm trò. 11, 12 giờ đêm mới chìm vào giấc ngủ...

Sẵn vốn hiểu biết về bác, tôi hỏi: - Ai nhiều con nhất Việt Nam. Đố chị?

Lần này thì chị dễ dàng đoán ra ngay:

- "Bác Hồ" chứ gì, từ hồi 15 tuổi tôi đã thuộc làu bài "Bác ơi" của Tố Hữu, trong đó có câu: Người không con mà có triệu con, đúng không?

- Ok! Tôi đáp, đó là câu trả lời hay nhất của chị từ khi vào lao đến nay. Cho dù giữa cơ chế thị trường, thoáng từ cơ chế thoáng tới các cửa buồng. Một người đàn ông dù 3 nhà 5 vợ, con rơi, con vãi, con đẻ, con nuôi cũng chỉ đạt tới mức vài chục con gọi mình bằng bố mà thôi. "Bác Hồ" của Việt Nam, vợ đời không có, vợ ngày tràn lan, khắp trong Nam ngoài Bắc, lênh đênh 4 bể, cả chân trời, nên số con rơi vãi lên tới cả triệu con. Nếu khẩu hiệu "sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương "bác Hồ" vĩ đại, chắc đàn ông nước Việt Nam không ai dám... sống nữa, vì không phải : Người đại dũng, đại nhân, đại trí. Đại thiên tài hùng vĩ bao la, mà thực chất là người đại gian, đại ác, đại tham tàn , giả dối, hoang dâm

- Đúng thế, chị cười, có một cậu Nguyễn Tất Trung thì không được phép gọi bằng bố, cả một đám lố nhố thì lại trở thành con, rõ là... con không cha nên ngôi nhà chủ nghĩa xã hội Việt Nam mới thật là vô phúc.

Ngáp một cái đến sái quai hàm, hai đùi dế bật tanh tách vì lạnh, tôi bật khỏi tấm chăn dạ cũ kỹ, lấy thêm mớ quần áo ấm để mặc, tiện thể tung ra câu cuối:

- Thế theo chị ai nhảy giỏi nhất Việt Nam?

Bây giờ thì chị ngớ ra, tưởng tôi buồn ngủ mà nói mê. Đang "sống, chiến đấu lao động và học tập theo gương của 'bác Hồ' vĩ đại" thì lại nhảy sang chuyện nhảy nhót...

- Hớ hớ! Tôi cười, kết thúc cuộc nói chuyện dông dài mà không hề vô bổ của mình:

Chị luôn thuộc thơ của nhà thơ Viễn Phương đúng không:

Bác nằm trong lăng
Giấc ngủ bình yên


Khổ một nỗi, thời gian này người dân đang đối mặt với giá thị trường, với sự lạm phát, đến mức "nhà giàu cũng khóc" nên dân gian tiếp mạch:

Bác vào tay con
Bác nhảy triền miên...


- Đúng đúng, chị dễ dàng xác nhận, chả phải chờ đến tận bây giờ, mà trước khi tôi vào tù, mỗi lần vào siêu thị là thấy bác nhảy chồm chồm rồi. Từ tầng 1 lên tầng 4, tầng 5, tầng 6, nhảy theo các bậc thang máy hoặc băng chuyền tự động... xuống dưới nhà để lấy xe máy thì bác nhảy hết cả tháng lương luôn...

-Thế có nghĩa là bác nhảy giỏi nhất Việt Nam còn gì. Không chỉ nhảy triền miên mà còn nhảy chồm chồm như điên... tôi đáp...

Trại tù B14, đêm 23 tháng 5, 2007
Sửa lại 15 tháng 5- 2008
Trần Khải Thanh Thủy

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn