Vào ngày thứ ba, ngày 8 tháng 2 vừa qua, tổ chức Human Rights Watch đã chính thức công bố danh sách 45 người viết văn trên toàn thế giới được trao giải cao quí Hellman- Hamme. Mục đích của giải là để công nhận và vinh danh tinh thần can đảm của họ trước những sự đàn áp của nhà cầm quyền.
Tám người trong số này là người Việt Nam đang sống ở trong nước, trong đó có một phụ nữ là nhà Trần Khải Thanh Thuỷ. Bà thường viết bài bênh vực cho những người dân oan bị nhà nước chiếm đoạt đất đai. Nhận xét về nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, bà Sophia Richardson, Giám Đốc Vụ Châu Á của Human Right Watch đã nói như sau:
“Trần Khải Thanh Thuỷ là một phụ nữ can đảm, bà ấy đã thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận.. Cũng có những phụ nữ khác được đề nghị lãnh giải nhưng chúng tôi nghĩ rằng bà ấy xứng đáng hơn. Chúng tôi tin chắc bà ấy rất xứng đáng khi được trao giải này.
Khi công khai thể hiện quyền tự do ngôn luận, bà trở thành mục tiêu đàn áp nặng nề của nhà cầm quyền Việt Nam. Những người cầm bút và thể hiện quyền tự do ngôn luận đang là đối tượng của những vụ đàn áp chính trị. Bà ấy đã và đang phải chịu đựng những sự đàn áp về mọi mặt khi thể hiện quyền ấy! Và đó là nguyên nhân tại sao chúng tôi trao giải này cho bà.”
Trang Phụ Nữ kỳ này xin mời quí vị nghe đôi nét về nhà văn Trần Khải Thanh Thủy.
Tải xuống để nghe
Những gian truân
Cũng như bao người khác, chị Trần Khải Thanh Thuỷ chỉ mong có được một cuộc sống hạnh phúc bình yên. Thế nhưng, chị không được may mắn như thế. Sinh ra trong gia đình với truyền thống nhà nho, cha mẹ chị là những người hiểu biết và có trình độ cao.
Nhưng vì có tư tưởng đối lập với Đảng nên không được nhà nước ưu đãi, bị buộc phải thôi việc. Tuổi thơ của chị là những ngày đói khổ triền miên, vì cha bị cho về hưu non, không có việc làm, mẹ phải tảo tần nuôi cả gia đình để gắng lo cho bốn đưá con ăn học. Chị kể lại:
“Tuổi thơ của mình cũng như tất cả các tuổi thơ của các trẻ em khác, rất cực nhọc, vô cùng đói khổ, bố mẹ suốt đời làm cho Đảng nó xơi, miếng ngon không biết đến. Mẹ mình ngoài công việc của nhà nước thì làm đủ các trò, kể cả đi làm vệ sinh tập thể để nuôi bọn mình ăn học.
Chính vì tuổi thơ hằn dấu ấn trong con người mình nên không còn cách nào khác là mình dùng thơ văn để giải toả, chứ nếu không, khổ mãi, tích tụ mãi thì chắc mình phải xé quần, xé áo, đi lang thang, hoá điên lên mất.”
Dùng thơ để trải nỗi niềm
Lớn lên trong nỗi uất hận, chị dùng văn thơ để trải nỗi niềm của mình vào đó như chị đã viết hai câu thơ đầu tiên vào năm 16 tuổi:
“Mẹ sinh con để làm chi, vô duyên con dễ tới khi bạc đầu. “
Hay những vần thơ ngậm ngùi cho tuổi thơ của mình:
“Tuổi thơ tôi đói nghèo cay đắng.
Căn nhà lá đơn sơ mẹ mòn mỏi hao gầy,
Măt trũng thâu đêm lồng chun cho mậu dịch.
Góp nhặt từng hào giải yếm dắt lưng.
Tuổi thơ tôi không đồ chơi bánh kẹo
Bên tiếng thở dài, cãi vã âu lo.
Mâm cơm dọn cặp mắt người mờ lệ
Bố vùi đầu sách vở đam mê…
Sau khi tốt nghiệp ưu hạng trường Đại học Hà Nội, năm 1988 chị đi dậy học ở Hà Tây. Những năm tháng này, chị lại càng chán ngán hơn bao giờ hết. Chị nói: “Từ năm 1988, mình đi dậy học, mình là một con lừa chở đầy kiến thức trên lưng, nhưng không được dậy cho học sinh, không được truyền tải cho học sinh. Cứ phải học thuộc lòng những câu như vẹt, đúng bài giảng sách giáo khoa, mà sách giáo khoa là do những ông ngồi trên Bộ, soạn thảo ra rất dốt nát…
Mình không được nói thật những cảm xúc, đồng lương thì kém, nên rất chán ngán…Hồi đấy, nhuận bút của mình nhiều hơn tiền lương, mặc dù nhuận bút của Việt Nam như nhuận tràng, rẻ như bèo, mình viết báo và cộng tác với hơn 80 tờ báo ở trong nước…
Khi chuyển sang cầm bút thức đêm, thức hôm nhưng mình lại không được nói thật lòng mình, mà phải viết ra những điều giả dối, ăn theo, nói leo các tư tưởng của Đảng, không được nói đến lòng dân.”
Sau khi lập gia đình với một thanh niên ở Hà Tây, những tưởng sẽ được cuộc sống bình dị như bao phụ nữ khác, nhưng số phận chị lại càng long đong hơn. Chồng chị bị thất nghiệp triền miên, đến nỗi chị phải than thở rằng: “Quanh năm ngày tháng viết lăng nhăng, nuôi đủ hai con với một thằng, chồng tôi đích thị là cây cảnh, cơm mưa lộc nước đến là căng.”
Không thể nào im lặng mãi
Rồi cuộc đời đưa đẩy, chứng kiến cảnh người dân bị ức hiếp càng ngày càng càng nhiều, chị không thể nào im lặng mãi. Chị tâm sự:
“Trong mình vẫn còn sót lại một chút quân tử, khí tiết nhà nho từ thời ông bà cha mẹ để lại, nên mình cũng đọc nhiều sách vở, mình thấy cái cảnh bất công là thấy lòng mình sôi lên sùng sục, không thể ngồi yên được,cánh đàn ông thì người ta bảo là “giữa đường gặp cảnh bất bình đâu tha”, mình chỉ biết nén ở trong lòng thôi.
Lần ấy, chị Phạm Trung Thu, ở Đà Lạt, tự thiêu trước vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Hình ảnh ấy rất thương tâm, chị ấy dội can xăng lên người, đưá con của chị ấy mới 2 tuổi, khi cả quầng lửa nó bốc cháy lên, đứa bé con, không biết bằng sức mạnh nào, nó lao từ trên tay của người đang giữ nó rất chăt, nó lao bằng được xuống chỗ má nó, và kêu lên “má… má …má cháy rồi, cứu má đi”
Chị Phạm Trung Thu còn bản năng duy nhất của người mẹ, chị ấy xô nó ra khỏi quầng lửa ấy rồi mới chịu gục ngã. Hình ảnh ấy trông rất xúc động. Thế là mình viết bài Buổi Sáng Kinh Hoàng, kể về sự tự thiêu của bà Phạm Trung Thu.
Sau đấy, bà con thấy có người xuất hiện ở vườn hoa, cũng là một sự lạ, thế là gọi điện thoại, nhờ mình. Mỗi một lá đơn là mỗi giọt nước mắt, và mình xác định nước mắt không phải là nước lã, đó là sự kết tinh rất mặn mòi day dứt mà mình thì không thể nào đi qua biển khổ nước mắt của bà con được. Cho nên, mình buộc phải bơi trong cả biển nước mắt ấy.”
Kể từ đó, người ta thấy nhiều bài viết mạnh mẽ tố cáo những việc làm sai trái của Đảng và nhà nước Việt Nam, nhất là trong việc lấy đất đai của dân. Dĩ nhiên, đời sống của chị không còn bình lặng nữa. Gia đình của chị bị ảnh hưởng nặng nề. Chị tâm sự:
“Ngày 31 tháng 8 mình xuất hiện chính thức với các tên Trần Khải Thanh Thuỷ, từ tháng 4 năm 2006 mình bị chúng nó bắt với tội danh có hành vi giết người, bọn công an nó dở hơi…Mỗi lần nó bắt thì nó lại vu cho mình, lần thì nó bảo buôn ma túy, lần thì nó bảo mình buôn bán phụ nữ trẻ em ra nước ngoài…xử dụng internet trái phép…
Sống trong lòng Cộng Sản thì “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, mình không thể dở dở ương ương được. Cái giá tự do đắt lắm. Mình cũnh tưởng phải chia tay với ông xã rồi, và hai đứa cũng ly thân 3 tháng. Sau đó thì ông ấy thấy rằng cũng không thể thay đổi được mình và không thể dứt bỏ gia đình được…
Và thế là quay lại sống với nhau và chấp nhận là đường ai nấy đi, không ai can thiệp với ai…Con bé mình mới có 3 tuổi, mình gửi con sang nhà bà cụ gần nhà, thế mà bọn công an cứ suốt ngày sang nhà bà cụ để hỏi han về mình. Trên đường đi của mình thì rất nhiều chân chó bám theo, đuôi chuột lấp ló ở trong đám đông, cứ ngồi ở đâu đấy là có cái lưng thứ hai áp vào đằng sau mình…
Nói chung, con bé con thì chưa nhận thức được, còn con bé lớn, sinh năm 1991, thì nó không thể nào chấp nhận được cảnh mẹ nó bị lôi ra đấu tố, hàng trăm người kéo đến nhà, nhẩy lên cái giường của nó, để nguyên cả giầy dép, làm sụp cả giường của nó. Nó thấy đó là hành vi rất côn đồ. Nó cũng biết rằng những bài của mẹ nó viết hoàn toàn là trung thực, không có gì là sai cả, không hề nói xấu…”
Chỉ có bản năng thúc đẩy
Khi hỏi chị điều gì đã làm cho chị tiếp tục can đảm, đứng lên bênh vực người dân thấp cổ bé miệng, tiếp tục bày tỏ quyền tự do ngôn luận, bất chấp nguy hiểm, chị nói:
“Khi mình lao vào công việc này thì mình cũng chẳng bao giờ nghĩ là mình làm cái gì đó đặc biệt cả, mình chỉ có bản năng thúc đẩy là thấy bà con khổ quá, không đành lòng đi qua cả bể nước mắt của bà con, phải bơi cùng với họ và thấy lòng mình thanh thản và nhẹ đi. Khi mình viết bài cho họ là mình viết bằng cả sự vật vã của tâm hồn mình.
Mình chỉ thấy là ngay cả con vật cũng cần phải có một cái hang động trú ẩn thế mà tại sao con người không có nổi cái nhà. Cái nhà của người Việt Nam thì ngoài sự che mưa che nắng, nó còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn. Nói chung nó rất thiêng liêng, đó là dấu nối hạnh phúc gia đình. Thế mà cứ dựng lên những siêu thị ảo, trung tâm ma, trung tâm lừa, để mà đẩy bà con ra đường.
Mình nghe một câu chuyện đúng là dở cười dở khóc. Một thằng cháu gọi điện cho người cậu bảo là “cậu ơi, họ lấy mất đất nhà mình rồi, bây giờ làm thế nào hả cậu?”
Ông cậu là người Hà Nội trả lời tỉnh bơ: “Thế thì mày chuẩn bị lên Hà Nội làm cửu vạn, con em mày thì chuẩn bị đi đánh đĩ, bố mẹ mày thì lên vườn hoa Mai Xuân Thưởng mà ngồi, mà chờ Trung Ương giải quyết, chứ nó đã lấy mất thì cái tiền đền bù có sống nổi 6 tháng không?”
Thực là một sự phũ phàng, mình không thể tin đó là sự thực rất đau lòng đang xảy ra ở nước Việt Nam và mình cũng chỉ biết thể hiện nó qua trang viết của mình thôi."
Hôm nay, khi được tin tổ chức Human Right Watch trao giải Hellman- Hammet, chị nói:
“Mình rất ngỡ ngàng, không tin đó là sự thực. Mình chỉ nghĩ là mình mới ra tranh đấu thôi, mọi người đều bảo mình dũng cảm, nhưng thực ra, cái mầm mống nổi loạn nó đã có trong mình từ lâu.
Bà con mình trông đợi mình như thế mình không thể nào làm gì khác. Nhiều người nhìn thấy nhưng không dám nói, thì mình nói ra những cái ttrung thực, nói thay cho nỗi lòng tâm tư của rất nhiều người ở trong nước.”
Quí vị và các bạn vừa nghe những lời tâm tình của nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Phương Anh, phóng viên đài RFA - 12/02/2007
Gửi ý kiến của bạn