BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39396)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bi kịch những số phận của nông dân miền Trung

28 Tháng Hai 200612:00 SA(Xem: 821)
Bi kịch những số phận của nông dân miền Trung
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Góp ý cho Đại hội Đảng X: Hãy để cho bà con xã Hiến Sơn được ngẩng mặt làm người?

 

Phóng sự điều tra của Nguyễn Thái Hoàng cùng các cộng sự Trần Hữu Sản, Hoàng công Khai, Hồ thị Bích Khương v.v... (1)

 










Người làm ruộng chính gốc, một nắng hai sương


Trong đơn tố cáo của công dân đại diện cho bà con nông dân trong xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An gồm: Ông Nguyễn văn Thanh, ông Trần Đăng Mậu, Ông Trần Hữu Sửu, Ông Phạm Văn Bộ, Ông Trần Đăng Kiên, Ông Nguyễn Trọng Hùng, Ông Trần Đăng Thìn, bà Phạm Thị Hoan và nhiều công dân khác (có danh sách và chữ ký kèm theo) có đoạn viết:

"Chúng tôi là người làm ruộng chính gốc, một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chỉ hơn con trâu, con bò hai cái tay, lại thua hai cái cẳng, mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tiền không đủ nộp cho các con ăn học. Từ năm 2003 đến nay, được tiếng nhà nước giảm thuế cho nhân dân nhưng Đảng uỷ xã Hiến Sơn chỉ đạo cho Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã ép buộc chúng tôi quá nhiều khoản. Cụ thể, tính trung bình mỗi một khẩu nhận ruộng phải đóng góp 200.000 đồng trên 1 sào (16 khoản các loại) trong điều kiện cả giống má cũng như vật tư đều cao, vì vậy cứ thu hoạch xong, treo hái là treo niêu, phải vay gia công theo lãi xuất cao: Cứ 1 tạ lúa mùa trước đến vụ sau phải trả thêm 170 kg".

Trong lúc người dân bị bóc lột đến mức phải ăn độn quanh năm đúng như câu vè dân gian: "Khoai khoai độn cơm, đã nhiều năm rồi, quê ta chẳng đổi thay gì?” (1) Thì cán bộ xã ai cũng có xe gắn máy đời mới, nhà cao cửa rộng, tiền tiêu như nước, còn cán bộ trong ban chấp hành Đảng uỷ ai cũng có sẵn nền nhà ở mặt tiền thị tứ. Điển hình nhất là ông Nguyễn Chương Huynh, lên làm chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đúng một khoá mà đã có tiền gửi tiết kiệm, tiền mua xe máy Dream 2, xây nhà và tường bao quanh vườn, cùng đầy đủ các đồ gia dụng khác như một lâu đài nguy nga bóng lộn, đồng thời nuôi 4 đứa con ăn học, mà vợ chỉ làm 6 sào ruộng khoán...

Bốn năm làm chủ tịch "thành tích" của ông Chương được thống kê như sau:

- Bán hết mấy chục ha gỗ bạch đàn của các cụ phụ lão trồng từ trước tới nay.
- Xây một ngôi trường trong 3 năm hết 900 triệu đồng.
- Xây một đài tưởng niệm liệt sĩ hết 120 triệu đồng.
- Dồn 7 phòng của trạm y tế thành 2 phòng (do đổ nát).

Tổng cộng tiền xây trường và đài tưởng niệm hết 1 tỷ 12 triệu. Trong đó cả xã gồm 1.800 hộ dân với 6.000 nhân khẩu đã đóng 648 triệu đồng, bán 41 nền nhà mặt đường được 492 triệu. Phạt lúa đối với những gia đình sinh đẻ quá kế hoạch 75 triệu đồng (5 tạ lúa). Chỉ cộng riêng ba khoản này số tiền đã hơn 1 tỷ 2, thừa chi phí cả trăm triệu đồng. Vậy mà trường xây xong bà con nhân dân còn phải è cổ ra đóng góp thêm 3 năm nữa mới đủ trả hết nợ (mỗi khẩu 30 kg thóc/năm).

Bao nhiêu khoản thu mà không có khoản chi, vậy mà lãnh đạo xã còn vay lãi ngân hàng hàng trăm triệu, vay trong dân với mức lãi xuất 3% một tháng trên 200 triệu đồng nữa. Cụ thể: Vay của hai anh Nguyễn văn Thanh và Nguyễn văn Danh (xóm Hoà Nam) 70 triệu, anh Phạm Văn Bộ và Trần văn Đồng (xóm Rú Đèn) 20 triệu, anh Phạm Văn Trưng (xóm Văn Đồng) 16 triệu, anh Nguyễn Dương Hàm (xóm Văn Thiên) 30 triệu, anh Trần Đăng Văn (xóm 30): 10 triệu v.v.

Tất nhiên những hộ cho Uỷ ban vay rất khó đòi nợ và lấy lãi, nếu không muốn lấy đất giá cao của xã bán lại, coi như mất trắng. Còn chấp nhận lấy đất theo giá của xã "chỉ đạo" trong khi thị trường nhà đất tiếp tục đóng băng, cả đống tiền đắp chiếu nằm đất , không biết sẽ tan vào trong đất, tan thành cát bụi khi nào? Chẳng khác nào ki cóp cho cọp xã xơi.

Ba cán bộ xóm gồm Trần Hữu Hoan (xóm Thanh Lương), Nguyễn Văn Thái (xóm Rú Hối) Nguyễn Quang Ân (xóm Văn Phú) cũng tham nhũng hàng chục triệu của dân. Trung bình một xóm 60 -150 hộ, cả xã 15 xóm là 1.800 hộ không biết mức tham nhũng trong suốt khoá của chủ tịch xã là bao nhiêu, phó chủ tịch và kế toán trưởng là bao nhiêu? Có tới số tỉ không, mà chỉ riêng khoản ăn chịu tại các quán cũng lên tới con số gần chục triệu đồng?

Qua giám sát của người dân trong xã, đứng đầu là các ông: Nguyễn văn Thanh, ông Trần Đăng Mậu, Ông Trần Hữu Sửu, Ông Phạm Văn Bộ, Ông Trần Đăng Kiên, Ông Nguyễn Trọng Hùng, Ông Trần Đăng Thìn bà Phạm Thị Hoan.v.v.. đã thống kê 50 mục bất hợp lý sau:

1. Kết dư ngân sách năm trước không đưa vào năm sau, hoặc chỉ đưa một phần nhỏ. Ví dụ: năm 2003 kết dư là 66 triệu 625 nghìn đồng, đưa vào năm 2004 là 6 triệu 325 nghìn đồng? Còn 90% số dư còn lại, kết vào túi ai, có trời mà biết?

2. Vay xi măng huyện về làm kênh mương nhưng không sử dụng hết, khi đưa vào các công trình khác như trường tiểu học của huyện, nhà truyền thanh của huyện, sân bê tông của huyện, lại bắt ép dân nộp mỗi khẩu 5.000 đồng để trả nợ cho huyện. Trong khi đó, năm nào dân cũng phải bỏ tiền đóng góp xây dựng kênh mương? Có phải quan xã định lấy lòng quan huyện, rút ruột dân không?

3. Tiền bán đất từ 2000 -2005 còn để ngoài ngân sách 100 triệu đồng, liệu có để vào trong túi lãnh đạo?

4. Kể từ 2000 đến nay UBND xã thu điện bơm nước của Hợp Tác Xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp là 570đ/kw, trả cho điện lực giá 360đ/kw, xã hưởng không 210đ/kw, mỗi năm thu chênh lệch 30 trệu đồng, tính đến 2005 là 150 triệu đồng. Khoản tiền này không có chỗ đứng trong ngân sách sẽ “tung tăng lêu lổng” ở đâu?

5. Từ năm 2003 mức đóng góp gấp 3 lần so với khi chưa giảm thuế (theo quy định của nhà nước). Vì vậy thà cứ giữ nguyên mức thuế như cũ mà giảm mức đóng góp, dân còn dễ thở hơn.

6. Khoản tiền tham nhũng từ năm 2001 đã được thanh tra làm sáng tỏ nhưng tới nay vẫn không chi trả cho ngân sách? Liệu có biến thành phong bì cho thanh tra như lời dân gian đồn đại không: “Thanh tra thanh mẹ, thanh gì, hễ có phong bì nó sẽ... Thank you?”

7. Tự tiện lập ban xoá tiền tham nhũng cho các đối tượng tham nhũng trong khi nhân dân các xóm đề nghị lập đoàn thanh tra về điều tra kinh tế lại không được chấp nhận? Phải chăng phép quan đã thắng lệ làng?

8. Tiền cán bộ xã tạm ứng trước sự chứng kiến của thanh tra là 126 triệu nay vẫn không chịu ứng ra để trả nốt, vậy thì nó đã bị hốt đi đâu? Ai là kẻ đầu têu chuyện này? Tạm ứng mà không tạm trả?

9. Sau khi Nguyễn Chương Huynh bị cách chức vì tội tham nhũng, UBND xã lại thông đồng với phòng tổ chức xí nghiệp 714 ( công ty xây dựng 71, trực thuộc Tổng công ty xây dựng Miền Trung) đưa Nguyễn Chương Huynh vào làm phó phòng tổ chức, cho nhận thầu 8 phòng học cấp I và cấp 2, không đảm bảo thiết kế, chất lượng, có khác gì đánh bùn sang ao? Họ lại làm vấy bùn lên mặt học sinh và phụ huynh học sinh, thay vì trước kia đã làm vấy bẩn 6.000 người dân trong xã?

10. Số tiền 82 triệu của sở điện lực đền bù và thanh lý cho dân sau khi bị phát hiện đã nâng vống giá lên (điện thắp sáng 900đ/ 1kw, kinh doanh: 1200đ /1kw, gấp 2 lần giá trần của sở điện lực tỉnh quy định) song Uỷ ban nhân dân xã không trả lại dân, cũng không đưa vào ngân sách. Vậy tiền chạy đi đâu? Những kẻ giật giây có ai bị giật điện không?

11. Ép buộc nhân dân đóng góp mỗi khẩu 30.000 đồng để làm tràn bàu trong khi chưa có bản vẽ và thiết kế cùng dự toán công trình? Chưa có thai đã đòi thu tã, có phải quan tham, dân thiệt không?

12. Không công khai khoản xi măng vay của huyện làm đường trong 4 năm (2000 - 2004) để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra mà cố tình ngậm miệng ăn tiền.

13. Lợi dụng chức quyền lấy tiền của nhà nước cụ thể: ông phạm văn Khôi chết ngày 24/04/2004, bảy tháng sau vẫn còn được phát lương. Một năm có vài chục người chết ăn lương như vậy không rõ khỏe ma, hay béo cán bộ xã? Sau này gặp lại ông Chương, xã biết ăn nói ra răng?

14. Cán bộ tư pháp lợi dụng chức quyền buôn bán bất hợp pháp: Giấy khai sinh, bản sao, giấy làm chứng khai sinh v.v. mỗi tờ thu từ 2000 -2500 đồng. Chưa kể còn hách dịch với nhân dân, theo kiểu vừa ăn cướp, vừa chặn họng.

15. Bán sổ hộ khẩu cho nhân dân quá cao (10.000 đồng) trong khi ngành công an bán 5.000 đồng. Số chênh lệch bỏ túi.

16. Thu lệ phí vay ngân hàng mỗi sổ 10.000 đồng, bỏ túi xã cả 10.000 đồng.

17. Tố cáo Thường vụ Đảng uỷ xã làm trái đường lối chính sách, đơn cử: 6 nền nhà mua từ năm 1996 (nay là khu vực thị xã Hiến Sơn), Thường vụ Đảng uỷ lại tự tiện cấp thêm mỗi nền 80m2, biến đất mua thành giá rẻ như cướp không, nhưng khi sang tay bán lại cho người có nhu cầu thì lại như... cắt cổ.

18. Thường vụ Đảng uỷ thông đồng khai thác 11 ha nhựa thông từ năm 2001-2004, mới đưa vào ngân sách 31.500.000 đồng, còn 22.500.000 đồng "dính" vào túi ai? Sao lại rơi khỏi túi của "ông" ngân sách?

19. Năm 2001 lâm nghiệp cho khai thác 40% trong số 2 vạn cây thông (đường kính từ 20 cm trở lên) Nhưng UBND xã đã cho khai thác 100% để ăn không 60% còn lại. Việc làm phản khoa học, phản môi sinh, môi trường này vì không ngăn chặn kịp thời đã làm cây chết trụi thùi lụi trong 2 năm. Chỉ cán bộ xã là sống trác táng trên 60% thu được.

20. Từ năm 1998 chưa xây dựng kênh mương, xã cho thu thuỷ lợi phí mỗi sào 20 kg thóc. Trong 8 năm xây dựng kênh mương (1998- 2005) mỗi khẩu đóng góp 120.000 đồng. Hiện nay kênh mương xây dựng xong rồi mà thuỷ lợi phí lại thu thành 33kg? Vậy "dựng" lên chuyện "xây" kênh mương để làm gì? Nếu không phải ăn chặn mọi khoản đóng góp của dân trong bao nhiêu năm qua?

21. Việc xây dựng kênh mương do Uỷ ban đảm nhiệm, còn thu thuỷ lợi phí lại do Hợp Tác Xã làm dịch vụ, khi thu không trích % khấu hao này cho nhân dân. Cụ thể năm 2005 thu 60 mẫu x 60.000/sào =360.000000, không kể 3 con đập do nhân dân đào trong 6 trạm bơm, cứ bắt dân phải è cổ gánh nặng?

22. Thường vụ Đảng uỷ xã chỉ đạo Hợp Tác Xã lên sai thuỷ lợi phí toàn xã năm 2005 khoảng 50.000. 000 đồng. Biết sai mà không trả cho dân. Chỉ tính riêng một xóm Hoà Triệu 12 mẫu x 60.000/sào đã mất 7.200.000. Cả xã 15 xóm, 6000 con người mất mát bao nhiêu? Lọt sàng xuống dân hay lọt sàng xuống...xã?

23. Trong khi nhân dân đang đói nghèo, UB xã làm nhà ăn uống 57 triệu (Tổng xi măng và tiền công 10.000.000 đồng, vật liệu gỗ hết 47 triệu) vậy chính quyền này có phải cho dân và vì dân như đài, báo, ti vi ca ngợi không ?

24. Quỹ nông dân xã năm 2000 còn xấp xỉ 80 triệu, 5 năm nay ai sử dụng? Lời lãi thế nào sao không quyết toán hàng năm cho dân biết, có phải định mập mờ đánh lận con đen không?

25. UBND xã thu lệ phí một chữ ký nộp 3.000 đồng, cả tháng số chữ ký là bao nhiêu? Một năm là bao nhiêu? Sao cán bộ xã thì béo tốt , hồng hào còn dân thì xanh bủng vàng ệch như tàu rau héo ? ăn bổng lộc sưu cao thuế nặng của dân chưa đủ sao còn cố tình ăn chẹn dân cả những trường hợp làm giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, xác nhận hồ sơ, khai tử v.v. như thế này nữa?

26. Anh đặng Văn Minh làm tư pháp nhưng không nhận đơn phản ánh khiếu tố của nhân dân với lý do: Phải thanh lý hết mọi khoản nợ ngân hàng mới được nộp đơn? Điều này đồng nghiã với việc dân chỉ biết cúi đầu, rụt vai, è cổ gánh nợ suốt đời chứ không bao giờ được phép phản ảnh bất cứ điều gì?

27. Tiền chi trả nợ cá nhân (2001-2004) không đúng như báo cáo của ban tài chính trước nhân dân. Cụ thể năm 2003 trả 28.170.000 đồng. Năm 2004 trả 28. 695.000 đồng.Tổng cộng 2 năm 2003 và 2004 đã trả hết 56.865.000 đồng, vậy trả cho ai? Chứng từ trả đâu? Sao số tiền này những hộ cho xã vay chưa được nhận một hào nào mà hàng năm vẫn báo cáo láo?

28. Số tiền 41.341.000 đồng ở mục thu khác (6 tháng đầu năm 2003) không đưa vào ngân sách, vậy nó theo cát bụi chân ai ?

29. Sân bê tông trường tiểu học xã nhân dân đóng góp 60 triệu, phụ huynh 20 triệu, ngân sách xã 52 triệu, huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, tổng thu 232.750.000đ. Tổng chi 159.462.200đ, còn dư 73.291.000đ để vào đâu? Sao không trả lại dân, hay san bớt vào khoản không tên khác do quan xã bổ đầu?

30. Một trăm bốn mươi ngàn không trăm bảy mươi bảy kg thóc(140.077) thầu ao hồ Bàu Tráng, UBND xã chưa đưa vào ngân sách (theo quyết định của UBND tỉnh , số 143và 3491) vậy nó đâu? Nếu lúa kia mà biết nói năng thì cả hai hàm răng của cán bộ xã có còn cái nào không ?

31. Các ông Trần Đăng Bình (bí thư đảng uỷ ), Nguyễn Thọ Xuân (chủ tịch) chỉ đạo các cán bộ các ban ngành làm nhiệm vụ sai trái với chủ chương đường lối pháp luật, tỏ thái đô coi thường, đe doạ dân, còn các ông Đặng Văn Hải, Đặng Văn Minh, Nguyễn Thọ Việt, Nguyễn Quang Dũng, quyết toán khống các công trình: kênh mương, đường điện xương cá các xóm với tổng số tiền là: 65.610.000đ (sáu lăm triệu, sáu trăm mười ngàn đồng) mà không hề xây, chỉ "dựng" việc bắt dân đóng góp theo kiểu nhà nước và nhân dân cùng ...làm giàu cho túi tiền của cán bộ xã.

32. Số tiền tỉnh và huyện hỗ trợ 5 năm trong quyết toán không rõ ràng? Dân chẳng biết đường mô mà mần?

33. Số vốn của Hợp Tác Xã nông nghiệp từ năm 2000-2004 còn mấy trăm triệu (trâu bò, kho tàng, cày bừa do nhân dân đóng góp) hàng năm sao không quyết toán. Cha chung không ai khóc, còn của chung thì ai hưởng?

34. Bốn nhăm triệu tiền mặt cuối năm 2004 của HTX nông nghiệp không công khai cho dân biết. Nhân dân đang xôn xao bức xúc vấn đề này.

35. Ban công an xã thu của công dân xóm Gia Khánh 13 bộ kích điện và phạt tiền vi cảnh mỗi hộ 50.000đồng nhưng không lập phiếu, hiện nay 13 bộ kích đó ở đâu? Số tiền có vào ngân sách xã không? Hay cán bộ xã cũng như cán bộ công an chuyên ăn tiền của dân?

36. Diện tích đất ở khu vực đất thị tứ, mỗi phần lấn ra 15m, hậu thanh tra năm 2001 đã làm rõ số người mua đất (chủ yếu là cán bộ xã) còn nợ 44 triệu nữa, gần 6 năm rồi số tiền đó vẫn chưa nộp hết, đề nghị thanh tra làm rõ

37. Nhiều cán bộ mua 2-4 suất đất bỏ trống không làm nhà. Nhưng nhân dân làm đơn 3-5 năm không được cấp bán. Hiện UBND xã bán vùng đất ở Cầu Xã 100 triệu để chủ lò lấy đất làm gạch, điều này chỉ lợi cho túi tiền của lãnh đạo xã mà hại cho con em nông dân muôn đời.

38. Phương án hộ của 15 xóm trong 5 năm qua, các khoản thu không đúng như báo cáo của Ban tài chính, tại sao lại ông chẳng bà chuộc như vậy ?

v.v... và v.v...

Tất cả là 50 mục, người viết bài này mới kê khai đủ 38 mục đã chóng mặt nhức đầu rồi. Xã ăn bẩn, Tỉnh làm càn, Trung ương vừa ăn vừa thu thuế thì hỏi người dân còn gì?

Trong ngàn vạn làng quê Việt Nam, xã Hiến Sơn chỉ là một, bị bóc lột tàn tệ đến mức ngay cả lớp sơn son “kinh tế phát tiển, tăng trưởng cao” hào nhoáng bên ngoài chỉ che đậy trơ trẽn và phũ phàng hình ảnh xác xơ tiêu điều của những làng quê nghèo đói, những kiếp người “ngẩng đầu lên chẳng thấy mặt trời, kiếp trâu cày chạy bữa đứt hơi, gãy xương sống, mòn vai cứ khổ…”.











“Ta nghe trong nớ, ăn cơm là chuyện lạ, chỉ khoai với cà nhá suốt quanh năm,… vì đời có Đảng, số kiếp ta cằn khô!” — Ảnh: Kirill Kireyev


Thân phận người nông dân đúng là không hơn gì thân phận của trâu bò, còn tệ hơn làm kiếp tôi đòi thời Pháp thuộc. Những Lý tưởng, Chánh tổng, Quan huyện, Quan Thái thú thời đại Hồ Chí Minh không những chỉ đè đầu cưỡi cổ họ, mà còn chặn đứng mọi phương tiện để sống, để làm con người, nếu họ không tuân phục hoặc chống đối.

Ngày xửa ngày xưa, nếu nhịn nhục vì miếng cơm manh áo, lấy lòng, hối lội một Lý trưởng là được yên thân. Ngày nay, nông dân trong một làng, xã phải gồng mình lo miếng cơm cho bản thân và nuôi một lô một lốc lũ quan tham trong hai bộ máy: Đảng uỷ và Ủy Ban Nhân dân, chưa nói tới vô số các hội đoàn lủng củng ăn theo.

Đây chính là kết quả tất yếu của đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam sau 20 năm đổi mới: Độc quyền hưởng lợi, độc quyền bóc lột, tự tung tự tác, ăn trên ngồi trốc, ăn bẩn ăn tham, một mình một chiếu, một mình vài chục niêu, khiến đời sống người dân liêu xiêu, cơ cực...

Hãy về nông thôn hay vùng núi xa, chúng ta sẽ thấy ngay sự “phát triển của đất nước” thông qua những hình ảnh các em bé trong độ tuổi... không được đến trường: bụng ỏng, đít beo, tóc cháy râu ngô, quần áo đứt khuy, bục chỉ, sờn rách, lòi ra cả một đống bụng nâu sỉn…

Chẳng hiểu người dân ngu ngơ có biết rằng lũ quan thời nay vay tiền tư bản vô tội vạ, tung ra cho “xây dựng đất nước” mười đồng thì chúng xơi mất chín? Ngoài nhà cửa, xe hơi sang trọng, phè phỡn tối ngày, chúng còn dư tiền dư bạc để sẵn sàng ném vào đỏ đen vài triệu đô la trong một tháng.

Trời hỡi trời có thấu chăng nghịch lý khốn nạn này! Miền Trung đã bao đời tận tuỵ, trung thành hy sinh cho Đảng. Những ngày nào sôi sục bài ca: “Hãy nghe công nông Nghệ An ta hỡi / Đời ta nghèo khổ đã nhiều rồi../ Dục lòng ta xông ra đánh Mỹ/ Cướp thời gian phá hết xích xiềng..”, hoặc: “Nước sông Lam biết khi mô cho cạn / Cũng như tinh thần cách mạng của dân ta…”.

Giờ đây, chúng biến thành tiếng kêu ai oán, bi kịch của những số phận muôn đời bị chà đạp, hết phong kiến, thực dân ngoại bang, thì đến thực dân Đỏ, qua lời bài hát được nhại lại: “Ta nghe trong nớ, ăn cơm là chuyện lạ, chỉ khoai với cà nhá suốt quanh năm,… vì đời có Đảng, số kiếp ta cằn khô!”

Hiến Sơn, Nghệ An, ngày 28/02/2006

Nguyễn Thái Hoàng

Trích DCVONLINE

1. Ngoài Nguyễn Thái Hoàng dùng bút danh để bảo đảm an toàn, các cộng sự là những người thật, tên thật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn