Lần cuối mà cô Lyubov Antipova nói chuyện với cha mẹ già của mình là gần hai tuần trước. Lúc đó mới nghe được những tin đồn về cuộc phản công của quân đội Ukraine, cô nói cha mẹ cần phải rời khỏi ngôi làng của họ ở vùng Kursk của Nga.
Nghe như mối đe dọa này có vẻ không thực tế – đất Nga chưa từng chứng kiến lực lượng xâm lược nào kể từ khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc – và từ khi có tin quân Ukraine đang tiến vào đất Nga, các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã mô tả là một “nỗ lực xâm nhập” đơn lẻ, vì vậy cha mẹ của Antipova, những người nuôi gà, heo trên một mảnh đất nhỏ, quyết định vẫn ở lại Zaoleshenka.
Rồi ngày hôm sau, Antipova nhìn thấy bức ảnh trên mạng về những người lính Ukraine chụp lưu niệm bên cạnh siêu thị và văn phòng của một công ty khí đốt. Cô nhận ra nơi này ngay lập tức: cha mẹ cô sống cách đó khoảng 50 mét.
“Suốt những năm xung đột, bố mẹ tôi không nghĩ rằng họ sẽ bị ảnh hưởng,” Antipova nói với tờ Observer qua điện thoại từ Kursk, cẩn thận tránh sử dụng từ “chiến tranh,” vốn đã bị cấm chính thức ở Nga. “Chúng tôi cứ tin rằng quân đội Nga sẽ bảo vệ chúng tôi. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên về tốc độ tiến quân của lực lượng Ukraine.”
Cuộc phản công của Ukraine vào Nga phơi bày sự tự mãn vô lý của các viên chức Nga trong việc phụ trách an ninh biên giới. Nhiều người dân địa phương cáo buộc chính phủ hạ thấp cuộc tấn công của Ukraine hoặc cố thông tin sai lệch cho họ về mối nguy hiểm.
Đến Thứ Sáu, quân đội Ukraine tuyên bố đã điều động khoảng 10,000 quân để chiếm khoảng 1,100 km2 của khu vực Kursk, chủ yếu xung quanh thị trấn Sudzha. Nếu đúng như vậy, cuộc tiến công này đã chiếm được nhiều lãnh thổ hơn số lãnh thổ mà Nga chiếm được ở Ukraine trong năm nay, theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh.
Quân Ukraine đã tiến vào Kursk, chạm mặt Alexander Zorin, người trông coi bảo tàng Khảo Cổ Học Kursk, tại một địa điểm khai quật ở làng Gochevo, nơi ông và các đồng nghiệp đã đào các gò chôn cất từ thế kỷ thứ 10 và thế kỷ thứ 11 vào mỗi mùa hè trong ba thập niên.
Zorin cứ nghĩ rằng tiếng vo ve của máy bay không người lái, máy bay phản lực và tiếng ầm ầm của pháo binh là chuyện thường ngày vì nhóm của ông đã chứng kiến một hoạt động tương tự trong hai mùa hè trước. Sudzha, tâm điểm của cuộc tấn công, cách đó 40km.
“Báo cáo tình hình của các viên chức Nga nghe không hề đáng sợ chút nào: ‘100 kẻ phá hoại đã vào’ – nhưng sau đó con số đó lại cứ tăng lên 300, 800… Không ai có thể hình dung được một bức tranh rõ ràng,” ông nói. “Chúng tôi quyết định rời đi chỉ sau khi nhìn thấy người dân địa phương đã được sơ tán khỏi đó, và bảo chúng tôi cũng nên đi.”
Nhiều người dân ở Kursk đổ lỗi cho chính phủ và phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã che giấu họ trước nguy hiểm chết người: Nơi sinh sống của họ đang chuẩn bị trở thành khu vực giao tranh. Người dân phẫn nộ chia sẻ thông điệp này trên mạng xã hội.
Nelli Tikhonova đã viết trên một nhóm Kursk tại trang web VKontakte rằng: “Tôi thậm chí còn không biết mình ghét ai hơn: quân đội Ukraine đã chiếm đất của chúng tôi hay chính phủ của chúng tôi đã để cho điều đó xảy ra.”
Vào tối Thứ Ba 13 Tháng Tám, khi quân đội Ukraine có mặt tại Sudzha, bản tin của Kênh Một, đưa tin quân đội Nga đã “ngăn chặn một cuộc vi phạm biên giới.”
Ngày hôm sau, Tổng Thống Vladimir Putin lên truyền hình liên tục nhắc đến “tình hình ở khu vực biên giới Kursk,” nhưng né tránh đề cập đến cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Nga.
Trong nhiều ngày, truyền hình nhà nước Nga phát sóng các bản tin quân sự, đưa tin về các cuộc tấn công thành công của Nga vào quân đội Ukraine ở “khu vực biên giới” mà không nêu rõ liệu quân đội nước ngoài có còn trên đất của họ hay không. Truyền thông nhà nước đã đưa tin về hoàn cảnh khốn khổ của hàng chục nghìn người Nga phải di dời đã rời bỏ nhà cửa trước khi bất kỳ cuộc di tản nào được tổ chức – nhưng truyền hình nhà nước chủ yếu gọi họ là “những người di tản tạm thời,” không phải là người tị nạn ở vùng đang giao tranh.
Các viên chức tình trạng khẩn cấp của Nga cuối cùng đã đưa ra con số 76,000 người phải di dời khỏi Kursk. Các cuộc không kích đã trở thành thường lệ ở Kursk, một thành phố có khoảng một triệu người. Nhưng chính dòng người Nga di cư đông đảo từ các khu vực biên giới đã khiến người ta nhận ra thực tế chiến tranh chỉ cách đó vài chục km.
“Những điều xảy ra trong hai năm rưỡi qua nhưng lần này, quy mô thì hoàn toàn khác,” Volobuyev nói. “Tôi làm việc ở trung tâm thành phố, và ngày nào tôi cũng thấy mọi người xếp hàng để xin viện trợ nhân đạo. Lúc này có quá nhiều người tị nạn, họ chẳng có gì cả. Mọi người phải chạy đi trong quần short và dép xỏ ngón.”
Volobuyev, người có vợ tình nguyện giúp đỡ những người phải di dời, và Antipova, người không được liên lạc với cha mẹ kể từ ngày xảy ra vụ tấn công, than thở về sự thất bại trong việc giúp đỡ những người tị nạn và ngăn chặn cuộc tiến công của quân Ukraine.
Điện Kremlin vừa dành ra 3 tỷ rúp (26 triệu bảng Anh) cho một tuyến phòng thủ ở khu vực Kursk, và một lực lượng phòng thủ lãnh thổ mới được cho là sẽ ngăn chặn đường tiến quân của Ukraine. Antipova nhớ lại đã nhìn thấy một số lượng lớn lính biên phòng trong chuyến thăm Sudzha gần đây nhất của bà vào Tháng Năm, nhưng nói một cách cay đắng về việc cộng đồng khốn khó ở đây phải góp phần nuôi quân đội Nga đồn trú ở đó.
“Người dân địa phương phải mang đồ tiếp tế. Tôi thực sự khó chịu khi chính phủ và quân đội cứ nói rằng quân đội có tất cả những gì họ cần – trong khi chúng tôi phải góp tiền mua máy bay không người lái và đồ lót cho họ,” Antipova nói.
Khi Sudzha bị mất liên lạc, Antipova đến các trung tâm tìm kiếm người tỵ nạn IDP ở Kursk để tìm cha mẹ mình. Liza Alert, một tổ chức từ thiện toàn quốc dành cho những người thất lạc thân nhân, cho biết vào Thứ Sáu 16 Tháng Tám, rằng họ đã nhận được thông báo tìm thân nhân của gần 1,000 người trong khu vực.
Điều cuối cùng Antipova nghe được từ ngôi làng là một người hàng xóm lớn tuổi cũng ở lại, điều này khiến cô hy vọng rằng người đàn ông đó và bố mẹ cô sẽ xuống tầng hầm và tránh tầm đạn bắn. Cô không mấy hy vọng vào phản ứng chính thức của chính quyền, mà nhiều người đều nói là “có một cuộc chiến tranh đang diễn ra, và các quan chức không làm gì cả.”
“Thật đáng sợ khi bạn thấy mình đơn độc và không có ai để nhờ cậy,” cô nói. “Những người tình nguyện đang làm việc. Không thấy chính quyền địa phương đâu cả.”
Tuấn Khanh (Theo SGN)