BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73356)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Công tử Bạc Liêu xưa và nay

02 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 951)
Công tử Bạc Liêu xưa và nay
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Công Tử Bạc Liêu ngày xưa

Thành ngữ “Công Tử Bạc Liêu” ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời đó, người Pháp sau khi ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ, do việc phân chia lại ruộng đất đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Thưở ấy, các đại điền chủ và hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn theo học ở các trường Tây, thậm chí còn cho các cậu du học tận bên Pháp. Hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường ăn chơi để thể hiện đẳng cấp của mình. Trong số những vị công tử ấy, không ai đủ sức xài tiền như các công tử Bạc Liêu. Thành ngữ “Công Tử Bạc Liêu” ra đời từ đó. Sau đó, thành ngữ này được dùng để chỉ Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng như vị công tử này. Công Tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy sanh năm 1900 và mất năm 1973, còn có tên tục là Ba Huy, là một tay chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940.

Ba Huy sống thật sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là Ba Huy ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi Ba Huy ở ngôi biệt thự của gia đình mà ở một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, Ba Huy ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ lỉnh kỉnh khác của mình.

Ba Huy rất ham vui, thích ăn chơi và thường ngụp lặn trong những bàn tiệc với rượu sâm banh. Mỗi chủ nhật Ba Huy đều đi nghỉ cuối tuần ở Vũng Tàu, Đà Lạt hoặc về Cần Thơ. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, có những khi ông đánh một cây bài 30,000 đồng, trong khi lúa chỉ 1.7 đồng một giạ và lương của Thống đốc Nam Kỳ lúc đó chưa tới 3,000 đồng một tháng.

Từ đó “Công Tử Bạc Liêu” trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp. Và từ đó “Công Tử Bạc Liêu” cũng trở thành một thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi.

Công Tử Bạc Liêu ngày nay

Đó là chuyện ngày trước. Ngày nay, chế độ “vô sản” CSVN sinh sản ra hàng loạt “công tử” và “công nương” bỏ xa Công Tử Bạc Liêu, về khả năng tài chính cũng như về mức độ ăn chơi và phóng túng.

Nói đến những Công Tử Bạc Liêu thời nay ở VN không ai không biết những tên như Võ Quốc Thắng gắn liền với Gạch Đồng Tâm hay Đoàn Nguyên Đức cùng Hoàng Anh – Gia Lai. Đoàn Nguyên Đức sẵn sàng hạ 5ha cao su trị giá 10 tỷ đồng để chuẩn bị xây học viện bóng đá, còn ông bầu Thắng đầu tư hàng chục tỷ đồng vào CLB đá bóng chỉ với mục đích quảng bá tên tuổi mình.

“Công Nương Bạc Liêu” Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàn Cầu, không phải là nhà sản xuất, kinh doanh như các vị Công Tử Bạc Liêu kia mà tài sản của Công nương chủ yếu là bất động sản. Chỉ riêng khu du lịch sông Lô (Nha Trang), khu đất hàng ngàn mét vuông tại đường Cách mạng Tháng Tám (quận 1, TP Hồ Chí Minh) và hàng chục dự án đất đai khác, giới kinh doanh bất động sản ước tính khối tài sản này của Công nương xấp xỉ 2,000 tỷ đồng.

Nếu như trước đây, giới doanh nhân chỉ cần có chiếc “xe con” là oai rồi, không quá quan trọng đó phải là của hãng nào, sang trọng hay bình dân, thì những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng của giới doanh nhân đã đổi khác. Không đơn thuần chỉ là phương tiện đi lại mà còn là thể hiện đẳng cấp đại gia. Đây chính là lý do để những con “ngựa sắt” tên tuổi như Maybach, Rolls-Royce, Bentley hay Aston Martin lần lượt lăn bánh về Việt Nam.

Xe “siêu sang”

Cuối năm 2006, thị trường xe hơi trong nước rộ lên phong trào sắm xe “siêu sang”. Mở đầu cho làn sóng sắm xe bạc tỷ trong giới doanh nhân Việt là bà Dương Thị Bạch Diệp, giám đốc Công ty TNHH địa ốc Diệp Bạch Dương. Không chỉ nổi đình nổi đám trong lĩnh vực bất động sản, đầu năm 2008, nữ doanh nhân này còn chơi nổi lấy tiếng bằng cách tậu riêng cho mình chiếc xe Rolls-Royce trị giá tới hơn 23 tỷ đồng. Chiếc xe được gắn biển tứ quý 77L-7777. Mã 77L thuộc tỉnh Bình Định, nơi chủ nhân chiếc xe này sinh ra và lớn lên. Công Tử Bạc Liêu còn sống chắc phải khóc thét vì “Công Nương Bình Định” này!


Chiếc Rolls-Royce Phantom 23 tỷ đồng của đại gia bất động sản Dương Thị Bạch Diệp mang bản số 77L-7777


“Công Tử Bà Rịa” cũng đâu chịu thua “Công Nương Bình Định”. Tháng 9 năm 2008, Lê Ân - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lê Hoàng (trụ sở đặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu) chính thức công bố chiếc xe hơi Rolls-Royce Phantom trị giá 1.54 triệu Mỹ kim (nếu tính cả thuế nhập khẩu trị giá 25.6 tỷ đồng) đã thuộc sở hữu của mình.

Đây là chiếc xe hơi sang trọng thứ 2 được tay chơi Lê Ân tậu trong năm. Trước đó, tháng 2/2008 tay này cũng đã tậu chiếc xe Mercedes AMG S63 trị giá gần 6.4 tỷ đồng VN.

Không thuộc dòng xe “khủng” (hoảng) như của tay chơi nữ Bạch Diệp hay của tay chơi nam Lê Ân, chiếc Bentley Continental Flying Spur màu đỏ của bà chủ hãng mỹ phẩm Shiseido VN Lê Hoài Anh cũng tạo nên cơn “địa chấn” trong giới doanh nhân. Do tính chất “kén người” của dòng xe siêu sang này nên chiếc Bentley Continental Flying Spur màu đỏ của bà chủ hãng mỹ phẩm Shiseido thuộc “hàng độc” lần đầu tiên có tại VN.


Chiếc Bentley Continental Flying Spur màu đỏ của bà chủ hãng mỹ phẩm Shiseido VN Lê Hoài Anh


Giới sành xe nhẩm tính một chiếc Bentley Continental Flying Spur đời 2008 nếu được nhập cảng theo đường chính ngạch thì sau khi cộng ba loại thuế nhập khẩu 60%, tiêu thụ đặc biệt 50% và VAT 10% sẽ có giá khoảng 448,773 USD, tương đương với hơn 7 tỷ đồng.

Xe bọc thép chống đạn

Tiền càng nhiều, mạng sống càng quý, các đại gia đã phải lo xa, nghĩ đến xe bọc thép chống đạn. Nắm bắt được nhu cầu đó, cuối năm 2007, 2 chiếc BMW X5 bọc thép đã được Công ty Cổ phần dịch vụ Thương mại và Đầu tư Thiên An nhập về với giá mỗi chiếc vào khoảng 320,000 USD. Một trong 2 chiếc “xe tăng” này đã có chủ ngay trong những ngày đầu mới nhập tịch. Theo tiết lộ của đại diện Công ty Thiên Ân thì chủ nhân của chiếc xe này là một “Công Tử Hà Thành”.

Chiếc xe chống đạn bọc thép này trị giá khoảng 320.000 USD


Xe được thiết kế với kính dày 20 mm bảo vệ người lái từ 4 phía để chống lại những kẻ bắn tỉa, những hiểm họa từ bên ngoài cho chủ nhân chiếc xe. Loại kính tổng hợp từ polycarbonate dày dặn có thể đương đầu với loại súng tiểu liên Magnum 44 hoặc súng trường cưa nòng bắn thẳng. Vỏ xe bọc thép, chống được súng tiểu liên Magnun 44, đạn nặng 15,6g, bắn ở khoảng cách tối thiểu là 5 mét, tối đa 120 mét với vận tốc 440 m/s. Lốp xe tiêu chuẩn Run-Flat chạy được 50 km liên tục với vận tốc 80 km/h ngay cả khi đã bị bắn thủng.

Phi cơ

Hết xe hơi rồi đến phi cơ. Năm 2008, ông chủ câu lạc bộ đá bóng Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức trở thành người Việt đầu tiên sở hữu phi cơ riêng. Thời điểm chiếc phi cơ riêng của bầu Đức có mặt ở VN, lãnh đạo một ngân hàng có tiếng cũng lên kế hoạch mua chiếc máy bay tương tự. Ông này đã nhờ đối tác lo thủ tục, tìm nguồn hàng và đã ứng trước tiền đặt cọc. Sau đó ông đổi ý. Gần 2 năm trôi qua, mơ ước sở hữu máy bay riêng vẫn còn nhưng vị tổng giám đốc này chưa dám thực hiện ý định.

Du thuyền

Sau “mốt” sắm xe hơi và máy bay riêng bạc triệu, nhiều đại gia ở VN nay chuyển sang “mốt” sắm du thuyền. Gần đây, theo VnExpress, Tổng giám đốc công ty Kềm Nghĩa Nguyễn Minh Tuấn vừa đặt mua từ Mỹ 3 du thuyền, trong đó một chiếc mua giúp người bạn trong ngành ngân hàng. Ông Tuấn xác nhận tin này với VnExpress và cho biết cả ba chiếc có thể về VN trong tháng 10.

Theo quy định hiện hành tại VN thì mua du thuyền hoặc máy bay riêng ngoài thuế nhập khẩu 10% và VAT 10% phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 30%. Tính như vậy thì nếu mua du thuyền trị giá $1 triệu, số tiền thuế phải đóng là $500 ngàn, bằng nửa giá trị chiếc du thuyền.

Ấy vậy mà những chiếc du thuyền của tay chơi Nguyễn Minh Tuấn chưa thể so sánh với chiếc du thuyền của vợ chồng diễn viên Diễm My mua với giá $2 triệu để “vừa phục vụ kinh doanh du lịch, và để gia đình đi lại.”


Chiếc du thuyền trị giá $2 triệu của vợ chồng diễn viên Diễm My. (Hình: VNE)


Trên đây chỉ là một số “công tử” và “công nương” tiêu biểu của triều đại mới. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Dân dã mà còn vậy thì các “quan lớn” của chế độ ra sao? Các quan kín đáo hơn nhiều. Không cần phải nhìn đâu xa, cái nhà thờ gia tộc ở Kiên Giang của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đáng giá hàng chục tỷ. Nếu chỉ căn cứ vào mức lương theo qui định của nhà nước thì hàng tháng ông chỉ nhận được chừng 5, 4 triệu đồng. Nếu có tính thêm tiền phụ cấp, tiền ăn trưa ở cơ quan nữa thì cũng chỉ chừng 6 triệu đồng mà thôi. Vậy thì cái nhà thờ họ của ông, khối tài sản kết xù của ông ngày nay, con cái ông du học bên Mỹ tiền ở đâu ra? Ông là người được Đảng giao cho làm trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng mà vậy, các ông “quan” khác thì sao!?

Cái mốc 30 tháng 4 1975 thật là ghê hồn. Sau ngày đổi đời này gia đình còn lại của Công Tử Bạc Liêu thứ thiệt lâm vào cảnh khốn khó, anh em và con cháu trong gia đình bỏ đi tứ xứ. Một người con của ông là Trần Trinh Đức phải trôi dạt lên Sài Gòn và sau khi cô con gái lớn của ông Đức bị lừa tình và mắc nợ, bị bệnh tâm thần phân liệt, phải bán nhà trả nợ, gia đình ông phải làm đủ thứ nghể để mưu sinh như bán giầy cũ, và chạy xe ôm. Trong khi đó thì triều đại mới sinh sản ra bao nhiêu là đại gia với khả năng tài chính vô cùng tận. Việt Nam ngày nay có giới tư bản đỏ sống đời xa hoa phóng túng, tậu nhà hàng triệu triệu Mỹ kim ở trong nước cũng như ở ngoài nước, có cấp lãnh đạo nhà nước với tài sản kết xù và có con cháu cán bộ cao cấp đua đòi với những chiếc xe hơi Rolls-Royce, Bentley loại hàng “độc” đắt nhất thế giới.

Chủ nghĩa Cộng Sản ngày trước phát triển mạnh nhờ chiêu bài “xóa bỏ giai cấp” để đưa đến thế giới đại đồng, nhưng ngày nay thực tế cho thấy hoàn toàn ngược lại. Không những không “xóa” mà còn “thêm” để cho sự cách biệt giai cấp ngày càng tệ hại hơn: giai cấp tham quan thì giàu nứt vách còn giai cấp nhân dân thì nghèo mạt rệp. Ở Việt Nam ngày nay người giàu không ít, giàu không thể tưởng tượng nổi, nhưng người nghèo thì quá nhiều và nghèo quá nghèo, nghèo đến khốn cùng. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi trên đất nước, ngày càng rõ rệt. Có vậy mới biết “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm”!!!

Trần Việt Trình

23 tháng 10 năm 2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn