Tướng Lê Văn Hưng khi còn là Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 5. (Ảnh do gia đình cung cấp- Rất tiếc chúng tôi không còn tấm hình nào khác trang trọng hơn) |
Rất tình cờ, ngày 2-7 vừa qua, tôi nhận được điện thoại của một anh Thương Binh báo tin vừa biết địa chỉ của bà vợ tướng Lê Văn Hưng hiện đang ở Sài Gòn. (Cũng xin nhắc lại, chuẩn tướng Lê Văn Hưng là một trong 4 vị tướng đã tuẫn tiết vào ngày 30-4-1975.) Thông tin này khiến tôi hơi ngỡ ngàng vì theo những tin tức mà tôi biết không được chính xác lắm thì gia đình đình tướng Hưng đã định cư tại Mỹ.
Sau đó anh Đoàn Dự điện thoại cho tôi xác nhận cũng được tin “bà quả phụ Lê Văn Hưng đang sống ở Sài Gòn” và một chi tiết quan trọng hơn là hiện nay gia đình đình bà đang sống rất cực khổ. Tất nhiên, tôi phải đi xác minh để tìm hiểu sự thật. Tôi liên lạc với anh Phúc (anh thương binh cụt hai dò, một trong số “ba người lính nhảy dù lâm nạn” mà tôi đã có dịp tường trình với bạn đọc). Anh Phúc cố gắng liên lạc với vài anh em thương binh khác để tìm người đưa tin.
Sau một hồi vòng vo rồi chúng tôi cũng tìm được người đưa tin, cũng là một trong số những anh em Thương Phế Binh (TPB), đó là anh Toàn, một anh TPB thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến mà dịp Tết năm vừa qua chúng tôi đã có dịp chuyển quà của độc giả đến giúp đỡ gia đình anh.
Buổi sáng ngày thứ năm 3-7, Đoàn Dự đón tôi đi tìm nhà anh Phúc. Những căn nhà của anh em TPB hầu hết đều nằm trong những hóc hẻm rất khó tìm. Cũng may anh Phúc được một người nhờ trông coi căn nhà trong cái hẻm nhỏ sát bên rạp hát Quốc Thanh. Gọi là căn nhà chứ thật ra đây chỉ là một căn phòng nhỏ hẹp bé tẹo nằm sát hông rạp Quốc Thanh, hồi xưa (trước năm 1975) được gọi là chung cư Quốc Thanh, do người chủ là bà Tiêu Thị Mai xây dựng để cho thuê. Sau năm 75 bà buộc phải “hiến” cho nhà nước để hy vọng … chạy cái tội là “địa chủ thành thị” bóc lột dân nghèo. Vài năm sau bà chết, ông chồng được “phân” cho ở một căn phòng trên lầu, đói rách tả tơi. Cuối cùng chung cư được bán cho những người chủ mới. Anh Phúc được một người chủ thương tình cho ở để trông coi nhà giùm. Được ở giữa trung tâm thành phố cũng là may mắn lắm rồi, nhưng cụt hai dò, đi trên hai chiếc ghế thấp bằng hai tay, bán vé số dạo lại cũng là một công việc hết sức nặng nhọc.
Khi tôi và Đoàn Dự đến nơi, anh Phúc lại phải điện thoại cho anh Toàn và một vài anh em TPB khác chờ chúng tôi ở một ngã năm dưới Gò Vấp. Hai chiếc xe gắn máy khởi hành trên những con đường Sài Gòn đầy rẫy những “lô cốt”, vào giờ nào đường cũng kẹt. Xe gắn máy lao lên hè phố gập ghềnh, nhào xuống khe, tha hồ thi tài lái khéo, chen lấn từ 1/4 cái bánh xe. Người Sài Gòn học được ở đây cái tinh thần “lao lên phía trước” bất chấp luât lệ, không biết nhường nhịn bất cứ ai, lịch sự văn minh là thừa.
Người vợ đầu của tướng Hưng
Hơn một tiếng sau chúng tôi mới tới được nơi hẹn. Hai anh thương binh ngồi chiếc xe gắn máy ba bánh, kiểu xe dành cho người tàng tật, dẫn đường. Đi vòng vo mãi gần 5 cây số mới đến đường Dương Quảng Hàm vẫn thuộc địa phận quận Gò Vấp. Chui vào con hẻm đường đất đá lởm chởm, chúng tôi mới tới được căn nhà tôn khép nép bên hai căn nhà đang xây chẳng biết của đại gia nào. Tôi đã quá quen với những căn nhà ở thật hay ở tạm của gia đình những anh em TPB rồi. Căn nhà nào cũng chui vào hóc hẻm như thế này cả.
Một người phụ nữ dáng người lam lũ lật đật chạy về. Anh Toàn giới thiệu đó là con gái lớn của tướng Lê Văn Hưng. Chúng tôi cùng vào căn nhà tôn mái thấp lè tè. Trong căn phòng chật chội, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một bà cụ già nằm ngay đơ trên chiếc giường nhỏ kê sát tường. Bà nằm im, mắt chớp nhẹ, nhưng có lẽ bà cũng không cần nhận ra ai, đến làm gì. Nhìn khuôn mặt bà trắng trẻo, phúc hậu như còn để lại “vang bóng” của một thời son trẻ với nhan sắc chắc là rất mặn mà. Anh Toàn giới thiệu nhỏ nhẹ:
- Đó là bà Mai, vợ của tướng Lê Văn Hưng.
Tôi vẫn cứ nghĩ trong việc này có điều gì mình chưa biết. Tuy nhiên, tôi cũng cúi đầu chào bà và biết chắc bà không còn đủ minh mẫn để nghe và trả lời nữa. Người con gái của bà mà chúng tôi đã gặp ngoài cửa, đỡ lời:
- Mẹ cháu yếu quá rồi, chẳng còn biết gì đâu.
Sau khi thăm hỏi qua về cuộc sống của gia đình. Tôi đi ngay vào công việc một cách thẳng thắn:
– Tôi nghe nói phu nhân của tướng Hưng đã định cư ở Mỹ rồi kia mà?
Người đàn bà ngần ngại gật đầu:
– Vâng, mẹ cháu là vợ trước của ba cháu. Có thể nói, đó là người vợ đầu tiên, kết hôn năm 1951. Hiện cháu còn giấy giá thú. Nhưng sau đó ba mẹ cháu ly dị. Mẹ cháu cũng tái hôn với một người khác. Nhưng cháu ở với bà nội (tức là mẹ của tướng Hưng- NV).
Người đàn bà có vẻ mặt khắc khổ đưa cho chúng tôi xem tờ giấy giá thú được lập từ năm 1951 bằng tiếng Pháp trong đó ghi rõ ngày tháng kết hôn là:30-10-1951 giữa ông Lê Văn Hưng và cô Nguyễn Xuân Mai tại Bình Hòa, Gia Định. Và dòng cuối cùng ghi rõ là vợ chính thức (Première range).
Người con gái đầu lòng
Nhưng dù có thế thì sau khi đã ly dị, bà Mai đã có gia đình khác. Chỉ còn lại một người con gái là người đàn bà đang ngồi trước mặt chúng tôi. Chị cho tôi xem một Thẻ Căn Cước được cấp từ thời trước 75 và một tờ khai sinh. Trong đó ghi chị tên Lê Ánh Tuyết, năm sinh 1952, là con của ông Lê Văn Hưng và bà Nguyễn Xuân Mai. Như thế chị Tuyết là con đầu lòng của tướng Hưng. Chị cho biết:
– Sau khi bố mẹ cháu không còn sống với nhau nữa, cháu về ở với bà nội cho đến khi lớn. Thường mỗi tuần cháu được đón lên ở với bố cháu. Vì thế các anh sĩ quan làm việc với bố cháu biết cháu rất nhiều. Nhất là Trung Úy Phúc và Trung Úy Nghĩa là Sĩ quan tùy viên của bố. Cháu ở với Bố và Bà nội cho đến khi bố cháu tự sát tại Cần Thơ.
Chị Tuyết đưa cho chúng tôi xem tờ Giấy Xác Nhận của Trung Úy Phúc, trong đó ghi:
“ Tôi là Đoàn Ngũ Phúc, sinh năm 1945…. Trước ngày “giải phóng” tôi là Sĩ quan tùy viên của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng. Lúc ấy là Tư lệnh phó Quân Đoàn IV tại Cần Thơ.
Tôi xác nhận Chuẩn tướng Lê Văn Hưng đã tự sát chết lúc 21 giờ tối 30-4-1975 tại tư dinh ở Cần Thơ. Và ngày 01-5-1975 chính tôi cùng gia đình Chuẩn Tướng đã chôn cất ông tại Cần thơ.
Tôi xin chịu trách nhiệm về lời xác nhận trên.
Ngày 6-11-1989”
Sau đó Trung Úy Phúc đi định cư tại Mỹ. Từ Savannah, Trung Úy Phúc có viết thêm một giấy xác nhận khác chi tiết hơn và lời lẽ hùng hồn, khảng khái hơn. Ông cho biết rõ đã làm việc với Tướng Hưng từ năm 1972 khi ông giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ binh. Sau đó ông được cử làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV bên cạnh Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Hai vị này tỏ ra rất tâm đầu ý hợp. Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát ngày 1-5-1975 (sau Tướng Hưng 1 ngày).
Trung úy Phúc cũng nói rõ “con cháu của các vị đó xứng đáng được hưởng sự giúp đỡ thiết thực qua chương trình ODP… Cô Lê Ánh Tuyết là một ưu tiên”.
Căn nhà mái tôn, nơi bà Mai đang sống những ngày cuối đời |
Mẹ tướng Hưng cũng tự tử
Nhưng không hiểu tại sao chị Lê Ánh Tuyết không đi được. Có lẽ phần khác vì còn bà mẹ già không ai phụng dưỡng. Chị có gia đình nhưng không có con và người chồng của chị bệnh tật nhiều nên cuộc sống rất khó khăn. Mẹ chị phải ở nhờ người con dâun vợ của người con trai sau này, chị Tuyết vẫn là người hàng ngày trông nom săn sóc mẹ.
Chị kể lại một chi tiết rất xúc động. Khi được các anh trong Quân đoàn báo tin Tướng Lê Văn Hưng tự sát, bà nội của chị - mẹ của Tướng Hưng - đã ngất đi và sau khi chôn cất con trai xong, bà âm thầm uống thuốc tự tử. Việc này chị Tuyết biết rất rõ vì chị sống bên cạnh bà nội suốt từ bé đến lớn (22 năm). Cho đến khi Bố và Bà Nội mất chị mới trở lại sống với mẹ cho đến nay.
Ngay trước mặt là căn nhà 3-4 tầng của một đại gia nào đó đang xây |
Hiện chị Lê Ánh Tuyết ở tại số 25/510 Q, Phường 16, Quận Gò Vấp,TP.HCM.
Điện thoại 9846212 - nhờ nhắn giùm chị Tuyết.
Chúng tôi hỏi hiện nay chị sống ra sao. Chị chỉ lắc đầu, buôn thúng bán bưng được đồng nào hay đồng ấy. Chị cũng cho biết hàng năm cứ đến dịp 30-4 chị thường nhận được sự giúp đỡ của Hội Sĩ Quan HO từ Mỹ gửi về. Mỗi năm 500 USD, thường gửi làm hai ba lần và đề tên bà quả phụ Lê Văn Hưng, song thật ra là để giúp đỡ chị. Nhưng năm nay chị Tuyết không nhận được. Tôi đã giúp ngay chị 100 USD, đó là số tiền của các vị đã nhờ chúng tôi giúp đỡ anh em TPB và người nghèo khổ.
Một hội đoàn giúp hàng năm 500 USD là số tiền không nhỏ. Xin thành thật tri ân những bạn đồng ngũ đã tận tâm giúp đỡ thân nhân những người còn ở lại. Thật ra số người đó là rất nhiều, nhất là những anh quân nhân vốn trước đây đã nghèo, bây giờ lại càng nghèo. Họ không thuộc diện “gia đình chính sách”, không thuộc diện được ưu tiên nên đành chỉ trông vào sức lực của chính mình mà thôi. Còn những anh em Thương Phế Binh càng bi đát hơn. Nhưng không thể biết hết và không thể giúp hết. Tuy nhiên biết được người nào giúp người đó vậy.
Thông tin về sự giúp đỡ TPB
Nhân ở đây tôi cũng xin thông tin về một số vị đã nhờ chúng tôi giúp đỡ anh em Thương Phế Binh (TPB) trong thời gian vừa qua.
Một người bạn cùng khóa với tôi, anh Đặng Hữu Thắng đã gửi 2.000 USD để một nửa giúp anh em TPB, một nửa giúp 1 người nghèo làm nhà tình thương. Chúng tôi đã giúp cho một gia đình ở Lộc Ninh làm một căn nhà khang trang và mua thêm đồ dùng trong gia đình. Và 1.000 USD giúp anh em TPB ở xa Sài Gòn.
Ô bà Trần Văn Trí ở Montreal - Canada qua ông Đỗ Đức Ngọc gửi giúp 300USD.
Anh chị Hoàng Đình Hoạt ở San Jose gửi 200 USD, giúp gia đình anh TB Dương Quang Trung ở Huế. Chúng tôi đã gửi cho cháu Dương Thị Hoa và cháu đã nhận được. 100 còn lại vừa giúp cho chị Lê Ánh Tuyết.
Anh Phạm Thông chủ nhiệm báo Con Ong ở Houston chuyển 300 của một vị độc giả báo Con Ong và chính anh PhạmThông cũng gửi thêm 200USD để giúp anh em TPB.
Ngoài ra còn một hai vị không tiết lộ danh tính nên chúng tôi xin tôn trọng không nêu tên ở đây.
Tất cả những số tiền đó đã được chuyển đến anh Trưởng làng TPB và đại diện anh em TPB để chọn ra ưu tiên cho những anh em ở xa Sài Gòn đã và sẽ được giúp đỡ cũng như gặp tình trạng khẩn cấp.
Trong dịp vừa qua chúng tôi đã cử một anh TPB đi Huế và Quảng Trị để xác minh và mang quà đến tậy tay từng tay từng anh em TPB cần được giúp đỡ. Trong đó có danh sách của chị Trần Mộng Tú gửi cho tôi gồm 17 anh em ở Quảng Trị và 4 anh ở Huế.
Sau đó còn giúp thêm 5 anh em ở Long An và Sài Gòn. Trong thời gian này anh Giáo (Làng TPB Thủ Đức và Hàm Anh) cũng tiếp tục giúp những anh em mới biết hoặc những người gặp hoàn cảnh cấp bách như đi bệnh viện cấp cứu, tử vong…
Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ những anh em khác mỗi khi cần thiết.
Xin cảm ơn những tấm lòng nhân ái của quý vị.
Văn Quang
06/07/2008
Gửi ý kiến của bạn