BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vì sao Thiếu Tướng Quắc và hai nhà báo bị khởi tố?

18 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 1244)
Vì sao Thiếu Tướng Quắc và hai nhà báo bị khởi tố?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Dư luận tại VN đang nóng bỏng về chuyện một thiếu tướng đã từng giữ những chức vụ quan trọng tại Bộ Công An và hai nhà báo của hai tờ nhật báo lớn nhất tại VN vừa bị khởi tố và tạm giam trong tuần vừa qua.









Ông Phạm Xuân Quắc, Thiếu tướng, nguyên Trưởng ban chuyên án PMU 18 vừa bị khởi tố

Hầu như tất cả những tờ nhật báo tại VN đều lên tiếng trước những diễn biến có thể nói là “giật gân” đến kinh ngạc này. Thế nhưng cũng cần nói thẳng một sự kiện khác là chỉ trong vòng 2-3 ngày, từ 12-5 đến 15-5 các phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ vào cuộc thì đến những người gần đây, hầu như tất cả lại đều im lặng, không một nguồn tin nào mới được tiết lộ, không một bài nào dù chỉ là đưa tin khách quan đều không thấy xuất hiện trên mặt báo, kể cả hai tờ báo có ký giả “ruột” của mình bị bắt. Có chăng chỉ là một hai bài báo nói xa nói gần về những chuyện xảy ra tận bên Tây, bên Đức về những tấm gương sáng của những nhà báo can đảm không khuất phục trước bạo lực hoặc vào ngày thứ bảy 17-5, một lá thư nhẹ nhàng của báo Tuổi Trẻ cảm ơn bạn đọc đã “quan tâm chiếu cố” đứng bên cạnh nhà báo.

Tất cả những điều tôi tường trình với bạn đọc ở đây là những nhận xét không phải của tôi mà là của hầu hết những người đọc báo tại Việt Nam. Người ta chưa hiểu hết vì lý do nào ông thiếu tướng và hai nhà báo kia bị bắt. Và cũng chưa hiểu được lý do nào đến nay lại đồng loạt “im hơi lặng tiếng”.

Do đó trong bài này tôi tường trình với bạn đọc những sự việc xảy ra để bạn đọc có được thông tin chính xác, tránh “tam sao thất bản” như những tin đồn hoặc những suy luận chưa có cơ sở vững chắc.

Hai nhà báo và một thượng tá CA bị bắt

Chiều 12-5, Cơ quan An ninh điều tra (A24- Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam thời hạn 4 tháng đối với 2 nhà báo liên quan đến việc đưa tin về vụ án tiêu cực ở Ban Quản lý các dự án giao thông 18 (PMU 18).

Hai nhà báo bị bắt tạm giam là Nguyễn Việt Chiến (SN 1952) – phóng viên nhật báo Thanh Niên và nhà báo Nguyễn Văn Hải (SN 1975) – Phó trưởng Văn phòng đại diện nhật báo Tuổi trẻ tại Hà Nội.

Theo quyết định khởi tố bị can, Cơ quan An ninh điều tra cho rằng 2 nhà báo này đã có hành vi lợi dụng nhiệm vụ thu thập thông tin về vụ án “Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc”; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa nhận hối lộ; Tham ô tài sản tại PMU 18” đang điều tra.

Do đó, A24 đã khởi tố nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 Bộ Luật Hình Sự (BLHS).

Cũng cần nói thêm là trước đó, năm 2007, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra về 2 hành vi “Lợi dụng tự do báo chí…” theo Điều 258 BLHS và hành vi “Tiết lộ bí mật điều tra…”.

Theo nguồn tin của chính những tờ báo này, nhà báo Nguyễn Việt Chiến là phóng viên nội chính lâu năm của báo Thanh Niên tại Hà Nội, đã từng theo dõi, thông tin hàng loạt vụ án lớn trong nhiều năm qua như vụ Vũ Xuân Trường, vụ Khánh “trắng”, Phúc “bồ”, vụ án Năm Cam… Nhà báo này cũng là thành viên Hội Nhà văn VN và đã từng phục vụ trong quân đội, làm việc tại báo Thanh Niên từ năm 1993.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải cũng là một phóng viên nội chính lâu năm của báo Tuổi trẻ, từng đoạt Giải A Giải báo chí toàn quốc 2003 về Loạt bài “Cơm tù” trên báo Tuổi trẻ.

Cùng ngày 12-5, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với thời hạn 4 tháng đối với thượng tá Đinh Văn Huynh – điều tra viên cao cấp, nguyên trưởng phòng 9 Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14 – Bộ Công an). Thượng tá Đinh Văn Huynh là chỉ huy đơn vị nghiệp vụ trực tiếp điều tra, phá các vụ án nói trên liên quan đến PMU 18.

Một ngày sau thiếu tướng Nguyễn Xuân Quắc bị khởi tố

Ngay chiều hôm sau, 13-5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14) Bộ CA, về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 281 BLHS

Đầu giờ chiều 13-5, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc được người nhà chở bằng xe máy đến trụ sở Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ CA (số 7 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) để nhận quyết định khởi tố bị can.

Khác với ông Huynh và hai nhà báo Việt Chiến, Văn Hải, tướng Quắc chưa bị khám xét nhà riêng và bắt tạm giam. Khoảng 15 giờ chiều hôm đó, ông Quắc đã được người nhà đưa trở lại nhà riêng trên phố Đào Tấn, Hà Nội.

Sáng cùng ngày, Bộ CA cũng đã đưa ra phát ngôn chính thức về việc khởi tố hai cựu quan chức C14 và hai nhà báo. Theo đó, Bộ CA cho rằng trong thời gian điều tra vụ án “Bùi Quang Hưng, Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn tổ chức đánh bạc và đánh bạc”, vụ “Cố ý làm trái, đưa nhận hối lộ, tham ô tài sản tại PMU 18” đã có nhiều báo đưa tin liên quan đến quan chức tiêu cực, tham nhũng, tham gia chạy án, hối lộ...

Trong đó, có một số thông tin không đúng sự thật, có thông tin đang trong thời gian điều tra, có thông tin không có trong hồ sơ vụ án.

Bộ CA cũng cho biết, cơ quan ANĐT đã xác định việc đưa không đúng sự thật của vụ án là do một số quan chức điều tra tra và một số phóng viên thực hiện. Đó là lý do tướng Quắc, thượng tá Huynh cùng hai nhà báo Việt Chiến, Văn Hải bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Ông Phạm Xuân Quắc sinh năm 1946, quê Thanh Hà, Hải Dương. Trước khi lên làm Cục trưởng C14, ông Quắc là Phó Giám đốc, Trưởng Cơ quan CSĐT CA tỉnh Hải Hưng (nay là hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên).

Sau 12 năm làm Cục trưởng C14, tháng 12-2006, ông Quắc nhận quyết định nghỉ hưu trong lúc vụ PMU 18 do ông làm Trưởng ban chuyên án còn đang dang dở.

Ông cũng làm Phó ban chuyên án cho tướng Nguyễn Việt Thành trong vụ án triệt phá “ông trùm” Năm Cam.

Trước khi chỉ đạo điều tra vụ PMU 18, cơ quan này đã tóm gọn các băng tội phạm khét tiếng Dũng "chim xanh", Hoàng "lựu đạn" và mới đây nhất là phá vụ án Hai Chi (Bình Thuận.)

Ông Phạm Xuân Quắc nói gì?

Ông Quắc cho rằng bản thân mình đã có hơn 40 năm công tác, cống hiến trong ngành CA và ông khẳng định mình không có bất cứ hành vi phạm tội nào theo như xác định của Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Bộ CA.

Nói với phóng viên báo chí chiều 13-5, ông Phạm Xuân Quắc cho biết, buổi làm việc của ông với Cơ quan ANĐT Bộ CA chiều diễn ra khá chóng vánh, chỉ trong khoảng 15 phút.

Trước đó, ông Quắc cũng từng bị cơ quan điều tra triệu tập một số lần, để thẩm vấn về việc cung cấp thông tin cho báo chí xung quanh chuyên án PMU 18.

Sau khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can, ông Quắc cho biết đã ghi lại ý kiến của mình vào biên bản của Cơ quan ANĐT.

Hàng chục nhà báo đã từng bị gọi lên cơ quan điều tra

Liên quan đến vụ án này, từ tháng 5-2007, trong khi điều tra các vụ án tiêu cực liên quan đến PMU18 do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14, Bộ Công an) thụ lý bước vào giai đoạn kết thúc, hàng chục phóng viên của các báo từ Trung ương đến địa phương đã được mời lên cơ quan An ninh điều tra để trả lời câu hỏi về việc lấy thông tin từ đâu, kiểm chứng như thế nào đối với các thông tin mà cơ quan chức năng cho rằng sai sự thật.

Hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến cũng ở trong tình trạng đó và vào ngày 12-5 đã có mặt tại trụ sở cơ quan An ninh điều tra theo yêu cầu của cơ quan công an. Tại đây, các điều tra viên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và đưa hai nhà báo về nhà riêng và trụ sở văn phòng đại diện để khám xét.









Nhà báo Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Văn phòng đại diện nhật báo Tuổi trẻ tại Hà Nội

Về nhà báo Nguyễn Văn Hải:

Tại nhà riêng nhà báo Nguyễn Văn Hải, việc khám xét kéo dài khoảng 30 phút, cơ quan điều tra thu giữ một CPU máy tính, một điện thoại và một số tài liệu liên quan. Tại văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, việc khám xét kéo dài đến hơn 19g, cơ quan công an cũng thu giữ một CPU máy tính cùng một số tài liệu liên quan. Tương tự, tại nhà riêng của nhà báo Nguyễn Việt Chiến và trụ sở báo Thanh Niên tại Hà Nội, cơ quan công an cũng thu giữ một số tài liệu, giấy tờ và CPU máy tính.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã mời luật sư Trần Văn Tạo tham gia tiến trình tố tụng bảo vệ quyền lợi cho nhà báo Nguyễn Văn Hải.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải năm nay 33 tuổi, 12 năm với nghề báo, bút danh N.V.Hải trên báo Tuổi Trẻ gắn liền với hàng loạt vụ án lớn như vụ Thủy cung Thăng Long, vụ tham nhũng ở dự án Mường Tè, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ tiêu cực dầu khí, vụ tiêu cực ở Thanh tra Chính phủ, vụ tiêu cực ở ngành hàng không, vụ tham nhũng đất đai Đồ Sơn, vụ án ở PMU18...

Theo lập luận của báo Tuổi Trẻ, trong thời gian thông tin về vụ án tiêu cực ở PMU18, báo Tuổi Trẻ có một số thông tin không chính xác và ngay sau đó đã cải chính kịp thời trên mặt báo, có tin cải chính tới hai lần. Những sơ suất này đều được Ban biên tập Tuổi Trẻ rút kinh nghiệm sâu sắc ở các khâu, trong đó có vấn đề tỉnh táo, thận trọng, tránh nôn nóng khi đưa tin về các vụ chống tham nhũng.

Bản thân nhà báo Nguyễn Văn Hải cũng đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời giúp đỡ rất hiệu quả đối với các đồng nghiệp trong mỗi bản tin đưa lên mặt báo.









Nhà báo Việt Chiến, phóng viên lâu năm của báo Thanh Niên tại Hà Nội

Về nhà báo Nguyễn Việt Chiến

Theo báo Thanh Niên, phóng viên Nguyễn Việt Chiến là người có nhiều bài viết về chống tham nhũng, từng góp phần làm rõ, đưa ra công luận nhiều vụ án nóng như vụ Năm Cam, vụ cầu thủ bán độ, vụ Khánh trắng, vụ lấn chiếm xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ...

Những thông tin mà PV Nguyễn Việt Chiến có được đều từ các nguồn tin có căn cứ, nguồn tin từ cơ quan điều tra, từ Viện Kiểm sát... mà phóng viên này đã xây dựng suốt hơn 10 năm làm mảng nội chính của báo Thanh Niên. Mục đích phóng viên viết bài hoàn toàn trong sáng.

Còn về hậu quả, nếu vụ án PMU 18 có oan sai, có làm dư luận hiểu sai về một số cán bộ, cơ quan nhà nước thì lỗi đó trước hết thuộc về những người từ cơ quan tố tụng đã cung cấp thông tin cho nhà báo. Không thể vì có oan sai mà đổ hoàn toàn lỗi này cho các nhà báo. Và nếu như trong thời điểm nào đó các nhà báo có sai sót, thì các cơ quan chức năng có thể góp ý rút kinh nghiệm trên tinh thần đồng đội cùng chiến hào chống tham nhũng, chống tiêu cực.

Những phóng viên trong suốt 2 năm qua đã dự rất nhiều cuộc họp với các cơ quan của Bộ Công an, nhưng chưa có cuộc họp nào nhắc nhở kịp thời về những thông tin sai (nếu có).

Trước khi bị đưa đến nơi tạm giam, nhà báo Nguyễn Việt Chiến vẫn khẳng khái: "Tôi không có tội gì, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời hai luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình".

Báo Thanh Niên hoàn toàn ủng hộ và sẽ đứng bên cạnh nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong cuộc đấu tranh này.

Những phóng viên khác có chùn chân?

Đó là những lý lẽ hai tờ báo đã nêu ra. Việc khởi tố, bắt giam hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã thực sự gây rúng động làng báo và dù muốn dù không cũng gây ra một tâm lý ngại ngùng cho bước đường làm nhiệm vụ của mình. Những phóng viên được coi là “sừng sỏ” cũng phải chùn bước, suy nghĩ lại về thái độ của mình trong những bài viết chống tham nhũng, làm thế nào để tìm ra đúng sự thật được “kiểm chứng” chống lại bọn quan tham có quyền hành, vai vế trong xã hội. Nhà báo viết hôm nay, ngày mai có thể trở thành nạn nhân. Nhà báo Bùi Thanh đã viết:

“Đồng nghiệp đó đang trả giá cho những dòng tin của mình về vụ PMU18 - một vụ án chưa kết thúc và đang có những diễn biến kỳ lạ... Qua vụ án này nhà báo đã trở thành nạn nhân.

Và thật khó hiểu, khi hai nhà báo này bị khởi tố theo điều 281 bộ luật hình sự: "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Và điều 281 này nằm trong mục A chưong XXI về các "tội phạm tham nhũng" (!!?). Thật kỳ lạ!

Tổng số đã có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18, đăng trên gần 100 tờ báo, trong đó có một số bài có thông tin không chính xác đăng trên khoảng hơn chục tờ báo, thậm chí có cả bài báo sai sự thật. Trong năm 2007 và đầu năm 2008, đã có hàng chục phóng viên bị gọi lên lấy lời khai tại cơ quan an ninh điều tra (trong đó có cả phóng viên trong ngành công an)….

Bên cạnh đó, đã có rất nhiều nhân vật thuộc nhiều cơ quan, nhiều từng lớp khác nhau từ đại diện Hội Nhà Báo, đại biểu Quốc Hội, luật sư, những nhà trí thức đến độc giả lên tiếng và tất cả đều tỏ ra bất ngờ, kinh ngạc, thậm chí bị “sốc” vì nguồn tin này.

Tôi chỉ xin tường trình tiếng nói của bạn Ngọc Hà (Gò Vấp), một độc giả thuộc tầng lớp trung bình trong xã hội đã có so sánh ví von rất bình dân:

Sao lại giết "Lục Vân Tiên"?

“Mở đầu ngày mới tôi thật sự ngỡ ngàng với tin hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị bắt. Họ bị bắt với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Thật bất ngờ! Họ lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiến đấu chống tham nhũng, không vụ lợi cá nhân. Gần đây, biết bao vụ án tham nhũng được phanh phui mà khởi nguồn từ những bài viết của báo chí, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của hai nhà báo đã bị bắt.

Tất nhiên trong quá trình điều tra viết bài của báo chí, không tránh khỏi đôi khi có những thông tin chưa thật chính xác, bởi báo chí không phải là một cơ quan chuyên về điều tra, xét hỏi. Hãy thử làm một sự liên tưởng rằng, nhà báo khi viết bài chống tham nhũng trong vô vàn thông tin đúng tạo dư luận tốt để phanh phui vụ án, có một vài thông tin chưa chính xác thì bị khởi tố, bị bắt giam, trong khi có biết bao vụ án phải trả hồ sơ điều tra lại, biết bao phiên tòa xét xử mà án xử sau đó không cùng kết quả với án xử ban đầu, đã có ai bị khởi tố, bị bắt giam?

Tất nhiên so sánh nào cũng đều là khập khiễng, nhưng những người dân chúng tôi luôn xem những nhà báo chống tham nhũng là những "Lục Vân Tiên" của thời hiện đại. Nhờ có họ xã hội mới tốt đẹp thêm lên, nhờ có họ mà bọn sâu mọt hại dân hại nước bớt lộng hành. Tại sao lại đi giết "Lục Vân Tiên" và làm chùn bước của nhiều "Lục Vân Tiên" khác?

Một loạt câu hỏi chưa có lời đáp mong sớm được làm sáng tỏ để "Lục Vân Tiền" không giết chết "Lục Vân Tiên".

Trên đây tôi đã tóm tắt chính xác nội dung sự việc đang làm chấn động dư luận trong những ngày này. Chính sự im lặng gần như khó hiểu của hầu hết những tờ báo trong mấy ngày qua càng làm cho sự việc trở nên khó hiểu hơn và càng khiến cho mọi sự đoán già đoán non trở nên sôi nổi rồi chẳng ai đưa ra được lời giải nào chính xác. Báo chí có lý lẽ riêng của mình, thì cơ quan điều tra cũng có lý lẽ của mình. Số phận của những người bị bắt và bị khởi tố ra sao, mọi sự thật đang chờ được giải thích thỏa đáng.

Văn Quang
18/05/2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn