BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mốt chơi sang của “đại gia” và “đại quan”

29 Tháng Ba 200812:00 SA(Xem: 1064)
Mốt chơi sang của “đại gia” và “đại quan”
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nói đến chuyện tham nhũng ở Việt Nam là điều “hơi bị thừa” - theo ngôn ngữ ngày nay nhập cảng từ Hà Nội - theo ngôn ngữ của người Sài Gòn tức là “thừa quá xá”. Nhưng không nói thì ấm ức, bởi sự tham nhũng quá trắng trợn, coi pháp luật như không có, coi người dân như cái kho vô tận để tha hồ đục khoét bằng mọi mánh lới, từ ấu trĩ đến tinh vi siêu hạng. Ở bất cứ địa hạt nào cũng có thể “vồ” được. Ấy vậy mà theo báo cáo về tham nhũng toàn cầu năm 2007: Chỉ có "14% người VN phải hối lộ khi tiếp cận dịch vụ”


Trong báo cáo của tổ chức Minh Bạch thế giới (TI) công bố ngày 6-12, tỉ lệ "chung chi khi đi dịch vụ” của VN ở mức trung bình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tỉ lệ cao nhất là Campuchia (72%), Pakistan (44%), thấp nhất là Đại Hàn và Nhật Bản (1%). TI không đưa ra tỉ lệ này ở Tân Gia Ba và Thái Lan.


Bạn muốn tin vào báo cáo này hay không là tùy bạn. Riêng tôi nghĩ, nếu bạn hỏi 100 người dân ở TP. Sài Gòn, câu trả lời sẽ khác hẳn. Có thể các nhà “nghiên cứu” này đã hỏi những người VN… trên biển, đi suốt tháng chẳng gặp dịch vụ nào.


Nhưng thôi, đó là chuyện “thế giới”, thế giới thật chứ không phải “thế giới ảo”.

Hàng xịn không bằng hàng hiếm


Chuyện nóng bỏng nhất tại Việt Nam trong tuần đầu tháng 12 này đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm, hay nói đúng hơn là người dân đang phẫn nộ là chuyện một ngài tổng giám đốc của một cơ quan nhà nước xài sang từ trong văn phòng đến ngoài đường phố toàn bằng tiền nhà nước. Mánh lới của ngài Tổng chẳng có gì là xuất chúng, cũng chỉ là những chuyện “vặt vãnh” thường ngày như khá nhiều những ngài tổng giám đốc hoặc giám đốc khác đang tại vị mà thôi. Thí dụ cái xe ngài Tổng đi mần việc hàng ngày, cái nhà vợ con ngài Tổng đang ở, cái văn phòng ngài Tổng vẫn lo “phục vụ đất nước” một cách “tích cực, tận tụy”, một lòng hy sinh cho nhân dân, cho tổ quốc! Nhưng tất cả những thứ bình thường đó phải khác thường, phải là đồ xịn, phải làm sao cho đáng mặt ông tổng giám đốc một đại cơ quan.


Đến đây, cũng cần phải nói thêm rằng ở Việt Nam bây giờ, những người được gọi là đại gia, đều rất chú trọng đến cái bề ngoài. Từ cái nhà, cái xe hơi đến những vật dụng trang trí trong nhà, những đồ dùng lặt vặt như cái điện thoại, cái laptop, cái đồng hồ… đều là những thứ tính bằng ngàn đô trở lên. Những thứ mà ngay các vị có tiền ở nước ngoài cũng chưa chắc đã “dám chơi”. Dân “cậu” Sài Gòn - Hà Nội chơi tuốt. Săn lùng mà chơi, chơi hàng xịn chưa bằng chơi “hàng độc”. Nói rõ hơn là hàng đắt tiền chưa sang bằng hàng quý hiếm. Chơi không đụng hàng, không đụng mốt, không ai có, để chứng tỏ “đẳng cấp” của mình.


Các đại gia làm ăn lương thiện hoặc ít ra là chơi bằng tiền của nhà mình thì đó là quyền của họ, làm ra không ăn tiêu thì để làm gì. Dù ngày nay khó mà nói rằng các đại gia kiếm ra bạc tỉ không dính líu tí ti nào đến những vụ làm ăn mập mờ. Thậm chí có những người nói thẳng, ở cái xứ này, không chạy chọt, không đi cửa sau thì không giàu được. Ở đây tôi không đề cập đến những vị đó, tôi muốn nói đến các ngài giám đốc, tổng giám đốc xài “tiền chùa”, tiền của dân. Vậy để phân biệt rõ ràng xin gọi là các “đại gia” và “đại quan”.


Từ lối sống đó của cha anh, các cô chiếu cậu ấm, thậm chí chưa phải là con ông cháu cha, cũng “thấm nhuần ngay tư tưởng vĩ đại” này đua nhau thời mốt. Vì thế nên tội phạm lứa tuổi “nhóc con” ngày càng nhiều. Hiện tượng này tôi sẽ tường trình vào một dịp khác.

Cái xe hơi của ngài Tổng


Trở lại với chuyện ông Tổng đang làm dư luận “sốt tiết” trong những ngày vừa qua. Đó là ngài tổng giám đốc tổng công ty Vật Tư Nông Nghiệp Trần Văn Khánh thuộc Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn (một số Bộ ở VN hơi phí phạm từ ngữ, có cái tên dài thoòng như cái bộ NNPTNT này, có thể gọi ngắn gọn là Bộ Nông Nghiệp cũng đã đủ. Phát triển nông thôn chỉ là một chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông Nghiệp. Ngay cả Bộ Giáo Dục Đào Tạo thì hai chữ đào tạo cũng là thừa, bởi đào tạo là một nhiệm vụ của giáo dục. Còn nhiều cơ quan có những cái tên loằng ngoằng nữa, tôi không thể kể hết ra đây. Đã thế, nhiều văn bản, nhiều bản tin lại thích viết tắt đến nỗi chính những người đọc ở VN cũng chẳng hiểu nó là cái cơ quan quái quỷ gì, các bạn ở nước ngoài thì “ngẩn ngơ” là cái chắc).


Xin nói tiếp về ngài Tổng Trần Văn Khánh. Thật ra vụ này đã lùng bùng từ đầu tháng 8-2007. Nếu nhìn sâu hơn, xa hơn, có thể nó đã âm ỉ từ vài ba năm nay, bởi có tới hơn 20 đơn thư tố cáo của chính những nhân viên làm việc tại tổng công ty Vật Tư Nông Nghiệp này, với 7 tội tày đình khác nhau, rải rác gửi lên Bộ và nhiều nơi khác. Nhưng chính thức được dư luận đặt vấn đề từ tháng 8-2007.

Bắt đầu bằng chuyện cái xe hơi


Xin nhấn mạnh rằng ở VN lúc này cái xe hơi chính là bộ mặt của từng quan chức. Và cái thú chơi ngông của các đại quan cũng đang rất thịnh hành. Nó thịnh hành ngay từ thời ông Nghiêm còn làm chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Chiếc xe đã được các bác nông dân tính toán cẩn thận, có trị giá bằng 3.000 con trâu.


Chiếc xe BKS 31C - 5888 nhãn hiệu Lexus sê ri LS 430. Vào năm 2003, khi còn làm chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên đã chỉ thị cho văn phòng UBND TP Hà Nội sắm chiếc xe nói trên. Mục đích của việc mua chiếc xe này là để chủ tịch UBND TP Hà Nội sử dụng mỗi khi đón tiếp các quan khách quốc tế cho xứng vị thế của thủ đô.


Tuy nhiên sau đó, ông Hoàng Văn Nghiên thường xuyên sử dụng chiếc xe này ngay cả khi không có quan khách quốc tế viếng thăm, hiên ngang đi giữa lòng thủ đô Hà Nội cho ra vẻ “ông chủ tịch đi làm việc nước”.


Đây là một thí dụ điển hình cho những sự lợi dụng “nhỏ” của các đại quan mà thường chẳng ai dám nói. Nó lại trở thành một chuyện dĩ nhiên phải như thế. “Ngày xưa”, thời ông Nghiêm, đã vậy, ngày nay chắc cũng chẳng khác là bao.


Chiếc xe Lexus LS 430 do ông Hoàng Văn Nghiên từng sử dụng được tính toán trên sổ sách là 4,037 tỷ đồng khi mua, bây giờ theo sổ sách kế toán, nó trị giá 2,422 tỷ đồng, tức là mất đứt nửa giá. Tất nhiên “nhà nước và nhân dân cùng chi” cho cái khoản này. Nhà nước thì tiền trong kho bạc, còn anh nông dân mất đứt 1.500 con trâu. Bằng số trâu của cả một huyện đấy.


Học tập tấm gương chơi ngông ấy của đàn anh, dù đã bị người dân căm ghét, ngài Tổng Khánh chơi kiểu khác.


Đúng theo quy định, chức danh tổng giám đô'c chỉ được mua xe có mức giá tối đa 450 triệu đồng. Nếu thuê xe để phục vụ công tác cho các chức danh này, cũng chỉ được thuê loại xe tương đương. Và theo giá cả thị trường thời đó, thuê loại xe này trên thị trường, mức giá cũng chỉ khoảng 15-20 triệu đồng một tháng.

Cả một “tập đoàn chơi ngông”


Đã có quy định như vậy, nhưng từ tháng 5-2003 đến tháng 9-2006, Ban Giám Đốc tổng công ty đã không mua xe theo tiêu chuẩn mà đi thuê 3 chiếc Mercedes loại 5 chỗ ngồi để phục vụ tổng giám đốc và các thành viên Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) với giá từ 45-48 triệu đồng/tháng (chưa có VAT và chi phí xăng dầu, bảo dưỡng, sửa chữa) với tổng số tiền thuê xe đã thanh toán lên tới 3,7 tỉ đồng.


Riêng chiếc Mercedes mang biển số 14NN-206 28 thuê từ tháng 10-2003 đến tháng 9-2006 dành riêng phục vụ đưa đón Tổng Giám Đốc Trần Văn Khánh được thuê với giá 48 triệu đồng một tháng (tính cả thuế VAT, xăng xe và phí bảo dưỡng sửa chữa, khoảng hơn 5 triệu đồng). Số tiền công ty đã thanh toán thuê chiếc xe này là 1,8 tỉ đồng. Còn hai chiếc Mercedes khác mang biển số 29S-8819 và 29N-6066 được sử dụng phục vụ chủ tịch Hội Đồng Quản Trị và các quan lớn khác của tổng công ty cũng đã tiêu tốn hết số tiền khoảng 1,89 tỉ đồng.


Cũng từ năm 2003 đến năm 2007, tổng công ty Vật Tư Nông Nghiệp (VTNN) còn thuê mua 5 chiếc xe hơi khác, trong đó có một chiếc Toyota 2 cầu mua vượt tiêu chuẩn 270 triệu đồng và một chiếc Toyota 4 chỗ mua vượt tiêu chuẩn 79 triệu đồng.


Như thế không chỉ một mình ngài tổng giám đốc, mà có tới cả một tập đoàn được gọi là “lãnh đạo” của tổng công ty cùng nhau xài sang, cùng nhau ngồi xổm lên sự nghèo đói của nhân dân, bất chấp luật pháp. Thói thường, ở một cơ quan đã có một vị “thủ trưởng” chấm mút thì những chân tay đắc lực cũng nhúng chàm. Có kéo bè kéo cánh, sự gian lận mới được bảo vệ tối đa.


Công nhân viên tép riu cứ việc xầm xì, thiên hạ cứ việc trắng mắt ra mà chửi lén, chẳng ăn thua gì. Nghe sốt ruột quá, ông phó thủ tướng phải trực tiếp ra lệnh điều tra, những bê bối kinh hoàng của Ban Giám Đốc tổng công ty VTNN mới bị phơi bày ra ánh sáng.

Biến nhà của nhà nước thành nhà mình


Kể hết những “thành tích to lớn” về tài “xoay xở” của ngài Tổng Khánh và những tay chân của ngài, chắc phải cả một cuốn sách dày mới hết. Chỉ xin tường trình sơ lược về vài ngón chấm mút trắng trợn mà thôi. Thật ra chiêu võ công sơ đẳng này chẳng phải chỉ mình ông Tổng Khánh biết sử dụng, đã có khối vị xuất chiêu rồi và hầu như đều mang lại chiến thắng vẻ vang, êm ru bà rù cho đến tận ngày nay, chẳng ai có hơi sức đâu mà thống kê, truy cứu. Khi đã biến thành nhà ta, ta cứ ở. Thậm chí nhà đi “vồ” cũng cứ ở. Có vị ngỏm củ tỏi rồi, để lại cho con cháu, nhà ta ta cứ xây, cứ bán vài ngàn cây vàng là chuyện hàng ngày.


Riêng ông Tổng Khánh, ngay sau khi được điều động từ Hải Phòng về Hà Nội bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc tổng công ty Vật Tư Nông Nghiệp (VTNN), ông Khánh đã gấp rút cho xây công trình "nhà khách" trên nóc khu tập thể hai tầng cũ (số 16, đường Ngô Tất Tố, quận Đống Đa, Hà Nội) có tổng diện tích 220m2 bằng tiền của tổng công ty: Để phục vụ đón khách từ các công ty trực thuộc về tổng công ty công tác.


Nhưng vừa xây dựng xong, ông Khánh đã họp "hội đồng" cơ quan rồi ra quyết định cấp luôn căn "nhà khách" đó cho cá nhân ông Khánh và tài xế kiêm trợ lý, với lý do "mới nhận công tác chưa có chỗ ở".


Khi ông Khánh đã mua được nhà riêng ở phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội, ông vẫn không trả "nhà khách" cho tổng công ty mà giữ luôn đến tháng 7-2002 thì ông Khánh "hợp thức hóa" việc sở hữu căn nhà này bằng việc quyết định mua lại căn nhà theo Nghị Định 61/CP.


Hiện căn nhà rộng này còn thừa chỗ nên ông Khánh đem cho mượn (hay cho thuê dưới danh nghĩa cho mượn, cũng như nhau). Trắng trợn đến như thế thì còn gì để bàn? Nhưng phía sau “sự cố” này, còn biết bao nhiêu căn nhà được “hợp thức hóa” như vậy nữa? Câu hỏi này khó tìm ra lời giải, bởi nó tùm lum tà la quá rồi, tìm không nổi. Vả lại đi tìm lại đụng chạm lung tung, nên “quên nó đi” là thượng sách.

Tiền tiếp khách một ngày hơn 6 triệu đồng


Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty VTNN là doanh nghiệp nhà nước này được coi là "một mình một chợ" với doanh thu bình quân hàng năm hơn 2.200 tỉ đồng, nhưng tiền lời thao sổ sách, thu được chỉ vài trăm triệu (?).


Tổng công ty này tận dụng tối đa là mọi nguồn lợi nhuận đã được ông Khánh "đổ" hết vào khoản... tiếp khách. Chỉ tính từ năm 2002-2006, riêng khoản tiếp khách của tổng công ty này đã hết gần 8 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận đã nộp thuế rồi của tổng công ty trong khoảng thời gian đó chỉ được 4,3 tỉ đồng.


Tính ra mỗi tháng, tổng công ty tiếp khách từ 91,5 - 171,6 triệu đồng. Nếu tính theo ngày làm việc thì trung bình tổng công ty tiếp khách hơn 6 triệu đồng một ngày. Theo bảng thống kê, chi phí tiếp khách cao nhất của tổng công ty là năm 2004 đã chi tiếp khách hết 2,060 tỉ đồng, thấp nhất là năm 2002 với 1,098 tỉ đồng.


Tiền tiếp khách không nói rõ khách nào, gồm những vị “tai to mặt lớn” nào. Cho nên cứ mờ mờ nhân ảnh, chia nhau đút túi.

Cái “sân sau” là cái gì?


Trước hết xin giải thích rõ hơn về cái “sân sau”. Một doanh nghiệp “cha chung không ai khóc” làm ăn độc quyền bề thế, thường có những công ty mẹ, công ty con núp đằng sau để rút ruột nhà nước một cách hợp pháp. Trên danh nghĩa họ là những công ty tư nhân, nhưng tư nhân này là vợ con, anh em, họ hàng nhà ông Tổng hoặc “Ban Lãnh Đạo” tổng công ty. Để tránh tiếng, có thể mượn tên anh tài xế, chị lao công làm giám đốc công ty. Chuyện này xảy ra như tổ ong trong rừng. Cho nên khối anh đạp xích lô, khối chị bán hàng rong cũng có tên làm giám đốc một cái công ty nào đó.


Giả dụ như ở một bệnh viện, cái sân sau là những nhà thuốc quanh đó, những nơi cung cấp dịch vụ độc quyền, trao đổi thuốc men, vật liệu, dụng cụ y khoa. Bóp cổ cả ngân sách nhà nước đến những bệnh nhân cùng khổ.


Chẳng thiếu gì những cái sân sau như thế đã và đang hoạt động âm thầm, hàng ngày có những nguồn lợi vô cùng to lớn.


Một nhân viên trong tổng công ty VTNN đã tố cáo rõ: Trong hai năm 2002-2003, chỉ với việc kinh doanh 6 tàu phân bón, đã có dấu hiệu rút ruột, tham nhũng gần 17 tỉ đồng. Theo nhân viên này thì tổng công ty là đơn vị có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, xung quanh việc kinh doanh này luôn có bóng dáng các "doanh nghiệp sân sau".


Tổng công ty nhập phân bón về, núp dưới hợp đồng ủy thác hoặc hợp đồng mua-bán phân bón, bán nguyên cả tàu cho doanh nghiệp sân sau. Sau đó, tổng công ty lại mua lại chính số phân bón đã bán đó và bán ra cho các doanh nghiệp trực thuộc và khách hàng ngay tại lan can mạn tàu nhập khẩu. Với cách làm này, doanh nghiệp sân sau không mất một đồng chi phí nào nhưng lại ôm trọn được khoản lãi cực kỳ lớn.


Chỉ 6 tàu phân bón đã “lượm” được 17 tỉ đồng thì từ ngày ngài Tổng Khánh và tập đoàn lãnh đạo của ngài đã “quơ” bao nhiêu tỉ? Với số tiền đó, mỗi quan có thể mua được cả cái máy bay đi du lịch, chứ nói gì đến mấy cái xe hơi. Cứ hỏi xe hơi hàng triệu USD nhập về Việt Nam bán cho ai? Câu hỏi có vẻ là hơi thừa. Những chủ nhân đầu tiên chưa chắc đã là chủ nhân thật. Chủ nhân thật đứng ở phía sau.


Và cũng đừng hỏi tại sao dân VN chúng tôi người nghèo thì càng nghèo và người giàu thì càng giàu. Câu hỏi làm sôi máu những dân Việt dù bất cứ ở đâu.

Hàng chục cái sân sau khác nữa


Ngoài ra ông Tổng và cái tập đoàn của ông còn “phù phép” hàng chục vụ làm ăn mập ú khác nữa. Ông Khánh có quan hệ với các tội phạm trong các vụ án kinh tế như Epco Minh Phụng, ngân hàng Việt Hoa để trục lợi cá nhân, khiến tổng công ty thất thoát hàng trăm tỷ đồng.


Điển hình nhất trong việc này là việc quản lý, sử dụng khách sạn 120 Quán Thánh (Hà Nội). Sau khi tiếp nhận của công ty đầu tư tiếp thị, Tổng Giám Đốc Trần Văn Khánh đã đầu tư trên 2 tỉ để sửa sang, nâng cấp. Sau đó, tổng công ty đã đem cho công ty Thương Mại - Du Lịch Thành Lợi thuê với giá 50 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả giá công ty Thành Lợi cho tổng công ty này thuê xe Mercedes (với giá 52 triệu đồng/tháng)!


Sau khi cho đơn vị này thuê, tổng công ty còn tiếp tục thanh toán hộ cho đơn vị này hơn 4 tỉ đồng tiền...nâng cấp, sửa chữa. Như vậy chỉ việc cho thuê khách sạn trên theo "giá bèo", ngân sách nhà nước đã bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng, bỏ túi các quan bao nhiêu, khó mà biết được.


Rồi những lem nhem như trong dự án mua 10,2ha đất khu đô thị ở thành phố Hải Dương của công ty Thương Mại Và Du Lịch Nam Cường. Dự án 18ha đất tại khu đô thị Nhơn Trạch - Đồng Nai. Quản lý sử dụng nhà đất tại 28 bis Mạc Đĩnh Chi-TP Sài Gòn… Mỗi dự án tính sơ sơ cũng có vài chục tỉ đồng.

Đến phòng làm việc "hoành tráng"


Lại cũng là cái mốt của rất nhiều phòng làm việc, phòng họp riêng, phòng họp chung của nhiều cơ quan nhà nước, đáng lẽ phải giản dị đủ tiện nghi để thừa hành công vụ thì bây giờ lại có xu hướng “thi đua” làm cho thật đẹp, thật sang với lý do là phải tiếp khách ngoại. Bàn ghế chạm rồng, trổ phượng là chuyện thường thấy, còn đủ kiểu bình hoa, lọ cổ, tranh sơn dầu, sơn mài cầu kỳ, salon bảy tám chục triệu, máy lạnh vù vù kể cả khi “thủ trưởng” đi công tác vắng. Tất cả chỉ để khoa trương sự “văn minh” của ngài giám đốc.


Một phóng viên đến thăm phòng làm việc của ông Tổng Khánh đã mô tả: “Phòng làm việc của ông Khánh toát lên vẻ quyền uy của một ông "tổng" ở công ty 90, từ chiếc đèn chùm hàng chục triệu đồng, tấm thảm nhung đến những bức phù điêu... đều được trang trí cầu kỳ và có họa tiết lạ mắt. Toàn bộ căn phòng từ tủ, tường, bàn ghế cho đến trần nhà đều được ốp bằng gỗ quý. Trong vòng 2 năm trở lại đây, ông Khánh liên tục cho người sửa chữa, cơi nới, khoản tiền dành cho hai lần sửa chữa gần đây nhất theo một số nguồn tin ước tính vào khoảng 2 tỷ đồng, tương đương chi phí xây một căn biệt thự".


Ông Khánh nổi tiếng là người yêu hoa. Trên bàn làm việc của ông luôn có một lọ hoa với đủ 100 bông hồng đỏ thắm. Và hóa đơn thanh toán tiền hoa của ông tổng luôn được tính vào tiền công ty. 100 bông hồng này phải bảo đảm độ tươi khỏe và theo một số nhân viên, ông sẵn sàng vứt bỏ cả lọ nếu phát hiện một bông có dấu hiệu xuống sắc.


Ông Lê Thiên Long, thành viên Ban Kiểm Soát của công ty - người đứng đơn tố cáo sếp Tổng, nhận xét: "Tôi chưa thấy một vị lãnh đạo nào lại chơi ngông và xài sang như ông Khánh. Thậm chí nhiều đoàn nước ngoài đến làm việc nhìn căn phòng cũng phải thốt lên đầy sửng sốt".

Thanh tra kiểu bao che


Những sự việc trên đây đã quá rõ ràng, tưởng không còn bịt mắt ai được nữa. Nhưng điều nhức nhối hơn lại là sự bao che của các quan thanh tra.


Thanh tra Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn (NNPTNT) đã có xác minh nhưng chỉ đưa ra kết luận: "Tổng giám đốc tổng công ty nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm...".


Chính việc làm này của cơ quan thanh tra đã làm cho Tổng Gíám Đốc Trần Văn Khánh "coi trời bằng vung" để rồi cứ thảnh thơi vung tay đốt tiền nhà nước.


Xin lấy một dẫn chứng cụ thể: Đối với vấn đề "vung tiền" tiếp khách của tổng công ty, thanh tra chỉ kiểm tra sổ sách, chứng từ do Phòng Kế Toán của tổng công ty cung cấp. Chỉ kiểm tra khoản tiền này riêng trong năm 2005, thanh tra đã kết luận: Năm 2005, văn phòng tổng công ty chi tiếp khách hết 712.553.033 đồng, thể hiện trên 193 phiếu chi, chiếm tỉ lệ 0,03% doanh thu, trong đó có 234.079.494 đồng không có hóa đơn Giá Trị Gia Tăng (GTGT).


Và thanh tra Bộ NNPTNT đưa ra một kết luận nhẹ hều: "Số tiền tiếp khách, giao dịch chưa có hóa đơn GTGT là chưa đúng với quy định của Luật Kế Toán". Đúng ra là phải yêu cầu thu hồi số tiền này về cho nhà nước. Còn tệ hại hơn, thanh tra chỉ xác định chi phí tiếp khách của tổng công ty riêng trong năm 2005 mà lại kết luận cả 14 năm làm TGĐ của ông Khánh không tiếp khách lãng phí một đồng nào (?!).


Trong việc kiểm tra việc buôn bán, nhập khẩu phân urê liên quan đến vụ án Tăng Minh Phụng có trị giá hợp đồng gần 60 tỉ đồng nhưng kết quả thanh tra chỉ ghi vẻn vẹn 7 dòng chẳng đâu vào đâu.


Những việc liên quan đến chuyện tổng công ty để ngân hàng Việt Hoa "sử dụng" 211 tỉ đồng, việc liên quan đến công ty quốc tế Năm Sao... với 15 bản hợp đồng có giá trị gần 450 tỉ đồng mà kết luận thanh tra chỉ ghi liệt kê sơ sài vài số liệu, do đó không thể kết luận là đã có hay không những sai phạm xảy ra tại tổng công ty VTNN.


Việc sai phạm xảy ra tại tổng công ty Vật Tư Nông Nghiệp đã lộ rõ, nhưng lật lại bản kết luận thanh tra số 470/BNN-TTr của thanh tra Bộ NNPTNT ngày 13-2-2007 về việc kiểm tra, xác minh đơn tố cáo Tổng Giám Đốc Trần Văn Khánh thì thấy kết quả thanh tra 7 nội dung tố cáo đều cho kết quả tố cáo... sai.


Vấn đề thuê xe hơi Mercedes gây lãng phí, kết luận thanh tra lại cố chứng minh Tổng Giám Đốc Trần Văn Khánh không mua xe Mercedes trị giá vài tỉ đồng, không sử dụng xe công vào việc riêng..., còn việc tổng giám đốc bán tống, bán tháo cả lô xe đang trong niên hạn sử dụng để thuê những chiếc xe đời mới sang trọng với giá 52,8 triệu đồng/chiếc/tháng trong vòng 4 năm thì thanh tra lại... bỏ qua.


Việc làm này dẫn đến hậu quả phần lớn lợi nhuận tuột khỏi tay nhà nước vì mất thời cơ kinh doanh. Vậy mà thanh tra của Bộ NNPTNT lại cho rằng "đó cũng là bình thường" thì chỉ có… trời mới hiểu nổi. Người dân chỉ còn biết trông vào trời thôi!


Lại một lần nữa nhờ bạn đọc định nghĩa giùm quan thanh tra là cái gì vậy?


Và cứ như thế này thì thanh tra còn có nghĩa khuyến khích cho các quan cứ việc lộng hành, miễn là… biết đến nhau là chuyện gì rồi cũng thành “bình thường” cả. Dân có đói thêm, quan có giàu to cũng là chuyện bình thường!

Tố cáo khó hơn leo núi


Ông Lê Thiên Long, (chuyên viên ban kiểm soát tổng công ty) người phanh phui sai phạm tại tổng công ty Vật Tư Nông Nghiệp đã từng bị ông Tổng Khánh hành lên hành xuống, đá từ nơi này qua nơi khác như cái mền rách.


Nhưng đó cũng chỉ là chuyện hàng ngày ở các cơ quan, khi bị sếp lớn ghét cái bản mặt. Chuyện đáng nói ở đây, xin chỉ kể ngắn gọn là, ông Long đã từng xách đơn tố cáo của mình đi qua rất nhiều cửa lớn cửa nhỏ. Cuộc hành trình khó hơn leo núi Hy Mã Lạp Sơn. Xin hãy theo dõi “những bước chân âm thầm” này của người đi tố cáo:


Trước khi ông Long tố cáo những hành vi sai phạm của ông Trần Văn Khánh, Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn cũng đã nhận được nhiều đơn nặc danh tố cáo và tổ chức đoàn thanh tra. Tuy nhiên, kết quả thanh tra vẫn lơ mơ như tôi đã tường trình ở trên.


Ngày 11-4-2007, lần đầu tiên ông Long gửi đơn đến lãnh đạo, ban đổi mới doanh nghiệp và thanh tra Bộ NN&PTNT để tố cáo những sai phạm của ông Trần Văn Khánh.


Tuy nhiên, sau hơn 15 ngày, Bộ không có phản ứng gì đối với đơn kiện nên ông Long tiếp tục gửi đơn lên hàng chục cơ quan cấp trên khác. Nhớ về những lần đi tố cáo, ông Long cho biết đã từng đến Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương nhưng không thể tố cáo vì danh sách xếp hàng còn quá xa, phải vài tháng mới được tiếp.


Đến địa điểm tiếp dân (cũ) của Trung Ương Đảng ở phố Mai Xuân Thưởng, ông cũng mất ba ngày mới đưa được đơn với lời hứa hẹn sẽ được giải quyết. Đưa đơn trực tiếp thì khó nên ông Long nghĩ đến việc sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để gửi đơn thư. Mỗi lần gửi đơn nhiều đến nỗi nhân viên Bưu Cục Hùng Vương đã quen mặt ông Long, cho ông cầm cả phong bì và phiếu chuyển bưu phẩm về nhà để viết trước.


Có đến hàng trăm lá đơn được gửi qua đường chuyển phát nhanh đến các vị lãnh đạo, thậm chí ông còn gửi đến nhà riêng của các vị lãnh đạo. Những bưu phẩm chuyển phát nhanh đề chủ tịch Quốc Hội, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Văn Phòng Trung Ương Đảng, Chủ Nhiệm UBKT Trung Ương Nguyễn Văn Chi, Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng, Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền, Bộ Công An... đã trở nên quá quen thuộc với nhân viên Bưu Cục Hùng Vương.


Lần nhiều nhất, ông gửi đến 58 bản cho lãnh đạo Quốc Hội, các ủy ban của Quốc Hội và hầu hết các đoàn đại biểu Quốc Hội, lần ít nhất cũng một vài chục đơn.


Cũng may cuối cùng rồi đơn của ông cũng được để mắt đến. Xét ra cuộc hành trình này cũng đầy gian khổ, nếu không kiên nhẫn, chắc ông đả bỏ cuộc. Vậy đã có bao nhiêu người bỏ cuộc trong hành trình tố cáo tham nhũng của mình? Chắc là… hơi nhiều!


Đừng tưởng tố tham nhũng là dễ.

Ngũ Hành Sơn hay Ngũ Hành Dân?


Sau vụ đóng tiền (5.000 - 10.000 đồng) để nhận hàng cứu trợ tại xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) như tôi đã thông tin trong số trước, tình trạng hành dân tái diễn ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng)


Tại tổ 9A, phường Khuê Mỹ, hơn 30 gia đình dân ở đây đều tỏ ra bất bình, cho biết lúc nhận hàng cứu trợ lũ lụt, mỗi gia đình bị buộc phải đóng một khoản “lệ phí” 20.000 đồng.


Ông Nguyễn Kỳ, tổ phó tổ 9A, cho biết: Sau khi trận lũ lịch sử đi qua vài ngày, Hội Hồng Thập Tự phường Khuê Mỹ thông báo người dân ở tổ 9A đến trụ sở UBND quận Ngũ Hành Sơn để nhận hàng cứu trợ phải mang theo 20.000 đồng để nộp “lệ phí” cho việc vận chuyển, bốc vác hàng. Ông Kỳ nói: “Chúng tôi thấy vô lý, nhưng lúc đó cứ nghĩ nhận được hàng cứu trợ là tốt rồi nên ai cũng bấm bụng nộp”. Theo ông Kỳ, phần cứu trợ mà người dân nhận được bao gồm: 2 chiếc chăn, 1 chiếc màn, 1 cái nồi, 1 cái chảo, 1 ấm đun nước, 1 gáo múc nước bằng nhựa, 2 thùng nhựa đựng nước; tổng giá trị khoảng 200.000 đồng. Ông Ngô Đình (tổ 9A) cũng bực tức: “Không đóng 20.000 đồng thì không được nhận hàng cứu trợ”.


Tội nghiệp nhất là gia đình chị Nguyễn Thị Xuân Phần (tổ 9A). Vợ chồng chị đều làm phụ hồ kiếm sống. Trận lũ vừa qua đã cuốn trôi toàn bộ vật dụng của gia đình. Ngày đi nhận hàng cứu trợ, chị Phần phải mượn hàng xóm 20.000 đồng để nộp “lệ phí”.


Theo một số người dân ở tổ 9A, vừa qua, khi người dân ở đây nhận 15 kg gạo chuyển về tổ, họ cũng phải nộp 5.000 đồng cho tổ mới được nhận gạo. Giải thích việc này, ông Nguyễn Kỳ cho rằng do phải thuê xe, thuê người chuyển gạo từ trụ sở phường về tổ để phát trực tiếp cho dân nên tổ kêu gọi người dân “tự nguyện” đóng góp để trả tiền thuê vận chuyển, chứ tổ không ép. Ngày 5-12, ông Trần Văn Đa, tổ trưởng tổ 9A, cho biết: Tổ đã thông báo việc nộp lệ phí 20.000 đồng đến người dân nhận cứu trợ theo chỉ thị của cấp trên (Hội Hồng Thập Tự phường Khuê Mỹ). Ông Đa phân bua: “Tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên chứ không biết gì”


Bà Trần Thị Hồng, phó chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, cho biết lãnh đạo phường không hề hay biết về việc thu “lệ phí” 20.000 đồng. Việc phân phát lô hàng cứu trợ trên là do Hội Hồng Thập Tự quận phát trực tiếp cho dân tại trụ sở UBND quận, chứ không qua phường. Phường chỉ đưa danh sách người dân được nhận hàng cứu trợ lên quận mà thôi.


Như thế là Phường đá lên cho Hội Hồng Thập Tự quận. Nhưng dù là cơ quan nào cũng vậy thôi, chưa biết những ông bà “cán bộ” kia yêu nước như thế nào, nhưng hành hạ người dân cùng khổ là một cái tội không những với nhân dân còn với lương tri và đạo đức làm người.


Văn Quang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn