BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73215)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những chuyện “ấm ớ” từ Nam chí Bắc

17 Tháng Hai 200812:00 SA(Xem: 1096)
Những chuyện “ấm ớ” từ Nam chí Bắc
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Đầu năm mới Con Chuột, xin mở đầu bằng một chuyện lẩm cẩm vui cho dãn gân cốt và cho đỡ tức mình khi đọc những chuyện đầu năm khác, tôi sẽ tường trình sau. Chuyện rất Tây, nhưng lại xảy ra ở xứ Ta.

Ngày Valentine du nhập Việt Nam từ bao giờ?

Ở VN ngày mùng 7 Tết được gọi là “ngày hạ cây nêu”, báo hiệu những ngày Tết đã qua đi. Năm nay “Ngày Lễ Tình Nhân” tiếp liền ngay sau đó, vào ngày 8 Tết (14-2-2008). Valentine’s day chẳng biết được du nhập vào Việt Nam từ bao giờ. Tôi nhớ rằng hồi mới biết yêu, từ những năm 60, chúng tôi ít biết đến ngày Lễ Tình Nhân là cái gì. Nếu đã yêu thì 365 ngày đều là ngày lễ tình nhân hết, chẳng ngày nào yêu nhau kém hơn ngày nào. Hay là tại cái tính của tôi là như thế từ khi mới bắt đầu có người yêu thứ nhất cho đến người yêu sau cùng đều như nhau. (Đến bây giờ vẫn chưa biết người yêu sau cùng là ai, ở đâu và ra sao. Khi còn chưa chết thì chưa thể biết chắc điều này. Vì tình yêu không có tuổi. Đã có không biết bao nhiêu mối tình nổi danh chứng minh hùng hồn về “sự kiện” này. Gần đây nhất, mới tháng trước đây thôi, một khoa học gia người Tàu 84 tuổi, yêu và cưới cô gái 27 tuổi. Vì thế, tôi không tin bất kỳ bạn nào, dù già via cốc đế nói “đây là tình yêu cuối cùng của anh”, trừ phi ông bạn tôi nằm ngáp ngáp trên giường bệnh hoặc là ông bạn tôi “nịnh người đẹp” cho ra vẻ thắm thiết, thế thôi. Điều này có thể… tha thứ được, dù là… nói dối).

Và, cũng từ lâu lắm rồi, tôi và chắc nhiều ông bạn khác cũng không có dịp tặng một bông hồng đỏ thắm cho người tình. Tuy nhiên có những ông hào hoa, như ông tu bíp Hà Xuân Du, ông thần đồng nhạc sĩ Hoàng Thi Thao chẳng hạn, sống theo kiểu Tây, chắc là đã tặng cho bà vợ yêu quý của mình một bông hồng to bằng cái nồi cơm điện National. Đôi khi có ông hào hoa hay “đào hoa” hơn, tặng luôn hai bông hồng hoặc hai thỏi sô cô la cho hai người, chỉ có thánh mới biết chỗ ma ăn cỗ. Dù sao tôi cũng không… phản đối, vì chẳng qua đó chỉ là “đàn ông”. Nói thế là đủ, phải không bạn?

Còn các cô cậu choai choai, cả những anh chị sồn sồn độc thân tặng hoa cho nhau trong ngày Lễ Tình Nhân là điều gần như “bắt buộc”. Phong tục đó ở Việt Nam đã trở thành quen thuộc ở những thành thị. Còn các cô cậu miệt vườn thì hầu hết gần như chưa “trang bị” cho mình kiểu chứng tỏ tình yêu đó. Ở một thị trấn nhỏ như Lộc Ninh, hoa hồng sau Tết vẫn ế dài dài và chẳng có dấu hiệu gì của ngày Valentine. Chẳng có một tổ chức vui chơi nào cho Valentine cả. Các cô cậu trẻ tuổi vẫn chẳng thấy bàn ngang tán dọc gì về ngày Lễ Tình Nhân. Tuy vậy, cũng lác đác có vài thị trấn lớn đã du nhập được sự lãng mạn này. Chẳng bao lâu nữa nó sẽ trở thành “phổ biến” rộng khắp - nói theo kiểu chữ nghĩa ở đây. Đó là một kiểu lãng mạn đẹp và đáng khuyến khích. Cũng như những ngày Lễ dành cho Cha Mẹ, rất đáng được du nhập. Mặc dầu ở VN hiện nay Ngày Lễ Tình Nhân được biết đến nhiều hơn và coi trọng hơn những ngày dành cho Cha, Mẹ. Và tất nhiên, nó chỉ được coi trọng khi bạn có tình yêu, còn những ông như tôi thì … ngồi “vêu mỏ”, nhìn thiên hạ valentine với nhau. Buồn như “trấu cắn”. Đành “vui ké” cái vui của thiên hạ vậy.

Trong những tổ chức vui chơi ở khắp nơi, tôi chứng kiến hoặc nhìn qua tivi, qua mấy tờ báo, có nhiều cuộc vui trẻ trung, tôi chú ý đến một cuộc vui khá hấp dẫn tại Đà Lạt.











Thi hôn nhau lâu nhất, đẹp nhất (?) trong ngày hội Lễ Tình Nhân tại Đà Lạt

Hôn lâu, hôn đẹp có phải là văn minh?

Cuộc vui do Thành Đoàn Đà Lạt phối hợp với Cty cổ phần Thung lũng tình yêu và Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng tổ chức Lễ hội tình nhân lần này. Xin nói rõ hơn, “Thành đoàn” ở đây là một tổ chức từ Trung Ương đến địa phương của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản.

Ban tổ chức đã có một “sáng kiến” rất đáng nể là xác lập kỷ lục về hôn tập thể đông nhất, lâu nhất. Đây là một “sự kiện” không xa lạ gì với những người ở châu Âu và một vài nước khác. Nhưng ở Việt Nam có lẽ đây là lần đầu tiên có một mục “thi hôn” như vậy. Mà lại là một tổ chức gần như của một đoàn thể thuộc nhà nước tổ chức.

Tại lễ hội, có 150 cặp tình nhân cùng ký tên để xác lập kỷ lục tấm vải tình nhân có nhiều chữ ký của các đôi uyên ương nhất.

Lễ hội còn có chương trình biểu diễn hòa tấu violon và guitar những tình khúc bất tử, quà tặng âm nhạc, vũ hội hip hop, vũ điệu tình yêu cùng nhiều trò chơi cuốn hút giới trẻ như sợi dây tơ hồng, hòa nhịp trái tim, lời yêu thương gởi gió, sứ giả tình yêu, đua xe đạp đôi, nhảy sạp...

Những trò vui chơi đặc biệt dành cho Ngày Tình Nhân đó có thể chấp nhận được. Điều đáng nói ở đây là cuộc “thi hôn” được nhiều người tò mò chú ý hơn cả. Tuy vậy chỉ có 6 cặp “đăng ký” hay nói một cách giản dị hơn là ghi tên tham dự cuộc thi hôn này. 6 cặp này đến từ TP. Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha Trang và Phan Rang.

Sau những màn biểu diễn hôn ngoạn mục, 6 cặp tình nhân hì hục hôn nhau chí chạp. Sau cùng, giải hôn lâu nhất, đẹp nhất được trao cho cặp Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Thị Nga đến từ quận Tân Bình (TP. Sài Gòn). Nụ hôn kéo dài hơn 10 phút. Giữa trời lạnh của thành phố cao nguyên mà cũng muốn toát mồ hôi. Khán giả đứng coi tha hồ cười, tha hồ thích thú, tha hồ mắc cỡ. Nhìn cái vẻ tò mò của “khán giả”, cứ như đi xem xiếc hoặc xem một cặp thú quý hiếm vừa được nhập cảng từ nước ngoài về.

Xin có lời mừng cho cặp tình nhân hôn đẹp và hôn lâu nhất trong cuộc thi. Giữa bàn dân thiên hạ đứng nhìn mà dám hôn nhau tỉnh rụi như thế thì ở Việt Nam này khó kiếm. Tôi cho rằng cả 6 cặp đều nên tặng giải thưởng mà giải thưởng đúng nhất nên có tên là “liều nhất”. Bởi phong tục tập quán và lối sống hiền hòa, kín đáo của người Việt Nam chúng ta trên đất nước VN này, không cho phép hôn nhau giữa đường giữa chợ như vậy.

Chuyện ấm ớ

Muốn hôn giữa đường giữa chợ thì nên sang Tây sang Mỹ. Tôi chắc ngay cả những cặp tình nhân trẻ đứng dưới xem hôn cũng thấy mắc cỡ, còn những người có tuổi dù là chỉ ở độ tuổi sồn sồn cũng đỏ mặt. Một anh thanh niên đi bên một thiếu nữ bình luận: “Hôn nhau là một lời tỏ tình rất đẹp, rất đáng nhớ. Nhưng ở Việt Nam, nếu là những người đứng đắn, đàng hoàng đều chọn nơi kín đáo”. Nhất là khi đang ở công viên hoặc nơi công cộng, cần thiết phải có một nụ hôn thì cũng phải chọn một nơi nào đó vắng vẻ, nếu cần thì dưới những bóng cây, trong một góc khuất. Hôn nhau giữa chốn “ba quân” như thế, lúc này chưa thích hợp với phong tục Việt Nam. Đoàn Thanh Niên Đà Lạt nên phổ biến và nên làm những công việc có ích hơn. Hôn nhau “lâu dài” và “đẹp” chưa chắc đã là tiến bộ, chưa nói lên sự “văn minh, lịch sự”.

Và hôn thế nào là đẹp vẫn chỉ là một tiêu chí rất mơ hồ. Ban giám khảo thử định nghĩa giùm tiêu chuẩn “hôn đẹp” ở đây là thế nào? Hôn theo kiểu đánh đu như Tarzan có được thêm điểm không? Hay hôn như Clack Gable, tài tử lừng danh thế giới về hôn mới được cho là đẹp? Hôn sùi bọt mép như ông Hùng Sùi thì không được chọn là đẹp sao? Sai bét. Hôn kiểu nào cũng đẹp, miễn là nụ hôn có rung động đến bủn rủn chân tay. Càng sùi càng đẹp. Còn hôn thi, hôn lấy giải thì khó đẹp được.

Một ông bạn viết văn làm báo sống rất “thoáng”, rất cởi mở, khi nói về “hiện tượng” này, ông không ngần ngại phê toạc ra rằng: “Đó là thứ chuyện ấm ớ, chuyện ba láp. Cái hay của người không học, học ngay cái hôn lâu hôn đẹp, để làm gì? Ở trong phòng riêng, khối người còn hôn lâu, hôn đẹp hơn nhiều”.

Dù các bạn có cho là khắt khe, tôi cũng phải đồng ý với nhận xét của ông bạn này. Đoàn Thanh niên không nên phổ biến rộng rãi những kiểu thi thố tài năng như thế. Nó chỉ làm hư hỏng thêm thanh niên mà thôi. Vì thế người ta không lạ gì khi những bản nhạc được gọi là nhạc trẻ bây giờ, hầu hết lời lẽ vớ vẩn, yêu đương dung tục, chẳng còn có hồn. Một số thanh niên thiếu nữ sa đà vào cái vòng tròn “văn minh kệch cỡm”, đó là không kể đến những cậu ấm cô chiêu, con quan nhố nhăng, coi trời bằng vung, coi văn hóa Việt Nam như không hề có trên cõi đời này.

Hãy trở về với phong tục và văn hóa của con người Việt trên đất Việt.

Những cuộc vui valentine có thể chấp nhận được

Ở Sài Gòn và Hà Nội ngày Lễ Tình Nhân năm nay có phần rầm rộ hơn những năm trước. Dường như cứ mỗi năm, cường độ về Valentine được đẩy lên mạnh hơn. Sự “hội nhập” về kinh tế ngày càng cao thì sự du nhập những nền văn minh mới càng mạnh. Đó là điều dễ hiểu. Nếu cứ ăn khoai ăn sắn như những năm trước đây thì chẳng ai buồn bận tâm đến lễ hội tình nhân làm gì. Lo đói bở hơi tai, có yêu nhau thì cũng qua quít ngoài rừng, trong bếp cho xong. Bây giờ no cơm, ấm dạ dày được một tí, lo cho đời sống tình cảm đẹp cũng là chuyện bình thường.

Tôi tường trình sơ lược một vài tổ chức Valentine ở hai thành phố lớn:

Năm nay Sài Gòn tổ chức Ngày Lễ Tình Nhân ở rất nhiều nơi và các nhà hàng, khách sạn, các phòng trà ca nhạc, các “tụ điểm” đều không bỏ qua cơ hội hiếm hoi moi tiền thượng đế này.

"Lịm ngọt khoảnh khắc Valentine 2008" là lễ hội tình yêu diễn ra đúng ngày 14-2 tại Nhà Văn Hóa Thanh niên thành phố Sài Gòn. Đây là buổi lễ hội kết thúc và công bố các đôi thắng cuộc trong cuộc thi ảnh couple "Lịm ngọt khoảnh khắc Valentine" do Diana tổ chức nhằm tìm kiếm các đôi tình nhân với những khoảnh khắc lịm ngọt nhất qua ảnh.

Ngoài ra, trong lễ hội này, các cặp đôi sẽ được tham gia các trò chơi lãng mạn và sôi nổi như: tín vật tình yêu, bảo vệ tình yêu, sức mạnh tình yêu, giải mã trái tim... Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ được bạn trẻ yêu thích. Đặc biệt là…vào cửa tự do. Các cặp tình nhân nghèo có thể vào miễn phí.

Tại Hà Nội, chương trình "Mảnh đất tình yêu" giữa lòng Hà Nội - tại Cung thể thao Quần Ngựa (đường Liễu Giai) vào ngày 14-2. Chương trình gồm trò chơi "Mê cung tình yêu" với bốn khu trò chơi được khởi động lúc 14g. Tiếp sau đó là đêm nhạc "Bí mật Valentine" bắt đầu lúc 8g-11g đêm với sự góp mặt của nhiều ca sĩ trẻ. Nhưng đến đây phải mua vé, đến sau là hết chỗ. Chắc hẳn là bằng một đôi vé tham dự chương trình, các chàng trai có thể gây bất ngờ cho người yêu mình trong mùa Valentine năm nay.

Tình yêu vì thế mà mặn mà thêm hay lại cãi nhau chí chóe lại là chuyện khác.

Cấm những anh chàng có vợ và có người yêu

Đặc biệt hơn cả là cuộc họp mặt offline lúc 19g30 tại nhà hàng Không Gian Mây (1 Công Xã Paris, Q.1, Sài Gòn) cũng được tổ chức đúng ngày 14-2.

Nhưng vừa bước chân vào cửa, bạn sẽ gặp ngay tấm bảng "Cấm những người đã có người yêu, đã có vợ và dưới 18 tuổi". Đó là buổi dạ tiệc Valentine dành cho người độc thân do Câu lạc bộ “Tìm Một Nửa Thất Lạc” của mạng xã hội ảo Cyvee.com và CLB Kết bạn trực tiếp Koalasaigon.com (FPT) tổ chức.

Tuy nhiên khối anh có vợ, có người yêu ở xa, cũng vẫn lẻn vào đi tìm một nửa… của người khác. Người ta gọi là những “đồ yêu gian”. Và cũng chẳng thiếu gì những cô cậu dưới 18 tuổi vẫn xông vào tìm một nửa trong tương lai, người ta gọi là “tình yêu bắc ghế”. Tức là các cô cậu nhóc, muốn nói chuyện với người yêu phải đứng trên ghế mới với tới. Song chẳng ai đuổi được họ và cũng không nỡ đuổi. Cuộc vui vẫn trọn vẹn, còn có bao nhiêu người tìm được cái gì không, chẳng phải là điều quan trọng.











Tài xế xe khách chạy đến đưa “giấy” cho một CSGT thuộc Đội CSGT số 2 - Hòa Cầm đang ngồi trong xe tuần tra (ảnh chụp chiều 12-2 tại chốt CSGT đặt trên quốc lộ 1A xã Hòa Châu, Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Bây giờ xin trở ra chuyện đường phố.

Mãi lộ: Chuyện cũ như trái đất

Thứ chuyện mà tôi sắp kể với bạn thuộc loại chuyện cũ như trái đất, ai cũng thấy, ai cũng biết, ai cũng... chửi, ai cũng lên án và các giới chức có thẩm quyền thì cứ hứa liên tục, hứa chắc như đinh đóng cột rằng sẽ điều tra, sẽ xử lý nghiêm. Nhưng điều tra như thế nào, xử lý nghiêm cái kiểu gì mà hết năm này sang năm khác nó vẫn tiếp tục hoành hành và cường độ mỗi năm một mạnh hơn không kém gì Valentine.

Đó là nạn mãi lộ. Thẳng thắn nhận định thì nạn mãi lộ diễn ra hàng ngày trên “khắp nẻo đường đất nước” chứ chẳng riêng gì ngày Tết. Nhưng ngày Tết mật độ xe cộ lưu thông dày đặc hơn, xe dù, xe chở quá tải, xe lèn khách từ Bắc chí Nam nườm nượp trên quốc lộ. Có thể nói đây là dịp “kiếm ăn” đặc biệt của các thầy Cảnh sát đứng đường. Có thể ví von với câu phương ngôn trào lộng đầy mỉa mai của ông cha ta để lại: “Con ơi nhớ lấy lời cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”.

Đúng thế, một ngày “mãi lộ” của Cảnh sát giao thông trong dịp Tết này còn hơn là một anh chị công nhân vùi đầu ba năm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bằng cả năm làm việc của các vị công tư chức còm miệt mài trên chiếc ghế của các Công ty. Hãy thử liếc qua cách làm ăn của mấy thầy Cảnh sát giao thông trong dịp Tết Con Chuột vừa qua, bạn sẽ thấy những hình ảnh sống động nhất, thật nhất và cũng “bẩn” nhất, công khai trắng trợn nhất trong những cách “ăn tiền”, cách “làm luật”, cách “đè hầu bóp cổ” người dân. Tất cả mọi luật lệ chỉ còn là trò chơi dối trá, có tiền là giải quyết được hết.

Chặn xe làm tiền từ Nam ra Bắc, chẳng sót nơi nào

Tôi không thể và cũng không cần kể hết những cảnh “làm tiền” liên miên này từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam trong dịp Tết vừa qua. Chỉ xin đưa ra một vài hình ảnh qua ống kính mà những anh phóng viên ghi lại được tại từng địa điểm cụ thể, bạn đọc cũng thấy ghê sợ rồi.











Tài xế và lơ xe chen chúc chạy đến chung tiền cho CSGT Đồng Xoài, Bình Phước-

Ngày 12-2, tại địa phận P.Hòa Hiệp, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng một chốt Cảnh sát Giao thông (CSGT) đang chặn xe từ hai chiều. Năm xe khách chạy tuyến Bắc - Nam và hai xe vận tải chạy chiều ngược lại ngoan ngoãn tấp vào lề theo hiệu lệnh của CSGT đang đứng giữa con lươn. Liền đó, lơ xe nhảy xuống đâm đầu chạy thục mạng vào một căn nhà gần đó và đưa "giấy" cho viên CSGT đang ngồi sau chiếc bàn rồi chạy ngược ra xe. Tất cả diễn ra không quá 30 giây. Ông chủ xe lầm bầm: "Hổm rày mấy ổng ăn dày hơn ngày thường gấp bốn lần, chịu không xiết".

Nói cho rõ hơn, lơ xe chỉ nhảy xuống, kẹp một hoặc hai ba tờ giấy bạc 50 ngàn là xe chở gì cũng qua luôn. Mặc cho xe chở bất cứ thứ gì, mặc sinh mạng người dân sống chết ra sao là… tại số.

Đây là chốt cố định của trạm CSGT Kim Liên (trạm Kim Liên, thuộc Phòng CSGT đường bộ Công an TP Đà Nẵng). Hằng ngày, CSGT thay nhau "trực chiến" 24/24 giờ để chặn xe "làm luật". Địa điểm hoạt động của chốt CSGT rất thuận lợi, mặt trước là nghĩa trang đang giải tỏa, mặt sau và hai bên là nhà dân thưa thớt, trống trải. Không bị ai dòm ngó.

“Nghệ thuật” ăn tiền được tổ chức khá tinh vi, trong lúc CSGT "làm việc", có một đội quân "tai mắt" giả dạng xe ôm, bán hàng rong có nhiệm vụ canh gác, nghe ngóng tình hình và "chạy" biên bản, đổi tiền...

Ngày Tết “giá chung chi” cao ngất ngưởng

19g45 ngày 12-2, từ ngã ba Huế đi Quảng Trị, vừa xuống hết đèo Phú Gia, một đoàn xe khách từ hướng Bắc vào đang xếp hàng dài gần cả trăm mét để chờ tới lượt đưa "giấy" cho chốt CSGT đèo Phú Gia (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trên đường, ba CSGT cầm đèn pin nhá liên tục để chặn xe cả hai chiều đường. Một viên CSGT ngồi trong xe tuần tra để nhận "giấy". 19g50, từng đoàn xe khách nối đuôi nhau xuôi ngược dày đặc trên đường. Đến gần chốt CSGT, tất cả ngoan ngoãn tấp vào lề theo hiệu lệnh của CSGT, không sót một xe nào.

Chỉ trong 30 phút, có 53 xe khách qua chốt phải dừng lại "làm luật" cho chốt CSGT này (mỗi phút có 2 xe phải nộp tiền mãi lộ). Đêm càng về khuya nhưng chốt CSGT vẫn làm việc không ngơi tay. Có lúc xe phải dừng "làm luật" dài đến trăm mét. Lơ xe chen chân nhau chạy đến chiếc xe tuần tra đưa "giấy" rồi lên xe đi ngay. Xe du lịch đến gần chốt chạy chậm lại liền bị viên CSGT quơ gậy đuổi đi thật nhanh vì sợ kẹt xe.

Theo cánh tài xế, ngày thường chỉ cần chung 50.000 đồng là "vui vẻ” nhưng trong đợt tết thì "đội giá” lên 300.000-400.000 đồng tùy vào số khách chở dư.

Đó là chuyện ngoài miền Trung, miền Bắc. Xin quay lại đoạn phim gần gụi hơn tại miền Nam.

Làm tiền ngon lành ngay tại cửa ngõ thành phố Sài Gòn

16g ngày 12-1, tại ngã ba Mai Thị Lựu - Điện Biên Phủ. Ba CSGT gồm Nguyễn Văn Hùng, Trần Hùng Cường và một người không đeo bảng tên (thuộc Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an TP Sài Gòn) đang miệt mài chặn xe từ hướng trung tâm thành phố ra Hàng Xanh. Một chiếc xe vận tải chở gas bị thổi vào. Tài xế chạy tới dúi tiền vào tay viên CSGT rồi vui vẻ lên xe chạy tiếp. Liền đó, xe 57K 09..., 54X 80..., 54N 94... cũng bị chặn lại. Tài xế chạy tới "làm luật" với viên CSGT. Không có bất cứ biên bản nào được lập.

Những lúc vắng xe vận tải, nhóm CSGT này tận tình "chăm sóc" luôn xe gắn máy vi phạm. 16g30, một người đàn ông chạy xe tay ga ngược chiều từ đường Mai Thị Lựu quẹo vào Điện Biên Phủ bị thổi còi. Sau một hồi “rù rì”, người đàn ông móc túi lấy ra tờ 100.000 đồng đưa cho thiếu úy CSGT Trần Hùng Cường. Anh này cầm tiền nhét vào cuốn sổ mà không xé biên lai (lỗi phạt tại chỗ) rồi ra hiệu cho người đàn ông đi tiếp. Tiếp đó, CSGT Cường "lượm" tiền của hai cặp nam nữ vi phạm, mỗi lần 50.000 đồng.

16g ngày 14-1, hai CSGT Hùng, Cường tiếp tục đứng tại ngã ba Mai Thị Lựu - Điện Biên Phủ. Họ liên tục thổi xe vận tải và xe gắn máy vi phạm. Một xe ba gác lưu thông không đúng giờ qui định cũng bị thổi. Viên CSGT tên Hùng lật sổ làm ra vẻ ghi ghi chép chép (nhưng thực tế sau đó không có biên bản nào được lập). Viên CSGT to nhỏ gì đó, tài xế ba gác liền bỏ tờ tiền vào cốp môtô tuần tra rồi lên xe nổ máy chạy đi. Tiếp đó, một chiếc xe máy và một chiếc xe du lịch vi phạm sau khi "lót tay" cho viên CSGT cũng được đi tiếp.

Kỹ thuật làm tiền y chang trên sân khấu bi hài kịch, mấy anh CSGT có cách "làm luật" rất điệu nghệ. Xe vi phạm bị thổi vào lập tức bị dọa nạt sẽ lập biên bản, thậm chí đòi giam xe. Một người khác rút cuốn biên bản, móc túi áo ngực lấy bút viết kê lên yên xe như thể biên bản sẽ được lập ngay tức khắc.

Nếu tài xế "biết điều" xì tiền ra đúng lúc là lập tức cuốn biên bản được xếp lại (dĩ nhiên tờ tiền nằm giữa). Mặt mũi vẫn nghiêm trang, sắc phục vẫn chỉnh tề, ra dáng một quan chức đàng hoàng làm việc nước. Nếu không thấy cảnh hù dọa để “móc túi” dân, không ai dám nghĩ rằng các quan đang đóng kịch. Các danh hề như Bảo Quốc, Phi Thoàn, Hồng Vân cũng còn thua xa.

Chung chi không đủ “tao lập biên bản mày luôn”

Theo các tài xế, chốt CSGT thị xã Đồng Xoài là một trong những "cửa ải" khét tiếng nhất về khoản chặn xe "làm luật". 0g ngày 11-1, một xe tải chở 25 tấn phân (trọng tải cho phép là 8,5 tấn) từ Vũng Tàu đi Đắc Lắc. Xe vừa vào địa phận thị xã liền gặp một nhóm CSGT đi trên hai xe 93A-0563 và 93A1-0123 đang chặn xe từ hai chiều để "làm luật". Tài xế kẹp tờ 50.000 đồng vào tờ giấy nhảy xuống đưa cho viên CSGT tên Thưởng. Anh này thấy tờ tiền chưa đúng "tiêu chuẩn" liền quát: "Mày làm thế này tao lập biên bản mày luôn".

Tài xế rụt rè hỏi: "Bao nhiêu anh?". Thưởng nói: "Làm lại, tờ nữa" (thêm một tờ tiền nữa). Tài xế chạy lên xe bỏ thêm một tờ 50.000 đồng xuống đưa cho Thưởng. Viên CSGT lật sổ lấy hai tờ tiền, không cần biết xe chở gì, chở bao nhiêu, cho qua ngay. Trong vòng 45 phút, có 42 xe dừng lại "làm luật". Viên CSGT liên tục nhận "giấy" rồi nhét vào túi không ngơi tay. Anh Thanh, một tài xế, nhẩm tính chi phí "tiền đường" (chung cho CSGT) từ TP Sài Gòn lên Đắc Lắc không dưới triệu đồng một chuyến.

Theo các tài xế, "lộ phí” tại các chốt của CSGT mặc nhiên đã được định giá. Thông thường xe vận tải 8 tấn trở xuống chung mỗi trạm 100.000 đồng, trên 8 tấn giá 150.000-300.000 đồng, xe đầu kéo chở thiết bị quá khổ, quá tải thì "quất" 500.000-1 triệu đồng.

Trung bình một đêm có khoảng 600 xe vận tải qua các "chốt" CSGT. Nếu trung bình mỗi xe 100.000 đồng thì cứ nhẩm tính sẽ thấy hàng đêm mỗi chốt "thu nhập" đến vài chục triệu đồng, cộng với số xe lưu thông ban ngày và xe gắn máy, xe thiếu đèn thiếu giấy, chở ba người, vi phạm luật giao thông tí ti… số tiền sẽ là bao nhiêu? Hàng trăm triệu đồng cho mỗi chốt kiểm soát, có bao nhiêu “chốt” kiểm soát từ Bắc vào Nam? Con số đó nhân lên, mỗi ngày sẽ là bao nhiêu tỉ đồng? Cánh nhà xe đâu có chịu thiệt, lại tính vào tiền chuyên chở thuế má. Chung quy lai đổ lên vai người dân nghèo gánh hết, túi các quan lại phồng lên theo từng ngày.

Nỗi khổ chồng lên nỗi khổ, vật giá leo thang chồng lên… vật giá hối lộ, làm sao người dân chịu đựng nổi?!

Những cảnh này không chỉ diễn ra năm nay, nó diễn ra liên tục từ ngày này sang tháng khác, từ Tết năm trước đến Tết năm sau. Bao nhiêu năm rồi, các quan chức có trách nhiệm không thể nói không biết. Phải nói trắng ra rằng biết hết, biết tường tận nữa là đằng khác. Một vài “phương án” ngăn chặn được đưa ra, một số xe bị xử lý, một số nhân viên bị kỷ luật chỉ như muối bỏ bể, như cái vỏ ngoài bọc đường của viên thuốc độc. Bên trong thật sự đã thối ruỗng mà không có cách nào chữa trị. Người ta phải đặt câu hỏi: Tại sao năm nay những cảnh tượng đáng xấu hổ đó vẫn cứ diễn ra trắng trợn từ Nam chí Bắc?

Cuộc điều tra này do chỉ do mấy anh phóng viên làm được thì một tổ chức quy mô, nhạy cảm, tinh vi của Cảnh sát sao không làm nổi? Nếu cứ đi vi hành theo cái kiểu còi hụ phía trước, xe hộ tống phía sau hoặc chễm chệ ngồi trên xe nhà nước cho êm thì chẳng bao giờ bắt được một anh nào hạch sách nhân dân làm tiền, mà chỉ thấy những anh hết mình “phục vụ nhân dân”. Cần phải có một cuộc thay máu quy mô, một cách làm thật sự có hiệu quả may ra mới ngăn chặn được tình trạng bi đát này để cuộc sống của người dân bớt cơ cực hơn.











Trần Thanh Lan và chồng - Ha Jang Su - trong ngày cưới. Nụ cười tưởng là hạnh phúc, sau 25 ngày đã thành người thiên cổ

Lại thêm một cô dâu Việt tự tử trên đất Hàn Quốc.

Cũng chính vì những cơ cực đó mà nhiều cô gái ở những vùng thôn quê Việt Nam đành ngậm ngùi bỏ nước, bỏ người tình ra đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Từ đó đã xảy ra biết bao chuyện vừa đau lòng, vừa tủi nhục. Những tin tức ấy đầy rẫy trên các cơ quan thông tin đại chúng từ trong đến ngoài nước. Nỗi đau không chỉ của riêng ai, mà là của chung người Việt.

Vào sáng 14-2 cũng đúng ngày Lễ Tình Nhân, thông tin về Trần Thanh Lan - một cô dâu Việt nhảy lầu tự tử ở Hàn Quốc - được loan đi khiến nhiều người bàng hoàng.

Câu chuyện giản dị như bao nhiêu những cô gái quê lấy chồng Hàn Quốc khác.

Nhà của người con gái xấu số này ở đường Võ Tánh, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Căn nhà cũ nát, ẩm thấp, rộng chừng 10 m2, nằm khuất giữa những dãy nhà cao tầng.

Tuổi thơ nghèo khó đành cất bước ra đi

Hàng ngày, mẹ Lan nướng bánh bò đi bán khắp nơi để kiếm tiền nuôi 4 miệng ăn. Thấy mẹ quá vất vả, cô bé Lan đã tự nguyện nghỉ học (lớp 6) để cùng mẹ đội thúng bánh bò ra chợ Cái Răng bán. Cứ thế, Lan lớn lên giữa khó nhọc, càng lớn càng xinh đẹp.

Tháng 9-2007, qua môi giới, Lan kết hôn với Ha Jang Su (35 tuổi, người Hàn Quốc). Đám cưới được tổ chức ở TP Sài Gòn. Lúc cử hành hôn lễ, 2 người phụ nữ mai mối (tên là Nga và Ngân) đưa cho mẹ Lan một phong bì bên trong có 3,2 triệu đồng, gọi là “tiền cưới”. Trừ đi 1,2 triệu đồng tiền thuê xe đi từ Cần Thơ lên TP Sài Gòn, gia đình Lan còn đúng 2 triệu đồng.

Ngày 11-1-2008 (mới cách đây hơn một tháng), Lan xuất cảnh, theo chồng sang Hàn Quốc. Lúc ra sân bay, Lan còn gọi điện thoại cho mẹ và hứa sẽ cố gắng dành dụm tiền gửi về cất nhà mới.

Sang nhà chồng được vài ngày, Lan gọi điện thoại về cho mẹ, khóc nhiều và bảo rằng rất nhớ nhà. Những ngày sau đó, không thấy Lan gọi về, bà Anh lo lắng gọi sang nhưng chỉ có Ha Jang Su tiếp điện thoại, nói toàn tiếng Hàn rồi cúp máy. Đến đêm giao thừa Tết Mậu Tý (6-2), gia đình bà Anh nhận hung tin từ Hàn Quốc báo về rằng Lan đã nhảy lầu tự tử. Bà Huyện không tin, bởi theo bà, Lan không bao giờ dám làm chuyện đó, bởi cô rất ngoan hiền và... nhát gan. Bà Bảy, dì của Lan, nghẹn ngào nói: “Như vậy tính từ ngày cháu tui sang Hàn Quốc với chồng cho đến ngày mất chỉ vẻn vẹn có 25 ngày"











Bà ngoại và dì ruột của Lan trong căn nhà cũ nát, ẩm thấp, rộng chừng 10 m2, tại đường Võ Tánh, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ

 

Thảm cảnh trên đất Hàn nói lên điều gì?

Hiện nay trong nhà chỉ có bà Mai Thị Huyện (83 tuổi, bà ngoại và là người nuôi dưỡng Lan từ lúc lọt lòng năm 1986) cùng người dì ruột của Lan là bà Huỳnh Thị Bảy. Riêng mẹ của Lan là bà Huỳnh Kim Anh, từ Tết đến nay vẫn đang ở TP Sài Gòn để thăm dò tin tức về người con xấu số của mình.

Kể từ cái đêm nhận được tin dữ đến nay, mẹ Lan đã liên hệ Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Sài Gòn nhờ can thiệp, làm rõ nguyên nhân về cái chết của Lan. Những người mai mối thì chỉ gọi điện thoại, hứa sẽ đem hài cốt Lan về nước...

Một cái chết bi thảm đầy nghi vấn. Nhưng điều ai cũng hiểu được là tâm trậng cùng cực đau khổ của một cô gái Việt bơ vơ nơi đất khách. Cô đã phải chịu đựng những gì, mới có ý định tìm đến cái chết. Có nghĩa là chết còn hơn sống.

Thảm cảnh ấy diễn ra nhiều lần trên đất Hàn. Trong năm 2007, đã có ít nhất 2 thảm kịch cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Ngày 30.4.2007, cô Lê Thị Kim Đồng, quê ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã tử vong khi tìm cách trốn khỏi nhà tại chung cư ở TP Daegu (miền trung Hàn Quốc). Cô Lê Thị Kim Đồng đang có thai, do bị gia đình nhà chồng hành hạ nên đã tìm mọi cách trốn thoát.

Ngày 9.8.2007, cô Huỳnh Mai (20 tuổi, ở Kiên Giang) được tìm thấy trong tầng hầm căn nhà của chồng sau 8 ngày bị giết với 18 xương sườn bị gãy. Sau gần 2 tháng sang làm vợ, Huỳnh Mai cảm thấy chán nản với cuộc sống nơi đất khách nên xin chồng cho về Việt Nam. Người chồng đã đánh Mai đến chết.

Ba cái chết gần đây nhất từ ba hoàn cảnh khác nhau của những cô gái Việt Nam trên đất Hàn đã nói lên điều gì? Hẳn rất nhiều người dân nông thôn VN đã biết. Nhưng cho đến nay, làn sóng lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan vẫn tiếp tục gia tăng. Đủ biết đời sống nông thôn bi đát đến chừng nào? Câu hỏi ấy cần phải đặt lên hàng đầu, chứ không phải chỉ là những biện pháp ngăn cấm, bắt bớ vài vụ xem mặt, mua bán cô dâu trong vài mấy cái khách sạn. Đặt ngược lại câu hỏi oái oăm này: Tại sao các cô gái Đài Loan, Hàn Quốc không chọn những chàng trai VN?

Một giải pháp phải được giải quyết từ gốc rễ, đó là sư nghèo đói của nông thôn và sự xa xỉ của thành thị, nạn hối lộ chẳng phải chỉ có ở ngành CSGT mà còn ở vô số các ngành “chức năng” khác như nhà đất, xuất nhập cảng, quan thuế… Nhìn đâu cũng thấy, khỏi cần chỉ chỏ lôi thôi. Vậy giải pháp là thế nào?

Văn Quang
17/02/2008

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn