BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73311)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cuối năm nói chuyện làm từ thiện

27 Tháng Giêng 200812:00 SA(Xem: 978)
Cuối năm nói chuyện làm từ thiện
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Khi tôi viết bài này, chỉ còn vừa đúng 10 ngày nữa là Tết Nguyên Đán, bước sang năm mới Mậu Tý. Những ngày này là những ngày cuối năm, chộn rộn, lo toan, khấp khởi, hy vọng vào một năm mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, vẫn có những thành phần nghèo khổ, năm hết tết đến chỉ có lo toan méo mặt, không thấy được niềm vui. Nhất là trong “thời buổi bão giá” hiện nay thì sự nghèo khổ còn tăng lên gấp nhiều lần.

Chính vì thế nên có rất nhiều vị xa quê hương nhưng vẫn luôn quan tâm đến những số phận hẩm hiu của anh em, của đồng bào mình ở quê nhà.

Trong những ngày tháng gần đây, chúng tôi đã nhận được khá nhiều những tấm lòng của bạn đọc ở khắp nơi ngỏ ý muốn giúp đỡ những người cùng khổ ở quê nhà. Nhất là đối với những anh em Thương Phế Binh (TPB) suốt một đời lận đận, hơn 30 năm qua sống lay lắt, thê thảm mà dường như ở đây chẳng ai thèm biết tới. Cuộc sống của họ như thế nào, chúng tôi đã có nhiều dịp tường trình chi tiết và cụ thể với ban đọc. Nhờ vậy, một số lớn anh em TPB đã nhận được sự trợ giúp quý báu của các vị Việt kiều khắp nơi. Tôi xin nhấn mạnh là hầu hết sự giúp đỡ đó là của các vị ở hải ngoại. Trong đó không thiếu những tấm lòng của đồng đội, của gia đình, con em đồng đồng đội và của cả những anh chị em sinh viên, những người trẻ tuổi rời xa VN từ những ngày còn quá trẻ, song vẫn nhớ đến “công ơn” của các cha anh đã để lại một phần thân thể trên khắp các chiến trường, nay đang sống nhẫn nhục, tàn tạ ở một khu ổ chuột nào đó trên chính đất nước mình.









Căn nhà rách nát của bà Phước ở Lộc Thái trước khi được tặng nhà tình thương

Nhân dịp cuối năm, đã có rất nhiều tổ chức của các binh chủng Hải Lục Không quân ở nước ngoài, bằng cách này cách khác đã giúp đỡ những anh em trong binh chủng của mình và không thiếu những tổ chức đứng đắn đã cùng làm công việc này. Tất nhiên không thể tránh được một số rất ít toan tính lợi dụng nên làm nản lòng nhiều vị, nhiều tổ chức từ thiện. Chúng tôi cũng đề phòng trường hợp này và với một số kinh nghiệm sẵn có, nên dù chỉ có một số ít anh em cùng nhau làm việc này, nhưng mọi việc đều được công khai, minh bạch và thực tế. Nói cho rõ hơn là những địa chỉ của anh em TPB được xác minh và việc đưa quà đến đúng người, đúng chỗ là ưu tiên hàng đầu. Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng cử chính những anh TPB còn có thể di chuyển được, mang tiền đến tận nơi dù cho có ở Đồng Tháp, Long Xuyên, Rạch Giá… Những anh em ở miền Trung, chúng tôi gửi theo đường bưu điện và xác minh bằng điện thoại. Sau này có một vài anh em đại diện ở miền Trung nhận lãnh công việc này nên mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng và chính xác hơn.

Trong một số bài viết của anh Đoàn Dự cũng đã gửi đến bạn đọc những chi tiết này. Ở đây tôi chỉ tường trình những nét tổng quát về công việc mà bạn đọc đã giao phó cho anh em chúng tôi làm.









Nhà của ông Cấn Văn Năm và người con tàn tật trước khi được tặng nhà tình thương

“Phái đoàn” từ Australia

Từ mấy tháng trước đây, tuần báo Văn Nghệ và Nhật báo Chiêu Dương ở Úc đã đại diện cho Quỹ Mái Ấm Tình Thương Australia chấp thuận yểm trợ cho Huyện Lộc Ninh - là nơi tôi ở- 4 căn nhà tình thương.

Nhân ở đây, tôi cũng xin nhắc lại về sự khác biệt giữa “Nhà Tình Nghĩa” và “Nhà Tình Thương”. Nhà Tình Nghĩa là những căn nhà của các đoàn thể hoặc chính quyền địa phương làm cho những người nghèo là con em cán bộ, thân nhân của những người gọi chung là “có liên quan tới cách mạng”, có công với “nhà nước”… Còn Nhà Tình Thương dành cho những người dân thuần túy, không liên quan gì tới chính quyền địa phương và cũng chẳng liên quan gì tới “cách mạng” hay “không cách mạng”. Đó là những người dân sống trong những túp lều rách nát với thân phận cô đơn, bệnh tật già yếu, chẳng liên quan tới đoàn thể nào nên hầu như cũng chẳng ai có nhiệm vụ lo cho họ. Đối với chính quyền địa phương, thừa thì cho, không thì… ráng chịu.

Quỹ Mái Ấm Tình Thương chính là để giúp đỡ những con người bất hạnh này. Và chúng tôi cũng vậy, không ngoài mục đích giúp những người neo đơn, “trên không chằng dưới không rễ”, cam chịu số phận nghèo khó.









Nhà của bà Dưa cũng tả tơi không kém. Nay đã có nhà mới

4 căn nhà tình thương và 100 phần quà cho Lộc Ninh

Cho nên khi nhận được sự chấp thuận của Quỹ Mái Ấm Tình Thương chúng tôi đã phải nhờ tới những người dân ở địa phương này hướng dẫn đi đến từng nơi để tìm hiểu về đời sống của từng người sống trong những căn nhà rách nát. Bà Thụy Vũ đã từng có thời gian sống rất lâu ở đây cùng một số bà con hàng xóm, thông gia nội ngoại đã cùng chúng tôi ra sức tìm hiểu để vừa có thể tìm đúng những ngôi nhà tang thương của những người dân “trên không chằng dưới không rễ”. Chúng tôi cũng đã liên hệ với Hội Hồng Thập Tự Huyện và Xã và đã dứt khoát từ chối những người có liên quan đến đoàn thể địa phương vì chúng tôi quan niệm rằng những người này phải được đoàn thể của họ giúp trước đã.

Nhân dịp này chúng tôi cũng đã tìm gặp những bà con nghèo để có thể chuyển chính xác số tiền của một số độc giả vừa giúp TPB vừa giúp người nghèo khổ bất kể thành phần nào. Mỗi người như thế chúng tôi quyết định giúp 500 ngàn đồng để bù cặp thêm vào đời sống thiếu thốn hoặc mua được một tiện nghi sinh hoạt tối thiểu cho gia đình mình.









Căn nhà tình thương vừa được “khánh thành”

Đúng sáng ngày 10-1-2008, chiếc xe 16 chỗ dừng lại trước cổng nhà tôi ở xã Lộc Thái, Huyện Lộc Ninh. Lần này “phái đoàn” đi đủ 16 người, không bỏ phí một chỗ nào trên xe. Trong phái đoàn còn có cả một số độc giả của các báo ở Úc, một MC của các chương trình Văn Nghệ, một cặp vợ chồng độc giả ở tuốt tận Na Uy. Xem ra có vẻ “hùng hồn” lắm. Dẫn đầu vẫn là các anh Vi Túy và Nhất Giang, nhưng nói cho có đầu có đuôi vậy thôi, chứ tôi thấy phái đoàn cứ nháo nhào “bình đẳng, bình quyền”, chẳng có đầu và cũng chẳng có đuôi. Có lẽ họ đã có thời gian đi làm từ thiện cùng nhau ở khá nhiều nơi rồi nên coi nhau như anh em trong nhà.

Dù đã xuất ra 48 triệu đồng cho 4 căn nhà tình thương, nhưng “phái đoàn” vẫn còn tặng thêm cho mỗi gia đình này một triệu đồng nữa để mua sắm bàn ghế giường tủ và ông chủ bút báo Văn Nghệ còn lễ mễ bưng đến thêm một giỏ “nồi niêu xoong chảo”, trị giá 500 ngàn đồng tặng cho chủ nhà dùng vào việc bếp núc.

Sự chu toàn quả là hiếm thấy. So với những mái nhà tình thương, nhà tình nghĩa ở đây khác xa nhiều lắm. “Tiêu chuẩn” của mỗi căn nhà như thế nhà nước hoặc cơ quan nào đó chỉ cho 6 triệu đồng, chủ nhà phải có thêm 2 triệu đồng nữa mới được nhận tiền làm nhà. Thời buổi này mà chỉ có 6 triệu thì không thể nào làm đủ. Chính tôi đã có lần phải trích ra thêm sáu trăm ngàn đồng cho một người thiếu tiền làm cái đố cửa, không được nhận nhà. Cả cái thôm xóm quyên góp mãi mà không đủ tiền làm thêm cái đố cửa nên anh chủ nhà chỉ đứng đó mà ngó ngôi nhà làm gần xong, nhưng chưa biết bao giờ mới được dọn vào ở, trong khi phải ở tạm túp lều tồi tàn bên mép rừng.









Người đàn bà già yếu cô đơn nhận tiền giúp đỡ của độc giả ở nước ngoài.

Nhìn thấy kinh nghiệm đó nên chúng tôi đã đề nghị số tiền 12 triệu cho một căn nhà tình thương. Gia đình nào có điều kiện có thể thêm cặp vào làm theo ý mình. Có nhà huy động toàn nhân lực của gia đình làm nhà nên không mất tiền thuê thợ, có nhà sử dụng lại một số vật dụng cũ nên căn nhà có thể nới rộng thêm hoặc lát thêm cái nền gạch bông cho sáng sủa.

Suốt một buổi sáng, chúng tôi phải hướng dẫn phái đoàn đi từ đầu thôn đến cuối xã, lần mò vào những con đường mòn, những đồi dốc thung lũng tìm đến 4 căn nhà vừa được hoàn thành. Tấm bảng xanh của Quỹ Mái Ấm Tình Thương còn được phong kín trước những khung cửa ra vào. Các anh chị trong phái đoàn lần lượt gỡ tấm bảng coi như phút “khánh thành” cho những gia đình được tặng nhà.

Không phải là một buổi lễ, chẳng có gì là long trọng nhưng trên nét mặt những người dân bày tỏ sự xúc động sâu sắc. Không có nước mắt, không có diễn văn diễn từ, họ kéo nhau vào ngồi xệp ngay xuống nền nhà mới, vui vẻ chuyện trò. Hầu như những người dân chỉ biết căn nhà này là do đồng bào mình ở nước ngoài tặng, chứ chẳng biết chính xác đó là của cơ quan hay tổ chức nào. Và “phái đoàn” cũng chẳng muốn phô trương thanh thế làm gì. Miễn là họ đã làm được một công việc từ thiện đúng nơi đúng chỗ.









Chủ nhà và phái đoàn cùng ngồi sệp trên sàn nhà mới “đàm đạo” chuyện cuộc sống hôm qua và hôm nay

Hôm đó, “phài đoàn” còn tặng thêm cho đồng bào nghèo trong xã 100 phần quà, mỗi phần trị giá 200 ngàn đồng, gồm 100 ngàn tiền mặt, một thùng mì gói và 10kg gạo. Tổ chức phát quà ngay tại trụ sở của Ủy Ban xã. Người nghèo thuộc đủ mọi thành phần, từ người kinh đến người dân tộc thiểu số náo nức đến nhận quà.

Từ ba năm nay, khi tôi về sống ở địa phương này, việc phát quà Tết cho đồng bào nghèo ở mấy xã gần đây như đã thành một cái lệ. Năm nào người dân nghèo như cũng ngóng chờ “phái đoàn của báo Văn Nghệ” và họ cũng chẳng biết rõ tờ báo này ở đâu, chỉ biết đó là quà của bà con từ nước ngoài mang về tặng. Một món quà Tết gần như vượt quá cả sự mong đợi của họ. Ngay cả khi những người neo đơn, nghèo khó nhận được 500 ngàn đồng cũng vậy, đó là một món quà lớn đối với đời sống lam lũ của nguời dân thôn quê. Người dân trong nước cảm nhận được tình thương của những người xa quê hương dành cho họ là như thế nào. Đó mới thực sự là “núm ruột của quê hương”. Thực tế bao giờ cũng có tác động mạnh mẽ hơn những lời nói xuông.

Đến việc gửi quà Tết cho anh em Thương Phế Binh

Ngay sau khi xong việc với “phái đoàn” ở Úc về VN, tôi lại lên đường trở lại Sài Gòn lo việc phân phối những món quà Tết của bạn đọc gửi tặng anh em TPB VNCH trong dịp Tết này. Thật ra đó mới là công việc chính của tôi. Trong số một vài anh em cộng tác cùng nhau, Đoàn Dự lo việc nhận tiền và giúp người nghèo khổ, còn tôi cùng anh Trưởng làng Thương Binh Thủ Đức cùng Hàm Anh lo việc lập danh sách, xác minh và trợ giúp anh em TPB.

Tuy nhiên, có một số bạn đọc hỏi các tòa soạn báo địa chỉ của tôi nên gửi thẳng cho tôi về Lộc Ninh hoặc ở Sài Gòn. Ngoài số tiền của ông Đỗ Đức Ngọc cùng các vị thân hữu của ông ở Canada gửi như tôi đã tường trình trong những số trước, tôi cũng đã nhận được một số tiền của các bạn bè khác, có người cho biết tên, có người không tiết lộ danh tính, mỗi người chừng một hai trăm. Và những lần như thế tôi đã trực tiếp giúp cho những anh em cần phải giúp và những người này cũng liên lạc thẳng với tôi. Trong dịp về thăm VN cùng anh chị Hà Xuân Du, BS Nguyễn Thượng Vũ đã gửi tôi 100 USD tặng người nghèo. Ngay sau đó tôi đã chuyển số tiền này cho anh Lê Phước Khương giúp cho một anh trước kia là Không Quân hiện chạy xe ôm, đang đau ốm nên gia đình rất túng thiếu.

Gần đây nhất, qua lời giới thiệu của anh Lê Phú Nhuận, tôi đã nhận được 5.000 USD của Bác sĩ Hùng và BS Christina Vu ở Houston giúp TPB và người nghèo. Tôi đã gửi ngay cho 15 anh em ở Huế, Quảng Trị và ở tỉnh Bình Phước, mỗi người 100 USD. Những anh em này hầu hết là những người ở những vùng sâu vùng xa, lâu nay chưa nhận được sự giúp đỡ nào. Ông Minh hiện ở xã Lộc Điền, vốn là dân Huế nên quen biết khá nhiều anh em TPB, là người đã cùng gia đình tôi trực tiếp gửi quà đến và chúng tôi vừa nhận được hồi âm của đủ 15 người.

Còn lại 3.500 USD, tôi đã mang về Sài Gòn để tập trung gửi đều cho tất cả những anh em TPB mà chúng tôi đã xác minh và có địa chỉ rõ ràng.

Một buổi họp mặt đông đủ gồm có các anh Giáo - Trưởng làng TPB Thủ Đức- anh Bảo đại diện cho anh em TPB ở Sài Gòn, anh Đoàn Dự cùng Hàm Anh và tôi để tập trung danh sách, ghi nhận địa chỉ rõ ràng và quyết định gửi ngay quà đến các anh em, dù ở Sài Gòn hay ở bất cứ đâu.

Anh Đoàn Dự mang hết số tiền của Thời Báo Canada đến. Sau khi đã giúp đỡ anh em và người nghèo khó (như trong bài tường trình của anh Đoàn Dự), còn lại 7.500 đô la Canada. Cùng với số tiền tôi mang về 3.500 USD. Ngay hôm đó anh chị Huỳnh Kim Phụng ở Úc lại gửi 30 triệu tiền VN (khoảng 2.000 USD) về cho thân nhân ở Sài Gòn, tôi đã nhờ người cháu chở xe gắn máy đích thân đến nhận và tập trung cùng số tiền đã có. Tổng cộng được 13.000 USD (tính tròn).

Mộng ban đầu

Chúng tôi đã đồng ý giao ngay cho hai Giáo và anh Bảo để gửi ngay đến những anh em có tên trong danh sách. Hôm đó chúng tôi đã cùng nhau xem xét lại toàn bộ danh sách mà chúng tôi có được cho khỏi trùng hợp và chính xác. Cũng xin nói thêm, trong phạm vi nhỏ hẹp làm công việc trợ giúp anh em TPB từ những năm gần đây, khả năng của chúng tôi chỉ có hạn nên biết người nào, chúng tôi giúp người đó. Không thể nào có đủ danh sách tất cả anh em TPB còn sống ở VN.

Thật ra cái “mộng ban đầu” của chúng tôi là làm thế nào để mỗi anh em nhận được khoảng 100 USD, có một cái tết đầm ấm. Nhưng khi tập trung danh sách, lên tới hơn 200 anh em. Ngoài ra còn phải theo yêu cầu của độc giả tặng người nghèo khó nữa, cho nên chúng tôi buộc lòng phải quyết định tặng mỗi anh em một triệu tiền VN. Dù buổi gặp mặt đã quá 12 giờ trưa, nhưng ngay hôm đó anh Giáo và anh Bảo đã đổi hết thành tiền VN, “lên đường” gửi ngay quà tết cho anh em ở khắp nơi. Chỉ trong buổi tối, tôi đã nhận được điện thoại hồi âm của một số anh em ở Biên Hòa. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh xem quà Tết có đến tận tay từng người.

Tôi cũng xin nói thêm là trong thời gian này, tôi cũng đã nhận được thư của chị Thanh Vân yêu cầu tôi cung cấp danh sách 10 TPB có hoàn cảnh khó khăn để các anh chị ở bên đó trực tiếp gửi đến từng địa chỉ. Sự liên lạc trực tiếp này cũng chính là niềm mong đợi của chúng tôi, càng gắn bó thêm tình nghĩa và đỡ cho công việc của chúng tôi bớt bận rộn. Xin trích một đoạn trong thư:

“Chung toi rat mung va cam on anh that nhieu, nhieu nhieu lam. May ngay hom nay toi biet anh ban nen khong dam viet tho thuc duc nhung trong long that non nao.

Chung toi se goi tien ngay den gia dinh cac anh TPB , co vai nguoi o Hue va Da Nang, chac cac ban cua chung toi vui mung lam vi phan dong chung toi la dan Hue hoc o Danang ngay xua (lycee Blaise Pascal-Danang.), ngay nay tan man khap noi tren The gioi, chi mong dong gop mot chut gi cho nhung nguoi da hy sinh than the de cho chung toi yen lanh an hoc.

Mot lan nua xin cam on anh that nhieu...anh da cho chung toi va nhung gia dinh TPB con ket lai mot cai Tet that am long.

Kinh
Thanh Van

Tuy nhiên trong thư chị Thanh Vân cũng nêu rõ một số khó khăn. Chị sợ rằng những anh em ở làng xã xa xôi, không có phương tiện liên lạc với người gửi nên việc hồi âm sẽ rất phức tạp. Rất có thể có sự rủi ro không thể kiểm soát được. Xin trích một đoạn trong e mail của chị Thanh Vân:

“….chung toi chi so ho biet la goi cho may anh em TPB vi dia chi toan o xa xoi heo lanh chu toi khong de cap chut chi ve cac anh TPB chi co de trong loi nhan "Chung toi, mot nhom Viet Nam cu kinh gui cac ban chut qua mon luc Xuan ve", hang nay may nam nay dua tien rat nhanh va dang hoang, co giay hoi bao. Ho noi vi goi tien ve cac noi xa nen hai ngay moi co giay hoi bao.Thu sau ni toi se di lay thu xem chu... khong biet ho co gia chu ky hay khong vi biet cac anh em TPB khong the nao lien lac duoc voi chung toi mac du toi co ghi dia chi nguoi goi...”

Sự lo lắng của chị là đúng với sự thật. Nhưng nếu cần, chúng tôi rất sẵn sàng xác minh từng địa chỉ để xem anh em đã nhận được quà chưa. Hiện nay tôi cũng đã được một vài anh em cho biết đã nhận quà Tết của các anh chị tặng và nhờ tôi chuyển lời cảm tạ đến các anh chị.









Đồng bào nghèo ở Lộc Thái và những xã lân cận đến nhận quà từ tay phái đoàn

Những món quà đến sau

Sau khi đã gửi quà Tết đi rồi, chúng tôi còn nhận được thêm một số tiền của độc giả Thời Báo gửi về qua anh Đoàn Dự, cùng một vài người bạn gửi đến sau. Anh chị Hoàng Đình Hoạt ở San Jose gửi 200 USD, một bạn đọc ký tên Ho Ly ở Houston gửi qua anh Nguyễn Đạt Thịnh 100 USD cho tôi, nhưng tôi xin dành để tặng anh em TPB. Ông bà Giai ở Canada gửi 500 USD để tặng bà Trầm (vợ cố Trung Tá Võ Văn Tây) 100 USD, 400 tặng TPB và người nghèo. Một độc giả khác, không có giấy gửi tiền, không nêu tên, nhưng tôi đã nhận 200 USD, xin dành làm quà tết cho người nghèo khó.

Như vậy số tiền còn lại nhận sau, chúng tôi cũng sẽ có buổi gặp mặt khác để giải quyết dứt khoát việc này. Chị Trần Mộng Tú, sau khi đi thăm và tặng quà cho một số anh em TPB ở Quảng Trị cũng vừa gửi cho chúng tôi một danh sách anh em ở Quảng Trị. Chúng tôi sẽ đối chiếu với danh sách mà chúng tôi hiện có để xem anh em nào chưa nhận được quà sẽ tiếp tục gửi đến sau.

Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ để lại một số tiền khoảng 1.000 USD để dành cho những công việc khẩn cấp như anh em nào phải đi bệnh viện, gia đình nào gặp hoạn nạn bất ngờ, cần được cứu giúp ngay. Số tiền này sẽ do anh Trưởng làng TPB và cô Hàm Anh giữ, khi cần sẽ thông báo cho chúng tôi để có thể sử dụng ngay được.

Chúng tôi cũng dứt khoát từ chối yểm trợ cho bất kỳ cuộc họp mặt ăn uống nào bởi quan niệm rõ ràng là sự giúp đỡ dành cho gia đình những anh em TPB qua cơn nghèo khó chứ không phải để làm những việc khác.

Bài tường trình này xin gửi đến bạn đọc để hiểu rõ công việc của chúng tôi, công khai, minh bạch, chính xác, vượt qua mọi áp lực nếu có, miễn là số tiền giúp đỡ của bạn đọc đến đúng những địa chỉ cần được giúp và những người nhận được quà Tết sẽ không bị ai quấy rầy phiền hà như một vài lần trước đây. Chắc chắn một bài tường trình vẫn còn những thiếu sót, mong bạn đọc lượng thứ cho. Nếu cần xin chỉ rõ những khiếm khuyết để chúng tôi có dịp sửa chữa.

Đồng thời đây cũng là lời cảm ơn chân thành của anh em TPB không có điều kiện cảm tạ đến từng vị đã nhiệt tình với lòng hảo tâm, giúp đỡ những người cùng khổ ở quê nhà. Nó cũng chứng tỏ tình yêu quân đội sâu sắc còn mãi trong tận cùng tâm khảm của những người dù đã xa quê hương lâu ngày. Đó chính là niềm hãnh diện của chúng tôi, niềm an ủi cực kỳ lớn lao cho những anh em TPB, cho con cái, gia đình họ trong suốt cuộc đời còn lại của mình. Biết nói gì hơn trước những tình cảm lớn lao đó?

Mong bạn đọc cùng chia sẻ niềm cảm thông sâu đậm này.

Văn Quang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn