BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73319)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Không phải vì cái mũ bảo hiểm

16 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 890)
Không phải vì cái mũ bảo hiểm
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Ngày 12 -9 vừa qua, tôi trở lại TP. Sài Gòn để đi đưa đám tang ông chú mất tại Nhà Bè. Sáng sớm tinh mơ, leo lên chiếc xe ôm của một trong 4 anh “chá xế” thường xuyên đậu ngay dưới chân cầu thang chung cư nhà tôi. Có anh lấy ngay cái gầm cầu thang làm nơi sinh sống cho cả gia đình từ… bao giờ tôi không nhớ rõ. Đến nay vợ con đã đùm đề, mấy đứa con đã khôn lớn. Có đứa con gái học hết lớp 12 rồi không đủ tiền theo lên Đại học, đành xin đi bán quần áo “sida” cho một bà chủ có “cửa hàng hè phố” ngay trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Đã có lần anh “chá xế” kể với tôi: “Có người đến gạ gẫm gia đình em cho nó đi làm tiếp viên bán cà phê, mỗi tháng kiếm vài ba triệu. Nhưng em còn lạ gì cái kiểu làm tiếp viên ấy. Không hư trước cũng hư sau thôi. Con gái ở thành phố… nguy hiểm lắm”.

Chuyện Việt Nam là như thế

Cả nhà anh, gần 10 người, chui rúc dưới gầm cầu thang lầu hình tam giác vuông góc. Ấy vậy mà anh vẫn làm thêm một cái “lầu” ngay trong cái xó kẹt đó. Tầng trên lót ván chỉ đủ cho 1 người chui vào nằm gọn tho lo, không thừa tí nào. Mọi thứ đồ đạc sinh hoạt hàng ngày bày ra trước mặt đường, cứ tỉnh bơ như … nhà của mình. Mặc, ai muốn nhìn thì cứ nhìn, có sao đâu.

Một thời gian sau, anh kéo thêm một người anh em họ về sát bên cạnh làm nghề sửa xe gắn máy. “Tiệm” sửa xe khá phát đạt nên lúc nào chung cư cũng có tiếng gầm rú của xe gắn máy. Lối cầu thang đi lên lầu chung cư đôi khi bị bịt kín bởi những chiếc xe gắn máy của các thượng đế. Người ở chung cư và khách khứa muốn lên lầu phải liệu đường mà lách.

Tất cả gầm cầu thang trong chung cư đều bị chiếm dụng như thế làm cho bộ mặt chung cư ngày càng thêm nhếch nhác. Có rất nhiều người còn xây luôn gầm cầu thang làm cửa hàng buôn bán, làm cơ sở sản xuất giày dép, bán hàng tạp hoá. Con đường vào chung cư trước kia rộng thênh thang, xe vận tải chạy “vô tư”, bây giờ bị thu hẹp lại bởi hai bên đường là những nhà giữ xe để ngay trên lòng đường. Những chiếc xe chở hàng đến bỏ mối cũng đậu “vô tư” cứ như sân của nhà họ. Khi có đám ma, đám giỗ, người ta ngang nhiên làm rạp chiếm luôn đường đi. Những điều này xảy ra ngay trước mặt chính quyền, trước mặt cái gọi là ban điều hành chung cư. Nhưng dường như ban điều hành này chẳng làm được việc gì ra hồn nên cũng mất tăm luôn, chẳng còn ai nhắc tới. Chỉ còn lại mấy anh tổ trưởng khu phố, do dân bầu, do dân điều hành nên chỉ “ăn cơm nhà vác ngà voi”, làm cái công việc thu những khoản “phí” linh tinh cho xã.

Cái sự lộn xộn, nhếch nhác ấy giữa thành phố, không ai buồn để mắt tới. Chẳng hiểu những ông gọi là an ninh trật tự sinh ra để làm gì? Anh công an khu vực hàng ngày đi quanh, mắt láo liên, cũng cứ “vô tư” như chẳng có gì xảy ra. Phải chăng đã có cái gì đút túi nên mọi sự vẫn cứ “bình an vô sự”?

Mỗi khi đưa một người bạn ở nước ngoài vào thăm nhà trong chung cư, tôi chỉ còn mỗi cách giải thích: “ Ờ thì chuyện Việt Nam là như thế. Xin đừng hỏi tại sao”.









Vòng trong vòng ngoài chầu chực từ 7 giờ sáng để chen chân vào mua mũ bảo hiểm

Đừng mừng vội

Trở lại buổi sáng tôi đi xe ôm sang bên Nhà Bè. Anh “tài” dưới chân cầu thang lầu chung cư nhà tôi, người nhỏ gọn gàng, có tên là Minh. Anh đã chuẩn bị sẵn sàng hai cái mũ bảo hiểm đeo toòng teeng hai bên ghi đông chiếc Honda cũ rích. Đó là một “nét mới” của cả thành phố, chứ chẳng riêng gì của anh. Anh Minh, nói với tôi:

– Ra đến khỏi cầu sang gần Nhà Bè, bác phải đội mũ vào, không “nó” phạt đấy.

Thật tình tôi hoàn toàn đồng tình với việc đi xen gắn máy cần phải đội mũ bảo hiểm. Cứ nhìn vào những người đi xe mô tô, xe gắn máy trong những cuốn phim của người nước ngoài, người nào cũng kè kè chiếc mũ bảo hiểm. Điều trước tiên là bảo vệ được cái đầu của mình khi gặp tai nạn. Ra lệnh như thế là đúng, chứ có thu được đồng tiền thuế nào đâu. Dù cái lệnh này có vẻ như “hơi lạc hậu” so với những nước khác. Nhưng có còn hơn không. Cũ người mới ta mà, lo gì. Tôi giải thích với Minh như vậy.

Minh trao cho tôi cái mũ bảo hiểm láng bóng, còn “thơm” mùi nhựa. Không muốn cầm trên tay cho cồng kềnh vì một tay còn phải giữ chắc yên xe phía sau cho khỏi rớt xuống đường khi anh tài uốn lượn quanh co, rồ ga, tìm lối vượt lên trong dòng xe chật như nêm. Lần đầu tiên tôi đội chiếc mũ bảo hiểm như thế này, mặc dù tôi đã từng đi xe gắn máy hơn 10 năm ở thành phố này rồi. Tôi vui vẻ nói với Minh:

– Mũ đẹp đấy chứ. Như thế này tôi cảm thấy yên tâm hơn.

Minh vọt xe ra đầu ngõ, anh ta vừa cười vừa nói:

– Bác đừng mừng vội. Mũ giả đấy. Rớt xuống là vỡ ngay.

Tôi sững sờ, Minh đã giải thích ngay:









Đủ kiểu mũ bảo hiểm, chẳng biết cái nào thật cài nào giả

– Bây giờ bác có muốn mua mũ “xịn” cũng không có mà mua. 90% là hàng giả. Hàng giả thì bao nhiêu cũng có, nhưng hàng thật thì kiếm đỏ con mắt không ra. Vả lại dân xe ôm chúng em, hầu hết chưa xoay đủ tiền để mua mũ thật. Tụi em mỗi đứa phải mua ít nhất hai cái, một cho mình và một cho khách. Lại còn con cái trong nhà phải mua nữa chứ. Mỗi cái mũ thật gần ba trăm ngàn. Tiền đâu ra và cũng chẳng có thì giờ đi chầu chực ở các hãng sản xuất chính gốc để mua mũ.

Té ra tôi đã mừng hụt với cái nền văn minh hiện đại này. Minh nói tiếp:

– Tụi em mua mũ chỉ là để “đối phó” với “tụi nó” thôi. Miễn nó không phạt là được.

– Thế thì không đội mũ còn đỡ nguy hiểm hơn là đội mũ. Khi vỡ tan, vài mảnh đâm vào đầu mình, không khác gì đội một quả lựu đạn rút chốt sẵn.

Minh cười hà hà:

– Biết làm thế nào được! Nhà nước ra lệnh gấp quá, chúng em không kịp trở tay.

– Vậy nay mai có thể mua được mũ “xịn”, anh có mua không?

– Tất nhiên là phải mua chứ. Tới lúc đó các ông ấy lại bày ra trò kiểm tra mũ thật, mũ dởm nữa, không có mũ thật lại phạt, có chết anh em không.

– Vậy những cái mũ dởm này để làm gì?

Minh im lặng một lúc rồi mới thở dài:

– Em cũng chẳng biết để làm gì.

Tôi đùa:

– Để tôi mang về dưới vườn đựng thóc cho gà.

– Bác có dùng cũng chẳng được bao lâu, nó bể còn tức mình nữa. Cho trẻ con chơi cũng sợ. Ngày xưa cái mũ sắt của lính đến bây giờ còn dùng để giã cua được chứ thứ nón này để làm cảnh cũng không xong.

Đến một ngã tư, giữa đường Huỳnh Tấn Phát, có rất nhiều người dừng xe đội mũ bảo hiểm. Công việc này đối với họ chỉ như sự bắt buộc, sự “đối phó” với mấy anh cảnh sát đứng đầu đường. Bởi chưa có thói quen. Nhưng trong số những người đội mũ bảo hiểm đó có bao nhiêu mũ thật, bao nhiêu mũ giả? Tôi chắc con số đội mũ giả nhiều hơn mũ thật.

Chỉ tại… ông nhà nước

Khi Minh thả tôi xuống trước cửa bưu điện Nhà Bè, trong đám tang ông chú, tôi gặp họ hàng bà con khá đông đủ, hầu hết cũng từ hướng TP. Sài Gòn sang. Chỗ ngồi chật kín, không có chỗ để mũ bảo hiểm. Người nào cũng kè kè cái mũ trên lòng. Có người vào làm lễ, để tạm cái mũ dưới chân bàn Phật. Vừa lễ Phật vừa lễ cái mũ mới mua.









Mũ bảo hiểm để trên xe mất lúc nào không biết

Chú em họ tôi phàn nàn:

– Mấy đứa con đi làm, có đứa ở công sở, có đưa ở công ty cũng chẳng có chỗ để mũ. Mang luôn vào bàn làm việc để cho tiện. Có nơi gửi xe nhận luôn cả việc coi mũ, chỉ “xin thêm” 500 hoặc một ngàn đồng. Có nơi xảy ra khối chuyện bi hài. Người này cầm nhầm mũ của người kia. Có ông thản nhiên lấy mũ của xe khác. Nên mũ của ai phải viết tên ở phía trong cho khỏi lầm. Có ông sợ trùng tên, bèn tìm một chỗ kín đáo làm dấu.

Ông anh tôi có tới hơn mười người con, kể cả trai gái. Ông đủng đỉnh phán:

– Chỉ tại lệnh lạc của cái anh nhà nước mới có sự lộn xộn này.

Tôi hơi ngạc nhiên vì sự “đổ vạ” cho ông nhà nước, nhưng biết ông anh tôi vốn thâm trầm nên ông nói thế là có lý của ông. Chú em tôi bộp chộp:

– Tại dân mình “lười” và “liều” quen rồi nên không sợ chết, không thèm đội mũ. Đúng ra đội mũ bảo hiểm là điều nên làm.

Ông anh tôi gật gù:

– Tôi có nói đội mũ là sai đâu. Rất đúng và rất cần nữa là khác. Nhưng các chú thử nghĩ xem. Lệnh lạc ở xứ mình buồn cười lắm. Khi đực khi cái. Lệnh bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đã có từ lâu rồi. Trên các con đường Quốc lộ và nhiều trục lộ giao thông, vẫn nhìn thấy hàng chữ như cái khẩu hiệu to tướng “đoạn đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm”. Nhưng chỉ phạt tượng trưng một thời gian rồi thôi. Ai đội thì đội, ai không đội cũng chẳng sao. Lâu dần rồi cái lệnh chẳng còn tác dụng gì nữa. Hồi đầu các nhà sản xuất mũ cũng tung ra thị trường khá nhiều loại mũ có chất lượng cao đàng hoàng. Nhưng lệnh lạc “phai nhạt” dần, ít người mua, nên nhiều hãng chỉ sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa luôn. Bây giờ đùng một cái ra lệnh đến ngày 15-9 tất cả mọi người phải đội mũ bảo hiểm trên mọi con đường, dù ở trong hay ngoài thành phố. Để hỗ trợ cho lệnh này, các công tư sở đều có biện pháp “mạnh” đối với nhân viên nào không đội mũ. Như thế không lộn xộn sao được. Các ông ấy ra lệnh cứ như trò đùa, khi thi hành ấm ớ, khi ráo riết như sắp có chiến tranh. Chỉ khổ người dân. Cứ rối tung rối xoè cả lên. Dân chạy đằng dân, nhà buôn chạy vắt dò lên cổ, bọn con buôn gian lận được dịp tung hoành. Chung quy là tốn kém bạc tỉ. Như thế cái mũ bảo hiểm có tội gì đâu, chung quy chỉ tại “ông nhà nước”.

Chúng tôi đều nhận thấy ông anh có lý. Đề tài cái mũ bảo hiểm râm ran trong khắp các bàn ở đám tang.

Một chút kinh nghiệm về “taxi gian”

Khi ra về, một người em họ chở tôi trên chiếc xe Honda từ thời chính phủ cũ bán xe trả góp cho quân đội, tính ra hơn 50 năm, nay chạy vẫn còn tốt. Cho nên người bình dân bây giờ cứ gọi xe gắn máy nào cũng là xe Honda. Nhìn dòng xe cộ chật ních, người ta lấn nhau từng nửa cái bánh xe mới thấy được hết sự nguy hiểm của đường phố Sài Gòn. Rất nhiều ông bạn Việt kiều của tôi thường không bao giờ dám ngồi xe ôm. Thà là leo lên taxi, bị chặt chém còn hơn đùa với sinh mạng mình.

Nhưng ngày nay, taxi gian ở Sài Gòn nhiều hơn bất kỳ lúc nào. Tôi đã đi một đoạn đường từ tiệm phở Hoà đường Pasteur về chung cư Nguyễn Thiện Thuật, nếu đi xe đàng hoàng chỉ mất khoảng 20 đến 22 ngàn đồng VN, lần này đồng hồ taxi nhảy đến con số 54 ngàn đồng. Dĩ nhiên tôi không chịu và nói thẳng ngay “đồng hồ của anh có vấn đề đấy, nếu cảnh sát kiểm tra anh sẽ bị phạt rất nặng”. Anh lái taxi bèn xuống nước nhỏ “bác trả bao nhiêu thì trả vậy”. Tôi trả anh trên cái giá thường một chút và chỉ yêu cầu anh sửa lại cái đồng hồ. Giữa lúc đó thì một người bạn gọi điện thoại di động cho tôi. Anh tài xề taxi sợ tôi tiện tay bấm nút gọi cảnh sát nên nhảy xuống loay hoay sửa lại cái đồng hồ. Đây cũng là một kinh nghiệm “xương máu” cho các bạn có dịp về Sài Gòn leo lên taxi. Nếu cần “mặc cả” một đoạn đường, các bạn cứ việc “mặc cả” và sẽ được các bác tài đáp ứng. Như thế cho yên tâm. Cái kiểu đi taxi mặc cả cũng là một nét mới của TP. Sài Gòn đấy!

Sự lãng phí bắt buộc

Trở lại chuyện cái mũ bảo hiểm, với hàng chục triệu người dân đang phải lưu thông bằng xe máy mỗi ngày thì chuyện chiếc mũ bảo hiểm đang là chuyện “dầu sôi lửa bỏng”, càng “nóng” hơn khi thời điểm bắt buộc tất cả người đi xe máy trên mọi tuyến đường phải đội mũ bảo hiểm (theo nghị quyết 32 của Chính phủ) từ ngày 15-12-2007. Tôi suy nghĩ về chuyện ông anh tôi “đổ vạ” cho chính phủ là hoàn toàn có lý (ở đây còn gọi là có cơ sở cho đúng danh từ thời thượng).

Nếu ngay từ ban đầu lệnh lạc được thi hành nghiêm chỉnh thì đâu đến nỗi phải lặp đi lặp lại và nhất là khoảng thời gian quy định được kéo dài hơn cho mọi người có đủ thì giờ chuẩn bị thì đâu đến nỗi “loạn” như bây giờ.

Cứ tính sơ sơ từ thành thị thới thôn quê, có bao nhiêu triệu người dân có xe gắn máy và mỗi nhà có bao nhiêu người cần dùng đến mũ bảo hiểm. Theo một nhà sản xuất nghiên cứu thị trường thì con số đầu tiên là 40 triệu chiếc mũ bảo hiểm phải đáp ứng ngay cho người tiêu dùng. Nhưng nhà sản xuất chỉ đáp ứng chưa đầy 1/10 nhu cầu.

Trong khi đó trên thị trường, hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ với giá bán siêu rẻ - vài chục ngàn đồng một chiếc, tràn ngập khắp các lề đường.









Muốn vào bệnh viện phải để mũ bảo hiểm ở ngoài, không ai trông, đành vút lỏng chỏng tới đâu thì tới. Thăm người bệnh trước đã

Không biết những vị ban ra lệnh lạc có nghĩ đến “sự cố” này không? Có lẽ nhiều vị cả nhà đều đi xe hơi nên chuyện đó là… “chuyện của những thằng đi xe gắn máy”, làm sao quý vị đó biết được tình hình khốn khổ của người dân. Kiếm tiền mua mũ đã toát mồ hôi còn kiếm chỗ gửi mũ cũng chẳng phải là chuyện dễ. Từ các cửa hàng ăn, hàng cà phê, siêu thị, chợ búa, nhà sách, công tư sở đều hoàn toàn chưa có nơi nào chuẩn bị cho một chỗ gửi mũ bảo hiểm. Nhà sản xuất mua không kịp sắm… két sắt để tiền bán mũ. Giá cả tăng vùn vụt, gấp đôi gấp ba, vậy mà thượng đế mua được cái mũ “xịn” cho rằng mình may mắn lắm mới được móc túi.

Các con buôn gian lận tha hồ tung hoành và chưa có bao giờ có kiểu chính người mua hàng lại đi kiếm hàng giả để mua. Mua hàng giả để rồi mai mốt lại vứt đi, phải mua hàng thật. Một sự kiện chỉ có thể xảy ra ở VN trong những ngày tháng này. Sự lãng phí tiền bạc, công sức của nhân dân, hầu như bắt buộc đó đang diễn ra tưng bừng trên khắp đường phố.

Chuyện này cũng giống như chuyện ở chung cư mà tôi vừa kể ở đoạn trên. Nếu không giữ trật tự từ đầu thì chắc chắn sẽ có lúc giữa người dân và chính phủ lại lục đục to, tranh cãi chí choé, kiện tụng tưng bừng. Vì nếu có “cải tạo” chung cư, có quy hoạch lại, thì đền bù người ở gầm cầu thang bằng cách nào, đuổi họ đi đâu? Rõ ràng là nhà nước tự mua lấy cái khó cho mình chứ chẳng phải tại người dân. Cái khó đó chính là túi tiền của các quan chức địa phương lớn hơn lệnh lạc của nhà nước. Trên dưới như một.

Nguội lạnh trước sức nóng của người dân

Thị trường mũ bảo hiểm như một "chảo lửa" khi cung không đủ cầu. Trong khi người tiêu dùng đang rất nóng lòng, rất hoang mang trước một rừng MBH thật giả lẫn lộn, không biết phải dựa vào ai, kêu vào đâu, thì thời gian qua có vẻ như các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này rất chậm chạp, thậm chí "nguội lạnh". Lẽ ra các cơ quan chức năng phải ráo riết tăng cường kiểm tra, xử phạt, thu hồi MBH giả, không đạt chất lượng, không đúng tiêu chuẩn. Và phải làm điều đó thật sớm để bảo đảm cho người dân có thể mua được chiếc MBH "đàng hoàng" trước khi bắt buộc người dân đội MBH.

Tiếc rằng sự tính toán thời gian đã quá sai lầm, lại đến cả việc quản lý thị trường cũng chậm chạp làm cho tình hình đã rối càng thêm rối. Hàng triệu chiếc mũ dỏm hay hơn thế nữa đã được bán ra, người dân mua rồi, biết “điều chỉnh” bằng cách nào đây? Những cuộc kiểm tra vừa mới bắt đầu đã thấy gần như đuối sức, không làm nổi. Nước đã vỡ bờ, làm sao vớt lại được? Lúc này chỉ là lúc cần phải hàn gằn những con đê, được phần nào hay phần đó thôi.

Đã có rất nhiều người dân buộc phải mua mũ giả, mũ kém chất lượng, tuy nhiên vẫn còn những người chưa mua hoặc mượn tạm của ai đó mỗi khi cần xuống đường. Một giải pháp khác vẫn có thể thực hiện là lùi ngày buộc phải đội mũ bảo hiểm trên mọi con đường để ít nhất người dân đỡ cuống cuồng.

Hãy cho các nhà sản xuất có thời gian chạy theo nhu cầu thiết yếu của dân. Nều cần phải khống chế giá cả cho từng loại mũ, từng nhà sản xuất và đưa ra những lời khuyên chính xác cho người tiêu dùng. Phải công khai tất cả các tiêu chuẩn cho người dân biết cách chọn lựa để khỏi phung phí công sức của họ.

Hãy cho tất cả những nơi công cộng, những công tư sở chuẩn bị chu đáo chổ gửi mũ. Tình trạng mất cắp mũ, cầm nhầm đã và đang xảy ra, mỗi nơi phải có cách ngăn chặn.









Người có bộ râu đẹp, anh Nguyễn Văn Long, không cho ông đội phó công an hình sự nhổ chơi, bị đánh trọng thương đang nằm ngất ngư ở bệnh viện

Việc xử phạt phải nghiêm minh. Chứ không thể chỉ vì chiếc mũ bảo hiểm mà xảy ra tình trạng muốn phạt kiểu nào thì phạt như kiểu anh có bộ ria đẹp cũng bị “uýnh” hộc máu mồm phải đi cấp cứu ở bệnh viện.

Đánh người chỉ vì sợi râu

Đây cũng là một chuyện lạ nhất nhì thế giới. Bạn thử đọc xem nên “tức cái mình” hay nên cười?

Ông Nguyễn Văn Thảo, ở xã An Lư, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, vừa tố cáo về việc con trai ông là Nguyễn Văn Long bị một số công an huyện Thuỷ Nguyên đánh trọng thương tại trụ sở công an huyện vào chiều ngày 8-9.

Theo lời các nhân chứng kể, tối ngày 7-9, một nhóm 9 người đến xã Ngũ Lão hát karaoke và đã xô xát với chủ quán. Cả nhóm bị công an huyện tạm giữ. Chiều hôm sau, họ chỉ bị xử phạt hành chính.

Các bạn là Nguyễn Văn Long, Phạm Văn Sơn, Phạm Văn Thăng, Trần Văn Hưng (xã An Lư) lên bảo lãnh cho nhóm về. Cùng lên bảo lãnh cho nhóm còn có ông Bùi Văn Hà, Phó trưởng công an xã An Lư. Sau khi làm các thủ tục, Long đã vào phòng tạm giữ gặp bạn.

Anh Long gặp ông Cường và ông Phạm Văn Hải thượng úy (Đội phó Đội cảnh sát hình sư ïcông an huyện) lúc đó mặc thường phục đang ngồi trong phòng cùng những người bị tạm giữ.

Ông Cường đùa Long: "Thằng này có cái râu cong dài thế này là đầu gấu lắm đây". Phạm Văn Hải bảo: "Để tao nhổ cái nào". Long không đồng ý, lấy tay che lại, nên bị Hải đạp vào bụng. Long đấm lại làm Hải rơi kính.

Lập tức có 4 công an (mặc thường phục), xông vào đánh Long. Long đã xin lỗi nhưng vẫn bị số công an này đánh. Sau khi đánh Long ở phòng tạm giữ, Phạm Văn Hải còn gọi những công an khác đưa anh này sang phòng ngủ của các điều tra viên, đóng cửa phòng vào đánh tiếp. Gần 1 tiếng sau, Long mới được đưa ra ngoài, sau khi đã ký biên bản. Gia đình lập tức đưa Long đi bệnh viện cấp cứu.

Ông Bùi Văn Hà, Phó trưởng công an xã An Lư, cũng thừa nhận rằng Long đã bị các cán bộ công an huyện Thuỷ Nguyên đánh.

Công an huyện Thuỷ Nguyên, TP.Hải Phòng xác nhận việc đánh trọng thương anh Nguyễn Văn Long ngày 8-9 ngay tại trụ sở công an huyện chỉ vì anh này có sợi... râu đẹp, là đúng sự thật và riêng Phạm Văn Hải đã bị cách chức đội phó, 5 nhân viên công an này sẽ phải làm bản kiểm điểm tường trình vụ việc.

Có một sợi râu đẹp không cho ông Đội phó Cảnh sát hình sự nhổ chơi mà bị đánh đến phải đi nằm bệnh viện thì… xin miễn bàn. Điều đáng bàn là mỗi lần về VN chơi, các đấng “tu mi nam tử hán đại trượng phu” có nên cạo bộ râu đẹp của mình đi hay không. Và nếu như có một ông cảnh sát hình sự nào muốn “nhổ râu bạn chơi”, bạn sẽ phản ứng ra sao?

Xin để bạn đọc trả lời.

Văn Quang
16-09-2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn