BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thiện và Ác

02 Tháng Ba 20217:47 SA(Xem: 5895)
Thiện và Ác
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Lời giới thiệu:

 

Chúng ta luôn luôn sống giữa cái thiện và cái ác: Bên này là cái thiện, bên kia là cái ác, và ở giữa là con người chúng ta.  Chúng ta có tự do làm điều mình muốn; có quyền lựa chọn và quyết định sẽ làm điều thiện hay điều ác để sống cuộc đời mình; nhưng biết bao nhiêu lần chúng ta đã quyết định vội vã rồi sau đó lại hối tiếc vì lầm, và không có cơ hội để làm lại được?

Hoàn cảnh xã hội đưa đẩy chúng ta vào những tình huống đầy cám dỗ với nhiều lựa chọn hướng về lợi ích nhiều hơn; và sau đó chúng ta phải trả giá rất đắt cho các xung đột, đổ vỡ, bối rối, hoang mang… Cả “Tâm” và “Ý” đều “Thiện” thì hành động (và sự lựa chọn hành động) của chúng ta sẽ là hành động Thiện.

Chỉ một giây phút ngắn ngủi có thể quyết định quãng đời còn lại theo chiều hướng tốt đẹp hay tồi tệ hơn.

 Mời đọc một bài hay, đáng đọc và suy gẫm…

 

Thân ái,

 

Trần Văn Giang

 

*

 

Thiện và Ácvấn đề được nói tới khá nhiều trong xã hội. Trong các tôn giáo, vấn đề thiện ác còn được đặt nặng hơn, vì hầu hết mọi hoạt động tôn giáo đều nhằm hướng dẫn con người phải biết làm sao để phân biệt minh bạch thiện ác; để làm lành tránh ác trên con đường tìm hạnh phúc. Thế nhưng, cũng trong kinh sách các tôn giáo, nhất là Phật giáo và Thiên Chúa giáo, lại cũng nói “không phân biệt thiện ác” như là một điều cần thiết để tới cái đích cuối cùng.

thienvaac

 

Xin phép lược ghi lại như sau đây:

 

Lại xin trở lại với "Kinh Thánh Cựu Ước" (Old Testment) Thiên Chúa Giáo, theo "Sách Sáng Ký" (Book Of Genesis):

 

“Ông Adam và bà Eve đang được sống trong vườn Eden, hay địa đàng, nhưng sau khi “biết phân biệt thiện ác,” thì lại bị đuổi khỏi vườn địa đàng (1), để trở thành con người như chúng ta ngày nay, chịu sự chết và đời sống khốn khổ, trong một thế giới thiện ác.”

 

Nói một cách khác, ông Adam và bà Eve hay là con người chỉ được ở trong vườn địa đàng nếu… “không biết phân biệt thiện và ác” (2).

 

Trong Kinh sách Phật giáo có nói tới câu chuyện giữa Lục tổ Huệ Năng và Thượng tọa Huệ Minh. Khi Thượng tọa Huệ Minh hỏi Pháp, Lục tổ Huệ Năng trả lời:

 

“… Không nghĩ thiện, không nghĩ ác; đó là cái ‘bản lai diện mục.’

(sẽ bàn thêm về “bản lai diện mục” ở phần dưới).

 

Từ câu nói này của Lục tổ Huệ Năng, Thượng tọa Huệ Minh đã “đại ngộ.” 

 

Như vậy là Thượng tọa Huệ Minh nhận ra:

 

“Con người chỉ giác ngộ khi trong tâm không còn mang sự phân biệt thiện và ác.”

 

Lời Đức Phật:

 

“… Một là thiện hai là bất thiện, còn ‘Phật tánh’ chẳng phải thiện chẳng phải bất thiện, đó gọi là ‘không hai.’ ”

 

Phật tánh là “tánh không hai” (lời Đức Phật), Phật tánh cũng là tánh đã giác ngộ - giác ngộ là Niết bàn. Vậy Niết bàn là nơi “chẳng thiện chẳng bất thiện” (hoặc “không thiện không ác.” Đã không có thiện không có ác thì cũng chẳng có sự phân biệt thiện, ác.

 

Lục tổ Huệ Năng (Pháp Bảo Đàn Kinh):

 

“… Điều lành (thiện) điều dữ (ác) tuy là khác nhau, chớ cái bản tánh không hai. Cái tánh không hai gọi là Thật tánh. Trong cái Thật tánh chẳng nhiễm điều lành điều dữ, ấy gọi là viên mãn báo thân Phật.”

 

" … Người học đạo thì phải bỏ hết các niệm thiện, niệm ác. Cái tánh không hai ấy gọi là Thật tánh. Do nơi Thật tánh ấy mà lập ra tất cả giáo môn. Vậy nghe nói Pháp rồi thì phải thấy tự tánh."

 

Thật tánh” là cái bản tánh vốn có của con người, cũng là Phật tánh, là Niết bàn, vốn không thiện không ác.

 

Vương Dương Minh, một nhà chính trị kiêm triết học đời nhà Minh bên Trung Quốc thì cho rằng cái bản thể của tâm con người vốn không thiện không ác, khi nói: 

 

“Không thiện không ác là cái thể của tâm,

Có thiện có ác là cái động của ý.

Biết thiện biết ác là lương tri,

Làm thiện bỏ ác là cách vật.”

 

Lời Đức Phật trong kinh Pháp cú:

 

“Ai siêu việt thiện ác,

Sống đức hạnh tuyệt vời,

Thấu triệt được lẽ đời,

Là tì kheo đích thực.”

 

Có vượt qua được cả thiện cả ác, mới đích thực được là một tì kheo. Để có thể tới được cái đích là Niết bàn, thì ít nhất cũng phải là một tì kheo đích thực.

 

Mạnh Tử thì cho rằng “Nhân chi sơ, tính bản thiện.”  Nhưng cũng cùng ở Trung Quốc, Tuân Tử lại có quan niệm “Nhân chi sơ tính bản ác” cho nên, theo Tuân Tử. cần phải đặt ra luật lệ để kiềm chế cái ác.

 

Sống trong xã hội, con người phải biết phân biệt phân minh thiện và ác, để làm thiện diệt ác, mới đúng đạo lý làm người. Nhưng sao “không phân biệt thiện ác” lại cũng được coi là cần thiết để được tới đích cuối cùng là Thiên đàng hay Niết bàn?

 

Có gì mâu thuẫn? Hay có gì nghịch lý chăng?

 

 

1.- Vườn Eden, nơi không phân biệt thiện ác

 

Trở lại với câu chuyện “Sáng Thế Ký,” câu chuyện về hai con người đầu tiên là ông Adam và bà Eve. Đây là một câu chuyện huyền thoại, tác giả viết để gởi cái triết lý của mình trong đó.

 

Hai ông bà Adam và Eva khởi đầu vốn đang ở trong vườn địa đàng chưa hề biết "ác,” nên cũng không có ý niệm gì về "thiện" cả, tuy rằng tâm hồn hai vị là toàn thiện, cho nên dĩ nhiên cũng không biết "phân biệt thiện ác" là gì (vì "ác" chưa có, thì lấy gì mà phân biệt). Nhưng ngay sau khi ăn “trái cây biết phân biệt thiện ác” (cũng mang tính cách tượng trưng), nghĩa là khởi đầu nhận biết phân biệt thiện ác thì bị “đuổi” ra khỏi vườn địa đàng, vì khi đã biết phân biệt thiện ác tức là đã đã biết hay đã có cái ác xâm nhập vào trong tâm rồi.

 

Như vậy, ta dễ dàng nhận ra ý của tác giả “Sáng Thế Ký” là vườn địa đàng chỉ chứa chấp những con người không mang tâm phân biệt thiện ác, hay nói một cách khác cái tâm đầu tiên của con người (cái tâm của Adam trước khi ăn trái cấm), tức là bản tâm, vốn không có ác, nên không có phân biệt thiện ác.

 

Ý của ông Vương Dương Minh cũng giống như ý tác giả “Sáng Thế Ký” ở điểm này, là “không thiện, không ác là cái thể của tâm” (bản thể của tâm vốn không có thiện cũng không có ác), lúc đó ngay cả từ ngữ “thiện” và  “ác” cũng chẳng có, ta chỉ tạm mượn chữ bây giờ của người thế gian đã có ác có thiện để diễn tả, và Đức Phật thường dùng chữ “thị danh” hay “giả danh” để nói trong những trường hợp như thế để cho chúng ta hiểu. Không có thiện không có ác thì cũng không có sự phân biệt thiện ác.

 

Thế rồi có một biến cố, một biến động nào đó làm cho cho con người phát khởi sự phân biệt thiện ác và là nghĩa của câu “có thiện, có ác là (do) cái động của ý.”  Cái biến động đó được diễn tả trong “Sáng Thế Ký” là hành động của ông Adam và bà Eve, bị cám dỗ lôi cuốn, đã ăn trái cấm để “biết phân biệt thiện ác” và sau đó bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi vườn địa đàng, đi vào thế giới của thiện và ác đối chọi nhau, chuốc lấy khổ ải trong cuộc sống và lãnh nhận cái chết.

 

Nếu bạn chưa hiểu ý niệm cao cả của Thiên Chúa thì có thể hiểu một cách đơn giản hơn, là khi khởi tâm phân biệt thiện ác (mà khởi đầu là tâm phân biệt nhân-ngã), chính con người, tượng trưng bởi ông Adam, đã tự bước vào một thế giới có ác có thiện, như ta đang sống ngày nay, đó là một tương quan nhân-quả:

 

Khởi tâm phân biệt nhân-ngã (nhân) → bước vào thế giới thiện-ác (quả)

 

2.- “Bản Lai Diện Mục”: Không nghĩ thiện, không nghĩ ác.

 

Một lần nữa, xin ghi lại là khi Thượng tọa Huệ Minh hỏi Pháp, thì Lục tổ Huệ Năng trả lời:

 

"Nhà ngươi đã vì Pháp mà đến, thì hãy dẹp bỏ các duyên chớ sanh một niệm, ta sẽ vì nhà ngươi mà nói rõ trong giây lát.”

 

Ngài Huệ Năng bảo tiếp:

 

“… Không nghĩ thiện không nghĩ ác; đó là cái ‘bản lai diện mục.’ “

 

 Từ ngay câu nói này Thượng Tọa Huệ Minh “đại ngộ." 

 

Ta thử tìm xem Thượng tọa Huệ Minh đại ngộ cái gì, và như thế nào?

 

Cái Ác sinh ra do “tham, sân, si, kiêu mạn, ganh tị”; “tham, sân, si, kiêu mạn, ganh tị” sinh ra bởi “duy ngã độc tôn” hay “tâm phân biệt nhân-ngã.” Do đó nếu không mang “tâm phân biệt nhân ngã” thì không sinh “tham sân si,” và sẽ không vướng vào cái ác. Khi không có cái ác thì cũng không có ý niệm gì về thiện. Đấy chính là cái tâm gốc lúc ban đầu, trống vắng, thanh tịnh, là cái bản tâm của Thượng tọa Huệ Minh và mọi con ngưòi ai cũng có.

 

Cái “bản tâm” vốn không phân biệt thiện ác (hay không phân biệt nhân ngã) ấy, vốn có từ xưa và nay vẫn còn đó, nhưng bị che lấp bởi bao phiền não do “tham sân si, kiêu mạn, ganh tị, được mất, hơn thua, vui buồn, ân oán...” chính là cái mà lục tổ Huệ Năng gọi là "mặt thật xưa nay" hay “bản lai diện mục.”

 

Lời Lục tổ Huệ Năng nhắc cho Thượng tọa Huệ Minh trở lại với cái tâm vô phân biệt ban đầu, hay là “bản lai mục diện,” vốn không có ý niệm thiện và ác, đó cũng chính là Niết bàn, do đó Thượng tọa chợt nhận ra, tức đại ngộ.

 

 

3.- Không thiện không ác là cái thể của tâm, 

     Có thiện có ác là cái động của ý. 
 

Khi còn mang cái tâm không thiện không ác thì đó cũng chính là cái “bản thể của tâm,” con người đang trong thời kỳ ở vườn địa đàng ban đầu, là lúc cái “bản lai diện mục” chưa bị che lấp. Ta có thể tạm dùng chữ “hạnh phúc” của của đời thường để diễn tả trạng thái đó (vì không có từ ngữ khác, nên cũng phải dùng chữ "hạnh phúc"), cái hạnh phúc này đặt trên căn bản trung đạo (đường giữa, không thiện mà cũng không ác), “tâm bất nhị” (không nghiêng về bên nào, không thiện cũng không ác), đó là cái “hạnh phúc Niết bàn.”

 

Cái “động của ý” là “khởi tâm phân biệt,” phân chia cái tâm của con người ra hai thế giới, hay là hai bờ bến, cách biệt:

 

- Một bên là thế giới vốn có (bản tâm), vốn không có thiện-ác. Vì không có tâm ác, không có  tội ác nên không có đau khổ; đó là vườn Ê- đen, hay cũng là bản lai diện mục, hay Niết bàn, đấy cũng là “Bờ giác,” là “bỉ ngạn,” là bờ bên kia.

 

- Còn một bên bờ khác, là thế gìới có thiện có ác, vì có ác mới có thiện, đó là nhị nguyên thiện ác, là thế giới ta bà hay là nơi “khổ hải mang mang” nơi ta đang sống, ở đó cái bản lai diện mục (không thiện không ác) bị che lấp nên gọi là “Bến mê.” Từ “bến mê“ này nhìn qua bên kia, con người lại muốn quay trở lại bến bờ cũ, nay gọi là “Bờ giác,” nơi bình an không thiện không ác, chính là vườn Ê-đen, bản lai diện mục, hay Niết bàn. Đó là ý nghĩa câu văn quen thuộc trong Phật giáo “khổ hải mang mang, hồi đâu thị ngạn” và “đáo bỉ ngạn.

 

Hai thế giới, hai bến bờ (Bờ Giác  Bến Mê), bị phân cách bởi một dòng sông hiểm trở là “tâm phân biệt nhân ngã” hay “duy ngã độc tôn” hay lòng vị kỷ. Chính tâm phân biệt nhân ngã đưa tới cái ác và cặp nhị nguyên thiện ác, che mờ cái "bản lai diện mục (không thiện không ác). Chỉ có vượt qua chướng ngại đó để trở thành "tâm không còn phân biệt nhân ngã" nữa thì mới có cơ may trở về được bờ giác. Tâm "không phân biệt nhân ngã" là không yêu TA hơn NGƯỜI, hay "yêu người như yêu chính bản thân ta,” hay "thương người như thể thương thân,” và nói một cách phổ thông hơn là tâm không vị kỷ mà là sống vị tha, bác ái.

 

Biết thiện biết ác là lương tri,

Làm thiện tránh ác là cách vật.

 

 Trong thế gìới có thiện có ác, cái ác làm cho con người đau khổ và hành động thiện làm cho con người bớt khổ. Đó là lý do khi đang ở trong thế giới thiện ác, con người có lương tri phải nhận biết phân minh thiện và ác, để làm thiện bỏ ác, cho tới khi không còn cái ác nữa. Muốn làm thiện bỏ ác thì phải xa lánh sự cám dỗ của vật chất, tiền tài, danh vọng, sắc dục ..., đó là nghĩa chữ "cách vật" trong câu "làm thiện tránh ác là cách vật.”

 

Khi không còn ác thì  ý niệm thiện cũng không còn và như thế là con người đã trở về cái bản tâm “không thiện không ác,” đó là vườn Ê-đen, là bản lai diện mục hay Niết bàn, là bản tâm thanh tịnh. Đây là tánh không hai (“tâm thất nhị”) trong câu nói của đức Phật: “…Một là thiện hai là bất thiện, còn Phật tánh chẳng phải thiện chẳng phải bất thiện, đó gọi là không hai.,” hay lời Lục tổ Huệ Năng: “… trong cái thật tánh chẳng nhiễm điều lành điều dữ.”  Phật tánh cũng là thật tánh, là tánh giác ngộ, là tánh không hai, là tâm không phân biệt, là Niết bàn như theo lời Phật "đồng nghĩa với Niết bàn là nhiếp phục tham, sân, si.  Bỏ được lòng vị kỷ hay tâm phân biệt nhân ngã thì ta với người như nhau, yêu người như yêu chính mình, thì không còn tham sân si cho riêng mình nữa, nên đó chính là đường tới Niết bàn.

 

4.- Nhân chi sơ tính bản thiện.

 

 Khi nhìn một đứa trẻ thơ (có thể coi cái tâm trẻ thơ tượng trưng cho cái tâm của con người ban đầu), chúng ta thấy tâm nó hiền lành, ta nghĩ tính THIỆN là bản tính của con người, và chữ THIỆN mang ý nghĩa "thiện" trong cặp nhị nguyên thiện ác, nghĩa là thấy thiện là do đã thấy ác. Nhưng ở đứa trẻ thơ lại cũng chưa có ác, nên cũng chưa có ý niệm thiện, cho nên chữ THIỆN ghép vào tâm trẻ thơ chính là “tánh không thiện không ác” hay tánh không hai mà đức Phật hay nói, người ta đã “mượn” chữ "thiện" (trong thiện ác) để nói tới cái tâm “không thiện không ác” của trẻ thơ. Tánh không hai là Phật tánh.

 

Tới đây cũng xin nhắc lại lời Đức Chúa Jesus, khi ngài nói về trẻ thơ:  

 

“Nếu anh em không quay lại mà trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ mình, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.”

 

hay:

 

“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.”

 

Đức Chúa Jesus muốn chúng ta trở về với cái tâm THIỆN của trẻ thơ, tâm THIỆN ấy chính là cái tâm vốn "không thiện không ác" hay "không phân biệt thiện ác,” cũng là cái tâm ban đầu của Adam lúc chưa ăn trái cấm. Đó là “vườn Ê-đen, thiên đường đánh mất”: Ê-đen hay thiên đàng là tại tâm con người không mang tâm phân biệt thiện/ác hay tâm phân biệt Ta/Người.

 

5.- Tóm lại

 

Cái bản tâm “không thiện không ác” ban đầu của Adam, cũng là cái “bản lai diện mục” của con người, là cái tâm thiên phú, trong sạch như tờ giấy trắng tinh, tuy qúi giá nhưng Adam không biết nó là quí giá, vì chưa trải nghiệm qua khổ đau, do đó sắc trắng nhiễm bẩn dễ dàng, để bước sang thế giới của thiện/ác với khổ ải và phiền muộn.

 

Khi đang ở trong thế giới thiện/ác, nơi “bể khổ mênh mông,” nhìn lại bờ bên kia, con người (mà dẫn đầu là các bậc Thánh nhân) mới thấy qúi cái bản tâm thanh tịnh, không thiện không ác, nên muốn quay trở về với với cái sắc trắng ban đầu của bản tâm ấy. Muốn được vậy, con người phải nỗ lực cả trí óc và sức lực, tẩy rửa các vết nhơ, đó là sửa (tu) tâm, để tìm trở về. Gột bỏ được cái Ác thì ý niệm Thiện cũng sẽ biến mất. Đó là trở lại với tánh không (không thiện không ác), với tâm bất nhị (không thiện không ác), với trung đạo (đường giữa thiện và ác, không thiên bên nào), và cũng được gọi là “siêu việt thiện ác”

 

Người siêu việt thiện ác,
Dứt phiền não buộc ràng,
Thanh tịnh sống thênh thang,
Bà La Môn ta gọi (Kinh Pháp Cú)

 

Có một sự khác biệt khá lơn lao giữa cái tâm ban đầu của Adam (trước khi khởi tâm phân biệt thiện ác), và cái tâm một con người đã giác ngộ khi trở về bến bờ cũ, đó là: khi đã tu sửa trở lại với sắc trắng ban đầu (giác ngộ), thì cái tâm ấy khó có thể nhiễm bẩn để trở lại thế giới thiện ác nữa. Lý do là con người ấy đã biết trân qúi cái giá trị của cái bản tâm, vì đã trải qua kinh nghiệm khổ đau, và đã bỏ bao nhiêu nỗ lực vào đó để trở về. Nỗ lực quan trọng nhất là dùng cái TRÍ để tìm hiểu, nhận ra, tìm phương pháp, và quyết tâm trở về. Đó là ý niệm về chữ Trí huệ Ba-la-mật, hay Bát Nhã Ba-la-mật, là trí tuệ dẫn dắt con người qua bờ bên kia, là “đáo bỉ ngạn,” là qua bờ giác, là "hồi đầu thị ngạn.”

 

6.-  “Tính bản thiện” hay “Tính bản ác”?

 

Khi nhìn đứa trẻ thơ, hay tưởng tượng về con người đầu tiên, vốn hồn nhiên vô tư hiền lành, chưa lộ ra cái ác, thì người ta thường cho rằng bản tính con người là thiện, hay không thiện không ác.

 

Nhưng rồi theo thời gian, cái tính ác nảy sinh ra, nên cũng có người cho rằng bản tính con người là ác, nó tiềm ẩn trong con người từ thuở mới sinh ra, và cái tính ác ấy lộ ra khi lớn lên. Tiêu biểu về quan niệm này là Tuân Tử và Hàn Phi Tử của Trung Hoa.

 

Nhưng tất cả, dù quan niệm "tính bản thiện" hay "bản ác,” cũng chỉ là giả thuyết, chẳng thể tranh luận đúng sai. Nhưng,... có một thực tế đúng là: hiện tại con người ai cũng mang trong lòng cái tính ích kỷ, là nguồn gốc của tranh giành, xung đột, đố kỵ, ganh ghét, âm mưu ám hại lẫn nhau để đạt được lợi ích tối đa cho mình, từ đó đưa tới cái ác. Vậy, tính ích kỷ đó là căn nguyên của cái ác, cũng có thể gọi nó là tính ác..., và đau khổ cũng từ đấy mà ra. Con người hiện tại (ngoại trừ trẻ thơ... chưa biết cười, "như anh nhi chi vị hài,” theo Lão Tử) hầu như ai cũng mang tính ích kỷ nhiều hay ít, nên hầu như ai cũng mang tính ác (3), và tiềm ẩn nỗi khổ cho con người. Nỗ lực của con người là diệt cái ác để loại trừ cái khổ, bằng giáo dục và bằng luật pháp để dần dần đưa tới cái toàn thiện.. Đó chính là nỗ lực chung dù quan niệm "tính bản thiện" hay "tính bản ác.” Nếu cơ may mà cái tính ác bị diệt thì:

 

-- Nếu đứng về quan niệm "tính bản thiện" thì con người trở về với bản tính thiện ấy (phản bổn hoàn nguyên).

 

-- Nếu đứng về quan niệm "tính bản ác" thì chỉ dạy cho con người tiến đến tính thiện. (Theo Tuân Tử, "Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã,” bản tính con người vốn là ác, ý niệm thiện là do con người đặt ra. Tuy bản tính ác, nhưng có thể sửa đổi để trở nên thiện nhờ giáo dục và hình pháp uốn nắn.)

 

Như vậy, dù quan niệm tính bản thiện hay bản ác thì mục đích chung cũng là tìm cách diệt đi cái ác để thành thiện. Cách nói có khác nhau cũng chẳng hề gì!.

 

7.-  Thế nào là “Thiện ác Phân minh”?

 

Một người mẹ yêu thương đứa con nhỏ của mình, hành động của bà vì tình yêu nên chẳng bao giờ là ác đối với nó cả.

 

Khi bạn yêu mến chân thật một người bạn, bạn luôn nghĩ tới việc đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người ấy, tránh cho người ấy những bước đi lầm lạc, những nỗi phiền muộn, buồn khổ. Đấy là tâm ý thiện. Và hành động của bạn với tâm ý yêu người, nên là hành động thiện.

 

Chàng yêu nàng. Nếu chàng yêu nàng chân thật thì cho dù nàng có lạc sang cái thuyền khác; chàng cũng thầm mong cho nàng được hạnh phúc với... người kia. Đấy là vì hạnh phúc của người. Quả là nghịch lý (lý thông thường), là... không tưởng! Nhưng đó là đường đi (đạo), là tâm thiện. Với tâm thiện thì hành động thiện.

 

Nhưng nếu mà chàng lồng lộn lên vì ghen tị, thù hằn, giận dữ thì đấy không phải là... tình yêu chân thật, mà chàng chỉ vì cái ta ích kỷ, chỉ muốn chiếm hữu cho ta mà thôi. Chỉ vì cái ta thì trước hết là rước lấy đau khổ vì “mất” (trong cặp nhị nguyên được mất), và cũng từ đấy sẽ đưa tới tâm ý ác, lời nói ác và hành động ác.

 

Một câu nói của nhà văn Magaret Caroline Anderson (1886-1973) rất là súc tích về tình yêu chân thật (real love), như sau:

 

"In real love you want the other person's good. In romantic love you want the other person."

(Tạm dịch: “Trong ‘tình yêu chân thật’ bạn muốn sự tốt đẹp cho người khác. Trong ‘tình yêu lãng mạn’ bạn muốn chiếm đoạt người khác”). 

 

Nếu với bất cứ người nào (tha nhân) bạn cũng yêu thương chân thật như yêu chính mình, thì mọi hành động của bạn đối với họ đều là vì họ (vị tha), vì hạnh phúc của họ. Đó là những hành động luôn luôn mang tính thiện. Đấy cũng là ý nghĩa chữ “tình yêu” trong câu “Thiên Chúa là tình yêu” trong thánh kinh Thiên Chúa giáo.

 

Nếu ai nói:

 

"Tôi yêu mến Thiên Chúa."

 

Mà lại ghét anh em mình, người ấy là “kẻ nói dối."  

 

Vậy “tình yêu thương chân thật” đối với tha nhân là điều kiện để bạn biết hành động của bạn là thiện.

 

Đó là lý do tại sao Đức Chúa Jesus dạy:

 

“Hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình.”

 

và lời thánh Phaolô:

 

"Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại." (Rm 13:10).

 

Yêu thương tha nhân như yêu chính mình cũng có nghĩa là bỏ tâm phân biệt nhân-ngã, là vị tha, không vị ngã (vị kỷ), là vô ngã vậy.

 

Với Đức Phật, trong Kinh Kim Cang, ngài nhấn mạnh:

 

“Một vị bồ tát mà còn mang tâm phân biệt ngã/nhân, ngã/chúng sinh, ngã/thọ giả, thì không phải là bồ tát. Ta vẫn hiểu một vị bồ tát đích thực luôn mang lòng thương yêu (từ bi) với tất cả chúng sinh, đã yêu thương thì không còn làm điều ác với chúng sinh nữa.”

 

Sau đây là một số nhận định về thiện ác:

 

- Hòa thượng Trung Phong (đời Nguyên, Trung Quốc) định nghĩa chữ Thiện-Ác:

 

“Làm việc có ích cho người là thiện, còn chỉ có lợi cho riêng mình là ác. Có ích cho người thì dù đánh hay mắng chửi họ cũng gọi là thiện, chỉ có ích cho riêng mình dù tôn kính, lễ phép đối với người cũng kể là ác. Bởi vậy, người làm việc thiện mà có lợi ích cho người là công, chỉ lợi cho mình là tư, công là chân, còn tư là giả.

 

Lại nữa, làm việc thiện mà phát xuất từ tấm lòng thành là chân thiện, còn hời hợt, chiếu lệ mà làm là giả thiện. Hơn nữa, hành thiện mà không nghĩ tới một sự báo đáp nào cả là chân thiện, trái lại còn hy vọng có sự đền đáp là giả thiện, đó là những điều tự mình cần khảo sát kỹ lưỡng.” 

 

- Lời Đức Chúa Jesus:

 

“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7,12).

 

Hành động như vậy hẳn là vì người, là thiện.

 

hoặc:

 

“Phúc thay cho ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa thương xót.”

 

Biết thương xót cũng có nghĩa là từ bi trong đạo Phật. Biết thương xót người thì sẽ hướng tới việc làm thiện. 

 

- Đức Khổng Tử, khi được hỏi về cách xử thế giữa người với người, đã nói:

 

Thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân" hay "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.

(Điều gì mình không muốn người ta làm cho mình đừng, thì chớ đem điều ấy mà làm cho người). Hành động như thế là không ác.

 

Đấy là những hướng dẫn để con người biết thế nào là hành động thiện, ác.

 

Đôi lúc chúng ta cũng phân vân về nhận định thiện-ác trong xã hội con người, và thấy thiện- ác có khi là một cái gì hết sức tương đối, không rõ rệt. Một hành động, có khi đứng ở bên này lằn ranh (thời gian hay không gian) là thiện, mà ở bên kia lại là ác, ví dụ hai người đứng hai bên một chiến tuyến thì cho mình là thiện và bên kia là ác…. Những nhận định như vậy chẳng qua chỉ là từ ý chủ quan khi con người còn dựa vào chữ TA và CỦA TA làm chuẩn để phân định thiện ác, khác hẳn với thánh nhân là những bậc đã bỏ hẳn chữ TA (vô ngã), tức là đã xóa ranh giới Ta-Người, đã xóa bỏ tâm duy ngã độc tôn hay tâm phân biệt nhân-ngã.

 

Khi tâm duy ngã độc tôn hay chấp ngã đã xóa bỏ, là đồng thời cũng loại bỏ được lòng tham sân si, kiêu mạn, ganh tị, là sống vị tha không vị kỷ, là vô ngã, vô ngã là Niết-bàn, là đích cuối cùng…, đó mới là lúc không còn tâm ác và cái ác nữa. Khi chữ Ác không còn thì chữ Thiện cũng biến mất: Đó là tâm “không thiện không ác” hay “siêu việt thiện ác” vậy.

 

 

Duy Đức

(Aug-2008)                      

 

---------------

Ghi Chú:

 

(1) Theo giải thích kinh điển thì hai ông bà Adam và Eve bị đuổi khỏi vườn địa đàng vì không tuân lời hay chối bỏ Thiên Chúa.

Nếu hiểu “Thiên Chúa là Tình Yêu,” thì theo cách giải thích này cũng có thể hiểu là khi hai ông bà chối bỏ Thiên Chúa cũng là chối bỏ tình yêu. Hai chữ "tình yêu" trong Kitô giáo phải hiểu là "Yêu tha nhân như yêu chính bản thân mình.” Chối bỏ tình yêu (tha nhân) mà chỉ yêu chính mình là vị kỷ, là nguồn gốc của tham sân si kiêu mạn ganh tị, là nguồn gốc sinh ra cái ÁC. Khi ÁC sinh thì chữ THIỆN cũng sinh theo, thành một cặp phân biệt THIỆN ÁC. Đó là ý nghĩa của "trái cây biết phân biệt thiện ác.” 

(2) Hai ông bà Adam và Eva khởi đầu vốn đang ở trong vườn địa đàng chưa hề biết ác, nên cũng không có ý niệm gì về thiện, cho nên cũng không biết phân biệt thiện/ác. 

Sau khi ăn “trái cây biết phân biệt thiện ác” (mang tính cách tượng trưng), nghĩa là khởi đầu nhận biết phân biệt thiện/ác thì bị “đuổi” ra khỏi vườn địa đàng, vì khi đã biết "phân biệt thiện/ác" tức là đã đã biết hay đã có cái ÁC trong tâm rồi. Cái ác là mầm mống của đau khổ đã xuất hiện.

Như vậy, ta dễ dàng nhận ra ý của tác giả “Sáng Thế Ký” là vườn địa đàng chỉ chứa chấp những con người không mang “tâm phân biệt thiện ác,” hay nói một cách khác cái tâm đầu tiên của con người (cái tâm của Adam trước khi ăn trái cấm), tức là “bản tâm,” vốn không có ác, nên không có "phân biệt thiện/ác.”

 

(3) Lòng ích kỷ là gốc của tính ác, vị tha là tính thiện, như Hoà thượng Trung Phong nói "làm việc gì có ích cho người là thiện, còn chỉ có lợi cho mình là ác,” nên có thể tóm tất cái ác xuất phát từ lòng vị kỷ, và sự thiện ở lòng vị tha. 

 

Nguồn: https://www.trovebenxua.com/page13

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn