BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73363)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Không ra đi mới là lạ

26 Tháng Tám 200712:00 SA(Xem: 1079)
Không ra đi mới là lạ
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trong loạt bài này, số trước (222), khi tường trình về cái chết thê thảm của Huỳnh Mai, tôi đề cập đến một trong những trường hợp khác của cô dâu Việt bị hành hạ tàn nhẫn tại Hàn Quốc. Vì bài báo có hạn nên chưa thể tường trình hết những chi tiết về người con gái bất hạnh ấy. Xin tóm tắt lại để bạn đọc tiện theo dõi.

“Một cô gái trẻ quê Cần Thơ, khi sang Hàn Quốc thì bị người chồng ép buộc quan hệ sinh lý triền miên, lại giam kín trong nhà không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chịu không nổi sự bức bối về tinh thần lẫn thể xác, cô gái xé màn cửa tìm cách thoát ra ngoài bằng đường cửa sổ. Nhưng nửa chừng thì dây đứt, cô gái bị rơi từ lầu cao xuống đất tử nạn. Hơn ba tháng xác cô gái không đưa về được Việt Nam, vì gia đình cô nghèo không đủ tiền, trong khi phía chồng cô vẫn từ chối đưa ra một số tiền thích đáng để lo hậu sự”.

Đó là trường hợp thứ hai, sau Huỳnh Mai mà ở Việt Nam chúng tôi cũng mù tịt mọi tin tức. Thật ra hầu như người Việt Nam nào ở thành phố hay thôn quê, sau một thời gian có những cô gái quê lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc, đều hiểu rằng không phải ai sang xứ người cũng sẵn sàng có hạnh phúc đón ở đầu ngõ, có đô la nhét túi để hàng tháng gửi về cho gia đình xây nhà lầu giữa ruộng nước. Ngoài một số ít cô may mắn tìm được cuộc sống tương đối gọi là sung túc, số còn lại đều long đong, mỗi người một kiểu khác nhau. Nhưng bề ngoài cố làm ra vẻ… sung sướng tràn trề cho mát mặt.

Còn những nỗi khổ âm thầm

Tuy nhiên, người dân ở VN vẫn chỉ tưởng tượng sự khổ sở đó đến một giới hạn nào đó, chứ không thể hình dung nổi có những cái trên cả sự khổ sở mà người con gái có thể phải hứng chịu. Những anh chồng đó không nhiều trong số những người đàn ông lấy vợ VN, dù ở Hàn Quốc hay Đài Loan, song chắc chắn không ít những anh - và cả gia đình anh ta - mang vẫn nhăm nhe với ý nghĩ: “đã bỏ công tốn tiền thì phải đòi lại cho đáng đồng tiền bát gạo”. Chắc chắn còn rất nhiều những “nàng dâu hiền” VN hiện nay đang phải sống trong cảnh bị hành hạ đó. Thậm chí có ba ba anh em trai cùng… hưởng chung một cô dâu, chuyện này tôi đã diễn tả ngay từ ba bốn năm trước, trong tiểu thuyết phóng sự Lên Đời (2 tập - do nhà XB Tiếng Quê Hương Virginia phát hành)*.

Các cô dâu này mới chỉ ở gần cái mức dở sống dở chết, nên chưa dám hoặc chưa đến nỗi phải tìm đến tâm sự với những nơi gọi là “cơ quan tư vấn” cho những cô dâu gặp khó khăn. Bởi khi đã phải giãi bày sự việc như vậy là đã phải có một quyết định dứt khoát “không thể ở lại cái gia đình này nữa”. Mọi chuyện sẽ tan vỡ. Chẳng khác gì khi người vợ đòi ly dị, mà nếu không thoát khỏi được cái “nhà tù” ấy thì còn khổ hơn là... đi cải tạo. Cô sẽ trở thành cái đích ngắm của tất cả những con mắt thù địch của mọi con người trong gia đình này suốt cuộc đời còn lại.

Tôi không biết những cơ quan tư vấn và những người có thẩm quyền có chú ý đến tình trạng này không?

Ngồi đó mà chờ các cô dâu Việt đến “xin ý kiến” có lẽ là quá muộn. Cho nên không thể coi như thành lập một cơ quan tư vấn hoặc cho số điện thoại của một bộ phận nào đó là xong việc. Điều đó chỉ đúng với những vấn đề về thương mại, còn cuộc sống không phải là như vậy.

Tôi không có tham vọng nêu lên vấn đề phải giải quyết tình trạng đó ra sao, chỉ xin nói cho rõ hơn vấn đề đang âm ỷ như lòng núi lửa trong xã hội chúng ta đang sống mà thôi.











Cô gái trẻ bạc phận Lê Thị Kim Đồng trong ngày cưới, nay chỉ còn lại nắm tro tàn vẫn còn tha hương bên xứ Hàn giá buốt

Kịch bản y chang

Xin trở lại với thông tin cô gái thứ hai sau Huỳnh Mai bị chết thảm. Cũng may lần này không phải do bàn tay người chồng mà do cô đào tẩu theo kiểu “phim trinh thám” mà bây giờ ở VN gọi là “phim hình sự”. Người chồng chỉ là thủ phạm gián tiếp gây ra tai nạn này.

Ngày 10-7, trong chương trình “Nhật ký phóng viên”, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, đã phát một bản tin về cái chết đáng thương của một cô dâu Việt. Theo MBC, cô dâu có tên “Trần Thị Thu An” (thật ra tên cô là Kim Đồng đã được MBC đổi tên) đang có thai và do bị gia đình nhà chồng hành hạ, đã tìm mọi cách trốn khỏi nhà chồng. Cô gái trẻ trút hơi thở cuối cùng ngày 30-4-2007, sau cuộc đào thoát bất thành từ nhà chồng trước đó năm ngày.

Kịch bản cuộc đời cũng giống y chang như hầu hết người cô gái quê, muốn đổi đời bằng cách lấy chồng Hàn Quốc, cô Kim Đồng phải lên TP Sài Gòn theo một đường dây tuyển chọn cô dâu cho các chú rể Hàn.

Do có nhan sắc nên cô may mắn được phía “nhà trai” ưng ý ngay cuộc “thi tuyển vợ” đầu tiên. Không hẩm hiu như rất nhiều cô gái khác phải ăn chực nằm chờ ở “trung tâm nuôi dưỡng cô dâu” giữa TP. Sài Gòn. Có cô phải nằm chờ vài ba tháng là chuyện thường tình. Mỗi lần đi thi tuyển là một lần phải đi tới đi lui, trình diễn cận cảnh hơn là thi hoa hậu. Sau đó lại bị nắn bóp kỹ lưỡng xem có khuyết điểm gì trong thân thể hay không với cái cớ là “kiểm tra” cô dâu có khả năng sinh con hay không. Qua hàng chục lần như thế may ra mới trúng tuyển. Khó đấy chứ đâu có phải chuyện đùa.

Nhưng với Kim Đồng thì vài ngày sau đó là một đám cưới tập thể với ba đôi vợ Việt chồng Hàn Quốc khác, được tổ chức tại Đầm Sen ngày 13-9-2006. Xong đám cưới nhà gái chỉ nhận được 300 USD và duy nhất một tấm hình cưới tập thể khổ to. Sau đó cô dâu trở về quê làm giấy tờ, còn chú rể quay về Hàn Quốc. Đến ngày 14-1-2007 Kim Đồng được rước qua Hàn Quốc, sau đó sáu ngày cô làm đám cưới tại xứ kim chi. Qua xứ Hàn được một tháng, cô gửi về cho gia đình được 300 USD lo sửa lại căn nhà lá vốn đã mục nát.

“Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”

Nhưng tiếp sau đó là những bi kịch dồn dập đến. Chồng nhốt trong nhà không cho ra ngoài, đánh đập cô tàn nhẫn và bắt “phục vụ” suốt đêm không cho ngủ khiến cô hoảng loạn...

Chính vì thế nên người dân quê cứ nói “nôm na” là chú rể Hàn Quốc luôn mang ý nghĩ “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”. Tuy nghe hơi thô lỗ song chẳng còn cách ví von nào hay hơn thế, thật hơn thế.

Hôm thứ năm (23-8), lần đầu tiên, rất bất ngờ tôi gặp ông Trần Mạnh Hảo ở nhà một người bạn, ông này còn “búa” những câu “khủng” hơn thế khi đề cập đến chuyện “thiên hạ sự” trong những ngày ông còn sống ở miền Bắc. Có những ông “văn nghệ sĩ đàn anh” còn chửi tục hơn vì uất quá chịu không được.

Tôi đọc Trần Mạnh Hảo nhiều qua net, nhưng nay mới gặp. Lối nói chuyện của ông cứ như lúc nào cũng có lửa, cháy bùng bùng. Ông nói toạc móng heo, không nề hà chữ nghĩa thanh tục, lý luận như dao cạo khiến câu chuyện của ông luôn hấp dẫn người nghe. Thế nên có những cái tôi đọc rồi, nhưng cứ ú ớ, để tự ông nói ra mới sướng. Đôi khi tôi không biết ông này nói hay hơn hay viết hay hơn.

Tôi nói thế để chứng minh rằng tục ngữ, thành ngữ, ca dao VN cũng có những câu “thô thiển”; những câu ví von thông tục vẫn có giá trị riêng của nó. Và, dường như chỉ có “nó” mới diễn tả được hết ý nghĩa của điều mình muốn nói. Nếu cứ “nho nhã” quá e không thể lột tả hết cái “thần” của cách diễn tả VN.

Cũng trên quan niệm ấy, người dân quê nói thế nào, tôi tường trình lại như thế. Và thật tình, có muốn sửa cũng không được. Sửa chữa đôi khi lại làm hỏng văn hoá.

Nén hương cho người xấu số

Trở lại với tai nạn của Kim Đồng, 12g đêm 25-4-2007, từ chung cư ở Daegu (một thành phố miền trung Hàn Quốc, cách Seoul 400km), cô đã tìm cách trốn khỏi nhà nhưng không dám đi thang máy vì sợ camera của thang máy phát hiện nên đã buộc rèm cửa vào người và nhảy xuống từ ban công lầu 9. Không may rèm cửa bị tuột và Kim Đồng rơi từ trên trời xuống đất, bị thương rất nặng. Cô được đưa vào bệnh viện cứu chữa nhưng đến ngày 30-4 thì không qua khỏi.

Trong 5 ngày thoi thóp đó, Kim Đồng suy nghĩ những gì? Nỗi đau thể xác lớn hơn hay nỗi đau trong trái tim khờ dại kia lớn hơn? Lúc đó cô nhìn những thành phố văn minh sạch đẹp của Hàn Quốc như thế nào và nhìn về cánh đồng quê hương với căn nhà rách mướp của cô như thế nào?

Mỗi bạn đọc có cách suy nghĩ, cách hình dung riêng của mình. Đó cũng là sự cảm thông, là nén hương cho người xấu số.

Trong khi đó ở quê nhà, ông Thắng - bố cô - chỉ biết cô con gái của ông được đưa vào Bệnh viện Đại học tôn giáo Daegu ngày 25-4-2007 trong tình trạng não bộ xuất huyết do chấn thương, sau đó năm ngày thì qua đời tại bệnh viện ngày 30-4. Đến ngày 8-5 ông nhận được điện thoại từ đại sứ quán Hàn Quốc báo tin con ông đã chết. Ông Thắng than thở: “Đến nay gia đình tôi chưa biết nhiều thông tin về vụ việc này. Con chúng tôi vì sao chết? Hài cốt bao giờ gia đình mới được nhận? Gia đình chúng tôi nghèo quá, không thể tự đi lo được chuyện hậu sự của con gái mình. Gia đình chỉ biết nhờ vào các cơ quan chức năng của hai nước giải quyết, nhưng hơn ba tháng rồi vẫn chưa biết kết quả ra sao...”

Mắt ông Thắng đỏ hoe khi nhắc đến lời kêu cứu của con gái trước khi chết: “Chồng con lại đánh con nữa rồi, ba ơi!”.

Bà Huệ - mẹ Kim Đồng - vật vã: “Từ ngày con tôi chết, tôi khóc hết nước mắt. Đời sao quá đen bạc với con. Cũng vì cái khó của gia đình mà Đồng nhất quyết ra đi để cha mẹ già ở nhà bớt khổ. Lấy chồng Hàn Quốc tôi cứ tưởng đâu con sẽ hạnh phúc...”

Đến bao giờ ông Thắng và bà Huệ mới nhận được nắm tro tàn của người con gái vĩnh viễn không bao giờ gặp lại?

Sự “ra đi” của những người con gái quê, ngoài sự nghèo khổ ra, còn những lý do khác nữa. Một trong những lý do đó là sự bất công và sự lạm dụng quyền lực trắng trợn. Xin nêu một thí dụ gần nhất.









Anh Dớn, người dân được “giáo dục” đến gãy xương sườn mà nhà chức trách xã Bình An, Huyện Kiên Lương, Tỉnh Kiên Giang vẫn “vô tư” như chuyện ở bên kia trái đất

Giáo dục dân bằng cách đánh gẫy xương sườn

Sau những vụ “gọt đầu dân”, đưa em học trò về trụ sở biểu diễn màn bắn súng thị uy hoặc uy hiếp em học sinh đến hoảng loạn… và nhiều vụ khác nữa, tôi đã tường trình trong những số trước, tưởng rằng những chuyện hành dân như thế sẽ không còn xảy ra. Nhưng gần đây nhất cảnh tệ hại vẫn diễn ra và có phần trầm trọng hơn.

Tuần vừa qua, Anh Nguyễn Văn Dớn ở xã Bình An, Huyện Kiên Lương, Tỉnh Kiên Giang tố cáo trước công luận anh vừa bị đánh gãy xương sườn. Vợ chồng anh Dớn làm nghề buôn bán nhỏ với một chiếc xuồng. Anh chị có 3 người con, trong đó có 2 đứa 7 tuổi và 9 tuổi chưa từng được đến trường vì quá nghèo.

Anh bị trưởng CA ấp, ông Nguyễn Tấn Thành (thường gọi là Đực) nơi mình cư ngụ cùng ông Tư Định (phó CA ấp) tới nhà mời lên CA xã để làm việc.

Nội dung xung quanh vấn đề vì sao không nộp phạt hành chính 160.000 đồng về khoản tiền không đăng ký tạm trú tạm vắng.

Không có tội đánh cho mày có tội

Anh Dớn kể: “Khi đi họ chở tôi bằng xe Honda, ông Định lái, ông Đực ngồi sau ôm tôi. Khi vừa đến CA xã Bình An thì ông Đực giao tôi cho hai ông Đài và Phong là CA viên của xã.

Vừa đẩy tôi vào phòng, hai người này bất ngờ tấn công tôi bằng nắm đấm, cùi chỏ, lên gối và dùng cây đánh tới tấp. Vừa đánh họ vừa nói mày không có tội tao đánh cho mày có tội… Tôi quỳ lạy cho đến khi gục xuống họ mới buông tha. Thời gian đánh diễn ra khoảng 20 phút.

Trước khi đẩy tôi ra phòng, họ bắt tôi lăn tay vào một biên bản gì đó không đọc cho tôi nghe. Quá đau, tôi đi thẳng đến trạm xá xã. Do thương tích nặng buổi chiều cùng ngày tôi được chuyển ra bệnh viện huyện”.

Bệnh án của trạm y tế xã Bình An ghi: “Đau tức vùng ngực, có vết phù nề gò má, tay trái... Chẩn đoán chấn thương phần mềm do bị đánh”.

Khi được phóng viên báo chí hỏi CA: “Các anh có đưa anh Dớn vào phòng và đánh đập hay không?”

Nguyễn Thanh Phong, CA viên của xã Bình An nói: “ Chúng tôi có dùng một khúc cây gỗ nhỏ đánh vào đít và chân anh Dớn với mục đích… giáo dục (!?)”.

Câu trả lời hồn nhiên của anh CA này chứng tỏ anh ta coi như đó là cái “đặc quyền” của CA được quyền giáo dục dân bằng cách đánh dân, không có tội thì đánh cho lòi tội ra mới thôi. Và cũng chưa chắc đã thôi, còn khối chuyện rắc rối sau khi người dân đành phải “cúi đầu nhận tội”, bất biết đúng sai. Khi đã có tội rồi, tức đã là “tội phạm” thì cái “đặc quyền” kia còn lớn hơn nữa vì nó được pháp luật bảo vệ.

Quả là một sự “giáo dục dân” chưa từng thấy trong bất kỳ quốc gia nào ở thời đại này. Nó chỉ có thể xảy ra vào thời đồ đá. (Xin đừng hiểu lầm là thời đồ đểu, vì thời đồ đểu cũng chỉ có “chơi đểu, xử đểu” thôi, chứ không có chuyện đánh đấm dân lành. Tôi phải xác minh cho rõ ràng kẻøo oan cho cái thời kỳ “đồ đểu”.)

Theo dõi sự việc, đến chiều ngày 20-8 vẫn chưa có một lời giải thích nào khác của từ phía CA và chính quyền xã Bình An, chưa nói đến một lời xin lỗi. Đúng là cái xã mang tên “Bình An” theo cái kiểu bình an cho các quan, chứ không phải là bình an cho người dân như chúng ta vẫn “hiểu lầm”. Những kiểu “chơi chữ” như thế này bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào. Khu phố Văn Hoá thì rác rến, ma tuý ngay từ cổng ra vào. Nơi cấm đổ rác, cấm đậu xe thì ngay dưới chân khẩu hiệu là rác và xe dựng tự do. Ngay trên hè phố Hà Nội cũng thế thôi, tôi đã chứng minh trong dịp Bắc Du. Cho nên “khẩu hiệu” chỉ lá cách chơi chữ ngược, bạn không nên ngạc nhiên.

Chuyện đó không chỉ xảy ra ở nhà quê. Mà ở ngay thủ đô Hà Nội cũng vừa có một cú đánh “đột xuất” rất… ngoạn mục, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa ngã tư đông người qua lại, cho cả làng cả nước cùng biết.









Cháu Yến được cấp tốc chở đến bệnh viện vì cú đánh “giáo dục” của anh CA Chu Phương Đông phường Bồ Đề

Công an dùng dùi cui quật vào gáy, đánh ngất một nữ sinh

Khoảng 10g30 phút sáng 24-8, Lê Hải Yến - học sinh lớp 12 (trường Vạn Xuân) trú tại Dương Xã (Gia Lâm) - đi xe gắn máy, chạy trên đường Nguyễn Văn Cừ, phía sau đèo hai bạn gái cùng lớp. Khi dừng lại ở ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn thì bị một công an dùng gậy chỉ huy ra lệnh dừng xe.

Theo lời kể của người bạn đi cùng Yến: "Cháu thấy khi chú công an đưa gậy yêu cầu dừng xe, hai đứa cháu xuống. Vừa lúc đó, thấy người đi ngược chiều nên Yến leo xe lên vỉa hè để tránh. Thế là chú kia vụt luôn vào gáy bạn cháu”.

Anh Nguyễn Công Lập, ở 63 Lý Nam Đế - người đã chứng kiến toàn bộ sự việc kể: “Sự việc xảy ra ngay trước mắt tôi, sau khi bị vụt dùi cui vào gáy, cháu bé đổ ập người xuống đường như cây chuối. Tôi quá bất bình nên đã gọi điện thoại cho báo chí và ghi lại số phù hiệu của anh công an này. Chúng tôi cũng yêu cầu công an lập biên bản nhưng họ không chấp nhận, mà yêu cầu về đồn giải quyết”. Anh Lập đưa số phù hiệu mà mình đã ghi lại trên tay, theo sự ghi chép của anh Lập thì anh công an này mang số phù hiệu: 123506.

Khi tìm hiểu, được biết anh công an gây ra sự việc này là Chu Phương Đông, hiện công tác tại công an phường Bồ Đề. Tại hiện trường, công an phường Bồ Đề từ chối trả lời báo chí!

Có lẽ bởi sự việc có gì quan trọng đâu. Uýnh các em cũng là để giáo dục thôi mà. Các em chỉ còn nước cầu nguyện Lạy Chúa đừng bao giờ con được giáo dục nữa và tốt hơn hết là đừng bao giờ gặp mấy chú này nữa cho con yên tâm cắp sách đến trường. Chả biết ông “sếp” CA huyện lần này có “nýù nuận” rằng cái dùi cui không phải là cái dùi cui mà là cái… cóc khô gì đó như ông Phó CA huyện Hải Châu “ný nuận” cái kiếm không phải là kiếm không nhỉ. Lạy trời cho cái dùi cui biến thành cái bìa giấy để người ta đốt xuống âm phủ cho người chết dịp Lễ Vu Lan thì vui quá.

Còn huyện và tỉnh của xã thì.. quá xa nên chắc không biết gì về những chuyện lẩm cẩm như thế này? Bởi huyện và tỉnh có khối chuyện để làm, thí dụ như…

Ông chủ tịch huyện bận 'thâu tóm' đất cho người thân

Thời gian gần đây, theo đơn tố cáo của người dân, ông Nguyễn Viết Hoạch Chủ tịch huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), đã dùng quyền hành thâu tóm nhiều vùng đất rừng, đất ở cho anh em bà con dòng họ nhà mình. Ông còn tranh ăn, tranh quyền lợi của người nghèo để người nhà vay cả vốn ưu đãi dành cho gia đình nghèo. Sự “ăn cướp” này rất trắng trợn, nhà nghèo nhà giàu cũng bị cướp giữa ban ngày, trước mắt bàn dân thiên hạ, không một chút ngượng ngùng.

Phong Điền là một trong năm huyện tại Thừa Thiên - Huế được hưởng dự án trồng rừng kinh tế WB3 (vốn Ngân hàng Thế giới). Vào cuối năm 2005, dự án đã bắt đầu thực hiện tại năm xã là Phong Sơn, Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong An và Phong Thu. Ngoài mục tiêu môi trường, dự án còn hướng đến cải thiện đời sống kinh tế đối với dân nghèo, nhất là người dân địa phương có hộ khẩu thường trú ở các vùng đồi núi. (Xin nhấn mạnh là chỉ cho người người dân có hộ khẩu và thường trú tại những xã này, những người dân ở nơi khác không được hưởng quyền lợi đó).

Nhưng quy định là quy định với người khác chứ với quan chủ tịch thì đạp lên quy định, xéo lên nguyên tắc mà đi, đúng là chuyện hàng ngày ở huyện.









Cú đánh giữa ngã tư đông người qua lại giữa thủ đô Hà Nội… yêu quý!

Cả nhà đều có đất

Nguyễn Viết Hoàng - cảnh sát giao thông công an tỉnh, con ông chủ tịch UBND huyện Nguyễn Viết Hoạch - dù có địa chỉ thường trú ở TP Huế vẫn được cấp 26,36ha rừng của dự án WB3 vào tháng 12-2005 (không thu tiền sử dụng đất thời hạn sử dụng 50 năm) tại xã miền núi Phong Sơn. Trong khi đó người dân tại đây chỉ được cấp theo dự án này là 3,4ha. Cho nên không ai lấy làm lạ khi cậu ấm Đỗ Hoài Phương Minh gây rối ở sân bay Đà Nẵng là con ruột ngài bí thư huyện uỷ tại Bình Dương. Những chỗ “thơm như mít” hầu hết rơi vào tay con quan hầu như rải đều khắp các cơ quan nhà nước, lan cả sang nhiều công ty xí nghiệp tư nhân. Ngoài chỗ “ngon” ra lại còn được bố và “các chú các bác” ban cho những miếng ngon khác nữa. “Tích luỹ” lại chẳng mấy lúc mà thành đại tỉ phú.

Vợ ông Hoàng - bà Trần Thị Thu Hà, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, TP Huế - cũng được cấp 10,25ha đất vào tháng 7-2006. Sau khi được giao số diện tích đất nói trên, ông Hoàng tiếp tục xin giao 10,63ha đất trồng rừng (cũng tại Phong Sơn, theo dự án WB3) và đã được ban quản lý dự án đo đạc, đăng ký và hoàn tất thủ tục nhưng “may” huyện chưa ra quyết định giao đất.

Nguyễn Viết Hà (một người con khác của ông chủ tịch Hoạch đang làm ở Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng được cấp 9,6ha đất trang trại từ đất của dự án trồng mía đường trước đây. Khi dự án trồng rừng WB3 “rục rịch”, ông Hà đã làm thủ tục xin chuyển sang đất dự án, nhưng huyện chưa ra quyết định.

Bản thân vợ chồng ông chủ tịch Nguyễn Viết Hoạch thì được 5ha đất trồng cao su tiểu điền tại Khe Mạ, xã Phong Mỹ. Một người em ông Hoạch được cấp 2,6ha, trong khi mức cấp cho người dân tại đây là 1,8ha.

Quen biết cũng được ông chủ tịch cấp luôn

Ngoài số diện tích cấp cho con cái của ông chủ tịch huyện, còn có hàng chục đối tượng khác là viên chức, con em của những người có chức quyền cũng “chia sớt” dự án WB3. Đặc biệt, có đến 122,64ha đã được UBND huyện dành cấp cho một “tập hợp đối tượng” là thành viên của gia đình ông Hoàng Bằng - giám đốc Công ty cổ phần 1-5, một trong những doanh nghiệp lớn ở huyện Phong Điền.

Trong đó, UBND huyện Phong Điền cấp cho ông Bằng hơn 23ha, bà Phạm Thị Chi (vợ ông Bằng) gần 27ha, chồng người em ruột và em dâu ông Bằng tổng cộng trên 43ha. Mẹ ruột ông Bằng là bà Hồ Thị Bẻo năm nay đã 70 tuổi cũng được UBND huyện Phong Điền cấp đất rừng theo dự án WB3 đến gần 30ha!









“Biệt phủ” tiền tỷ mới xây của gia đình ông Nguyễn Viết Hoạch, chủ tịch huyện Phong Điền, nổi bật giữa vùng nông thôn đang còn nhiều khốn khó

Năm 2006 UBND huyện Phong Điền còn cấp tiếp cho ông Bằng và các người trong gia đình này gần 39ha khác tại thôn Thanh Tân (xã Phong Sơn)... Tất cả đều cấp không thu tiền sử dụng đất. Trong lần cấp này người mẹ 70 tuổi của ông Bằng lại được cấp thêm gần 9ha….

Tóm lại theo những gì đã được xác minh, cả gia đình ông Hoạch (gồm vợ chồng, con cái) hiện đang sở hữu tới 8 lô đất tại Phong Điền và TP. Huế. Việc gia đình ông Hoạch xây dựng ngôi “biệt phủ” rất bề thế, theo lối nhà rường cổ trên diện tích 2.889m2, tại thôn Vĩnh Nguyên (Phong Điền), khiến không ít người dân xì xầm về sự giàu có của gia đình chủ tịch huyện, giữa một vùng đất còn nhiều khốn khó.

Thôi, kể sơ sơ như vậy đã mỏi tay rồi, kể thêm nữa cả ngày chưa hết chuyện ở huyện.

Lại xin kể đến chuyện ở tỉnh. Ngay cái tỉnh tôi đang tá túc cũng có vô số chuyện của các quan tỉnh để lai rai đôi điều cho đủ bộ từ làng xã đến huyện, đến tỉnh

Từ quan đến lính đều làm “cò đất”

Chuyện gần đây, vui nhất là các quan chức và “lính lác” của Phòng Nông nghiệp - Địa Chính (NN-ĐC) tỉnh Bình Phước đều là những tay cò đất chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp hơn là nghề làm cán bộ lương ba cọc ba đồng của mình giữa thời buổi vật giá bùng nổ leo thang này. Nếu chỉ lãnh lương công chức thì đói nhăn răng. Ấy vậy mà người ta vẫn thích, thà là làm một anh “cán bộ quèn của nhà nước” chứ không thích làm trưởng phòng, làm chánh sở cho một hãng tư nhân nào. Vì sao thì… bây giờ bạn hỏi một đứa trẻ con đang cắp sách đến trường cũng biết, chẳng nói làm gì cho nhàm tai bạn đọc.

Xin dẫn chứng cụ thể, có 9 cán bộ của phòng Nông nghiệp - Địa Chính tỉnh, từ cấp phó trưởng phòng, đến cậu làm việc chuyên môn, gõ máy, văn thư , tài xế và anh cổng (tục gọi là bảo vệ), đều kiêm thêm chức năng "cò" dịch vụ. Cụ thể: Ông Trần Bá Long (phó trưởng phòng) làm "cò" 127 sổ - 9 người thừa nhận đưa 3,4 triệu đồng, ông Vũ Đình Sử (cán bộ nghiệp vụ, nhận "cò" 529 sổ, 8 trường hợp đưa tiền), ông Ngọ Văn Lâm (cán bộ nghiệp vụ, nhận "cò" 523 sổ, 26 trường hợp đưa tiền gần 36 triệu đồng), Đặng Tứ Hải (văn thư - bảo vệ, nhận "cò" 180 sổ), Nguyễn Công tài xế, nhận "cò" 116 sổ) v.v...

Chưa thể “nhất trí cao”

Riêng tại thị xã Đồng Xoài, kiểm tra 100 người dân, thì 60 người thừa nhận phải đưa tiền cho cán bộ hoặc môi giới làm dịch vụ, mới được giải quyết hồ sơ địa chính như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ)... Cơ quan điều tra phát hiện có tới 14 người thuộc các ngành nghề khác nhau làm "cò" dịch vụ. Tất nhiên là “người nhà nước” không làm xuể và cần có thêm tay chân để “thi đua” móc ngoặc nên món xẻ thịt nhân dân này mới lọt tí xương xẩu ra ngoài.

Tuy nhiên, tôi và những ông già nhà quê ngồi bù khú với nhau đều tỏ vẻ không thể “nhất trí cao” với cái sự kiểm tra của phái đoàn điều tra được. Bởi cái tỷ lệ chỉ có 60% người dân phải đưa tiền cho cán bộ hoặc môi giới mới qua cửa nhà đất là con số quá khiêm nhường. Vậy là vẫn còn 40% vị thanh liêm trong cái dịch vụ béo bở nhà đất hay sao? Kiểm tra như thế e rằng chưa kỹ. Hỏi 100 người dân thành phố thì 90 người nói rằng phải mất tiền trong bất kỳ một dịch vụ nhà đất nào. Còn 10% không mất tiền là quan chức cấp “lãnh đạo” hoặc con cháu chính các vị trong sở nhà đất.

Có thanh tra đến hết đời cũng không hết

Ở nông thôn cũng thế, nếu có khác thì chỉ khác là số “doanh thu” ít hơn vì nhà đất không có giá bằng thành phố và cũng không có nhiều mối làm ăn lớn đến vài chục tỉ. Ở thôn quê, lúc này “dịch vụ” cò đất, cò nhà, cò chuyển nhượng, cò đổi đất cày bừa thành đất thổ cư để được xây dựng nhà cửa, nhà nghỉ nhà ngủû cũng chỉ lên đến vài trăm triệu. Nhưng bất kỳ làm gì, đụng đến nhà đất là phải có tiền mới xong. Có hàng chục, hàng trăm thứ luật lệ, quy định, quyết định, lệnh lạc chồng chéo, đến ngay những ông luật sư cũng hoa mắt chứ nói gì đến người dân. Muốn áp dụng thứ luật nào là “tuỳ hỷ, tuỳ hứng”. Muốn gây khó dễ sao cũng được, thời gian kéo dài nhanh hay chậm, một vài ngày hay một vài năm tuỳ theo “khách hàng” nộp cho cò đất bao nhiêu.

Nghề làm cò rất phát đạt. Lương đói, toàn phòng kéo nhau đi làm cò đất là chuyện đương nhiên. Và người dân thấy quan làm cò thì tin tưởng 100% là đúng nơi đúng chỗ.

Vậy thì chẳng phải chỉ có ở tỉnh Bình Phươc đâu các quan ạ. Còn nữa và còn nữa, những tỉnh thành, những thị trấn, những làng xã đều có “cò” tuốt hết. Và, cũng chẳng phải chỉ có cò đất, còn nhiều thứ cò khác nữa trong mọi cơ quan quyền lực, trong mọi cơ chế “xin cho”. Ở trong lãnh vực thương mại thì khỏi nói. Ngay cả trong lãnh vực giáo dục, y tế, cũng vô số cò. Họ nhà cò từ vài chục năm nay sinh sôi nẩy nở rất nhanh chóng. Cò trắng đồng cỏ, trắng cả thành phố, trắng cả đất nước.

Xin đừng kết tội riêng cái tỉnh nghèo Bình Phươc mà oan ơi ông địa cho cái tỉnh của tôi đang tá túc. Dù tôi có thể thông cảm với nhà điều tra rằng có thanh tra, kiểm tra đến hết đời cũng chẳng thể nào hết được.

Với tình trạng nông thôn như thế, các cô gái nghèo không bỏ xứ ra đi mới là lạ.

Văn Quang
26/08/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn