Gần 10 năm trước, con trai tôi, Tí Hớn bắt đầu đi học lớp 1. Học được hơn một tuần, tối về cậu nhắc đến Bác Hồ. Tôi nói thôi con ngủ đi, đừng nhắc đến ông ấy.
Cậu hờn dỗi, cậu bảo sao bố nói thế, bác Hồ là người tốt, nhờ có bác mà chúng ta có cuộc sống như ngày nay.
Tôi bảo cuộc sống của chúng ta là do chúng ta lao động mà có được, bố phải đi làm, phải hàn sắt rồi người ta trả công bố, bố có tiền đó mua áo và thức ăn cho con. Không có bác Hồ nào cho chúng ta cuộc sống cả.
Cậu hậm hực rồi đi ngủ, mới chỉ học một tuần, cậu đã coi một người nào đó đáng quý đáng trọng hơn bố cậu. Cậu còn nghĩ cuộc sống của cậu là do người ấy ban tặng.
30 năm trước đó, như con trai của mình, tôi cũng được sách vở, thầy cô giáo dạy rằng bác Hồ là người vĩ đại, bác đã mang cuộc sống cho mọi người. Tôi thầm phục bác Hồ lắm, tôi nghĩ không có bác mọi người sẽ lăn quay ra chết hết vì không có gì ăn, không có gì uống.
SGK của Bộ Giáo Dục bây giờ hình ảnh Hồ Chí Minh vẫn tràn ngập, đáng lẽ phải bỏ bớt đi. Nhưng người ta vẫn rập khuân sáo rỗng như cả nửa thế kỷ trước. Như thế đâu phải là cải cách, cuộc sống của ngày hôm nay đã khác với những năm tháng xưa rất nhiều. Chưa nói về việc nhồi sọ trẻ em hình ảnh lãnh tụ, điều không có ở những nước văn minh, tiến bộ. Nói ra nhiều người chạm nọc nhảy dựng lên chụp lên đầu cái mũ xúc phạm người quá cố này nọ. Nhưng không nói thì mọi thứ vẫn giáo điều, thiếu thực tế cho trẻ em học hỏi.
Tôi chỉ nói về việc bác Hồ cho kẹo.
Vài chục năm trước mấy cái kẹo ngọt là thứ quý giá với trẻ con, đời sống quá thiếu thốn nên đến cái kẹo là ước mơ của trẻ con. Người ta làm SGK đã sử dụng cái kẹo để làm mồi câu dẫn dụ trẻ con yêu mến ông Hồ.
Nhưng bây giờ thì sao ? Hỏi tất cả các bạn đang là cha mẹ các em nhỏ, hẳn các bạn đều hạn chế tối đa cho con mình ăn đồ ngọt. Hơn nữa, trẻ em bây giờ cũng chẳng thích kẹo như ngày trước nữa. Hình ảnh cái kẹo chả khơi dậy cho trẻ em điều gì, chúng chẳng coi đó là phần thưởng giá trị.
Chuyện bác Hồ cho kẹo em nào ngoan cần phải thay thế, tôi sợ rằng nếu bảo trẻ em con ngủ đi, con học đi rồi bố cho ăn kẹo. Chắc chắn chả có tác dụng gì, có khi trẻ em nghĩ trong đầu cần gì kẹo của bố.
Rồi câu chuyện bác Hồ cho kẹo trẻ em thật ngô nghê và hời hợt với trẻ em bây giờ, do tính thiếu thực tiễn thời đại, nhưng nó lại chứa đựng một chi tiết càng làm cho lý do phải loại những bài học như thế ra khỏi SGK. Đó là một em bé nói với bác Hồ.
- Một em bé giơ tay xin nói " Thưa Bác, ai ngoan thì được ăn kẹo, ai không ngoan thì không được ăn kẹo ''
Em bé ở trại Nhi Đồng, Nhi Đồng là bao nhiêu tuổi ?
Một em bé Nhi Đồng có phản ứng ngay tức khắc khi chủ tịch HCM vừa mở lời chia kẹo cho các cháu !
Bạn có thấy gì không.?
Tôi thấy sự đấu tố, sự trừng phạt, sự phân biệt đồng lứa của một đứa bé Nhi Đồng khi thấy có quà phân phát đại trà. Tôi nghĩ người ta bịa ra như thế, chứ những em bé Nhi Đồng ngây thơ và non nớt, làm sao mà có ý nghĩ phân biệt như vậy. Làm sao một đứa bé Nhi Đồng lại tỉnh táo đưa ra ý kiến lạnh lùng về việc phát kẹo phải như thế nào ?
Phải chăng bài học này dạy về cách thi đua khen thưởng, lựa chọn nhân sự của đảng và cháu bé Nhi Đồng trong sách ngày đó bây giờ chính là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Có thể lắm chứ, bị nhồi sọ phải phân biệt giai cấp, đánh giá đạo đức cách mạng từ bé, nên giờ Nguyễn Phú Trọng rập khuân những điều mình được nhồi nhét từ bé.
Lẽ ra ông Hồ phải có lời khuyên nhủ em bé Nhi Đồng ấy, chẳng hạn là hôm nay các cháu ăn kẹo của Bác, cháu nào chưa ngoan sẽ gắng ngoan nhé, rồi ông phát kẹo.
Đằng này ông chẳng nói gì, ông cứ thế phát kẹo tuốt cho tất cả.
Đến một bé tên là Tộ không nhận và thú nhận là hôm nay cháu chưa ngoan, nên cháu không nhận kẹo của bác. Bác Hồ bảo cháu biết nhận lỗi thế là ngoan. Cháu vẫn được nhận kẹo.
Một hành xử man rợ, vì sao tôi nói là man rợ.
Thứ nhất ông Hồ làm thế, đứa bé đầu tiên sẽ nghĩ gì, ý kiến của nó không hề được ông Hồ để ý. Nó sẽ tổn thương tâm lý không ? ( mà lạ là đứa bé này không có tên, chắc nó đại diện cho quần chúng). Đương nhiên nó sẽ bị chấn động tâm lý, khi ông Hồ cư xử như vậy mà không có lời nào giải thích cho nó. Ông quá coi thường nó.
Còn em bé Tộ, em ở trại Nhi Đồng, sách nói buổi sáng ông Hồ đến thăm. Vậy mà bé đã không ngoan rồi, vậy bé không ngoan từ lúc nào mà nói hôm nay cháu không ngoan.
Câu chuyện đọng lại thì hình ảnh ông Hồ là người phán xử, ban phát cái gì cho ai là quyền của ông. Chả có một tí mẹ nào tính giáo dục thực tiễn ở đây cả, phân tích ra nó còn chứa đựng những điều tệ hại.
Tóm lại đây là câu chuyện bịp bợp, được tạo dựng một cách ngô nghê, dùng cái kẹo là của hiếm thời đó để dẫn dụ trẻ con. Tưởng là xây dựng được hình ảnh Hồ Chí Minh, nhưng lại để người ta nghĩ khác về ông Hồ là loại gian hùng.
Tôi dám chắc nếu ông Hồ tốt như người ta nói, khi nghe đứa bé Nhi Đồng kia ý kiến về việc chia kẹo, ông sẽ có lời khéo léo để đứa bé ấy và các đứa bé khác không nặng nề tâm lý chuyện chia kẹo. Chứ không thể có chuyện chúng mày cứ tố nhau thoải mái đi, sinh sát thế nào là do tao quyết.
Không hiểu anh Nhạ cải cách SGK kiểu gì mà để lại bài này, hay anh định xỏ lá cả Hồ Chí Minh lẫn Nguyễn Phú Trọng ?
Người Buôn Gió
12/10/2020
Blog Người Buôn Gió