Sau cơn địa chấn của cuộc cách mạng Đông Âu, tôi có dịp đi Nga. Với cương vị UV Trung ương của một Tổ chức chính trị, tôi được cử đi để giải quyết một số vấn đề. Lúc đó, Moscow còn là nước cs, vừa chuyển quyền qua Boris Yelsin, và còn đang trong vòng tranh tối, tranh sáng. Putin, vẫn còn hoạt động đâu đó ở Châu Âu, như một nhân viên của KGB.
Máy bay từ Los Angeles chuyển tiếp ở Paris, và bay đến Moscow. Từ Paris đi Moscow, phải đổi hãng máy bay hàng không nội địa Nga. Khi chiếc máy bay Nga cũ kỹ rồ máy phóng mình ra khỏi phi đạo, tôi nghe tiếng gầm rú của động cơ già nua, và rệu rạc. Chiếc ghế bật ra sau một chút như là con ốc bắt đinh chưa chặt, chiếc máy bay phóng lên như một phép lạ. Tôi phó mặc số phận mình cho hãng hàng không Nga. Một hãng máy bay của cs, mà chỉ số an toàn vô cùng thấp trong giới hàng không quốc tế.
Thời đó, Moscow chưa có dấu vết của tư bản. Các cửa hàng quốc doanh, xe taxi nhà nước và đường phố, kiến trúc một màu xám xịt của thứ chủ nghĩa lên gân. Tôi được người quen đón và đưa về một khách sạn ở Moscow do tư nhân, hay nhà nước làm chủ, có trời mà biết.
Mới vừa lên phòng chưa kịp thở, thì nghe cửa phòng đập ầm ầm. Tôi nhìn qua lỗ, thấy tên Nga to lớn, kẻ dắt tôi lên phòng đang xua tay xua chân. Tôi nghi thằng cha này muốn làm tiền rồi, vì khi lão đưa tôi lên, người bạn nói tiếng Nga với lão tôi đã cảm nhận tên này có vấn đề, nhất là mùi rượu Volka bay ra nồng nặc. Lúc đó, tôi đã xì cho lão 1 dollar tiền típ. Tôi nghĩ, lão biết mình không phải dân ở Nga, vì thấy Passport của Mỹ nên muốn làm tiền.
Thấy không xong, tôi không dám mở cửa, đút thêm đồng tiền đollar dưới khe cửa, xong tấn cửa cẩn thận và kêu người bạn, cho tôi ra khỏi chỗ này càng nhanh càng tốt. Nếu không đêm nay chắc nó dám tông cửa bóp họng mình. Tôi không muốn bỏ mạng một cách lãng xẹt ở Moscow.
Tôi ghé thăm Quảng trường đỏ. Đi ngang qua khu vực canh giữ xác chết của Lenin. Những hồng quân Nga vẫn còn bồng súng đi qua đi lại. Trong giai đoạn giao thời của xứ cs dãy chết, không có nhiều người thăm xác chết Lenin làm gì.
Tôi ghé thăm các “ốp”, tức các phòng ốc của người Việt ở Nga để biết họ sinh sống ra sao? Mỗi lần cần đi nơi này sang nơi khác thì cứ ra đường đưa tay vẫy. Xe tư nhân, xe công vụ, xe công ty, loạn cào cào đều có thể chở mình đi như taxi. Thuận đường, vừa giá là có taxi đi. Ai cũng thừa cơ hội để kiếm tiền. Ngoài đường, bóng ma cs vẫn còn dày đặc. Các công viên nhiều người vô công rồi nghề tụ tập. Vỏ chai Volka vứt đầy các nơi công cộng. Vì mất an ninh, nên phía người quen Nga, phải thuê nhân viên cựu mật vụ Nga, biết tiếng Anh chút chút, đi theo tôi làm bảo vệ.
Được gặp Anh Chị Nguyễn Minh Cần, ăn bữa cơm tối với anh chị. Chị là người Nga, nhưng nói tiếng Việt như người Việt. Anh Nguyễn Minh Cần, hiện đã mất, từng là UV Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh Hà Nội (1954-1962).
Anh kể về thời gian cay đắng khi quyết định ở lại Nga, thay vì về lại Việt Nam. Các anh, những đảng viên cs trung cấp thời đó, được csVN cho qua Nga học trường lý luận đảng, đã bị csVN coi là thành phần có khuynh hướng theo chủ nghĩa xét lại. Có người vì thương vợ con trở về, đã bị chính quyền Hà Nội trừng phạt. Những người ở lại, có người đã phải tự tử chết, vì không chịu nổi áp lực. Trong số đó, có Đại tá Lê Vinh Quốc, cánh tay mặt của Tướng Võ Nguyên Giáp. Văn Doãn, Thượng tá từng là tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân.
Cái nôi của cs, đã không cho tôi một ấn tượng nào mạnh mẽ. Những kiến trúc thô cứng, xám xịt và không có yếu tố thẩm mỹ, chỉ thuần tuyên truyền. Và phải mất 80 năm, nhân dân Liên Bang Xô Viết mới có thể vứt bỏ cái thứ rác rưởi cs vào xọt rác. Tiếc thay, có người lại rước về VN, để tiếp tục thờ cúng, và đày đọa dân tộc mình.
Đỗ T. Công
Nguồn : Đàn Chim Việt
Nguồn : Đàn Chim Việt
Gửi ý kiến của bạn