BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72818)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thảm kịch và hài kịch

19 Tháng Tám 200712:00 SA(Xem: 925)
Thảm kịch và hài kịch
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Không hẹn mà gặp, trong tuần vừa qua, tại Việt Nam có hai chuyện làm xôn xao dư luận, đồng thời cũng gây phẫn nộ trong lòng người dân. Một chuyện xảy ra tại Đà Nẵng và một chuyện xảy ra tận bên xứ Hàn Quốc. Có lẽ nhiều bạn đọc đã biết đó là chuyện gì. Tuy nhiên có điều đáng chú ý là hai sự việc đó đã phản ảnh trung thực cuộc sống của người dân thành thị và người dân thôn quê, nhất là cuộc sống vương giả của con ông cháu cha và người dân nghèo lương thiện rõ nét như thế nào.

Nếu cậu ấm tác oai tác quái ở sân bay Đà Nẵng “hùng hồn, vương giả” được che chắn kỹ lưỡng bao nhiêu thì cuộc đời cô gái lấy chồng Hàn Quốc bị anh chồng sát hại thê thảm, và cô đơn bấy nhiêu.

Hai nghịch cảnh ấy vô tình “gặp nhau” trong cùng một thời điểm, do đó dư luận có cơ hội nhìn rõ hơn và phán xét chính xác hơn về cuộc sống và “số phận” của người dân VN hiện nay. Những mảnh đời được sinh ra trên cùng một mảnh đất, được hưởng thụ cùng một nền văn hóa, cùng có chung một lịch sử dân tộc, nhưng lại trái ngược nhau như trời với đất, như cọp với giun. Cái gì đã làm nên sự khác biệt ấy? Sự bất công của xã hội hay sự lộng hành của quyền lực? Xin để bạn đọc tự trả lời.

Thông tin từ đâu?

Để dễ dàng nhận định, tôi xin sơ lược tường trình về hai câu chuyện ấy. Trước hết là chuyện của cô gái lấy chồng Hàn Quốc bị giết hại.

Ngày 9-8, Đài truyền hình KBS phát sóng về vụ cô Huỳnh Mai bị Jangamuke- chồng cô - sát hại dã man, chỉ vì cô muốn được trở về Việt Nam. Sau 8 ngày bị giết, người ta mới phát hiện xác nạn nhân trong tầng hầm căn nhà của Jangamuke ở phường Munhoa, thành phố Cheonan (Hàn Quốc).

Sau khi sát hại vợ, Jangamuke đã bỏ trốn và ngày 5-8 bị Cảnh sát thành phố Cheonan bắt giam.

Ngày 18-7 vừa qua, xác nạn nhân được hỏa táng và tro của Mai hiện đang được lưu giữ tại Cheonan. Sự việc này ngay lập tức gây chấn động dư luận Hàn Quốc và sôi sục tại VN cũng như Việt kiều hải ngoại và trên toàn thế giới.

Cần phải khẳng định ngay, người Việt Nam chúng ta ở trong nước cũng như ngoài nước biết được nguồn tin đau thương này là do chính những thông tin từ Hàn Quốc, chứ chẳng phải của “Đại sứ quán VN” hoặc một nguồn tin nào của Việt Nam. Giả thử không có những nguồn tin từ Hàn Quốc thì liệu chúng ta có biết hay không hoặc đến bao giờ mới biết? Và đây có phải là lần thứ nhất những vụ việc bi đát như thế xảy ra không và còn có thể xảy ra ở đâu nữa? Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore là nơi có rất nhiều, rất nhiều những cô gái VN bị mang bán dưới hình thức môi giới hôn nhân? Không ai trả lời câu hỏi đó.









Trên bàn thờ chỉ còn lại hình ảnh cô gái trẻ vùng quê nghèo đã từng rên xiết trong địa ngục nhà chồng

Chúng ta phẫn nộ với hành động thú vật của gã chồng Hàn Quốc nhưng nên cảm ơn những người làm thông tin Hàn Quốc đã đưa ra thông tin này. Dù đã có rất nhiều người Hàn Quốc tỏ thái độ phẫn nộ, lên án hành động điên rồ của người “đồng hương” của mình, nhưng dù thế nào thì cái nhìn của người Việt Nam với những người đàn ông Hàn cũng mất đi nhiều tình cảm và những giấc mơ xứ Hàn cũng đã trở nên tối tăm. Mặc dầu đó chỉ là hành động của một cá nhân, nhưng ít nhiều nó làm tổn hại đến uy tín của cả một dân tộc. Từ hơn một thập kỷ nay, những cuốn phim Hàn Quốc mang theo hơi thở, cách sống, phong tục, lễ giáo cũng như đời sống thường nhật của người Hàn đã mang đến cho nhiều khán giả Việt Nam những cảm tình sâu đậm và không thiếu gì những cô gái thôn quê mơ ước được sống trong môi trường tốt đẹp đó. Song đến nay thì dường như họ đã hiểu ra đó chỉ là phim ảnh. Đời sống qua phim ảnh được tô son vẽ phấn khá nhiều. Nó khác hẳn với thực tế. Nó còn nhiều điều bí ẩn phía sau những phong tục, những tính cách, những thói quen của con người trong xã hội đó. Những bí ẩn ấy luôn là mối nguy cơ rình rập từng ngày từng giờ trong một cuộc sống chung giữa một người dân tộc này với dân tộc khác. Đến ngay người trong một nước nhưng khác vùng, như giữa miền Nam và miền Trung, cũng đã có những khác biệt, đừng nói đến một đất nước xa xôi mà ta chẳng biết đến bao giờ.









Giây phút hạnh phúc ngắn ngủi của Huỳnh Mai, chưa đầy hai tháng đã vùi sâu trong lòng đất với 18 chiếc xương sườn bị gãy do bàn tay của người chồng

Bắt nguồn từ đâu?

Thảm cảnh xảy ra của Huỳnh Mai xảy ra chính là vì những khác biệt ấy. May mà trước khi chết Huỳnh Mai còn để lại một lá thư. Nếu không, có lẽ sẽ chẳng ai biết được chuyện gì đã xảy ra. Lá thư của Huỳnh Mai viết trước khi bị sát hại một ngày và để trong hộc bàn, chồng cô đã không phát hiện. Từ đó chúng ta mới biết được một số chi tiết để nhìn ra sự việc. Tất nhiên, “thư bất tận ngôn”, Mai không thể kể hết người gì cô đã phải âm thầm chịu đựng:

“Em rất buồn vì chồng của mình, khi đến Hàn Quốc em đã không biết đời sống Hàn Quốc ra sao. Khi em buồn anh, anh phải hỏi em lý do chứ, anh giận em sao? Anh không biết rằng khi khó khăn thì cả hai đều phải bàn bạc với nhau và anh phải che chở cho phụ nữ sao? Khi em mệt mỏi, gặp khó khăn, em muốn nói chuyện với anh, nhưng mỗi khi trở về nhà anh đều thấy không vui. Mặc dù em nhỏ tuổi hơn anh nhưng chúng ta phải sống cho nhau tình cảm vợ chồng chứ…”.

Mai còn viết : “Thật sự là em muốn về lại VN. Em mong rằng ước mơ của anh sẽ thành hiện thực và mong anh sống đàng hoàng. Khi về VN em sẽ làm lại từ đầu và đối xử tốt với ba mẹ em”.

Không cần phải đọc hết lá thư, ai cũng có thể hình dung ra cuộc sống “địa ngục” đó của người vợ VN như thế nào trong một đất nước xa lạ với người chồng lạnh lùng vô cảm. Những dòng chữ chân thành mộc mạc đó với nỗi ước mong lớn nhất là được “nói chuyện với chồng” chứ chưa nói đến một sự thông cảm nào. Một ước mong rất đơn sơ không thể thực hiện được, chưa phải là vì cái hàng rào “bất đồng ngôn ngữ” mà vì chính lương tâm con người. Ngay từ khi bước chân vào nhà chồng, Huỳnh Mai đã bị chồng bắt nhốt trong nhà, không cho tiếp xúc với hàng xóm. Mai muốn đi học tiếng Hàn chồng cũng không cho đi. Mai cứ hỏi điều gì liên quan đến tiếng Hàn là bị chồng chửi bới, đánh đập...

Thái độ này của người chồng bắt nguồn từ ý nghĩ và cũng là sự thật, khi anh ta đối với vợ chỉ như một món hàng mua ngoài chợ trời. Hay nói khác đi là không khác gì đi chợ mua một con vật. Con chó hay con mèo hoặc một chú gà mang về phục vụ cho một nhu cầu nào đó của gia đình. Ở đây là phục vụ cho chính bản thân anh ta.

Có lẽ tất cả những hành động vũ phu, man rợ của những người đàn ông “mua vợ” từ VN cũng bắt nguồn từ sự thật này. Vậy VN đã làm gì để ngăn chặn tình trạng “mua bán người” đúng hệt như thời nô lệ này?

Thật ra ở VN và phía Hàn Quốc cũng đã có một số biện pháp ngăn chặn. Nhưng trên thực tế thì pháp luật lại “vướng luật”. Bởi một cặp trai gái đến tuổi được phép thành hôn, khi cả hai cùng xác nhận “đồng ý lấy nhau” vì … tình cảm thì chẳng ai có quyền cấm đoán họ. Tất nhiên muốn lấy chồng Hàn Quốc hay Đài Loan thì cặp nào cũng phải khai như thế. Pháp luật cũng chỉ thở dài mà ngó, chứ làm gì hơn được?

Những “trung tâm môi giới hôn nhân lậu” đầy rẫy

Tuy nhiên đó chỉ là tính pháp lý. Muốn ngăn chặn có hiệu quả thì phải ngăn chặn từ trước khi họ đưa nhau ra làm đơn “đăng ký kết hôn”. Muốn kết hôn kiểu này phải có người môi giới. Tất cả những cô gái quê này chẳng hề quen biết một ông Hàn Quốc nào bao giờ. Ngoại trừ những người đã từng có cơ hội làm việc với những công ty xí nghiệp có người Hàn Quốc. Con số này rất ít, tôi không đề cập đến. Bởi vậy phải có những trung tâm môi giới, những tổ chức môi giới “lậu” đầy rẫy ở thành phố, nhất là TP. Sài Gòn. Những vụ bắt bớ hàng trăm cô gái quê lên tỉnh chờ được “tuyển” như kiểu mua bán heo, vẫn lẻ tẻ xảy ra.

Không thể cho rằng những “trung tâm môi giới lậu” ấy làm việc bí mật quá, cảnh sát không thể khám phá ra hết. Một trung tâm như thế được tổ chức rất tinh vi, nhưng dù tinh vi cách nào thì họ cũng phải có thời gian tìm kiếm, nuôi dưỡng những cô gái từ nhà quê lên thành phố. Vài chục cô phải có nơi chốn ăn ở, mua sắm, và một đội ngũ “mặt rô” bảo vệ canh giữ. Ngoài ra còn phải đón tiếp, giao thiệp với những người nước ngoài để chuẩn bị tuyển chọn và lo thủ tục kết hôn. Những hoạt động ấy không thể qua mắt những người hàng xóm và nhất là những cảnh sát khu vực. Nhất cử nhất động của của các tổ dân phố đều được canh chừng rất kỹ. Vậy thì không thể nói cảnh sát và chính quyền địa phương không biết. Có chăng chính là sự thờ ơ của những cơ quan này, nếu không muốn nói là “có cái gì đó qua lại” giữa những tổ chức môi giới này với cơ quan chức năng. Bao nhiêu vụ khám phá ra rồi, chính quyền địa phương và cảnh sát khu vực vẫn yên vị. Sự ngăn chặn trở nên kém hiệu quả và lâu dần rồi trở nên vô hiệu. Mọi chuyện đâu lại vào đấy. Pháp luât cũng được thực thi theo phong trào. Khi nào nó bùng lên thì tích cực hô cho lớn, hết phong trào lại xẹp lép.

Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Quan trọng hơn vẫn là sự nghèo đói ở những vùng quê. Bên cạnh đó là sự tác oai tác quái của những ông kẹ nông thôn, sự bất công xã hội còn đầy rẫy. Người dân không chịu nổi phải tìm con đường sống cho mình. Vươn ra những thành phố công nghiệp và những cô gái muốn cứu gia đình mình và chính mình thì con đường ngắn nhất là lấy chồng nước ngoài.









Cha và người em út của Huỳnh Mai trước mái tranh quê nhà

Phải nhanh chóng lấy chồng bất kể là ai

Hãy nhìn thẳng vào gia đình cô gái vừa bị sát hại ở Hàn Quốc. Xã Ngọc Chúc (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) là một xã nghèo. Ấp Ngọc An nơi gia đình của Huỳnh Mai sinh sống là xóm cũng thuộc dạng cực nghèo, công việc chính làlàm thuê hoặc nông nghiệp. Căn nhà nơi Huỳnh Mai sinh sống trước khi ra đi bằng lá đơn sơ, rách nát. Gia đình có năm người, hai vợ chồng và ba người con, trong đó Huỳnh Mai là con gái lớn. Nhà chẳng có cục đất chọi chim, đến ngôi nhà đang ở cũng phải ở nhờ trên đất mẹ vợ.

Cái nghèo “mạt rệp” đã khiến Huỳnh Mai bỏ học sớm, rời xa gia đình xuống tận Bạc Liêu làm công nhân thủy sản từ năm 15 tuổi. Bốn năm sau, Mai chuyển về Bình Dương làm ở một xưởng gỗ trước khi trở về quê lấy chồng Hàn Quốc.

Sau những cuộc “tuyển chọn”, đám cưới được tổ chức nhanh chóng. Những cô gái tham gia đường dây tuyển chọn, ban đầu còn một chút lựa chọn ông chồng tạm thời có thể chấp nhận được. Nhưng ăn ở nhà người dắt mối quá lâu sẽ rất tốn kém, công nợ ngập đầu, nên dần dà rồi gặp một anh đui què mẻ sứt, thậm chí bị bệnh tâm thần hoặc một ông lão lọm khọm cũng phải gật đầu đồng ý… cho xong chuyện. Đỡ được đồng nào hay đồng ấy cho gia đình có chút vốn trước khi “theo chàng về dinh”. Nhưng cuối cùng rồi số tiền được chồng mua cũng bị bóc sạch.

Như trường hợp của Huỳnh Mai, tiệc cưới chỉ có... hai bàn. Ra về gia đình cô dâu được chú rể cho 400 USD, tới cửa bị "trưởng đoàn" môi giới - là một phụ nữ có tên Yến - thu lại 200 USD. Còn lại 200 USD không đủ trả tiền thuê xe và ăn uống dọc đường.

Vậy “trưởng đoàn” tên Yến là ai? Đường dây này được tổ chức như thế nào? Mãi đến nay hầu như vẫn “bình an vô sự” chẳng thấy ai nhắc nhở gì đến “nhân vật trung tâm” này.

Trong khi đó, gia đình Huỳnh Mai cứ yên tâm con mình đã đến bến bờ hạnh phúc. Bởi khi về đến xứ chồng, Mai liên tục gọi điện thoại về thăm gia đình. Khi được người nhà hỏi, Mai đều nói cuộc sống bên này rất hạnh phúc, được chồng thương yêu, mỗi lần chồng đi làm về mua đồ ăn cho gia đình rất nhiều, để đầy trong tủ lạnh... . Nhưng bà Nguyễn Thị Đẹp, ngoại của Huỳnh Mai, khóc không thành lời kể: "Vì thương gia đình nên nó mới nói như thế. Chứ nó ở bên đó khổ sở lắm, chồng không cho đi ra ngoài, không được học tiếng Hàn, suốt ngày chẳng nói chuyện được với ai. Nó điện thoại về cho hàng xóm thì khóc nức nở trong điện thoại, nhưng mọi người không dám nói thẳng với gia đình.”.

Thảm kịch trong lòng người con gái trẻ xứ quê này, khó có thể hình dung ra hết. Nhưng không phải chỉ một Huỳnh Mai hàng ngày phải chịu đựng nỗi đau nhục này.

Còn nhiều nữa những thảm cảnh như thế

Ở Hàn Quốc hiện có đường dây nóng đầu tiên và duy nhất của Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc (thuộc Bộ Phụ nữ - Gia đình Hàn Quốc) chuyên hỗ trợ tư vấn 24/24 giờ trong suốt 365 ngày cho các vấn đề bạo lực gia đình, cưỡng hiếp, mại dâm... của các cô gái nước ngoài lấy chồng Hàn ở khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc. Họ thẳng thắn cho biết:

“ Chuyện phụ nữ Việt lấy chồng Hàn bị hành hạ, bị đánh chết, sau khi đẻ con thì bị chồng bắt con giấu đi, hoặc bị chồng đánh đập rồi đưa lên xe chở đi đến chỗ vắng vứt ra đường... thì bên này nhiều lắm!". Xin tạm kể hai vụ gần đây nhất:

1- Trường hợp đầu tiên là một cô gái trẻ quê Cần Thơ, khi sang Hàn Quốc thì bị người chồng ép buộc quan hệ sinh lý triền miên, lại giam kín trong nhà không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chịu không nổi sự bức bối về tinh thần lẫn thể xác, cô gái xé mành cửa tìm cách thoát ra ngoài bằng đường cửa sổ. Nhưng nửa chừng thì dây đứt, cô gái bị rơi từ lầu cao xuống đất tử nạn. Hơn ba tháng xác cô gái không đưa về được Việt Nam, vì gia đình cô nghèo không đủ tiền, trong khi phía chồng cô vẫn từ chối đưa ra một số tiền thích đáng để lo hậu sự.

2- Một câu chuyện khác là một cô gái Hà Nội lấy một người đàn ông Hàn Quốc đã một lần ly hôn, có một đứa con trai riêng. Cô gọi đến đường dây nóng khóc lóc nói rằng chồng cô quý con hơn vợ, nhiều lần đánh đập cô. Quá phẫn uất, cô gái đã đóng đinh lên bậu cửa, chuẩn bị một sợi dây thòng lọng để tự tử. Người chồng phát hiện được, đem giấu sợi dây đi, nhưng tình trạng đánh đập vẫn xảy ra. Cô muốn báo cảnh sát cũng không được, vì những lần như thế người chồng luôn giật lấy điện thoại không cho cô gọi. Khi cô có mang phải vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán rằng vì bị đánh đập nên thai nhi đã bị chết trong bụng mẹ. Lúc rời bệnh viện về nhà thì người chồng đóng sập cửa, đuổi cô đi... Tứ cố vô thân là nỗi lo lớn nhất của những cô gái bị nhà chồng xua đuổi.

Chỉ cần nghe hai chuyện này thôi, người Việt Nam dù ở đâu cũng thấy nghẹn đắng, căm phẫn. Chính quyền VN và Hàn Quốc và kể cả những nước khác như Đài Loan, Singapore sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này? Đã đến lúc không thể chấp nhận nỗi đau nhục này nữa. Trước hết, Việt Nam phải là nước đầu tiên có những biện pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn. Ngay từ những địa phương và ngay từ những làng xã nông thôn, những phường khóm ở thành phố.

Sự việc này có liên quan đến những “ông kẹ” ở địa phương. Nếu còn để những kẻ côn đồ, du thủ du thực, con ông cháu cha lộng hành như vụ ở sân bay Đà Nẵng thì chẳng bao giờ người dân được yên ấm cả.

Con vua thì lại làm vua

Tôi phải thành thật nói rằng sự việc vừa xảy ra tại sân bay Đà Nẵng không hề làm tôi ngạc nhiên chút nào. Rất nhiều người dân ban đầu cũng có ý nghĩ đó. Bởi con ông cháu cha, bố làm bí thư, con làm công an hoặc một chức vụ gì đó “thơm như mít” là thứ chuyện “bình thường không có gì đáng kể” ở đây rồi. Và, cứ nói thẳng thì ở đâu cũng có những chuyện như thế này. Bố làm lớn, con cái cháu chắt, được dắt vào làm là chuyện chung của xã hội. Chỉ khác cái là ở VN thì chuyện này nhiều hơn, trắng trợn hơn mà thôi. Còn có tài có đức hay không, chẳng phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng vẫn là cái lý lịch ba đời nhà anh như thế nào. Thời được gọi là “bao cấp” cũng vậy, bây giờ cũng vẫn vậy. Nhất là một ngành như ngành công an thì sự tuyển lọc càng kỹ càng hơn, tất nhiên họ hàng nhà quan bao giờ cũng được ưu tiên.

Tiên tri của người dân như thần

Cho nên ngay từ khi có thông tin về vụ một thanh niên rút kiếm định “phang” mấy cậu bảo vệ ở sân bay Đà Nẵng, tôi ngồi quán cà phê đầu đường ở nhà quê, người dân đã có thể phán đoán một cách rất “lô gích” rằng: dân “quậy” này ít nhất cũng phải là con quan, có thần có thế lắm mới dám làm như thế. “Ngầu” như mấy bác tài xế taxi mà thấy bóng dáng mấy anh bảo vệ sân bay còn phải “co vòi”, vậy mà tay này dám chửi “vung xích chó” thì chẳng phải tay vừa. Không dựa vào đâu thì mấy cậu bảo vệ, toàn những anh võ nghệ đầy mình, cho một trận tời bời hoa lá chứ dỡn sao”.

Quả nhiên lời “tiên tri” của người dân trúng phóc, bởi đó là kinh nghiệm xương máu của họ từ bao lâu nay. Anh thanh niên đó tên Đỗ Hoài Phương Minh là con của ông Đỗ Văn Công, bí thư huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Thông tin cho biết “Một vụ ẩu đả bằng kiếm đã xảy ra vào hồi 13g30 ngày 11-8 tại sân bay quốc tế Đà Nẵng giữa một thanh niên xưng là cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương với lực lượng an ninh sân bay Đà Nẵng”.

Văn hóa lịch sự không có trong con người như thế này

Sự việc chẳng có gì là to chuyện nếu anh thanh niên kia vui vẻ đề nghị với mấy anh bảo vệ “làm ơn cho đậu chút xíu sẽ đi ngay”. Một lời nói ôn hòa nhã nhặn, chắc chắn sẽ xong. Nhưng nền văn hóa lịch sự không có trong con người anh thanh niên đã từng quen lối đối xử thô bạo với người dân nên anh vênh váo lớn tiếng quát nạt nhân viên bảo vệ sân bay. Và còn ra oai chửi tục và có thái độ mạt sát nhóm an ninh. Không những thế anh ta còn mở cóp xe, rút kiếm như những samurai Nhật Bản định làm thịt mấy cậu an ninh phi trường. Theo lời của anh Thái Quang Vinh (Đội an ninh trật tự, Trung tâm an ninh hàng không) kể: “Lúc này, có một đôi nam nữ mang hành lý đi ra, anh ta dừng xe, mở cốp bỏ đồ và chửi thề: “Tụi bây cởi đồ ra tao đập chết tươi”. “Tôi nói, thì cứ đánh đi, cần gì phải cởi đồ”.

“Nói chưa dứt câu, người này cầm thanh kiếm kiểu Nhật dài 80 cm, sấn tới định chém tôi. Nhưng chưa kịp vung lên thì anh Phương (nhân viên an ninh, cùng ca trực) đã khống chế anh ta từ phía sau. Tôi một tay cầm chuôi, một tay cầm lưỡi, bẻ cong thanh kiếm”. Anh Vinh khẳng định: “Nếu anh em không nhanh tay khống chế, chắc chắn tôi đã bị chém”.

Điều này đã được một số nhân chứng có mặt tại sân bay chứng thực. Lúc đó tại sân bay Đà Nẵng có 5 chuyến bay nội địa, 1 chuyến bay quốc tế với lượng hành khách ra cổng lên tới 800 - 900 người. Quanh đó, có khoảng 30 người, Tây có ta có, chứng kiến toàn bộ sự việc, nhiều người nói: Hành động đó chỉ có thể là “xã hội đen”...









Thái độ “hiên ngang” của Đỗ Hoài Phương Minh khi lập biên bản vẫn ngồi gọi điện thọai cho “người thân”, chẳng buồn để ý đến ai

Ngoài ra trong bản kết luận của Công an quận Hải Châu có ghi lại câu Minh dọa: "Tao điện cho bọn mày nghỉ việc hết". Nhiều phóng viên theo dõi vụ việc này từ đầu luôn nghe được câu này, Minh còn nói thẳng tên người mà Minh gọi điện thoại là vị lãnh đạo cao nhất của thành phố Đà Nẵng. Cho dù không biết Minh có quen ông ta không?

Hèn chi trong lúc vào lập biên bản, anh ta chẳng thèm để ý đến ai, chỉ ngồi ung dung gọi điện thọai di động, chắc là gọi cho toàn những vụ tai to mặt lớn nào đó để “cho nghỉ việc những thằng dám hỗn với con quan”. Minh cũng liên tục nhục mạ các nhân viên an ninh: “Tao không làm việc với bọn bây, tao chỉ làm việc với lãnh đạo thành phố”.

Và sau cùng anh ta cũng chẳng thèm ký vào biên bản cho mệt cái bàn tay… dùi đục. Dù chỉ là con quan ở một huyện tận xứ Bình Dương xa lắc. Thế mới biết dây mơ rễ má của các quan chằng chịt khắp nơi. “Bác bác, chú chú”, “anh anh, em em” loạn xà ngầu. Người dân không chằng không rễ đụng vào thì dù đúng hay sai cũng “ốm đòn” là cái chắc.









Thanh “sắt” này, trẻ con cũng gọi là kiếm. Nhưng ông Võ Tương, Thượng tá, Phó Công an quận Hải Châu không gọi là kiếm, mà gọi là… đồ chơi. Vui thật

Lá chắn của những thanh kiếm

Vụ này dù có thế, nếu xử khéo ra, dù có là “chú bác, anh em” của gã thanh niên nghênh ngang kia, chỉ cần dàn xếp để xin lỗi nhân viên an ninh là cũng xong. Thế nhưng dường như theo quan niệm của những vị quen làm khó người khác thì sự xin lỗi là xúc phạm đến uy tín lớn lao của nhà quan. Vụ việc lại được “xử lý” theo một chiều hướng khác.

Khi về đến công an huyện Hải Châu, chiều 12-8, ông Võ Tương, Thượng tá, Phó Công an quận Hải Châu đã cho các phóng viên báo chí một điều khá bất ngờ là thông tin do người đứng đầu Công an quận Hải Châu cung cấp lại gần như ngược với biên bản của Trung tâm An ninh Cụm cảng hàng không miền Trung.

Ông Võ Tương ”lý luận” rằng cây kiếm đó chỉ là dao, Minh mua ở chợ biên giới về chơi. Và “Minh mở cốp xe để sắp xếp lại đồ đạc, có cây kiếm để sẵn trong đó. Chỉ vô tình mà vỏ kiếm rơi ra chứ Minh cũng không có ý định gì. Nhân viên an ninh sân bay thấy vậy liền ôm vào giật kiếm và thu giữ. Tuy nhiên hậu quả cũng chưa có gì và cũng không ồn ào, lộn xộn gì lắm trong sân bay!”…

Chỉ cần nghe “lời giải thích” này thôi, ai cũng hiểu ông công an lớn có ý định bênh vực ông công an nhỏ hay không. Lá chắn và thanh kiếm đã lờ mờ nhận ra ngay từ phút đầu. Tuy nhiên với những lời hứa hẹn :"Chúng tôi sẽ làm rõ hành vi và xử lý nghiêm nếu quả thực có vi phạm, cho dù có là chiến sĩ trong ngành cũng sẽ không khoan nhượng. Và chúng tôi làm vụ việc này hết sức công tâm, không hề có một sự can thiệp nào!".

Kết quả của sự công tâm là gì?

Thế rồi “một buổi chiều” quyết định của Công an huyện Hải Châu được đưa ra. Gọn gàng và… nhẹ nhõm.

Theo kết luận của Công an Q.Hải Châu, hành vi của Đỗ Hoài Phương Minh không cấu thành tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ” được qui định tại điều 233 BLHS và tội “chống người thi hành công vụ” qui định tại điều 257 BLHS. Do vậy Công an Q.Hải Châu ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với việc do Minh gây ra ngày 11-8 tại sân bay Đà Nẵng. Công an Q.Hải Châu chỉ xử lý hành chính đối với hành vi của Minh về việc mua, vận chuyển vũ khí thô sơ... và hành vi gây rối trật tự công cộng có mang theo vũ khí thô sơ, đồng thời thu giữ và tịch thu hai cây kiếm do Minh mua từ cửa khẩu Móng Cái với giá 1,5 triệu đồng.

Đỗ Hoài Phương Minh còn phải nộp phạt 5 triệu đồng. “Việc Minh có lời nói, thái độ không đúng với tư cách người công an nhân dân cùng với những vi phạm hành chính nói trên, Cơ quan CSĐT Công an Q.Hải Châu thông báo để Công an tỉnh Bình Dương xử lý Minh theo thẩm quyền”.

Thế là cậu ấm Đỗ Hoài Phương Minh thảnh thơi ra lái chiếc xe hơi láng coóng của mình ra về cùng vợ con bè bạn tênh tênh như chẳng có gì xảy ra.

Người dân lại sững sờ

Quả thật quyết định này đã làm người dân ngơ ngác đến sững sờ. Sự nghi ngại của người dân lại đúng. Nói thẳng ra đây là một vụ bao che trắng trợn, thách thức dư luận. Chẳng có thế mà ngay khi cái quyết định quái đản kia vừa được công bố, lập tức dư luận đã phẫn nộ càng như đổ thêm dầu vào lửa. Nhìn vào tất cả các trang báo, toàn bộ dư luận của người dân, 100% không ai có thể đồng tình với quyết định này. Hẳn là Công an Hải Châu có thể dự trù trước được phản ứng đó. Nhưng họ vẫn làm.

Có hàng trăm câu hỏi xung quanh vụ “múa kiếm” này. Tôi không thể tường trình hết.

Hơn thế đây không phải là lần đầu tiên Minh hành xử như vậy. Khoảng giữa năm 2000, Minh và một trinh sát Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương và vài người bạn tới quán karaoke ở huyện Thuận An, Bình Dương. Tiếp viên không phục vụ theo "yêu cầu", Minh rút khẩu súng nhỏ bằng chiếc bật lửa rồi bóp cò. Viên đạn đầu tiên lép, viên thứ hai làm cháy sém quần của một tiếp viên. Hai viên sau ghim vào trần nhà.

Nghe tiếng nổ, chủ quán gọi điện thoại cho công an 113 đến lập biên bản. Một tuần sau, Minh hăm dọa họ muốn yên thì im lặng. Chủ quán hoảng sợ và đã nghe lời. Vụ việc được giải quyết theo kiểu "gói gọn". Viên cảnh sát đi cùng Minh bị giáng cấp.

Minh bị kỷ luật, chắc lại “phê bình, kiểm điểm” cho phải phép. Như vậy người dân có quyền nghi ngờ còn khối vụ tương tự xảy ra, nhưng người dân thấp cổ bé miệng đành chịu.

Những câu hỏi của người dân:

Ngay khi quyết định được công bố, tức khắc người dân công khai bày tỏ sự tức giận của mình:









Chiếc xe láng coóng, bảng số “đẹp” 2727 của cậu ấm, cấp trên của cậu cho rằng do “may mắn”! Xe máy của cậu cũng là do may mắn nên có số “tứ quý” 9999

“Vụ cảnh sát Minh nổ súng trong quán karaoke, người ta đã không gọi súng là súng mà gọi là "công cụ hỗ trợ bị cướp cò". Cướp cò gì mà lần lượt từng viên một cho đến 4 viên? Lại bảo: "Chúng tôi cũng không biết súng này do đơn vị trang bị hay ở đâu ra?". Một câu trả lời rất vô trách nhiệm. Súng đơn vị trang bị mà mang đi hát karaoke rồi... bắn, càng sai; súng lấy ở đâu lại càng nguy hiểm, tại sao lại bỏ qua chi tiết này? Nếu không phải là Minh thì có được bỏ qua không?”

Kiếm không gọi là kiếm thì gọi là gì. Chỉ có cái bao được gọi là bao kiếm. Súng không gọi là súng mà gọi là “công cụ hỗ trợ” thì đúng là muốn gọi sao cũng được. Gọi là “ống” cho nó tiện việc sổ sách vì người ta thường nói “súng ống”. Đúng là miệng nhà quan có gang có thép.

“Một chi tiết nực cười khác là khi được hỏi vì sao xe máy Minh có biển đăng ký "tứ quý" (9999) và xe hơi biển đăng ký cực đẹp (2727), cũng được cấp trên của viên cảnh sát này trả lời: "Có thể là do Minh may mắn!". Được cấp trên trả lời thế thì Minh quả là người may mắn nhất còn gì?









Vậy cậu nên mua… hết số bánh “đế vương” này, giá 2.999.999 đồng và chỉ có 999 chiếc, chắc sẽ mang lại phú quý cho gia đình cậu nhiều hơn nữa

Mách giúp

Nhân mùa Lễ Trung Thu sắp tới, xin mách nhỏ cậu ấm may mắn kia nên đi mua ngay chừng chục hộp bánh trung thu dát vàng do Công ty Cổ phần Bánh kẹo ANCO sản xuất vừa được tung ra thị trường. Hộp bánh được trang trí bụi vàng giá 2.999.999 đồng có tên Đế Vương. Nhân bánh Đế Vương được làm từ 9 loại dược phẩm (đông trùng hạ thảo, nhân sâm, bào ngư, vây cá mập, trứng cá, yến sào, nấm linh chi, vảy têtê, hải sâm). Chỉ có 999 hộp bánh Đế Vương được tung ra thị trường. Khách hàng mua sản phẩm của công ty sẽ nằm trong danh sách khách hàng VIP, được chăm sóc đặc biệt hàng năm.

Cậu ấm nên mua ngay kẻo hết. Mua làm gì chắc cậu thừa thông minh biết cách sử dụng. Mua và mang đi lung tung làm quà tình cảm cho ngày thêm mặn nồng. Nhà sản xuất làm ra những thứ bánh “đế vương” đó để bán cho những gia đình sống “đế vương” như cậu chứ những gia đình như người con gái xấu số Huỳnh Mai thì chỉ có ngồi mà uống nước mắt thưởng trăng thôi.

Xử lý kín kẽ

Trở lại với vụ “xử lý” của Công an quận Hải Châu. Trên nguyên tắc, quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an quận Hải Châu sẽ được Viện trưởng Viện kiểm sát quận xem xét. Nếu đúng pháp luật, Viện trưởng sẽ có văn bản đồng ý. Trường hợp ngược lại, Viện trưởng Viện kiểm sát quận sẽ ra quyết định hủy, trả hồ sơ và yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu điều tra lại vụ việc.

Tuy nhiên, ông Trần Viết Liên (Phó phòng Tổng hợp, hiện đảm nhận nhiệm vụ phát ngôn viên của Công an Đà Nẵng) cho biết, trước khi Công an quận Hải Châu đưa ra kết luận đã có cuộc họp bàn và đi đến thống nhất giữa các ngành công an, kiểm sát và tòa án của quận. Do vậy, cơ quan điều tra cấp trên không can thiệp nữa. Ông nói: "Có vấn đề gì thì mới xem xét, còn không có gì thì xem xét làm gì!"

Qua lời phát biểu đó, có thể thấy Viện kiểm sát quận Hải Châu cũng đã “thống nhất” trước khi kết luận của Công an quận Hải Châu được đưa ra. Nói khác đi, mọi ngả đường để vụ việc của Đỗ Hoài Phương Minh được xem xét trở lại cho đúng với bản chất của nó hầu như đã bị bịt kín.

Cuối cùng lại trông đợi áp lực của dư luận như những vụ ăn đất ở Đồ Sơn và Gò Vấp để hy vọng Viện kiểm sát Hải Châu có thể ra một quyết định khác hoặc chỉ còn có Tổng cục Cảnh sát can thiệp như lời hứa nữa mà thôi.

Chúng lại chờ xem vụ này đi đến đâu. Con ông cháu cha được bao che đến mức nào?

Tóm lại trong tuần vừa qua, một thảm kịch của cô con gái nhà nghèo bị bán sang quê người và một “hài kịch” của cậu ấm con quan ở sân bay Đà Nẵng đã cho chúng ta thấy được những hình ảnh cực kỳ trái ngược của xã hội hiện tại.

Tôi không có tham vọng tường trình hết được những mảnh đời này, cần đến sự tưởng tượng sâu sắc của bạn đọc.

Văn Quang
19/08/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn