BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73216)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ một thời Formosa

23 Tháng Bảy 20207:25 SA(Xem: 1156)
Nhớ một thời Formosa
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Mỗi khi giới đấu tranh có chuyện gây cãi vã là y như rằng một bầu không khí hoang mang, nghi ngờ, chán nản lẫn nhau lại bao trùm trên mạng xã hội. Đây là tôi nói tình hình chung từ bao năm qua, chứ chẳng riêng gì chuyện của Phạm Đoan Trang và Nhà xuất bản tự do mới gần đây. Câu chuyện đó tôi sẽ không bàn tới nữa. Ai có trách nhiệm tự họ sẽ phải lãnh nhận. Nhưng những giá trị như lòng tin, sự hi sinh vì cái chung vẫn cần được nhắc đến, bởi thiếu nó thì những người tiến bộ không thể hợp tác được với nhau, để thay đổi những gì xấu xa trong xã hội này.

Nói về lòng tin, về việc đoán nhận con người, kể từ hồi tham gia các công việc xã hội tôi có rất nhiều trải nghiệm. Có những chuyện vui, có những chuyện buồn. Có những chuyện mà một ai đó khi không tự dưng đâm ra thù ghét tôi. Nhưng có những chuyện đã mang đến cho tôi những người bạn, những người anh em, vào sinh ra tử, có khi còn sẵn sàng vì nhau hơn cả anh em ruột thịt trong nhà.

Trong những kỷ niệm cũ ấy có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Đó vào mùa hè năm 2016, khi làn sóng biểu tình và phản đối Formosa xả độc ra biển đang lan rộng trên cả nước. Tất nhiên là việc này bắt đầu lộ ra từ khi báo chí chính thống đề cập, nhưng công chúng cảm thấy dường như những gì họ được nhìn thấy qua truyền thông nhà nước là chưa đủ. Có cái gì đó vẫn bị che giấu. Có những điểm phi lý giữa các bài báo. Có những trang báo đăng lên rồi lại biến mất, như chưa hề từng xuất hiện trên cõi này. Trong bối cảnh đó, những người làm truyền thông tự do như tôi tự đặt ra cho mình là phải lao vào tìm hiểu xem điều gì đang thực sự xảy ra trong khu công nghiệp khổng lồ này, để mang sự thật về cho mọi người.

Formosa cách Hà Nội khoảng hơn 400 km, ngay cạnh đường quốc lộ 1, giao thông thuận tiện. Nhưng mọi người chỉ có thể đi ngang qua, chứ thâm nhập vào đó không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh căng thẳng hồi đó thì công tác bảo vệ còn được đẩy lên ở mức cao nhất. Lúc nào ở các cổng ra vào cũng có khoảng hàng chục cảnh sát cơ động lăm lăm dùi cui đứng giám sát. Cả một khu rộng khoảng hơn 2000 ha, nhưng hệ thống tường rào vây kín đầy đủ, có bảo vệ đi tuần theo ca như trại lính, có camera giám sát khắp nơi. Bên trong thì chia khu thành từng cụm riêng biệt, phải có thẻ từ mới đi được từ khu này sang khu khác, nhất là khu vực sản xuất sẽ khó lọt vào nhất.

nguyenlanthangformosaTrong khoảng gần ba tháng trời tôi có cả chục chuyến đi đi về về tìm cách thâm nhập vào đây. Tình hình căng thẳng đến mức chỉ cần đi lơ vơ ngoài đường gần nhà máy, hay chĩa ống kính máy ảnh vào là có khả năng bị ai đó hỏi thăm chăm sóc tận tình ngay. May mắn rồi tôi kết nối được với một cậu học sinh cũ của bố tôi. Cậu này đang làm việc ở một khu trong đó, nên đã chỉ cách cho tôi giả dạng như cán bộ kỹ thuật để đi vào khu ở bên trong Formosa. 

Thế rồi cả một khung cảnh khu đô thị hoành tráng hiện ra dưới ống kính của tôi. Công chúng gần xa sững sờ và nghẹt thở bởi tầm vóc bên trong của Formosa được phô bày, dù mới chỉ là trong khu ở. Những video và hình ảnh của tôi lập tức trở nên nổi tiếng. Hàng bao nhiêu cơ quan truyền thông quốc tế cũng như bạn bè gần xa trên facebook hồi hộp theo dõi các chuyến đi tiếp theo của tôi. Tôi rất sung sướng vì sự ghi nhận của cộng đồng, nhưng vẫn có cái gì đó băn khoăn trong lòng, bởi chưa lọt được vào khu vực lõi của Formosa.

Thế rồi một ngày tự dưng có một cái nick facebook lạ chợt nhắn tin cho tôi. Cậu ấy tự giới thiệu là một người con miền Trung, đang làm việc trong công trường Formosa. Cậu ấy nói sở hữu cả một mỏ đá lớn đang cấp hàng thường xuyên cho nhà thầu chính. Cậu ấy còn thu mua phế liệu hàng ngày bên trong tường rào cao vút ấy. Cậu ấy hứa sẽ giúp tôi lọt vào cảng Sơn Dương trong khu công nghiệp Formosa. Đây là một hạng mục rất quan trọng, có thể ghi lại hình ảnh nào đó hoặc tìm thấy thông tin gì đó trong cả cái khu công nghiệp mênh mông này.

Tôi đắn đo lắm. Trong bối cảnh an ninh rình rập theo dõi, thật giả khó lường, liệu có nên tin vào một người lạ hoắc trên mạng xã hội hay không? Tại sao một chủ doanh nghiệp, đang làm giàu nhờ Formosa lại muốn giúp tôi thế này? Liệu nếu lọt vào mà bị bắt, tôi có bị dính vào tội hình sự nào đó, mà rất nhiều lực lượng an ninh vẫn đang mong muốn quy chụp cho tôi không? Nghĩ đi nghĩ lại, soi xét mãi cái trang facebook cá nhân của cậu kia, tôi quyết định liều một phen.

Một buổi tối mùa hè, từ Hà Nội tôi âm thầm bắt xe khách đi Hà Tĩnh. Không phải dễ dàng cứ thong dong ra bến xe mà đi như bình thường đâu. Cả buổi chiều hôm đó tôi phải lang thang suốt, để xem có cái đuôi lạ nào theo không, bởi có rất nhiều lần họ đã bám theo tôi đến tận miền Trung.

Sáng hôm sau tôi đến nơi, la cà ở dãy quán cafe trước cổng nhà máy như một cán bộ kỹ thuật đang chờ ai đó có việc. Đến chiều thấy tình hình có vẻ yên ắng, tôi bắt liên lạc với người của công ty cậu kia. Đúng là cậu ấy có công ty thật. Đúng là ở đó toàn dân công trường thật. Nhưng cậu ấy không có mặt ở đó mà chỉ điều khiển từ xa cho đám nhân viên giúp tôi mọi việc. Vẫn lo lo... thôi kệ cứ vào ngủ cùng đám người lạ ấy.

Sáng hôm sau nữa, tôi chọn được một cái thẻ từ ra vào trong đống thẻ ở công ty. Cậu công nhân đó đang nghỉ phép, có cái ảnh trên thẻ trông xương xương giống mặt tôi. Ngặt một nỗi trên thẻ lại ghi quê quán là Hà Tĩnh, tôi thì lại không nói được thứ tiếng địa phương nằng nặng đó, nên cũng hơi e ngại. Rồi tôi được mấy anh em cho mượn cả mũ công trường, áo bảo hộ có đai phản quang, giầy công trường chống đinh. Khoác thêm cái sơ mi kẻ ca rô, quần kaki... nếu tôi không phải mở mồm ra nói câu gì là trông thật hoàn hảo, giống y xì như một cán bộ kỹ thuật ở công trường.

Tôi được cho mượn thêm một cái xe máy, phải một mình tự đi vào cổng phía cảng Sơn Dương, ngay sát phía biển, đi từ nơi nghỉ đến đó cũng khá xa. Thấy bảo sẽ có người đón ở cổng, nơi tôi biết rõ cũng đầy đám an ninh, cơ động và biên phòng canh giữ cẩn mật. Kệ, cứ đi. Dãy tường rào Formosa cao vút bên cạnh đường vào loang loáng dây thép gai. Tôi phóng xe máy đi dọc lối đó rất lâu, thỉnh thoảng lại phải ngó nghiêng, phòng xem có đuôi hay không.

Vượt qua cổng đầy bảo vệ và an ninh, tôi không mắc một sai sót nào. Tất cả mọi thứ đúng như tôi hình dung trong đầu. Cậu cán bộ người của mình ấn tôi lên cabin một chiếc xe tải lớn. Xe từ từ chạy qua khu hành chính bên ngoài để tiến thẳng vào bên trong. Chạy được non một cây số thì lại gặp một trạm kiểm soát khác. Tay bảo vệ ở đó khá cẩn thận, thò hẳn đầu lên kiểm tra cabin. Cũng may mà hắn chỉ hỏi đến lái xe, chứ không hỏi tôi bất cứ câu nào. Thế rồi lại thoát, cứ thế xe tiến sâu nữa vào trung tâm khu công nghiệp Formosa. Cơ man nào là đường đất nội bộ, xe máy thi công, công trình đang làm ngổn ngang mở ra trước mắt. Tôi bắt đầu rút đồ trong người ra lén quay chụp.

Khi mặt trời gần đứng bóng thì tôi đã thâm nhập đến bãi phế liệu ngoài cảng Sơn Dương. Những chiếc xe tải to chở phế liệu đang đỗ cạnh những đống thép han rỉ. Đó là ván khuôn, cừ thép, dàn giáo hỏng... những thứ linh tinh mà nhà thầu chính bán đổ đi cho mấy đội thu mua phế liệu nhỏ bên ngoài. Chính nhờ đó mà tôi, một "phản động" nguy hiểm, luôn được an ninh ưu ái để mắt canh chừng mới có thể lọt vào tận đây, trung tâm của nguồn cơn gây ra bao phẫn nộ khắp mọi miền, vì đã xả thải làm chết hết cá miền Trung.

Đột nhiên, tôi thoáng thấy có một chiếc xe 7 chỗ, kính dán đen sì từ từ tiến gần vào. Có biến rồi chăng? Tôi lẳng lặng đứng dậy từ giữa đám công nhân đang ngồi ăn trưa, đi về phía mấy đống phế liệu, giả vờ như muốn tìm chỗ vệ sinh, rồi len qua mấy đống sắt han rỉ để nhẹ nhàng trèo lên cabin xe tải. Cậu nhân viên đi cùng tôi vừa lúc đó cũng nhận một cuộc điện thoại, nét mặt căng thẳng, rồi buông máy tiến về phía chiếc xe tải tôi đang nấp. 

Cậu ấy hé cửa thông báo một tin dữ: "Lộ rồi anh ạ... Không biết sao chúng nó báo động... Trưởng công an huyện đang gọi tra hỏi sếp em sáng nay đã cho ai vào Formosa... Bọn biên phòng đang mò vào hỏi han khắp nơi... Anh nằm im đây chờ nhé..." 

Tôi chết trân người một lúc, rồi trèo từ trước ra cái giường nhỏ sau ghế lái. Ai nhỉ? Tại sao bị lộ? Liệu đây có phải là cái bẫy để bắt mình? Mình sẽ đối phó thế nào nếu bị bắt?... Tôi nghĩ một lúc rồi nhắn tin cho mấy đồng đội đang ở ngoài Hà Nội. Dặn dò xong, tôi tắt hết các loại điện thoại để tránh bị định vị, rồi nằm im một mình trong cabin.

Mặc dù cái xe tôi đang trốn khá to, có hẳn hai cái giường tầng để nghỉ phía sau ghế lái, nhưng dưới cái nắng chói chang mùa hè của đất Hà Tĩnh thì nó không khác gì một cái lò nướng bánh mì khổng lồ. Xe thì không thể nổ máy bật điều hoà. Nên tôi cố nằm im thở thật khẽ, để tránh mồ hôi đổ ra nhiều, nhưng rồi từ từ vẫn cứ ướt sũng hết cả quần áo. Trên xe chỉ có 1/3 chai nước nhỏ, và tôi thì chưa biết lúc nào và bằng cách nào mới có thể thoát khỏi hoàn cảnh nguy khốn lúc này. Bên ngoài kia thì cách khoảng 50 m là chiếc xe 7 chỗ kính đen vẫn lầm lỳ đứng đợi. Trong đó là ai? An ninh hay biên phòng? Tôi không biết. Chỉ biết chắc chiếc xe đó như con thú dữ, sẵn sàng rình đón để ngoạm lấy con mồi. Đám công nhân rồi thì lại đứng lên đi làm việc như bình thường. Hình như họ bắt đầu đoán ra được tôi là ai, nhưng chẳng nói gì.

Tôi nằm đó rất lâu, thỉnh thoảng ghé mắt qua kính để quan sát chiếc xe 7 chỗ. Tôi lục lại trong trí nhớ của mình, cố khớp nối lại hết các sự kiện, cố phân tích trong đầu xem cái người chưa một lần gặp mặt đã tổ chức đưa tôi vào đây là ai? Lỗi tại mình hay tại người ta? Hay đây là cái bẫy tinh vi, để rồi tóm được tôi bằng một tội hình sự, hòng vô hiệu hoá một cái mồm thuộc vào loại "phiền nhiễu" nhất trên facebook này.

Nằm nghĩ hoang mang mãi trong cái cabin nóng bỏng, tôi dần lả người đi như bị kiệt sức. Chỉ có trí não là vẫn hoạt động, lắng nghe từng tiếng động nhỏ, từng bước chân bên ngoài xe. Tôi tính hết các phương án để thoát ra. Từ đây ra đến ngoài khu công nghiệp xa lắm, là mấy km chứ không đùa, lại có hai lớp kiểm tra an ninh. Tôi không thể lén đi bộ hay trèo rào ra được. Cảng Sơn Dương thì mênh mông ngay trước mặt. Cũng không thể bơi từ đây thoát ra khu làng chài bên cạnh, vì sẽ bị các chòi quan sát biên phòng phát hiện và điều ca nô tuần tra chạy ra vớt ngay.

Chỉ còn một cách thôi. Tin tưởng. Tin tưởng. Cầu nguyện các đấng ở trên cao. Tôi phải tiếp tục nằm im đợi cậu chủ doanh nghiệp kia sắp xếp mọi chuyện, không được bỏ chạy, không được nghi ngờ. Sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện có thể xảy đến đi. Tôi tự nhủ mình không làm gì sai cả, không có tội gì cả, vì tất cả cuối cùng cũng chỉ để là phanh phui những kẻ khốn nạn, đã xả độc ra khắp biển miền Trung, làm hàng triệu người dân sống nhờ vào biển ngoài kia lâm vào cảnh cùng cực khổ đau.

4h30 chiều, cậu nhân viên hé cửa cabin ló vào báo tôi chuẩn bị kế hoạch đào tẩu. Tôi sẽ nằm trên cái giường bên trên sau ghế lái, gập lên gần sát vào vách sau như giường tầng ở tàu hoả. Thoáng trông thì như không có ai nằm, nhưng còn một khe hở rất hẹp có thể nằm nghiêng trong đó. May mà người tôi cũng gầy, nên nằm lọt được không vấn đề gì.

Mặc dù chiếc xe để thoát ra không phải là chiếc đưa tôi vào buổi sáng, nhưng vẫn lo thắt ruột. Nằm trong cái khe hẹp đó, tôi chỉ nghe thấy tiếng rầm rì của động cơ. Xe cứ lúc lắc đi chầm chậm. Một chút lại dừng, một chút lại vào cua, không biết lúc nào là lúc dừng để qua trạm kiểm soát an ninh. Mất một lúc tưởng chừng như lâu lắm, xe dừng lại, tắt máy. Có tiếng lục cục rồi chiếc giường tôi đang nằm chợt bung xuống. Tôi rơi bật ra theo đà và rồi sung sướng khi nhìn thấy cậu lái xe đứng cười ở đó. Sắp thoát rồi. Không thấy cậu nhân viên kia đâu. Mãi sau này tôi mới biết cậu ấy ngồi đúng cái xe buổi sáng, chạy lòng vòng khắp nơi để hút chiếc xe 7 chỗ bám theo.

Tôi không đi theo đường cũ, mà được chỉ dẫn vòng đến một lối khác, thông thẳng vào khu để xe máy, quẹt thẻ từ đàng hoàng như cán bộ đi làm về, rồi phóng xe ra cổng chính. Tôi thản nhiên lướt qua một hàng đầy cảnh sát cơ động đứng cạnh trạm bảo vệ, mặt mũi vẫn đang còn rất căng thẳng.

Cuối cùng tôi đã thoát ra ngoài thực sự, mang những thông tin quý giá ra khỏi đó và về đến nhà bình an. Sau này, tôi cũng còn vài chuyến đi làm truyền thông rất mạo hiểm khác. Nhưng kỷ niệm về cái lần phải nằm trốn 5 tiếng đồng hồ trong "lò nướng" giữa Formosa sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi. 

Tôi biết ơn những quý nhân đã che chở, bảo vệ và gom góp giúp đỡ tôi bao nhiêu thứ trong suốt thời kỳ làm phóng sự ấy. Tôi xin tạ ơn trời đất, tạ ơn các đấng ở trên cao, đã phù hộ cho tôi gặp được những người bạn, những quý nhân tuyệt vời như vậy. 

Biết rằng cuộc đấu tranh để thay đổi đất nước này sẽ có lúc chìm lúc nổi, nhưng tôi vẫn ước những ai là con dân nước Việt, yêu chuộng tự do, khát khao công lý, rồi sẽ lại nắm lấy tay nhau, như chúng ta đã từng nắm khi xưa, để bước tới tương lai hạnh phúc.

Yêu thương tất cả!

Nguyễn Lân Thắng
Blog Nguyễn Lân Thắng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn