BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73345)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trong lớp có một sinh viên khiếm thị

28 Tháng Hai 20206:31 SA(Xem: 1794)
Trong lớp có một sinh viên khiếm thị
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Nếu phải chọn chỉ một điểm đại học ở Mỹ khác đại học Việt Nam, tôi sẽ chọn là đại học ở Mỹ có nhiều sinh viên không truyền thống và đại học Mỹ biết lo cho các sinh viên đó.

"Không truyền thống" là tôi dịch tạm "non-traditional." Nếu có ai có chữ nào hay hơn thì xin lên tiếng. Một sinh viên truyền thống là người thanh niên độc thân, có sức khoẻ và tâm thần bình thường, vừa mới tốt nghiệp trung học hoặc cùng lắm là cách 2-3 năm, đi học là chính đi làm là phụ. Một sinh viên "không truyền thống" là người không thuộc cái khuôn đó.

Đại học Mỹ từ trường lớn tới trường nhỏ, trường 4 năm tới trường 2 năm, trường Top 10 tới trường đội sổ, đều có nhiều - có thể rất nhiều - sinh viên không truyền thống. Sinh viên lớn tuổi. Sinh viên khuyết tật. Sinh viên có vợ/chồng và con. Sinh viên đi làm suốt ngày và học nhỏ giọt cả chục năm mới xong. Sinh viên có vấn đề tâm thần, tâm lý. Đủ cả.

Cá nhân tôi cũng dạy hầu hết các loại sinh viên không truyền thống. Người già, người khiếm thính, người khiếm thị, người tự kỷ, người bị động kinh, v.v. Hôm nay tôi muốn kể về một em nữ sinh viên mù trong lớp toán.

khiếm thị
Hình minh họa.


Em này mù theo nghĩa luật pháp, được định nghĩa là trong hai con mắt thì con mắt tốt hơn chỉ còn 20/200. Em còn nhìn được mờ mờ chứ không mù hoàn toàn, nhưng để đi lại nếu không có cây gậy trắng em sẽ đụng đồ đụng người tùm lum.

Khi có sinh viên khuyết tật trong lớp thì văn phòng báo cho tôi biết. Tôi gặp riêng em, hỏi có muốn lên bàn đầu ngồi cho rõ không. Em nói, ngồi đầu cũng không thấy gì, thôi thà ngồi hàng chót. Em ghép hai cái bàn làm một, trải tờ giấy lớn ra đó mà chép bài. Trong lớp dùng graphing calculator, em dí sát calculator vào mắt mới đọc được.

Bài handout của tôi, tôi đưa trước cho văn phòng, họ phóng lớn ra tờ giấy to gấp đôi, em đọc và chép trong đó. Bài thi cũng vậy, tôi đưa cho văn phòng, họ phóng to lên gấp đôi, và họ canh thi cho em trong phòng riêng. Họ cũng bảo tôi là chữ in đậm với chữ in thường, phóng to lên các em mắt mờ không phân biệt được. Họ bảo, muốn nhấn mạnh cái gì thì thay vì in đậm, nên gạch dưới.

Em chỉ yêu cầu tôi một điều là khi tôi viết cái gì lên bảng thì đọc lên cho em chép. Và đừng viết nhanh quá, đừng đọc nhanh quá em chép không kịp. Những lúc tôi chia lớp thành nhóm để làm bài, các bạn em cũng vì thế mà có thói quen diễn đạt bằng lời một cách rõ ràng hơn.

Nhờ dạy các em khuyết tật mà tôi học được nhiều điều có lợi cho các sinh viên khác. Thí dụ tới giờ tôi vẫn theo thói quen viết cái gì là đọc lên, không chỉ có lợi cho các em khiếm thị, mà các em khác nữa. Và ngược lại có lần có sinh viên khiếm thính, tôi được khuyên là nói cái gì thì viết ra luôn (tuy các em có người phiên dịch sign language), và điều đó cũng có lợi cho các em khác nhiều khi nghe tôi nói mà quên chép.

Cho nên khi dạy sinh viên khuyết tật, tuy nhà trường và thầy có mất công hơn, nhưng tôi không nghĩ đó là làm ơn gì cho các em ấy, mà trước hết là để cân bằng sân chơi cho tất cả các sinh viên, và sau đó là giúp thay đổi để có lợi cho tất cả sinh viên. Cái đó là tiến bộ chung.

Vũ Quí Hạo Nhiên
Nguồn : VOA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn