BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bố đéo biết nên bố cấm

19 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 956)
Bố đéo biết nên bố cấm
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nghiên cứu xã hội học đầu tiên về tác động của Game online đã được Viện XHH công bố trưa 19-10 trong một báo cáo khảo sát dài 22 trang. Ngồi ngay bên cạnh Tại hạ, Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội nói rằng có lẽ chỉ 15 năm nữa, khi nhìn lại vấn đề cấm GO hôm nay chúng ta sẽ thấy nó rất ấu trĩ, có khác gì ngăn sông cấm chợ thời bao cấp.

Hình như những kết quả điều tra không làm hài lòng các nhà quản lý. Chẳng hạn hầu hết người chơi GO thuộc nhóm "có khả năng nhận thức đầy đủ về các hành vi của mình". Một kết quả khá thú vị, mà chắc thầy Thiện Nhân chẳng khoái lắm là "Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số người chơi GO là những người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên". Và trong khi chỉ có 16,8% coi GO "như một loại ma túy" thì đa số cho rằng GO là phương tiện thư giãn đầu óc (70,2%); Giúp học hỏi nhiều kỹ năng (70,4%); và cũng giống như bao loại hình giải trí khác (77,8%); Thậm chí còn giúp tăng cường quan hệ xã hội (58,7%). Và vì đây là một nghiên cứu khoa học, chứ không phải những nhận định cảm tính đầy định kiến, cho nên, GO, trong mối liên hệ với "các biểu hiện lệch lạc" như trộm cắp, đánh nhau, thì chỉ có 11,3% cho rằng có liên quan. Thấp nhất trong các nguy cơ gây "biểu hiện lệch lạc" là: Phim ảnh (11,9%); các yếu tố khác (14,5%); TÍnh cách (18,8%) và Môi trường sống (31,4%). May cho Viện XHH là trong cuộc họp không có bác Thiện Nhân, cũng không có nữ nghị sĩ Phạm Phương Thảo, tác giả của phát ngôn GO=Ma túy. Chứ với kiểu tư duy cấm cho nó...lành, không khéo nay mai lại chả có lệnh cấm xem phim, thậm chí cấm Internet luôn cho ma túy nó khỏi lây sang giới trẻ!

Tại hạ chú ý đến cuộc khảo sát vì đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên có liên quan đến GO, vì đây là đề tài được thực hiện theo "đơn đặt hàng" của Ủy ban Văn-Giáo của QH, sau khi ngành công nghiệp khốn khổ này đã bị đưa đấu tố trước nghị trường, đã bị đánh đập không thương tiếc trong khoảng 2 năm vừa qua. Chủ nhiệm đề tài, TS Trịnh Hòa Bình mặc complet, thắt cà vạt trắng tinh, trịnh trọng khẳng định: GO là một sản phẩm tinh túy, là một hiện tượng xã hội. Nó hoàn toàn không có lỗi. Tại sao nói ngành công nghiệp GO là ngành khốn khổ? Là bởi sách trắng của Bộ 4T công bố năm 2008 xác định doanh thu ngành công nghiệp nội dung số lên tới 440 triệu USD với số thuế thu từ GO ước mỗi năm từ 280-300 tỷ đồng. Đổi lại, GO được coi là người bạn hư hỏng của học sinh, là đứa đưa dao vào tay kẻ ác, và đến khi, trước Quốc hội, GO bị đấu tố, bị coi là ma túy thì rõ ràng số phận của ngành công nghiệp này phải được coi là quá bất hạnh chứ không chỉ là khốn khổ.

GO không thể trộm cắp. Xem ra nguy cơ gây ra trọng tội giết người còn thua xa cái mẹt bán dao- công an hay gọi là vũ khí lạnh- mà không một cái chợ dân sinh nào không bày bán. Bởi đứa trộm cắp, thằng giết người ngoài việc "có chơi game", nó còn xem phim bắn nhau bùm bùm, nó còn được dạy cô Tấm nhân hậu nên mới băm xác Cám làm mắm gửi cho bà mẹ ghẻ xơi, nó còn nhìn thấy mông, thấy ti nẩy tưng tưng trên mạng, nó còn được đọc mô tả các vụ giết người cắt đầu, đốt xác trên báo. Thế thì tại sao lại chỉ cấm tiệt GO? Tại sao phải cắt đường truyền Internet sau 23h?

Một đồng nghiệp của Tại hạ ở báo SGGP đặt câu hỏi: Không biết trong quý vị ở đây có ai chơi game không nhỉ! Không thấy ai trả lời. Tiếc quá, hồi QH chất vấn về GO, tiếc là đã không ai đặt ra câu hỏi này.

Nghiên cứu của Viện XHH đã được thực hiện với một tốc độ chóng mặt: 30 ngày. Ít nhất 57 nhà khoa học tham gia thực hiện 1320 mẫu định lượng và hàng trăm mẫu định tính. Chỉ tiếc là nó quá muộn. Kết quả nghiên cứu không thay đổi được điều gì, và có muốn cũng không kịp- GS TS Nguyễn Minh Thuyết nói- Bởi có thể ngay trong tuần này, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới về quản lý GO. Không biết nghị định mới này sẽ căn cứ vào cái gì nhỉ? Cảm tính rằng bất cứ kẻ chơi game nào cũng dễ trở thành côn đồ hung hãn? Bất cứ đứa học sinh chơi game nào cũng trở thành cá biệt? Hay nghe, những quan chức quản lý- chưa bao giờ chơi game nói, nó như một thứ ma túy?

Thôi, dẫu sao nghiên cứu xã hội học đầu tiên về GO cũng cho chúng ta biết hai sự thật: GO không phải là con ngáo ộp, càng không phải là ma túy. Và thứ hai, quan trọng hơn, tất tật những cái gọi là biện pháp quản lý kiểu rào đường cấm chợ đã, đang, và sắp được áp dụng đối với GO đã không hề căn cứ vào một nghiên cứu xã hội học nào.

Đào Tuấn

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn