1 - Lâm Giang Tống Hạ Chiêm - Bạch Cư Dị
Bi quân lão biệt lệ triêm cân
Thất thập vô gia vạn lý thân
Sầu kiến chu hành phong hựu khởi
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân.
Bạch Cư Dị
Dịch nghĩa
Ra bờ sông tiễn bác Hạ Chiêm
Thương bác già mà còn chịu cảnh chia lìa, nước mắt chảy ướt khăn
Đã bảy mươi mà vẫn không nhà, sống trôi nổi nay đây mai đó
Buồn thấy thuyền vừa rời bến gió lại nổi lên
Giữa những con sóng bạc đầu có một người đầu bạc.
Dịch thơ :
Bản dịch của Tản Đà:
Muôn dặm thương anh, lệ biệt sầu
Bảy mươi tuổi tác, cửa nhà đâu!
Buồn trông trận gió theo thuyền nổi,
Sóng bạc đầu quanh khách bạc đầu.
Tản Đà
Bản dịch của người biên soạn:
Ra Bờ Sông Tiễn Hạ Chiêm
Bịn rịn chia tay lệ ướt bâu
Không nhà tuổi hạc bác về đâu
Ngùi trông gió đẩy thuyền chao đảo
Đầu bạc... bao quanh sóng bạc đầu...
Nguyễn Minh Thanh
Bạch Cư Dị: ( 772 - 846 ) tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, Túy ngâm tiên sinh, là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường.
Năm 800, ông thi đỗ tiến sĩ được bổ làm quan giữ chức Tả thập di. Năm 815 bị đày làm Tư mã Giang Châu. Năm 822 tới năm 824 làm Thứ sử Hàng Châu. Năm 825 tới năm 826 làm Thứ sử Tô Châu.
Sau được triệu về kinh làm Thái Tử Thiếu phó.
Năm (842) về hưu với hàm Thượng thư...
2 - Hoàng Hạc Lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng - Lý Bạch
Cố nhân tây từ Hoàng hạc lâu
Yên hoa tam nguyệt hạ Dương châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Lý Bạch
Dịch nghĩa
Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng
Bạn cũ rời lầu Hoàng Hạc để đi về phía đông
Xuôi xuống Dương Châu vào tháng ba giữa mùa hoa khói
Bóng cánh buồm lẻ loi xa tít lẫn vào không gian xanh biếc
Chỉ thấy sông Dương Tử chảy sát bên trời.
Dịch thơ:
Bản dịch của Trần Trọng San:
Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc lâu
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu
Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau
Trần Trọng San
Lầu Hoàng Hạc Tiễn Mạnh Hạo Nhiên
Hoa khói tháng ba giã biệt nhau
Bạn rời Hoàng Hạc xuống Dương Châu
Buồm côi... hun hút trời xanh biếc
Vô tận... Trường Giang trải một màu
Nguyễn Minh Thanh
Lý Bạch (701-762): tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Quê ông ở Cam Túc (huyện Thiên Thuỷ - tức Lũng Tây ngày xưa). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có.
Lý Bạch là một trong những nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng nhất thời Thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung.
3 - Hoài Thủy Biệt Hữu - Trịnh Cốc
Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần.
Dịch nghĩa:
Tiễn Bạn Trên Bến Sông Hoài
Dương liễu nở mùa xuân nơi đầu sông Dương Tử
Hoa dương liễu khiến người sang sông buồn muốn chết
Vài tiếng tiêu vọng đến bến đợi buổi chiều tà
Anh hướng đến Tiêu Tương còn tôi hướng đến đất Tần
Dịch Thơ:
Sông Dương dương liễu đua tươi,
Hoa dương buồn chết dạ người sang sông,
Đình hôm tiếng sáo não nùng
Anh đi bến Sở, tôi trông đường Tần.
Ngô Tất Tố
Sông Hoài Chia Tay
Dương Tử đầu sông dương liễu xuân
Dương hoa nát dạ khách sang sông
Ly đình sáo muộn buồn da diết
Bạn đến Tiêu Tương, tôi hướng Tần
Nguyễn Minh Thanh
Sông Hoài Chia Tay
Đầu sông Dương Tử liễu tươi
Liễu hoa sầu chết lòng người sang sông
Gió đưa sáo muộn não nùng
Tiêu Tương bạn hướng tôi trông đường Tần
Nguyễn Minh Thanh
Trịnh Cốc (849-911) tên chữ là Thủ Ngu, người Viên Châu, Giang Tây (nay thuộc Nghi Xuân), thi nhân thời Vãn Đường.
Nguyễn Minh Thanh
* Đình: Nhà trạm. Năm dặm đường đặt một Nhà Trạm: Đoản Đình. Mười dặm đường: Trường đình.
Ly đình: nhà chia tay
Gửi ý kiến của bạn