BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62231)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Con đường trắc trở tới hòa bình

10 Tháng Giêng 20187:25 SA(Xem: 1139)
Con đường trắc trở tới hòa bình
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Tháng 9, tháng 10-1972, cuộc hòa đàm Paris đã được khai thông, Hà Nội chịu nhượng bộ các điều khoản chính và có nhiều triển vọng Hiệp định sẽ được sớm ký kết vào cuối tháng 10.

Kissinger phấn khởi tin tưởng sẽ mang lại hòa bình trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 7-11-1972, ông ta sẽ làm cho Nixon đắc cử rồi tha hồ khoe công trạng. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế, một trở ngại không ngờ vào hạ tuần tháng 10 tại Sài Gòn đã làm cho ông tiêu tan mọi hy vọng. Phía VNCH chống đối quyết liệt bản Dự thảo Hiệp định mà Kissinger và Hà Nội đã thỏa thuận với nhau từ giữa tháng 10. Ông đã thuật lại chuyến đi Sài Gòn từ 18 tới 23 tháng 10-1972 trong 34 trang giấy, cuốn White House Years, (1). Các nhà sử gia Walter Isaacson, Larry Berman, Marvin Kalb, Bernard Kalb cũng đã viết về sự trở ngại từ phía miền nam VN (2) nhưng có khác với lời kể của Kissinger về chi tiết. Tổng thống Nixon cũng đề cập tới chuyện này trong hồi ký của ông (3)

kissinger
Dưới đây tôi xin lược dịch lời thuật của tác giả trong White House Years như đã nói trên

Kissinger ở Paris về Mỹ ngày 12-10-1972 báo cáo với TT Nixon đã hoàn thành gần hết ba mục tiêu năm 1972: viếng Nga, Trung Cộng và báo cáo những điều khoản Hiệp định có nhiều thuận lợi cho Mỹ. Nixon chú ý nhất về sự phản đối (sẽ có) của Thiệu, Kissinger lạc quan cho là lần này nhiều thành quả hơn những năm trước, Nixon cho gọi rượu, thịt để ăn mừng.

Như đã ghi trong thời khóa biểu, Kissinger nói sẽ trở lại Paris 17-10 họp với Xuân Thủy về tù dân sự ở miền Nam và việc thay thế vũ khí cho VNCH, ngưng bắn tại Miên, Lào. Sau đó ông ta sẽ từ Paris bay tới Sài Gòn ngày 18-10 ở lại 4 ngày, rồi sẽ đi Hà Nội, về lại Mỹ ngày 24, tuyên bố bản Hiệp định ngày 26 và sẽ ký kết ngày 31-10. Kissinger hy vọng mọi chuyện tốt đẹp, chiến lược của ông ta là làm cho CS Hà Nội sốt ruột vì họ muốn ký sớm (trước bầu cử TT Mỹ). Nixon đồng ý với Kissinger, Winston Lord (phụ tá của Kissinger) ở Paris cho Xuân Thủy biết TT Nixon đồng ý bản Dự thảo có 4 diểm thay đổi của BV (tức nhượng bộ), không có những cái này phía Mỹ sẽ không chấp nhận. Những thay đổi gồm cả cấm xâm nhập, viện trợ cho VNCH, Hội đồng hòa giải không có thực quyền.

TT Nixon không can thiệp vào đàm phán, theo ông Hiệp định sống còn do sức mạnh cưỡng bức thi hành (enforce the agreement) chứ không phải do mánh lới các điều khoản. Điều cần quan tâm của ông là sự tan vỡ giữa Mỹ và VNCH mà ông tránh bằng mọi giá, nếu TT Thiệu cản trở Hiệp định sẽ phải ký kết vào sau ngày bầu cử TT (7-11-1972). Kissinger mơ tưởng Thiệu sẽ thuận ký vì nó tốt hơn những khoản mà ông đã đưa cho Thiệu trong hai năm qua với sự đồng ý của Thiệu. Nixon quả quyết Hiệp định sẽ khộng giúp gì cho cuộc bầu cử hoặc chỉ chút xíu thôi, ngược lại bầu cử còn làm cho đàm phán nhanh hơn.

Rogers, Bộ trưởng ngoại giao hoan hô bản Dự thảo Hiệp định này, cho là thắng lợi của Mỹ, ông cử Thứ trưởng Sullivan giúp Kissinger về các thủ tục ngoại giao ký kết Hiệp định, Sullivan cựu Đại sứ Lào sẽ phụ tá cho Kissinger trong tháng 10 và sẽ đi theo ông ta. Ngày 13-10 Kissinger nhận được điện tín của Đại Sứ Bunker từ Sài Gòn gửi sang cho biết bản Dự thảo (Hiệp định) sẽ như con tầu vào vùng biển bão tố Sài Gòn, Thiệu sẽ đương đầu với chúng ta (try to stare us down). Ông ta cho là nếu chiến tranh tiếp diễn một hai năm nữa sẽ ký được một Hiệp định tốt hơn nhưng Mỹ không thể chống đỡ một cuộc chiến không mục đích. Kissinger nói Bunker hãy tóm tắt nội dung dưới đây rồi đưa cho ông Thiệu

“Ông Thiệu phải hiểu là Mỹ có thể ký Hiệp định từ lâu với điều khoản phải loại bỏ Thiệu, vậy ông ta cần củng cố tương lai của ông, cần linh động không thể chống đối Mỹ được, đổi lại những nhượng bộ của BV, Thiệu cần tỏ ra linh động về ngưng bắn tại chỗ”

Bunker tóm tắt lời của Kissinger (như trên) rồi giao cho ông Thiệu hôm 14-10 nhưng không thấy trả lời. Ngày 14, 15 Kissinger nòi với Đại sứ Nga Dobrynin để yêu cầu Nga giới hạn viện trợ cho BV sau khi ký Hiệp định nhưng họ vẫn vi phạm.

Ngày 16-10 Kissinger đi Paris, Nixon gửi điện tín cho ông ta.

“Cứ làm theo lẽ phải, không phải để ý tới cuộc bầu cử, không để lỡ cơ hội chấm dứt chiến tranh trong danh dự sẩy mất. Bằng mọi giá phải tránh Liên hiệp (Coalition goverment). Tóm lại làm theo lẽ phải, bảo đảm hòa bình danh dự nhưng không để vấn đề bầu cử (TT Mỹ) ảnh hưởng tới”

Khoảng thời gian trống tại Paris

Kissinger họp với Xuân Thủy, ông ta không có nhiều quyền như Lê Đức Thọ. Phía Mỹ bổ túc Hội đồng hòa giải có thể giám sát cuộc bầu cử Tổng thống (miền nam VN) nhưng không có quyền ra lệnh, một cuộc tuyển cử phải được VNCH thỏa thuận. Vấn đề thay thế vũ khí trên cơ bản một đổi một những cái bị hư hỏng được Xuân Thủy đồng ý.

Xuân Thủy đề cập tới tù Việt Cộng, Kissinger từ chối nói chuyện này để các phe VN bàn với nhau, ông ta cũng nói không thể tiến hành Hiệp định nêu không có sự đồng thuận của Sài Gòn. Ông sẽ đi Sài Gòn rồi sẽ phải qua Paris , sẽ phải gặp LĐ Thọ tại Vạn Tượng (thí dụ vậy). Kissinger đã hỏi ý kiến (hôm 16, tại Mỹ) Bộ trưởng QP Laird, Tướng Abrams, họ ủng hộ mạnh mẽ bản Dự thảo, Rogers (Bộ trưởng NG) và Tướng Alex Johnson cho là đầu hàng BV.

Nixon khuyên Kissinger đi gặp Thiệu như đi đánh ván bài, ráng giữ là bài ăn tới phút cuối. Kissinger sẽ đòi Hà Nội nhiều hơn, ông sẽ không theo lời khuyên của Nixon. Khi ở trên máy bay ông điện tín cho Hà Nội (ngày 18) dưới tên Nixon nói là không thể đi Hà Nội trong khi cần họp với Thọ tại Vạn Tượng hay Paris .
Ông ta đồng ý với Thọ về giảm oanh tạc BV khi đàm phán sau cùng và sẽ ngưng oanh tạc 24 giờ trước khi Kissinger tới Hà Nội

Mỹ kiểm kê kho vũ khí tại Sài Gòn để thay thế, vũ khí được mang tới lấy mật danh “Enhance Plus”. Mọi người lạc quan trừ Negroponte (phụ tá Kissinger), họ cho là ông Thiệu sẽ rất thích Dự thảo ngưng bắn tại chỗ, nó sẽ khiến VNCH có 90% dân số. Cấm, xâm nhập, bóng ma Liên hiệp bị dẹp bỏ, sẽ có Quốc tế kiểm soát, cán bộ VC sẽ nằm yên trong tù, viện trợ quân sự của Mỹ cho miền Nam vẫn tiếp tục

Tham khảo với ông Thiệu

Bunker làm Đại sứ (tại VN) đã năm năm dưới hai thời Tổng thống Johnson, Nixon, ông ta ủng hộ chính phủ. Thiệu bắt Bunker chờ đợi, chầu chực, hoãn gặp… nhưng ông ta không than thở.

Kissinger gặp Bunker, Abrams tại tòa Đại sứ Mỹ. Kissinger và ông Đại sứ đã nói với TT Nixon nếu rút quân thêm sẽ đưa tới tình trạng tồi tệ. Cộng quân ra sức chiếm đất quanh Sài Gòn trước khi ngưng bắn. Charles White House (Phụ tá của Bunker) cho rằng Thiệu sẽ không chấp nhận bản Dự Thảo trước cuộc bầu cử TT 7-11, ông ta muốn trì hoãn, White House nói đúng.

Kissinger hỏi ý kiến Phil Habib, Đại sứ Mỹ tại Đại Hàn mà ông gọi đi theo tới Sài Gòn, Habib đã tham gia vấn đề VN cả chục năm, ông này chủ trương rút bỏ VN trong danh dự, không đầu hàng CS. Ngày 19-10 Kissinger tới dinh Độc Lập phải đợi 15 phút sau đó phụ tá Hoàng Đức Nhã mời vào. Ông Thiệu không chào, thản nhiên nhận thư Nixon, bức thư nói đại lược:

“TS Kissinger sẽ tường trình cho ông chi tiết bản Dự thảo Hiệp định, tôi không nói thêm, tôi nghĩ chúng ta không có lựa chọn nào ngoài bản Dự thảo này. Nó cho thấy phía bên kia (BV) đã nhượng bộ nhiều, nó sẽ cho ông và dân chúng miền Nam có thể tự vệ và quyết định số phận VNCH về chính trị.

Xin cam đoan với ông chúng tôi sẽ duyệt lại mọi điều chúng ta nghi ngại có thể gây ra hậu quả không tốt

Cuối cùng TT Nixon kết luận

TS Kissinger, Tướng Haig và tôi đã thảo luận về đề nghị này rất lâu, cam đoan nó là thành quả mà chúng tôi đã phấn đấu hết sức để đạt mục đích: VNCH phải tồn tại như một quốc gia tự do”

Ông Thiệu đọc xong không nói gì rồi mời mọi người vào phòng bên nơi HĐ an ninh QG đang ngồi họp. Phía Mỹ có Kissinger, Bunker, White House, Abrams, Sullivan, Lord và thông dịch viên (Anh -Việt) David Engel, Thiệu khai mạc nói ông Hoàng Đức Nhã là thông ngôn.

Kissinger cho rằng mọi người VN ở đây đều hiểu tiếng Anh như vậy ông ta gây khó dễ cho phía Mỹ
Kissinger bắt đầu nói: sự cố gắng giải quyết vấn đề VN của chúng tôi chỉ do một số nhỏ người (ý nói Hành pháp) trước khối đông dân chúng đang áp lực đòi rút bỏ để đổi lấy tù binh (Mỹ). Ta sẽ không thể kiềm chế được những áp lực này nếu chúng ta bỏ lỡ những cơ hội đàm phán thuận lợi nhất là do một phía (ý nói ông Thiệu) đưa ra.

Kissinger cho đó là sự khác biệt giữa Mỹ và sự áp đặt từ ông Thiệu, ông ta muốn chứng tỏ cho người VN biết ông ta cứng rắn, chúng tôi thì chứng tỏ chủ trương linh động. Kissinger cho biết vấn đề đáng quan tâm là những tháng sau bầu cử TT Mỹ, sau cuộc tấn công 1972, chi phí quân sự Mỹ đã tăng 4.1 tỷ sẽ phải trình Quốc hội trước tháng 1-1973

Kissinger duyệt lại bản Dự thảo cho thấy ngưng bắn đã thỏa mãn những dề nghị của ta.

“Chúng ta đã chiến đấu hơn tám năm, đã hy sinh nhiều, nay nếu chúng ta cùng tìm hòa bình sẽ hàn gắn những chịu đựng của ta.

Vì thế mà TT Nixon cử tôi đến để nói với các ông và tôi tới đây như một người bạn để làm việc với các ông cùng giải quyết vấn đề, cùng hợp tác trong tình bằng hữu”

Thiệu cũng chống lại diễn thuyết của người ngoại quốc y như Lê Đức Thọ, ông ta đặt nhiều câu hỏi rất khôn ngoan nhưng không câu nào đi vào trọng tâm Hiệp định, nếu trả lời thỏa đáng ông sẽ chấp nhận Hiệp định. Thiệu hỏi có phải Hiệp định để giúp cho cuộc bầu cử không? Kissinger trả lời bằng cách đọc thư TT Nixon gửi ông khi lên máy bay rời Washington .

Phía Mỹ đồng ý họp tiếp với HĐ an ninh QG hôm sau, buổi trưa có phiên họp với Thiệu, Abrams, Cao Văn Viên về viện trợ Enhance Plus, ông ta phấn khởi bàn về viện trợ có vẻ như muốn tiến tới ký kết. Kissinger điện tín báo cáo TT Nixon.

“Chưa biết Thiệu sẽ chống đối ra sao, ông ta chưa tỏ thái độ. Tôi đã nói cho ông ta biết Hiệp định này thật tuyệt để bù lại những hy sinh và bảo vệ VNCH và Thiệu. Đây là một Hiệp định tốt đẹp mà mọi người không thể ngờ được nhờ chính sách quân sự ngoại giao của ta”

Buổi họp chiều 19-10, Abrams mô tả với Thiệu những vũ khí Mỹ sẽ để lại cho VNCH qua chiến dịch Enhance Plus sau ngưng bắn gồm 150 máy bay được giao lại sau 2 tuần. Ông ta lại hỏi và Kissinger cho là ông ta muốn ký kết và sẽ không phản đối Kissinger đi Hà Nội. Trước phiên họp hôm sau Hà Nội gửi thông điệp cho Kissinger (đang ở Saigon ), chỉ có 800 dặm thôi (Hà Nội-Sài Gòn) nhưng lại phải đi 20,000 dặm. Hà Nội gửi đi Paris cho Đại tá Guay, ông này gửi cho Haig ở Washington , Haig chuyển tới Sài Gòn cho Kissinger, khi Kissinger liên lạc với Hà Nội lại phải đi từ Sài Gòn qua Mỹ, từ Mỹ qua Pháp, Pháp qua Hà Nội. Bức thư của Hà Nội nói họ không muốn họp ở Vạn Tượng hay Paris, ngưng bắn sẽ thả hết tù trừ tù VC ở VNCH, việc thay thế vũ khí, quân dụng, tăng quân số, quân viện của Mỹ (cho VNCH) vô giới hạn.

CSBV chiếm đất giành khiến Mỹ khó thuyết phục VNCH chấp nhận, nay Sài Gòn nắm then chốt trong quyết định vấn đề sớm chấm dứt chiến tranh, Sài Gòn không vội vã.

Kissinger cho rằng nếu ngưng bắn chậm trễ sẽ trở ngại đàm phán sau đó hơn. Nếu CSBV đưa ra phổ biến rộng rãi vấn đề (tức bản Dự thảo) thì chúng tôi sẽ bị dư luận ép phải ký kết Hiệp định do VNCH phản đối, chúng tôi phải vội. Ta sẽ phải ký Hiệp định như theo sự bó buộc của của BV, Quốc hội, người dân.

Kissinger gửi điện tín cho Hà Nội đề cập tù binh Mỹ ở Lào, Miên, chấm dứt chiến tranh Lào, trong tương lai Miên, Lào sẽ ngưng bắn một tháng sau VN, BV nói họ không có ảnh hưởng tới Miên. Ông ta đòi Lê Đức Thọ xác nhận bằng văn thư: chấm dứt tấn công, rút về Bắc, chấm dứt xâm nhập. Chính phủ Sài Gòn khiến Mỹ chậm giải quyết, Mỹ rút hết quân là một cơn ác mộng cho VNCH, cuộc họp với Thiệu và HĐANQG dự trù 9 giờ sáng (20-10) tới 2 giờ chiều, kéo dài 3 giời rưỡi.

Thiệu khai mạc, ông ta tỏ vẻ không thân thiện, nghi ngờ ý định của Hà Nội, HĐ Nhã đề cập chuyện BV còn ở lại, vấn đề thay thế vũ khí, tổ chức, nhiệm vụ của HĐ Hòa giải dân tộc (National council of National Reconciliation) và Mỹ đối với những vi phạm của địch. Kissinger trả lời chi tiết, ông ta nói cấm xâm nhập sẽ làm địch hao mòn lực lượng, thay thế vũ khí thực ra là viện trợ vô giới hạn của Mỹ bằng chương trình Enhance Plus. Kissinger nhắc lại lời Nixon nếu BV tấn công ồ ạt Mỹ sẽ cưỡng bức địch thi hành Hiệp định, Tổng thống đã được Quốc hội cho phép (nói dối). Thực ra chúng tôi không nghĩ vậy, Mỹ đã chiến đấu nhiều năm, đã mất 45,000 người hy sinh, thế mà Hiệp định do họ hy sinh mà có, mà bị vi phạm chẳng lẽ Mỹ lại đứng ngoài.

Kissinger nghĩ chua chát cuộc đàm phán rồi cũng trở thành tồi tàn đểu giả, không có trường hợp nào được giữ đúng, trong trường hợp VN, Hiệp định có thể là một mưu mẹo để đầu hàng. Chúng ta có thể làm như thế sớm hơn (ý nói đầu hàng từ 1969) mà ít đau khổ hơn. Danh dự, cao đẹp, uy tín, quốc tế công pháp… tổng hợp lại rất mâu thuẫn ở chỗ chúng ta hứa canh chừng Hiệp định và cưỡng bức (địch) thi hành Hiệp định. Một Hiệp định long trọng chấm dứt chiến tranh được một Hội nghị quốc tế thông qua, phê chuẩn có nghĩa lý gì? Đối với chúng ta Hiệp định ít mâu thuẫn hơn, chúng ta nghĩ với tinh thần cao đẹp và lập trường chính trị để có thể giúp VNCH gìn giữ tự do dưới danh nghĩa chương trình hòa bình mà dân tộc Mỹ có thể hãnh diện trong một văn kiện chấm dứt cuộc chiến vô tận đã sâu xé nội bộ chúng ta.

Chẳng bao lâu sau khi ký kết, Watergate đã vô hiệu hóa quyền lực của Nixon và cái đập ngăn cản Quốc hội phản chiến vỡ tung, nó đưa tới cơ hội cho những người chủ trương chống đối (cuộc chiến) cả một thập niên thêm cơ hội thắng lợi và họ đã thành công trên sự sụp đổ của nền độc lập VNCH.

Những tiếng lình xình đầu tiên

Không ai trong phái đoàn Mỹ tại dinh Độc Lập tháng 10 có thể ngờ hậu quả của nó, chúng tôi tin là đã giữ được nguyên tắc của Mỹ và Tự do cho VNCH. Chúng tôi tức giận vì nghi ngờ ý kiến trong nước Mỹ mà vì ông Thiệu hình như không nắm được cơ hội. Ngay cả Tướng Abrams vốn thầm lặng hôm 20-10 cũng khuyên ông Thiệu chấp nhận bản Dự thảo.

“Tôi tin tưởng Hiệp định có thể bảo đảm cho chính phủ và đất nước (VNCH). Tôi đồng ý với TS Kissinger không có Hiệp định nào bảo đảm đất nước này mà chỉ có lanh lợi, quả quyết là cứu được. Hôm thứ hai vừa qua khi TT Nixon có hỏi tôi cùng Bộ trưởng QP Laird (tại Mỹ) nghĩ gì về Hiệp định, tôi nói giờ là lúc chúng ta bước sang một bước kế tiếp, rất khó cho bước đầu rút quân và và mỗi lần sau đó nhưng với tự tin, khả năng, khôn ngoan có thể làm được. Từ bao nhiêu năm qua người miền Nam đã tự chiến đấu bảo vệ đất nước họ. Tôi rất kính trọng ngưỡng mộ quân dân VNCH nhưng tôi luôn tin nay đã đến phiên các ông và với sự tự hào của các ông khi an ninh và chính trị là của các ông với không lực chúng tôi trên trời và tiếp tế vũ khí tiếp liệu cho các ông đang ghé bến nước ông”

Thiệu hết lo âu, Tướng Abrams nói ông Thiệu đừng đánh giá cao CS Hà Nội, họ nhiều sai lầm lớn, họ đã sai nhiều lần. Nếu họ rút hai sư đoàn ở Khe Sanh về đánh Huế (năm 1972) thì ta đã mất cố đô. Hà Nội ngu muội nên phân tán lực lượng năm 1972. Không may ông Thiệu bắt bẻ Tướng Abrams nói: thưa ông như thế CSVN thua vì không rút hai sư đoàn ở Khe Sanh về chứ không phải Tướng lãnh của chúng tôi có tài thao lược. Sự thực không phải chúng tôi nhờ may mà Tướng lãnh miền Nam chúng tôi có thực tài. Nhận định BV vụng về không làm ông Thiệu tin tưởng (trang 1374).

Kissinger nghĩ sau tám năm Mỹ tham gia VNCH chưa thể đối đầu với BV nếu ta không can thiệp vào (yểm trợ), ác mộng của họ ở chỗ sợ phải chiến đấu một mình. Đối với giới lãnh đạo Sài Gòn, Hiệp định ngưng bắn tức là khi Mỹ rút hết, họ không tin BV sẽ từ bỏ tham vọng thống trị Đông Dương, họ phải tự lo và hoảng sợ (trang 1375). Họ nghĩ không sai, quân Mỹ đóng ở Đại Hàn cần thiết cho cân bằng quân sự và tâm lý trên bán đảo Triều Tiên.

Thực ra do Mỹ chia rẽ nội bộ, những điều khoản mà chúng tôi đòi được là tốt nhất vì nó cho miền Nam cơ hội tồn tại, vì thế cuộc thảo luận ở dinh Độc Lập hầu hết lạc đề. Họ đề nghị sửa đổi một lô điều khoản khiến phía Mỹ tưởng như họ tiến về việc ký Hiệp định. Họp xong ông Thiệu xác nhận sáng mai bận phải hỏi ý kiến Quốc hội và các chính khách để chuẩn bị cho hôm sau 21-10 lúc 2 giờ chiều với nhóm chuyên gia do ông Trần Văn Lắm đứng đầu để phối hợp với Mỹ làm đề nghị sửa đổi.

“Sau 3 giờ rưỡi thảo luận với ông Thiệu, TS Kissinger báo cáo Tòa Bạch Ốc: Buổi họp không vui vẻ lắm, có lẽ họ cho là Hiệp định sẽ có lợi cho Mỹ. Họ chú trọng BV còn đóng quân ở miền Nam, địch vi phạm Hiệp định, họ tự hào Tướng của họ giỏi, họ không tự tin và sợ CS gian giảo, họ muốn suy tính thêm. Tôi nghĩ họ từ từ sẽ chấp thuận, vì tự trọng họ phải hợp tác”

Sau khi báo cáo ngày 19-10 từ hôm trước, Nixon điện cho Kissinger.

“Sau khi nghiên cứu tôi thấy bản Dự thảo này tốt nhất cho VNCH, vậy nên khuyên ông Thiệu bằng những lời chắc chắn rằng sau 4 năm lãnh đạo không có khuôn mặt chính trị nào cứng rắn với CS bằng TT Nixon, không có khuôn mặt chính khách nào ủng hộ Thiệu bằng Nixon. Cố thuyết phục ông ta tin vào sự ủng hộ của Mỹ trong những ngày sắp tới”

Nhưng hôm sau (20-10) Nixon tham khảo Tướng cựu Tư lệnh Westmoreland (TMT sắp hồi hưu), ông này chống ngưng bắn tại chỗ. Nixon không nói gì với Kissinger về cuộc gặp gỡ Westmoreland… ông gửi bốn điện tín khuyên Kissinger đừng quân tâm tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (7-11) và củng cố tình thân hữu với Thiệu.

“Khi ông bàn tiếp với Thiệu, tôi xin nhấn mạnh là không có gì có thể ảnh hưởng bầu cử TT được, tôi kết luận nếu ký Hiệp định trước bầu cử sẽ là một thất bại lớn có nguy cơ làm hỏng ổn định tình hình tại Mỹ, nếu ký Hiệp định bây giờ sẽ yếu kém hơn là ký sau bầu cử. Vấn đề cơ bản là nếu Thiệu chấp thuận vui vẻ thoải mái thì được nhưng không thể ép ông ta, nó không ngăn cản được CS chiếm miền nam VN.

Như đã nói hôm qua ta cần Thiệu vui vẻ ký, không thể bắt ép được. Tôi sợ mối nguy Hà Nội sẽ công bố tất cả, tôi tin là ta có thể ký kết sau bầu cử hơn là đổ vỡ với Thiệu hoặc ký một Hiệp định mà sẽ bị chỉ trích là lấy cớ để rút quân”

Kissinger cho là trong các cố vấn, phụ tá Tổng thống, ông ta ít can thiệp vào cuộc tranh cử, ông ta sống xa Mỹ từ tháng 9, không bao giờ tham dự vấn đề chiến lược tranh cử, không tham dự gây quĩ.

Chiến lược của Kissinger là lợi dụng lúc BV muốn ký trước bầu cử để lấy được nhiều nhượng bộ hơn (vì họ muốn ký trước), ông ta chưa bao giờ lý luận trái với nó rằng ký sớm sẽ có lợi cho bầu cử. Nixon cũng đã chua chát chỉ trích Kissinger làm ngược ý của Tổng thống rằng Kissinger yểm trợ bầu cử, vì bầu cử”

Nói thẳng với Thiệu

Buổi sáng 21-10, Kissinger gặp nhóm chuyên viên VN do ông Trần Văn Lắm đứng đầu để xin sửa bản Dự Thảo, có 23 khoản, VNCH muốn bỏ cái gọi là Hội đồng hòa giải dân tộc, Kissinger hứa sẽ làm theo.

Kissinger về ăn trưa với Bunker, họ lạc quan sửa chữa trước, lúc 2 giờ trưa, họ đợi phía Dinh Độc Lập gọi sang bàn thảo nhưng không có ai gọi. Một giờ sau HĐ Nhã gọi Bunker cứ chờ, cuộc họp dời lại tới 5 giờ chiều, phía Mỹ hỏi khi nào ông Thiệu sắn sàng thì họ (VN) không xin lỗi vì trễ, cũng không giải thích. Nhã chỉ gửi tin nhắn rồi cúp máy. Lúc 4 giờ rưỡi chiều, đoàn xe chở ông Thiệu đi ngang tòa Đại sứ bấm còi inh ỏi, đến 5 giờ chiều họ không gọi, không nói gì. Bunker gọi cho Thiệu được biết ông ta đang họp Nội các, muốn nói với HĐ Nhã thì họ nói ông ấy đã ra khỏi dinh. Một giờ sau ông Thiệu gọi cho Bunker nói sẽ họp với phái đoàn Mỹ sau khi họp Nội các. Bốn mươi lăm phút sau Nhã gọi điện thoại nói Thiệu sẽ tiếp Bunker, Kissinger 8 giờ sáng mai, Bunker nói đã trễ hẹn 24 giờ, Nhã cúp máy.

Kissinger về dinh Bunker, hai người đoán tình hình khó hiểu cho là VNCH cần suy tính trước một vấn đề lớn, Kissinger hứa sẽ sửa rồi đưa Hà Nội coi nhưng không hứa kết quả sẽ ra sao. Miền Nam khó chịu vì khoản BV còn ở lại, cho dù họ quan tâm chuyện gì nhưng không đồng minh nào được đối xử với đặc phái viên TT (Mỹ) như thế, họ đối với Bunker rất quá đáng, Kissinger có cảm tưởng họ thù ghét người ngoại quốc. Thiệu quan trọng vì Mỹ không thể tiến hành không có ông ta, họ muốn làm nhục Hà Nội, họ dùng tinh thần Quốc gia để thương thuyết mạnh hơn.

Lúc 9 giờ tối (21) Thiệu gọi cho Bunker than phiền Tướng Haig tới Sài Gòn ba tuần trước để âm mưu đảo chính ông ta, các thành viên phái đoàn Mỹ bây giờ cũng âm mưu như vậy, Thiệu yêu cầu phái đoàn Mỹ chấm dứt trò này. Kissinger nói từ bao lâu nay chúng tôi ủng hộ Thiệu nên nhịn cho qua, họ có thái độ hằn học với Mỹ, Kissinger báo cáo Tòa Bạch ốc.

“Chúng ta phải rất cẩn thận, nếu Hà Nội đánh điện tín và nếu tôi từ chối đi Hà Nội sẽ bị khó khăn, họ sẽ cho phổ biến bản Dự thảo mà ta đã thỏa thuận”

Chiều 21, Hà Nội lại chấp thuận các khoản yêu cầu của Mỹ, họ cho biết không có tù binh Mỹ ở Miên, nhưng có ở Lào, và sẽ thả cùng với tù binh Mỹ bị bắt ở miền Bắc và Nam VN. Họ đồng ý sẽ họp. Chiến lược của ông ta thành công (Kissinger tự khen) trừ với đồng minh tại Sài Gòn (thì thất bại)

Ký giả Arnaud Borchgrave được thăm Hà Nội và được Thủ tướng BV Phạm Văn Đồng mời vào cho phỏng vấn, nội dung được phổ biến ngày 23-10 khi Kissinger còn ở Sài Gòn. BV biết Kissinger đang thảo luận với VNCH, PVĐ nói về bản Dự thảo và đã nói sai đi như sẽ có ba thành phần, tù nhân hai phía sẽ được thả, Mỹ phải tái thiết BV… BV sẽ tổ chức ăn mừng thắng lợi, mục đích của PVĐ là tạo nghi ngờ cho VNCH.

Nixon gửi điện cho Kissinger nói sẽ ký Hiệp định sau bầu cử TT Mỹ và để hai miền Nam , Bắc VN im lặng cho tới lúc đó. TT Nixon tự tay soạn thư gửi TT Thiệu nói bản Dự thảo chấp nhận được và ông đã chịu nhiều đau khổ để ủng hộ Thiệu

“Quyết định của ông rất quan trọng để tôi có thể ủng hộ ông và VNCH”

Cuộc họp với ông Thiệu 8 giờ sáng hôm sau 22-10 Thiệu, Nhã phía VN, Kissinger, Bunker phía Mỹ, Thiệu phản đối bản Dự thảo, ông ta chú trọng vào việc BV còn đóng quân ở lại miền Nam và Hội đồng hòa giải (Liên hiệp). Ông ta nói Mỹ chỉ muốn rút ra để chấm dứt chiến tranh, với ông là sự sinh tồn của đất nước VNCH. Ông không những phải coi lại các điều khoản mà còn phải coi ý kiến của người dân miền Nam, sẽ phải hỏi Quốc hội, nghe các cố vấn góp ý về các khoản cần sửa. Ông muốn gặp Kissinger và Bunker chiếu nay 5 giờ để trả lời dứt khoát.

Kissinger và Bunker ra về hy vọng sẽ khai thông, ông ta nói Bunker đánh điện tín về Mỹ vì ông phải ra phi trường đi Nam Vang.

Bunker đánh điện nói: chúng tôi ra về hy vọng sẽ thông qua, CSVN muốn chiếm đất dành dân cho nhiều nhưng thất bại, họ yếu hơn bị tử thương nhiều, nay chiến tranh gần chấm dứt, địch sẽ rút khỏi Miên, Lào. Hà Nội nói sẽ cố gắng thuyết phục Lào trả tù binh Mỹ, họ hứa sẽ rút khỏi Miên, Lào và sẽ không dùng Miên, Lào để tấn công VNCH. Lê Đức Thọ nói họ không ảnh hưởng tới Khmer đỏ.
Tại Miên, Lon Lol tin tưởng Mỹ, Quốc hội ra luật cấm dùng không quân giúp Miên, Lào nhưng họ xứng đáng được trợ giúp.

Bunker, Kissinger gặp Thiệu, Nhã lúc 5 giờ chiều như dự định, buổi họp dài khoảng hai giờ. Sau khi nói chuyện xong, Kissinger điện tín báo hung tin cho Tướng Haig ở Mỹ: “Thiệu bác hết toàn bộ chương trình hay tất cả sửa đổi của nó và từ chối thảo luận bất cứ thương lượng nào trên căn bản ấy”

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ, Thiệu nói tiếng Anh giỏi nhưng không nói (nhờ HĐ Nhã thông dịch), khi nói ông ta nhiều lần bật khóc, chắc vì tức giận chứ không phải đau khổ, Nhã phiên dịch và cũng khóc theo.
Kissinger bắt đầu họp nói về thành công tại Nam Vang, Bangkok, Vạn Tượng. Thiệu bác bỏ nói chẳng có gì lạ, ông nói Mỹ thông đồng với Nga, Tầu để bán VNCH, ông nói Mỹ đã yêu cầu ông từ chức trước bầu cử Tổng thống một tháng.

“Ông ta nói Mỹ đã thương lượng để ông từ chức, nếu không là quân nhân ông đã từ chức. Những người mà tôi coi như bạn đã phản lại tôi, càng bị xúc phạm tôi càng phải chiến đấu, tôi chưa nói với ai về chuyện Mỹ yêu cầu tôi từ chức vì họ sẽ nhục, mà tôi vờ như tự nguyện”

Kissinger đáp:

“Tôi cảm phục sự can đảm, anh dũng trong phát biểu của ông, tôi là người Mỹ rất uất hận khi nghe ông nói chúng tôi thông đồng Nga, Tầu. Sao ông có thể nghĩ thế khi Tổng thống (Mỹ) ngày 8-5 đã không ngại mất tương lai chính trị để giúp ông? Khi chúng tôi đã nói với Nga, Tầu để họ áp lực với Hà Nội, tôi tin Hiệp định sẽ bảo vệ tự do cho VNCH. Nguyên tắc của chúng tôi vẫn y như thế, ông chỉ có một vấn đề trong khi TT Nixon có nhiều vấn đề, ông nói chúng tôi triệt hạ ông thì người Mỹ không ai tin, TT Nixon không tin nổi.

Chúng tôi không công nhận sự hiện diện của BV tại miền Nam, nếu chúng tôi muốn bán các ông thì đã có nhiều cách khác dễ hơn nhiều.

Chúng tôi (Hành pháp Nixon) đã chiến đấu bốn năm, đã dồn chính sách ngoại giao để bảo vệ một nước (miền Nam) mà thôi, ông nói thật cay đắng khó nghe, dĩ nhiên không thể đàm phán nếu không có thỏa thuận (Mỹ-VNCH). Tôi sẽ về lại Mỹ, chúng ta không đả phá nhau về lợi ích hai nước. Tôi sẽ chào vĩnh biệt ông trước khi đi sáng mai (23-10) .

Thiệu phản đối bản Dự thảo có nghĩa là chiến tranh chưa chấm dứt và không làm hàn gắn được hai nước (Mỹ-VNCH), lối cư xử của Thiệu cho thấy đàm phán sẽ khó khăn hơn. Ngày 31-10 nếu không ký được Hiệp định, Hà Nội sẽ công khai phản đối Mỹ thất hứa. Ai cũng biết nếu ta đánh mạnh bằng quân sự sẽ ký được một Hiệp định tốt hơn nhưng Quốc hội sẽ chống đối, không ủng hộ. Nếu chúng ta không ký Hiệp định gần với những điều khoản có thể chấp nhận được, chúng ta có thể bị Quốc hội ra luật bắt (Hành pháp) phải rút quân bỏ (VN) để đổi lấy tù binh Mỹ (580 người) (4)

Cuộc tranh đấu của Mỹ (Hành pháp) có một nguyên tắc Mỹ không phản bội đồng minh, nhiệm vụ của tôi (lời Kissinger) là giải quyết vấn đề chính trị mà không đưa tới xáo trộn, Thiệu có trách nhiệm khi đưa chúng tôi sa lầy trong bốn ngày 19,20, 21, 22.

Kissinger nói ông ta sẽ phải nói với Hà Nội là ký Hiệp định với những khoản đã thuận, nhưng sẽ phải nói cho họ biết không thể lật đổ đồng minh (Thiệu), điều mà bốn năm qua chúng tôi đã không làm. Đó là tất cả những cái mà tôi, Lord ở Sài Gòn và Tổng thống Nixon, Haig ở Mỹ mà chúng tôi đã điện tín về qua mười ngàn dặm. Bộ chỉ huy là căn phòng nhỏ trong tư dinh Bunker. Điện thoại bảo đảm không xử dụng được. Nửa đêm tại Sài Gòn khi Lord viết tay xong điện tín có tài xế lái tới tòa Đại sứ để gửi. Tôi muốn về Mỹ trước khi Hà Nội chống phá.

Sau khi gặp Thiệu chủ nhật 8 giờ sáng, Kissinger điện tin tới Haig nói có hai lựa chọn:

1- Kissinger sẽ đi Hà Nội như dự trù, đưa những thay đổi do VNCH đề nghị và sẽ đi tới đi lui cho tới khi hai bên (Nam-Bắc) đã cùng thỏa thuận nhau.

2- Kissinger sẽ về Mỹ ngay, Haig sẽ nói với Dobrynin (Đại sứ Nga) Kissinger gặp trắc trở tại Sài Gòn và muốn đàm phán với Thọ, muốn nhờ Nga can thiệp kiềm chế BV. Kissinger thích lựa chọn (option) hai, ông ta soạn điện tín gửi Hà Nội dưới danh nghĩa Tổng thống Nixon nội dung như sau.

“TT Nixon gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói Mỹ gặp bế tắc tại Sài Gòn và đổ lỗi cho PV Đồng đã nói cho ký giả Borchgrave khiến VNCH chống bản Dự thảo, yêu cầu Hà Nội không công bố Dự thảo và xác nhận Mỹ vẫn giữ nguyên tắc của Dự thảo.

Nixon chống ý kiến đòi ra Bắc bằng một loạt điện tín, ông không chấp nhận Kissinger ra Hà Nội.

Kissinger đáp: nếu chúng ta bị dồn vào tường và ta sẽ tập trung vào chuyện BV còn đóng quân ở miền Nam, bằng mọi giá không để cho TT Thiệu bị người dân coi khinh dù cho ông ta hay cho chúng ta. Cho dù ta vượt qua chống đối của Thiệu, những việc ta đã làm trong tám năm qua sẽ bị loại bỏ.

Hy vọng vài tuần sẽ giải quyết ổn thỏa, Bunker sẽ làm việc với Thiệu, tin do thám cho thấy ông ta chuẩn bị ngưng bắn, có lẽ ông ta nhượng bộ nhất là nếu ta cứng rắn sau bầu cử TT Mỹ. Vả lại nếu ông ta không nhượng bộ đó sẽ là cơ hội tốt để ta và Hà Nội ký Hiệp định, đó là cơ hội tốt cho Thiệu nhượng bộ, chúng ta chỉ ký hai bên (Mỹ-Hà Nội) khi cùng kỳ lý.

Nay tới chuyện đề nghị ngưng ném bom BV, chúng ta đã cho họ biết sẽ ngưng ném bom 24 giờ trước khi phái đoàn Mỹ của Kissinger tới Hà Nội. Nixon từ chối đề nghị của Kissinger về ngưng ném bom. Hai nhà chính khách tranh luận về vấn đề này, oanh tạc dưới vĩ tuyến 20 và trên vĩ tuyến 17 để ngăn chận BV tiếp tế cho miền Nam.

Ngày 23-10, lúc 8 giờ sáng Kissinger đến chào giã từ ông Thiệu, người đã chiến đấu cho độc lập của đất nước, Kissinger không muốn đẩy ông ta vào chỗ sai lầm. Kissinger nói sẽ đề nghị sửa đổi theo yếu cần của miền nam VN, nói cho ông Thiệu biết bản Dự thảo là rất tốt và nói ông ta kính trọng TT VNCH yêu nước và cho Thiệu biết nếu chiến tranh tiếp tục 6 tháng nữa, Quốc hội có thể sẽ cắt viện trợ.

“Điều quan trọng là tất cả những cố gắng nỗ lực của ta đã làm được không thể mất đi một cách vô ích, nếu ta cứ đối đầu nhau, ông sẽ thắng nhưng cuối cùng chúng ta đều thua, thất bại. Một điều rõ ràng là tại Mỹ, truyền thông, báo chí sẽ được lợi khi ta thất bại. Sở dĩ tôi mất bình tĩnh trong những ngày cuối vì thấy cơ hội vụt đi, tôi ra đi với một nỗi buồn khôn nguôi.”

Thiệu bình tĩnh hơn, ông ta coi lại những lời đòi sửa đổi Dự thảo, ông chú trọng Khu phi quân sự (sợ xâm nhập), thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc. Ông ta đồng ý vấn đề quân BV có thể giải quyết không tuyên bố họ rút (Hà Nội không đồng ý, thực tế quân BV sẽ tàn lụi nếu không có xâm nhập), Thiệu đồng ý tình hình chống đối bên Mỹ, ông nói đối với miền Nam đó là vấn đề sống còn nhưng không công khai chỉ trích Mỹ.

Ông Thiệu nói: hôm qua tôi hứa tránh đối đầu, tôi phổ biến bất đồng ý kiến giữa tôi và TT Nixon, tôi vẫn xem TT Nixon là một người bạn về quân sự, dù còn hay không còn làm Tổng thống, tôi cũng sẽ tạo điều kiện để người Mỹ giúp VN. Nếu tôi làm trở ngại cho hòa bình của Mỹ, tôi sẽ không còn là Tổng thống. Tôi không có ý chỉ trích TT Nixon, tôi chỉ muốn nêu ra là ta đã thắng lợi ở Miên, Lào nhưng lại bất lợi cho VNCH, không thể có thù hận giữa đồng minh, xin bỏ qua những điều chúng tôi đã nói”

Kissinger nói sẽ tiến hành với Hà Nội như cũ không để họ lợi dụng sự rạn nứt giữa miền Nam và Mỹ, trước khi rời Sài Gòn Kissinger gửi thư dưới danh nghĩa TT Nixon tới Đại tá Guay tại Paris để đưa cho Đại diện BV tại đây.

TT Mỹ xin thông báo Thủ tướng VN Dân chủ Cộng hòa.

“Phía Mỹ đã tiến hành sửa đổi những điểm để bàn với VNDCCH tại Paris , Mỹ sẽ không đơn phương hành động mà phải tham khảo đồng minh VNCH. TT Mỹ tin tưởng hòa bình sẽ có được trong một ngày rất gần đây, Mỹ và VNDCCH phải xem xét lại những trở ngại cùng một tinh thần để thảo luận xa hơn.

Xin đề nghị ông Lê Đức Thọ và Kissinger họp sớm để giải quyết những vấn đề còn lại, Kissinger có thể tới Paris bất cứ lúc nào do VNDCCH muốn sắp đặt. Nay ông ta không thể đi Hà Nội khi còn những vấn đề cần giải quyết.

Để tỏ thiện chí phía Mỹ sẽ giữ mức oanh tạc giới hạn cho tới khi kết thúc đàm phán. Phía Mỹ cảnh báo mọi âm mưu khai thác chuyện hiện tại, những khó khắn tạm thời sẽ đưa tới kéo dài đàm phán.

Điều không tránh được là chiến tranh đã kéo quá dài và tạo nhiều thống khổ chỉ là khó khăn tạm thời trên đường đi tới quyết định cuối cùng, Mỹ quyết định đi tìm hòa bình và mong các vị lãnh đạo VNDCCH tham gia với tinh thần hợp tác đưa tới ký kết Hiệp định. Nếu giữ được thái độ đúng thì vấn đề sẽ được vượt qua và sẽ có Hiệp định”.

Trên đường trở về nhà

Đó là một tuần bi đát vất vả (lời Kissinger), chúng tôi bắt đầu sáng hôm 16-10 với mong đợi mang lại hòa bình chấm dứt mọi phiền não của nước Mỹ nhưng đã không hoàn thành, chúng tôi đã tiến bộ, bản Dự thảo ngày 8-10 của BV là một điều khác thường, nó đã được cải thiện nhiều trong hai tuần sau đó. Chúng tôi tự hào với những khoản hơn hai năm trước, nay trở về trong thất vọng, những ngày sau đó sẽ phải hàn gắn những đổ vỡ.

Lý luận của ông Thiệu cho thấy Mỹ và BV không thể quyết định số phận VNCH, họ không phải là bù nhìn, Thiệu đối đầu với Kissinger và Haig

Thiệu muốn chiến thắng cuộc chiến toàn diện trong khi Mỹ muốn một cuộc thương thuyết trong danh dự tháng 10-1972, hai lập trường (Mỹ-VNCH) này không hòa giải với nhau được. Trên đường về Mỹ Kissinger biết là Washington sẽ bỏ bản Dự thảo, nó sẽ tan vỡ cho tới sau bầu cử (mới tính). Ông ta quyết định giữ bản Dự thảo trước thúc ép của Hà Nội, trước sự chống đối của Sài Gòn và sự nghiêng ngả của Washington nó có thể đưa tới mất kiểm soát tình hình.

Ngày 23-10 Kissinger điện tín cho Haig: Cũng như ông đã nhận xét, đó là một Dự Thảo rất thuận lợi, nó cải thiện tình hình Miên, Lào, tình hình quôc tế, tù binh Mỹ và điều khoản thay thế vũ khí, nhiều cuộc chiến thất bại vì nhút nhát vụng về, biết bao bi kịch đã do những nhà quân sự thiếu khả năng nhận định khi nào thời điểm ký kết đã tới.

Dưới cái nhìn của Kissinger cái thời đã tới, ông ta điện tín cho Washington trên máy bay nói khi nào BV công khai hóa bản Dự thảo, tôi sẽ họp báo nói có nhiếu tiến bộ nhưng còn nhiều chi tiết cần thảo luận lại. Ông sẽ lưu ý BV về cơ bản Dự thảo không thay đổi nhưng cần sửa một số điểm.

Những bi kịch này mà Tổng thống chấp nhận sẽ thúc đấy tôi (lời Kissinger) khi tôi về lại Mỹ sẽ xuất hiện lần đầu trong cuộc họp báo trên TV, kết quả bi đát được tóm tắt trong câu “Hòa bình trong tầm tay”

Nhận xét

Phần này, Kissinger kể chi tiết về trở ngại của bản Dự thảo đã thành hình, trước và tới khi sang Sài Gòn (ngày18) ông tin tưởng TT Thiệu sẽ thuận ký, sau đó sẽ đi Hà Nội và trở về Mỹ ngày 24, hai ngày sau sẽ tuyên bồ đã mang lại hòa bình và ký kết Hiệp định ngày 31-10, đúng một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (7-11). Ông ta tin tưởng đây là món quà lớn dành cho Nixon nhưng phía VNCH cự tuyệt vào ngày chót của cuộc thảo luận khiến mọi hy vọng tiêu tan. Kissinger chủ quan hy vọng ông Thiệu sẽ chấp thuận bản Dự thảo, thậm chí ngày 23 khi tới dinh Độc Lập để chào từ giã vẫn còn hy vọng ông Thiệu đổi ý.

Ở đây chúng ta cũng thấy rõ sự bất đồng ý kiến giữa TT Nixon và Kissinger. Ngày 19-10 khi Kissinger đang thảo luận ở Sài Gòn, Nixon khuyến khích Kissinger ráng thuyết phục Thiệu, nhưng chỉ hôm sau 20-10 ông lại đổi ý chống bản Dự thảo. Kissinger ao ước ký Hiệp định trước bầu cử nhưng Nixon lại đổi ý, ông ủng hộ Thiệu đòi CSBV phải rút quân. Nixon chống đối Kissinger gay gắt, ông đã cho đánh một loạt điện tín cấm Kissinger không được đi Hà Nội bất cứ lý do gì. Kissinger muốn từ Sài Gòn ra Hà Nội để hoặc làm trung gian thương thuyết giữa hai miền, hoặc nếu cần ký riêng với Hà Nội không cần VNCH.

Nixon đổi ý vì nghe lời Tướng Westmoreland, ông này ủng hộ Thiệu, không đồng ý BV còn đóng quân tại miền Nam . Nixon không muốn bất hòa với người bạn đồng minh, ông không muốn tan vỡ với VNCH trong lúc này. Vả lại Nixon biết chắc sẽ đắc cử, qua thăm dò ông vượt quá xa đối thủ McGovern, ông không cần ký trước bầu cử để mang tiếng chịu ơn người Cố vấn. Kissinger cay đắng phân vua với độc giả, ông nói sở dĩ muốn ký sớm vì Hà Nội muốn ký trước bầu cử, họ sẽ nhượng bộ nhiều hơn. Lý luận của ông ta không vững vì địch không chịu nhượng bộ rút về Bắc. Tổng thống là người chịu trách nhiệm, Kissinger là Cố vấn phải theo lệnh của Nixon, ông chỉ được giao nhiệm vụ đàm phán. Tổng thống đã có chủ trương riêng của ông, Cố vấn không cần phải lo lắng quá nhiều.

Lời kể của tác giả cho thấy Kissinger không có nhiều quyền hành như người ta tưởng, bản Hiệp định do Tổng thống quyết định và chỉ đạo, Kissinger chỉ là kẻ thừa hành. Trong bài nói tới viện trợ Enhance Plus của Mỹ cho miền Nam VN, TT Nixon cho biết đây là một khối vũ khí tối tân, không lồ giao cho VNCH từ tháng 11 trước khi Hiệp định được ký (5)

Về vấn đề quân BV còn ở lại miền Nam, TT Nixon cho biết sự tồn tại của VNCH không phụ thuộc vào việc địch còn ở lại mà phụ thuộc vào việc nước Mỹ cưỡng bách thi hành Hiệp định cùng với việc tiếp tục viện trợ và với sự đe doạ trừng trị bằng vũ lực. Điều đó chỉ có được nếu Sài Gòn được Quốc Hội ủng hộ. (6).

Cưỡng bức địch thi hành Hiệp định (enforce the agreement) có nghĩa dùng sức mạnh quân sự để buộc đối phương không vi phạm các điều khoản. Tháng 11-1972 tại Mỹ, Nguyễn Phú Đức (Phụ tá ngoại vụ TT Thiệu) có hỏi về việc BV đã vi phạm thỏa ước Lào trước đây, Sullivan (Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Lào 1964-69) đáp Hiệp định chỉ là mảnh giấy, mực trên tờ giấy không quan trọng bằng sắt thép và hỏa lực của pháo đài bay B-52 Mỹ (7)

TT Nixon tin tưởng sẽ xử dụng sức mạnh của B-52 để bảo đảm an ninh cho VNCH nhưng vấn đề không đơn giản, Quốc hội có chấp thuận hay không mới là điều quan trọng. Từ 1971 trở đi Quốc hội (đa số là Dân chủ) ngày càng có vai trò quan trọng nhất là cuối năm 1972, đầu 1973, họ được người dân, phong trào phản chiến ủng hộ mạnh, họ nắm giữ sinh mạng VNCH và cả Đông Dương.

Nửa năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Quốc hội ra luật cắt hết ngân khoản dành cho các hoạt động quân sự của Chính phủ (Nixon) tại Đông Dương, có hiệu lực từ giữa tháng 8-1973 (8). Họ đã chính thức cho phép CSVN tha hồ vi phạm Hiệp định. Từ cuối năm họ cắt giảm dần dần viện trợ cho VNCH.

Cộng quân dù rút về Bắc hay ở lại, trên thực tế nó không giữ vai trò quan trọng nào đối với sự sống còn của VNCH.

Trọng Đạt
Nguồn Đàn Chim Việt

——————————————

(1) Chương XXXII The Troubled Road to Peace, trang 1360-1394
(2) Larry Berman: No Peace, No Honor, Chương 9, Thieu Kills The Deal, trang 160-179
Walter Isaacson, Kissinger A Biography, Peace is at Hand, The Paris Talks, trang 452-458
Marvin Kalb & Bernard Kalb, Kissinger trang 364-378
(3) Richard Nixon, No More Vietnams, trang 151-155
(4) White House Years trang 1386, nguyên văn:
“if we did not settle on close to the terms now available to us, we would be forced out of the war by a Congress legislating a simple trade of prisoners for our wihdrawal”
(5) Richard Nixon, No More Vietnams trang 170-171
Nixon vội viện trợ ồ ạt cho VNCH nhiều vũ khí qua hai chiến dịch Enhance (Gia tăng) và Enhance Plus (Gia tăng cộng). Tổng cộng gồm ba tiểu đoàn pháo binh 175 ly, hai tiểu đoàn thiết giáp M-48, gần 600 máy bay trong đó hơn 200 phản lực chiến đấu và oanh tạc cơ, hơn 300 trực thăng, máy bay vận tải, thám thính.
Nhưng tháng 4-1975 nằm ụ nhiều vì không có cơ phận thay thế, không còn săng.
(6) No More Vietnams trang 155
(7) Larry Berman, No Peace No Honor… trang 197
(8) No More Vietnams trang 180

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn