BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tác phẩm chót của Duyên Anh

31 Tháng Bảy 20176:47 SA(Xem: 5378)
Tác phẩm chót của Duyên Anh
54Vote
40Vote
31Vote
20Vote
11Vote
46
Trong sinh hoạt báo chí, mỗi khi một tờ báo thay đổi người chủ bút, độc giả sẽ nhận ra không khó tờ báo ấy thay đổi như thế nào, từ tả qua hữu hay ngược lại, từ sang tới hèn hay khá hơn lên, chỉ trong một thời gian không lâu, thường thường chỉ chừng ba tháng.

Ở một thành phố nào cũng có ít ra là ba tờ báo (Sài Gòn khi xưa lúc có 10 tờ, lúc có tới 18 tờ) đại loại có ba vẻ: miệng kín như bình, ăn nói tào lao, hoặc ăn cây nào rào cây nấy…

Nhưng tại sao nói đến báo chí? Vì báo chí là dư luận, nghe ngóng dư luận là điều quan trọng để bắt mạch cuộc sống xung quanh chúng ta, một trong những sinh hoạt hằng ngày của một khu phố, một tỉnh lỵ, là sáng sớm khi quán cà phê vừa mở cửa, đã có một “nhóm quần anh” tụ tập, phát tán và nghe ngóng chuyện trong ngày, chuyện ấy ai cũng có thể hình dung.

Xưa kia ở miền Nam Việt Nam người ta gọi là “radio Catinat,” là “ngã tư quốc tế,” mào đầu bằng câu “nghe qua rồi bỏ,” nhưng thực tế là nghe xong mang đi chỗ khác phổ biến, hai ba lần dặn dò nhau “nghe qua rồi bỏ” là cả thành phố đã biết hết.

Trong các báo ảnh hưởng tới dư luận hằng ngày, về loại nghe qua rồi bỏ, tờ Sống của nhà văn Chu Tử dẫn đầu về những tin tức nóng hổi. Loại báo tuần có một người không thể không nói đến, đó là nhà văn Duyên Anh, hay Thương Sinh, diễn đàn nhộn nhịp của anh là tờ Con Ong. Hai nhà báo này và diễn đàn của họ có ảnh hưởng bén nhạy tới tin đồn một thời.

Ở một bài viết lâu rồi tôi có nói đến chuyện quen biết tình cờ giữa tác giả Hoa Thiên Lý và tôi. Hôm ấy tôi tới khu nhà hoang đường Bùi Viện, Sài Gòn, để kiếm một người bạn, tôi đi vào, thì từ trong anh đi ra, chúng tôi thấy nhau trong hành lang, tay anh cầm cuốn sách đầu tay. Anh ký tên vào cuốn sách tặng tôi. Hình như đó là năm 1960, lúc ấy tôi chưa có tác phẩm in thành sách, nhưng đã viết nhiều báo như Văn Nghệ Tiền Phong, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Bách Khoa, Màn Ảnh, Kịch Ảnh, thơ văn đăng trên Thế Kỷ Hai Mươi, Sáng Tạo…

Nhà văn Duyên Anh (1935-1997). (Hình- Viên Linh cung cấp)
Nhà văn Duyên Anh (1935-1997). (Hình: Viên Linh cung cấp)


Anh hơn tôi ba tuổi, rất cởi mở, sau đó gặp nhau luôn, anh lại hay rủ tôi đi hớt tóc, khi nào đi hớt tóc, Duyên Anh cũng rủ tôi, thường là ở khu nhà hàng bán các món Bắc chính truyền như Quốc Hương, Ngọc Hương đường Gia Long. Các tiệm này nổi tiếng với bánh cuốn Thanh Trì (bánh cuốn tráng tay chỉ với hành mỡ, không thèm ăn giò chả làm gì), sau đó uống cà phê phin sữa thật đặc, đặc quánh, và phải do ông chủ tiệm tự tay pha và cầm thìa khuấy lia lịa cho cà phê bốc hơi vang lừng, nổi bọt tới miệng cốc, rồi mới trao cho khách.

Duyên Anh tự gọi mình là “thái lọ” (nói trại tên tỉnh Thái Bình), có lần nói “tám thằng thái lọ” là nói đến nhóm tám chàng cùng tỉnh, trong đó mới trong Tháng Bảy, 2017, thái lọ Vũ Băng Đình mới ra đi; người nữa có tặng tôi bộ sách gần 2,000 trang là Bạch Hạc Trần Đức Minh, tác giả bộ hai cuốn “Một Thời Nhiễu Nhương” in năm 2006, đầy tài liệu và hình ảnh một đời… Có khi họ gọi mình là “bát mễ hay bát mẻ…”

Trước 1975 làm báo, viết cho các nhật báo Xây Dựng, Sống, Công Luận, chủ trương tờ báo cho thiếu nhi nhan đề Tuổi Ngọc. Năm 1975 đi tù Cộng Sản.

Năm 1983 vượt biển qua được Pháp. Năm 1988 qua California, bị đánh lén bằng bàn tay sắt vào thái dương trên khoảng sân trống trước quán Ngân Đình đường Bolsa, phải về Pháp điều trị. Tay phải bị liệt, từ đó phải tập viết bằng tay trái. Sau ba năm bị hành hung, Duyên Anh hoàn tất tác phẩm cuối cùng nhan đề “Ngược Giòng Chữ Nghĩa,” sách khổ lớn, dày 260 trang, do Tam Thiên tại Arlington xuất bản năm 1991.

Về tác phẩm mới này, nhà xuất bản Tam Thiên ở Arlington, Texas, giới thiệu như sau: “Chúng tôi yêu cầu Duyên Anh cho chúng tôi xuất bản một tác phẩm viết sau ngày hoạn nạn 30 Tháng Tư, 1988, là tác phẩm thứ nhất của nhà Tam Thiên, Duyên Anh đồng ý, ‘Ngược Giòng Chữ Nghĩa’ đã ra đời. Ông viết bằng tay trái, không phải nói đùa, tay phải của ông đã bị liệt. Ông nói: ‘Tôi đã học đọc, học viết, học suy nghĩ, học đi đứng nhiều ngày trong bệnh viện. Cũng cứ coi ‘Ngược Giòng Chữ Nghĩa’ của tôi hôm nay là tác phẩm đầu tay như ‘Hoa Thiên Lý’ 30 năm ngày xưa.”

Trong tác phẩm này có trên 10 bài bàn về những đề tài khác nhau, đủ loại như: Nông Dân Và Con Cò, Viết Truyện Cười, Cỏ Nhớ, Cao Dao, Huyền Sử Trong Tâm Hồn Tôi, Uống Trà Thấy Nguyễn Khuyến, Bún, Văn Cao – Người Soạn Ca Khúc Bậc Thầy Việt Nam, Chép Sử, Nguyễn Bính – Thần Tượng Của Tôi, Châu Hà – Suối Đắng Bỗng Ngọt Ngào.

Dưới đây xin dùng một đoạn văn của Duyên Anh trong “Ngược Giòng Chữ Nghĩa” để kết thúc bài này. Duyên Anh viết rằng từ tiền chiến cho tới tận sau này, từ Nam ra Bắc, có ngàn vạn cuốn tiểu thuyết lâm ly, nhưng chỉ có một cuốn, cuốn duy nhất, là truyện cười, truyện hí lộng:

“…Tác phẩm hí lộng, ở Việt Nam cả nước, từ ngày chúng ta viết tiểu thuyết cho đến hôm nay, vẫn chỉ có một tác phẩm duy nhất. Là ‘Số Đỏ’ của Vũ Trọng Phụng, đúng nghĩa tác phẩm lớn của nhà văn lớn… Đã có nhà văn trẻ nào trở thành cây bút hí lộng thứ hai?” (“Ngược Giòng Chữ Nghĩa,” trang 52).

Duyên Anh Vũ Mộng Long (sinh ngày 8 Tháng Tám, 1935, tại làng Tường An, Vũ Thư), mất ngày 6 Tháng Hai, 1997, vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp, để lại khoảng 50 tác phẩm đã xuất bản (như chính anh cho biết).

Ông tự viết tiểu sử mình có những đoạn như sau: “Học lực: Trung học. Kiến thức văn hóa: Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng. Chạy giặc Tây về quê 1946. Hồi cư: 1951. Di cư vào Sài Gòn 1954. Vào tù ra khám: 1976-1981. Vượt biển: 1983. Cổ tích Việt Nam yêu nhất: Thạch Sanh.”

Viên Linh/Người Việt
26-07-2017

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn