Mặt nhìn mặt còn ngờ trong giấc mộng
Phải rằng đây vang bóng một thời xưa
Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện hẳn đã xúc động đến mức mượn hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương làm đoạn kết cho Lời cảm ơn của ông - một nhân vật bất đồng chính kiến, sau thành công không ngờ của buổi giới thiệu cuốn sách Đường thi Quốc âm cổ bản của đồng soạn giả Nguyễn Xuân Diện - Trần Ngọc Đông vào ngày 8/2/2017.
Bất ngờ
Cuộc giới thiệu sách trên, dù chỉ là một hoạt động văn học nhỏ trong nhiều hoạt động văn nghệ ở Việt Nam, nhưng lại có thể được ghi nhận như một sự kiện đầu tiên mang tính giao thoa hai lề - giữa “lề dân” và “lề phải” tính từ năm 2006 khi Khối đối lập chính trị 8406 ra đời cho tới nay: trong khi “lề dân” có mặt một số nhân vật bất đồng chính kiến lâu năm như Huỳnh Kim Báu, Lê Phú Khải, Lê Công Định, Sương Quỳnh, Hoàng Dũng… từ một số tổ chức xã hội dân sự độc lập, “lề phải” cũng có hiện diện những trí thức và học giả, thậm chí còn có cả phóng viên báo Tuổi Trẻ, Đài Truyền hình TP HCM, và báo Thể thao và Văn hóa.
Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là sự tham dự của… Thông tấn xã Việt Nam - một kênh báo đảng mà hơn ai hết luôn cẩn trọng với những sự kiện “nhạy cảm chính trị”.
Không những thế, hiệu ứng truyền thông còn được phát huy. Sau buổi giới thiệu sách này, báo Tuổi Trẻ đăng một bản tin khá dài, tất nhiên chỉ về học thuật mà không đá động gì đến khía cạnh chính trị hay dân chủ - nhân quyền của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Đài Truyền hình TP HCM và báo Thể thao và Văn hóa cũng phát tin gần tương tự.
Buổi giới thiệu sách còn mang một dấu ấn chưa từng có tiền lệ vì được đồng tổ chức bởi Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM. Đơn vị thuộc khối tuyên giáo đảng này còn có một cử chỉ chưa từng có: liên lạc và gửi thư mời cho một ít người bất đồng chính kiến.
Vào lần này và cũng là lần đầu tiên, một trí thức bất đồng chính kiến như Nguyễn Xuân Diện đã không mấy cô đơn, nếu đối chiếu với các buổi giới thiệu sách trước đây của giới bất đồng đã chỉ có thể tổ chức hoặc kín hoặc nửa kín nửa hở, luôn bị công an theo dõi gắt gao và tìm cách ngăn chặn, còn thành phần tham dự chỉ có “quân mình” với nhau.
Khi tham dự buổi giới thiệu sách của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, phóng viên của trang Việt Nam Thời Báo (Hội Nhà báo độc lập Việt Nam) đã quan sát kỹ cả trong lẫn ngoài căn phòng, nhưng không nhận ra hình ảnh lộ liễu nào của nhân viên an ninh thường phục như cái quá khứ vốn không thèm che giấu và thậm chí còn thô bạo của lực lượng này. Chuyện lạ.
Việt Nam đầu năm 2017. Chuyện gì hay biến chuyển gì đang xảy ra?
Lẽ nào sau một thời gian quá dài chỉ biết đàn áp, đàn áp và đàn áp giới bất đồng chính kiến và dân chủ nhân quyền, chính quyền Việt Nam giờ đây bắt đầu tỏ ra “thành tâm” cùng “mở rộng vòng tay khoan dung”?
Những ai ‘cấp phép’?
Chỉ trước sự kiện giới thiệu sách của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện vài tuần, công an Việt Nam đã bắt bớ hàng loạt người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là Trần Thúy Nga, Nguyễn Văn Oai, và Nguyễn Văn Hóa. Trước đó đã bắt Cấn Thị Thêu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Hải, và nhóm Lưu Văn Vịnh. Danh sách “nhập kho” vẫn cứ đen thêm và dài ra, trong lúc Hội đồng Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế khác đang kịch liệt lên án chính quyền Việt Nam vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo, đang đòi Chính phủ Hoa Kỳ phải đưa chính quyền này vào lại Danh sách CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt) và phải bị chế tài về ngoại giao, quân sự và thương mại, viện trợ.
Bản thân blogger Nguyễn Xuân Diện cũng là trường hợp mà nhiều lần bị chính quyền và công an Hà Nội trấn áp và đe dọa bắt, còn giới dư luận viên thì sử dụng không thiếu từ ngữ dơ bẩn và tục tĩu nào để mạt sát ông Diện.
Thế nhưng bầu không khí mạt sát trên hình như đã lui vào quá khứ. Buổi giới thiệu sách của Tiến sĩ Diện rõ ràng đã cho thấy một sự thay đổi hoặc chuyển biến nào đó từ não trạng và tâm thế của một số quan chức cao cấp trong chính quyền toàn trị.
Không đơn giản là thẩm quyền của chính quyền cấp địa phương, mà đương nhiên phải là chính quyền trung ương mới “đủ lực” để quyết định cho phép diễn ra một sụ kiện giới thiệu sách nhỏ nhoi nhưng “nhạy cảm” của Tiến sĩ Diện. Có ít nhất ba cơ quan liên quan đến việc “cấp phép” này: Ban Tuyên giáo trung ương của ông Võ Văn Thưởng, Bộ Công an của ông Tô Lâm, Thành ủy TP HCM của ông Đinh La Thăng, đồng thời phải có cơ chế thống nhất để không xảy ra chuyện người vuốt ve kẻ đàn áp. Sau đó mới nói đến cơ chế cấp phép “đúng quy trình” của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM và những cơ quan cấp dưới khác.
Nếu có thể nhớ lại, hãy chú ý đến một sự kiện gần gũi: vào đầu năm 2017, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là ông Hữu Thỉnh bất ngờ thông báo hội đoàn này sẽ “mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa) về Việt Nam để tham dự “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” được tổ chức vào dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng Ba âm lịch sắp tới.
Cả hai sự kiện mang tên Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học và Đường thi Quốc âm cổ bản đều thuộc lĩnh vực văn học - một khu vực mà dù có nổi loạn chính kiến thì vẫn được coi là khá an toàn cho đảng cầm quyền, nếu so sánh với giới nhà báo và blogger tự do vốn khó kiểm soát hơn nhiều.
Quảng bá: đảng ‘mở lòng khoan dung’
Tất nhiên ngay vào lúc này khi không khí bắt bớ dân chủ nhân quyền còn chưa nguôi ngoai, đảng vẫn có thể duy trì não trạng và phương thức kìm siết bất đồng như trước đây, nghĩa là cùng lắm chỉ cho phép một người có mức độ bất đồng nhẹ hơn Nguyễn Xuân Diện được tổ chức giới thiệu sách trong một khuôn viên khép kín, chẳng hạn như trong một căn phòng của Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM - nơi khách tham dự phải có thư mời và phải qua vài cửa kiểm soát của bảo vệ lẫn an ninh mặc thường phục.
Nhưng việc chính quyền trung ương và TP HCM chấp nhận cho Tiến sĩ Diện tổ chức buổi giới thiệu sách tại một khu vực tương đối mở (Bảo tàng Lịch sử TP HCM nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên mà trước năm 1975 có tên gọi Sở Thú, là nơi đông người qua lại), không những thế còn “bật đèn xanh” cho báo nhà nước loan tin về sự kiện này, cho thấy ít nhất một mục đích: chính quyền muốn quảng bá cho quốc tế, người Việt hải ngoại và cả dư luận trong nước biết rằng chính quyền đang “mở lòng” về dân chủ.
Thời kỳ “mở lòng” ấy lại ứng với bối cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn, nợ xấu và nợ công chồng chất như núi trong khi ngân sách gần như cạn kiệt, còn kiều hối về Việt Nam bị giảm đến 3 tỷ USD trong năm 2016. Sau sự kiện thắng cử tổng thống như thể đảo lộn của Donald Trump, chính giới Việt sa vào tâm trạng không thể đoán trước, hoang mang về chiến lược đối ngoại và thậm chí còn không biết phải đu dây như thế nào…
Hẳn là bối cảnh hỗn mang trên đã góp phần tạo ra một cảnh sắc ngày càng phân hóa và phân cực trong nội bộ đảng: trong khi một số ra tay bắt bớ những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, thì một số khác lại “muốn thay đổi” để tồn tại.
‘Muốn thay đổi’ nhưng quá chậm chạp
Thỉnh thoảng trên mặt báo nhà nước lại hiện ra khẩu hiệu “Đổi mới hay là chết!”. Nhưng trong khi chưa thấy “đổi mới” ở đâu thì tâm trạng thực tế hơn lại là “Thay đổi hay là chết!”. Dù chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về sự thay đổi này, nhưng từ cuối năm 2016 đến nay ít thấy giới quan chức Việt Nam “tụng” về chủ nghĩa xã hội hay xã hội chủ nghĩa. Cũng đang manh nha một cái gì đó mang tính “cải cách thể chế”, tuy chưa thể biết phương thức cải cách sẽ theo mô hình nào - Mỹ, Nhật hay Trung Quốc.
Không chỉ nhắm đến mục đích quảng bá hình ảnh “mở lòng” của đảng, ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu về sự tồn tại và càng lúc càng mở rộng số lượng lẫn ảnh hưởng của nhóm “muốn thay đổi” trong nội bộ cấp cao của đảng - một khuynh hướng mà tuy chưa cải cách gì lắm nhưng dù sao vẫn còn le lói một chút lối thoát cho dân tộc Việt, so với cảnh bế tắc toàn diện của chủ nghĩa bảo thủ “còn đảng còn mình” cùng triển vọng dẫn dắt Việt Nam biến thành một tỉnh lỵ của Trung Quốc của nhóm “thân Trung”.
Giờ đây ai cũng cần bảo toàn tương lai chính trị, tài sản cá nhân và hậu vận sinh mạng. Thậm chí từ vài năm trước và đặc biệt từ giữa năm 2016 đến nay, còn manh nha một trường phái “bắt tay với dân chủ”, trong lúc dư luận lại râm ran về “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cô đơn hơn lúc nào hết”.
Ông Trọng đang “cô đơn” không chỉ bởi “phương án Đinh Thế Huynh” của ông, mà như đồng pha với chuyện Trịnh Xuân Thanh vẫn bặt tăm cho tới giờ, nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều quan chức cao cấp đang xa dần quỹ đạo “chống tự chuyển hóa” của tổng bí thư.
Cộng hưởng nhiều yếu tố trong và ngoài, “muốn thay đổi” đã trở thành một nhu cầu thiết thân, dường như đã phát triển thành một chủ trương và đang được “thí điểm” thầm kín ở một vài lĩnh vực, vài ba thành phố, thấp thoáng bóng dáng ít nhất 3-4 quan chức cao cấp…
Tuy vậy, “muốn thay đổi” lại thay đổi quá chậm chạp. Vẫn chưa thấy hiện ra một thông điệp công khai và đủ can đảm nào từ phía chính quyền hay cá nhân quan chức để cho thấy ít nhất một mức độ “thành tâm” nào đó. Cũng chưa thấy các nhân vật như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch nước Trần Đại Quang có được hành động nào để thỏa mãn những quyền căn bản của người dân đã bị chính thể một đảng bỏ mặc suốt gần ba chục năm qua như quyền tự do lập hội và hội họp, quyền tự do biểu tình, quyền tự do báo chí…
Bởi thế, Mặt nhìn mặt còn ngờ trong giấc mộng vẫn chỉ là một sự kiện họa hoằn. Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu cũng như với trường hợp Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cũng với tính chất buổi giới thiệu sách thuần túy về văn học, nhưng sẽ bị cả trung đội sỹ quan an ninh mặc sắc phục lẫn thường phục thẳng tay cấm đoán vào một ngày xấu trời trong năm nay.
Phạm Chí Dũng
Nguồn Blog Phạm Chí Dũng