Quảng Trị là một thành phố nhỏ miền Trung, giáp ranh với sông Bến Hải. Những năm dạy học ở đó, tôi thường đến thăm gia đình một người bạn đồng nghiệp mà ngôi nhà người bạn tôi thuê ở sát bên nhà máy phát điện, cung cấp điện lực cho cả nguyên thành phố nhỏ này. Tiếng động cơ nhà máy đèn ầm ì suốt ngày đêm, ở nhà bạn tôi, nhiều lúc nói chuyện với nhau, chúng tôi phải lớn tiếng người đối diện may ra mới nghe. Tôi không thể nào tưởng tượng ra vì sao gia đình người bạn tôi có thể sống, làm việc và ăn ngủ trong cái tiếng động ồn ào triền miên, mà không phải riêng ngôi nhà của bạn tôi, mà cả khu xóm này cùng phải chịu đựng chung một tình trạng như thế?
Khi nói đến tiếng động quanh năm của cái nhà máy đèn, bạn tôi chỉ mỉm cười nói nhỏ nhẹ: “Hồi mới ra đây, kiếm nhà thuê không có, mà ngày khai giảng đã gần kề, nên đành thuê đại cho có chỗ ở. Mới đầu cũng khó chịu, lâu rồi cũng quen đi!”
Cái gì lâu rồi cũng quen đi! Chúng ta thử tưởng tượng, như nhà chúng ta ở gần phi trường thường có máy bay lên xuống, hay nhà nằm cạnh đường xe lửa, mỗi đêm ngày thường có những chuyến tàu qua cùng với tiếng máy tàu sình sịch và tiếng còi tàu thét lên trong đêm. Nhưng ở đây, tiếng nhà máy đèn lại vang lên đều đặn, có khi lại dễ ru giấc ngủ chăng? Cũng như mọi thứ xẩy ra đều đặn, lâu rồi cũng quen đi!
Dễ thường, nếu bất chợt nhà máy đèn tắt tiếng, người bạn tôi chắc thức giấc và trăn trở không ngủ lại được.
Tôi nghĩ đến chiếc loa tuyên truyền oang oang đầu xóm, bám víu theo số kiếp con người phải chịu dưới chế độ Cộng Sản từ suốt hơn 70 năm nay, từ ngày những đôi dép râu vào Hà Nội, đến nay đã đến lúc cáo chung, có lẽ toàn dân bắt đầu khó ngủ! Từ nay, mỗi sáng, mỗi chiều không còn nghe tiếng loa gào thét nữa. Và cả cái chế độ này nữa, nó đeo đẳng theo số phận hẩm hiu của con người, chịu đựng lâu thành chai đá, sợ một ngày kia nó chết đi, là một sự bất bình thường cho những người đã quen thuộc, chai lỳ với nó chăng? Chỉ vì, như ông Khổng Tử nói: “Ở chung với người bất lương, như vào hàng cá ươn, tuy lâu mà chẳng nghe mùi hôi, vì mình cũng hóa theo nó vậy!”
Lớn lên trong thời Việt Minh, tôi còn nhớ đến cái loa và cái mã tấu. Một thứ để dọa nạt và một thứ để trấn áp! Loa thường ngày nay gắn thành cụm (chùm) mỗi cụm thường có hai đến ba loa, các cụm loa đặt cách nhau từ 400 đến 600 mét. Mỗi xã có từ 12 đến 20 cụm loa, ở các huyện thị trên toàn quốc có trung bình từ 300 đến 400 loa. Cả nước có 698 huyện, nên tổng số loa trong cả nước là 279,000 cái. Theo tài liệu của Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn nêu ra, thì trong cả nước Việt Nam hiện nay có 900,000 cái loa (http://press.anu.edu.au/wp-content/uploads/2013/11/Vietnam.pdf.)
Hệ thống loa tiếp cận dân số hơn 58 triệu người (chiếm 67.1% dân số Việt Nam). Như vậy, cứ hai người dân xã hội chủ nghĩa thì có hơn một người phải chịu cảnh đày đọa tra tấn của cái loa phóng thanh mỗi ngày. Con số loa nêu ở trên còn ít ỏi nếu so với loa thời nay. Xã Tả Phời, thuộc thành phố Lào Cai, theo quy định của Bộ Thông Tin và Truyền Thông, toàn phố đã lắp đặt 380 cụm loa, với tổng số 900 loa công cộng, chuyển âm thanh từ 85% 2010 lên 90% năm 2014, 100% (theo nghị quyết đại hội chi bộ 2010- 2015). Loa trong XHCN không những sắp đặt san sát, mà năng suất của loa càng ngày càng lớn đủ sức làm cho người dân chảy máu tai.
Vậy mà cũng có người ngậm ngùi tiếc cái loa phường, cho rằng nó loan tin chiến đấu, sản xuất, ngày lãnh lương hưu, báo tin hôm nay bán thịt ở đâu, gạo bán độn hay không độn… Loa phường hiện diện cùng một lúc với bộ đội Việt Cộng khi vào tiếp thu Hà Nội năm 1954. Từ đó một hệ loa tuyên truyền luôn luôn đi theo với hình ảnh nón cối dép râu và là một tai nạn thường trực xẩy ra, trở nên một tai nạn bình thường. Dân Hà Nội khi mô tả về tiếng loa phường dùng những chữ như oang oang, chát chúa, tru tréo, tuy làm những đứa trẻ phải khóc thét lên, những ông cụ già đang nằm trên giường bệnh phải thở gấp, nhưng những con chó sinh ra và lớn lên trong cái âm thanh bệnh hoạn ấy không còn phản ứng gì nữa.
Đối với những xã hội văn minh khác, như miền Nam trước đây, không phải không có loa, nhưng cái loa gắn trên chiếc xe thông tin chạy quanh thành phố báo một tin tức gì quan trọng cho dân chúng, rồi trở về nằm trong chỗ ở của nó. Không như cái loa phường, nó được gắn cố định trên đầu trên cổ nhân dân, gào thét mỗi ngày những chỉ thị, những chiến công, hay hồ hởi loan tin những xe gạo, miếng thịt về phường. Cái loa hạ xuống rồi, nhưng chắc những ông bà cụ đã sống trong cái xã hội này không quên được âm thanh của nó, không thích nó nhưng hãy còn nhớ đến nó.
Quả là ghê gớm, nói như miệng lưỡi tuyên huấn, loa phường đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của nó! Chúng ta cũng đừng lấy làm lạ nếu nay mai chính phủ này trao cho loa phường một “huân chương lao động” hay “huân chương kháng chiến” hạng nhất, hay đôi khi là thứ “huân chương dũng cảm” vì suốt đời đã chịu mưa chịu nắng đến rỉ sét, nghe tiếng chửi rủa của thiên hạ trong bao nhiêu năm qua, mà vẫn trơ mặt ra đó mỗi ngày.
Rồi đây, sau khi đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử,” 900,000 chiếc loa phường sẽ được hạ xuống, vứt lăn lóc trong kho hay đem bán ve chai. Trong “nỗi tiếc thương” đó, chúng ta ngậm ngùi nghĩ đến số phận của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã xếp xó vào ngày 31 Tháng Giêng, 1976. Phải chi đảng Cộng Sản Việt Nam giờ đây cũng tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, mà tắt thở thì dân tộc này vui biết mấy!
Huy Phương
Nguồn Người Việt