Em không phải người Hà Nội. Nhưng cả tuần này, tối nào em cũng ra Bờ Hồ. Cờ bay phấp phới, vàng xanh nhấp nháy, người người lang thang… Y chang công viên tỉnh lẻ nào đó bên Tàu, chẳng hạn Quảng Tây. Con gái lên ba của em sợ. Cháu ngây thơ: mẹ bảo họ dừng lại đi. Con ơi, mẹ làm sao có thể! Trong khí thế hừng hực, triệu trái tim khắp năm châu hướng về thủ đô yêu dấu, bom hạt nhân cũng chẳng khiến họ dừng.
Tối qua em lại đứng Bờ Hồ. Đúng lúc tổng duyệt âm thanh, ánh sáng. Hồ Gươm giống tranh Picasso. Hàng trăm tia xanh đỏ tím vàng đan chéo. Nhạc xập xình, em không biết thể loại gì. Nhưng nó làm em muốn lắc mông, khiêu vũ. Mười ông Tây bà Nhật đi qua, ít nhất chín “thượng đế” dùng hai tay nút lỗ tai. Họ không chỉ chỏ như đông nghịt đồng bào ta, họ chỉ nhìn nhau cười. Chắc chị hiểu vì sao họ cười.
Và em đã khóc. Em nghĩ về người cha đoản mệnh. Ông từng hăm hở: kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, bố sẽ đưa cả đại gia đình ra Hà Nội, nhà con thuê có đủ chỗ không? Bố không còn. Mẹ từ chối thẳng thừng, cháu chắt chẳng mặn mà. Họ còn bận học, để đỗ đại học, để đến Hà Nội như em, để biến thủ đô văn vật thành nhà trọ khổng lồ. Em nghĩ đến chị, đã hứa với nhau sẽ cùng về một ngàn năm. Bây giờ một mình em ở đây. Chị bên kia đại dương, chắc lòng đốt lửa. Em tự hỏi, biết kể gì cho người phụ nữ gốc Tràng An mê Truyện Kiều tranh Đông Hồ và ô mai chua bây giờ. Chụp hình ư? Chị sẽ chỉ thấy cờ đỏ sao vàng và đèn Trung Quốc. Làm thơ ư? “Đêm nay tôi dạo Bờ Hồ/ Giật mình tá hỏa Hồ Gươm đâu rồi?”. Viết nhạc ư? “Hà Nội vui sao, xanh đỏ vàng lam, ríu rít tắc đường, đây kem Tràng Tiền ngập rác Đông Đô, đây tim nhân tạo rùa thiêng thoi thóp.” Như thế, chị sẽ buồn hơn.
Trong những giọt nước mắt đã thoát khỏi em tối qua, chị tin không, có cả xúc động thực lòng. Về lịch sử dân tộc, về quá khứ xa xưa. Người Việt quần nâu áo vải tay không đánh giặc dựng kinh thành hát ca dao. Đơn giản vậy thôi, em yêu Hà Nội, yêu nước thế thôi. Bất chợt, trong góc tối sót lại góc hồ không xanh đỏ, em thấy cụ Rùa he hé mắt. Nếu em là nhà thơ, chủ tịch Hữu Thỉnh, em sẽ ghi lại tâm tư cụ Rùa bằng một trường ca. Biết đâu bất hủ!
Lâng lâng, chùi vội nước mắt, em luồn ngược dòng người đang phừng phừng lao tới, về nhà. Gương mặt chồng em buồn ai oán. Anh đang chụp tư liệu ở Thư viện Quốc gia, báo chí Việt Nam những năm ba mươi. Cô thủ thư ngăn lại: “Chụp gì nhiều thế? Để bán à?” Anh không thể tưởng tượng tư tưởng tiểu nông đồng bằng Bắc bộ vẫn ăn sâu bám rễ trên những người Việt như vậy. Bán cho ai, ai mua, ai thèm quan tâm? Đếm trên đầu ngón tay dăm ba người nước ngoài nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Đáng ra phải xòe rộng tung hô chào đón. Cái gì cấm thì đã giấu biệt, mấy tờ báo mục ruỗng sắp tàn đời ấy, anh chụp lưu lại sẽ giữ được lâu dài, có thể cung cấp cho thế hệ sau. Thư viện để làm gì, để lưu giữ, để phục vụ bạn đọc, càng nhiều người đọc càng tốt. Thế mà…
Em lựa lời an ủi chồng mà không khỏi xấu hổ. “Hay anh ra Bờ Hồ cho vui, chụp mấy cái ảnh làm tư liệu, ngàn năm mới có một lần.” Mắt chồng em hung lên, mà chị biết, anh ấy chẳng bao giờ như thế. “Anh đi qua trưa nay rồi. Anh không thích. Hà Nội là thành phố nhỏ, cổ kính, thanh lịch, đơn giản. Mất hết những cái ấy, vứt.” Nhớ vài tuần trước, em kể anh ấy nghe Hà Nội định bỏ cả tỷ đô la để ngăn mưa trong thời gian đại lễ. Chồng em không thất kinh, nhưng giọng buồn rười rượi. “Nhiều thứ khủng khiếp đã xảy ra trên đất nước này…” May, dự định ngăn mưa được hủy bỏ. Nếu không, rất có thể những đám mây xám xịt bị đuổi đi sẽ hung hãn quay trở lại và tàn phá tan hoang thành đô sau đại lễ xa hoa, rồi chỉ nhân dân thiệt thòi.
Chị còn nhớ có lần chúng ta tranh cãi hồ nào đẹp nhất Hà Nội. Em cương quyết chọn hồ Bảy Mẫu trong Công viên Lênin, à quên, đổi tên rồi, Công viên Thống Nhất. Được bao bọc bởi cây xanh, cây cầu nho nhỏ và ốc đảo xinh xinh, chẳng khác chốn bồng lai. Những ngày mưa, nước ngập tràn, từ ngoài đường nhìn vào, lòng mênh mang khó tả. Nhiều tháng trước, người ta che hồ, gắn biển cải tạo. Em mừng thầm, chắc nạo vét cho sạch, chắc lắp đặt hệ thống thoát nước hiện đại, chắc sạch sẽ và đẹp hơn nữa. Nào ngờ! Thành từng ô, từng vũng như cánh đồng nuôi tôm. Lại thêm bao nhiêu là đèn nhấp nháy kiểu Trung Hoa trang hoàng đường đi lối lại. Em nghĩ người ta nên đổi tên lần nữa cho hợp lý. Công viên giả Tàu, hồ Ô Ăn Quan chẳng hạn. Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Quê hương! Em biết những ngày này chị nhớ nhung bồi hồi day dứt. Nhất là khi cái lạnh tràn về Berkeley, càng thấm thía nỗi ngậm ngùi. Nhưng sự vắng mặt ở Hà Nội những ngày này, có khi lại tốt cho chị. Để giữ lại một thành phố nhỏ xinh, hiền hòa, nghèo thơm mãi trong lòng. Chị biết không, một số cư dân Hà Nội bạn bè chị và bạn bè em đang trốn nhà tìm nơi hoang vu. Chưa chừng, nếu đang sống ở đây, chị lại là người ù chạy đầu tiên.
Trong số hàng ngàn người đương chạy về Hà Nội, rất nhiều giọng địa phương. Háo hức lắm, tự hào lắm, xúc động lắm. Ngây thơ, thật thà, đáng yêu vô cùng. Hà Nội có lăng Bác Hồ, Hà Nội có kem Tràng Tiền vốn đã cực kỳ hấp dẫn. Hà Nội vô vàn đèn hoa kèn trống thì thực sự ngàn năm mới có. Cố đi xem, có chết cũng thỏa lòng. Chị ơi, Hà Nội của chị vẫn là đất thánh, dù sao chăng nữa.
Cũng đêm qua, trong giấc muộn chập chờn, em mơ mãi về mảnh đất cằn cỗi nơi em sinh ra rồi khôn lớn, Thanh Hóa. Có một lúc, linh hồn những người ngư dân Hậu Lộc bị bắn chết ngoài Biển Đông vây quanh em. Họ khóc ai oán, họ chửi thề, rồi họ nhìn em hối thúc. Em biết họ muốn nói gì. Cũng chính là điều bao nhiêu người Việt theo dõi, đau đớn, tủi nhục những ngày qua. Một công dân Tàu bị Nhật tạm giữ, cả nước Trung Hoa bừng bừng. Dân biểu tình phản đối, Bộ Ngoại giao ra công hàm yêu cầu trả tự do liên tục, rồi Thủ tướng lên tiếng đe dọa. Nhật đành nhượng bộ. Anh chàng đánh cá Tàu lên máy bay về nước dưới sự tháp tùng của nhân viên ngoại giao như một anh hùng. Còn người Việt, ôi người Việt ta, ôi những người đồng hương Thanh Hóa, ôi những linh hồn đang lưu đày chốn đại đương bao la, xin nhận lời tạ tội. Chị ơi, đành vậy.
Sáng nay, em gặp lại thầy giáo cũ, một trong dăm luật sư danh tiếng nhất Việt Nam. Quanh đi quẩn xuống, lại chuyện một ngàn năm. Thầy nói: làm đơn giản thì người ta nói sơ sài quá, bôi bác quá. Làm to thế này thì lại bảo phô trương quá, lăng nhăng quá. Đường nào cũng dở. Chiếc ghế em ngồi tự dưng nóng rẫy. Ô hay, dễ nhất đúng nhất là làm như mình có, sao cứ phải băn khoăn?
Ngày mai, mồng 1 tháng 10, lễ hội chính thức diễn ra. Sẽ người người lớp lớp, sẽ kèn trống rộn ràng, sẽ muôn năm muôn năm. Nhưng em ở nhà. Em muốn một mình. Ở nhà, làm sao kể chị nghe? Chị ơi, em sẽ kể, bằng cảm nhận từ triệu triệu linh hồn đã ngã xuống cho thành Thăng Long, cho thủ đô Hà Nội. Chị đừng buồn, đừng khóc. Cụ Rùa hồ Gươm dù bị mắc cả chùm lưỡi câu nhưng còn sống. Vẫn còn hy vọng.
Chiều 30-09-2010
Đỗ Hoàng Diệu
Theo 2010 talawas
Gửi ý kiến của bạn