BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73327)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đại Việt sử ký tân thư

30 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1083)
Đại Việt sử ký tân thư
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nói lại chuyện năm đó, Tổng trấn Hà Nội là Lê Thế Thảo bàn với Thượng thư bộ Công là Nguyễn Hồng Quân về chuyện dời đô về Ba Vì. Bấy giờ dân chúng Thăng Long phản đối dữ lắm, bèn thôi. Thảo ngồi bên hồ Lục Thủy tấu lên rằng chuyện dời đô là do Quân chứ đâu phải Thảo. Dân gian mới có câu gọi Thảo là "Tổng đốc nuốt lưỡi", sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng.

Tháng tám Thảo định xây dựng 5 cổng chào ở 5 cổng thành Thăng Long, sửa sang lại đường xá bên hồ Lục Thủy. Nhưng chưa kịp làm thì đã bị bọn hủ nho đàm tiếu rằng tốn tiền hao của của dân. Có kẻ mưu sĩ bảo rằng xưa Thục Phán đắp thành ở Việt Thường cứ đắp xong lại sụt, nay chỉ dựng cổng, lát đường, son phấn cho tòa cổ tháp Hàng Đậu chưa làm đã bị dèm pha, ông phải trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông rồi hưng công đắp lại việc mới xong. Thảo nghe lấy làm sợ bèn trai giới 3 ngày cậy sư ở chùa Khai Quang cúng giải hạn. Có kẻ bốc phệ bảo rằng đất ở đó đào ra toàn sét trắng, kim khí ngút giời, ngài tên Thảo là kị, không đào bới động thổ gì ở các cổng được. Sợ biến. Thảo bèn quyết không làm nữa chỉ cho dựng tạm cổng chào bằng phên ép, thắp vạn bóng đèn khắp trong ngoài thành, sơn cho thực màu mè, một đêm đã xong.

Lời bàn của sử thần Ngô Liên Thiên: Trong chiếu dời đô, vua Lý chiếu rằng Đại La là đất có thế rộng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam-Bắc-Đông-Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa...Thực là nơi hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời. Thế mà nay một vị tổng đốc Thăng Long có nghề cũ là kiến trúc lại bàn chuyện dời đô để kinh đô vào thế rúc đầu vào núi và rời xa sông. Thực là ngu vô đối.

Ngày dần, tháng 8, có dị nhân nam thành Thăng Long cầm phướn trắng nói sẽ xua mưa trong 7 ngày đại lễ. Nữ quan khí tượng họ Nguyễn tên gọi Lan Châu tấu lên rằng ở bên Tàu người ta phải tốn kém muôn vạn ức bắn mây ngăn mưa thế là đã không còn tin gì ở những kẻ dùng phép ma mị lừa gạt dân chúng. Lại nói xưa Gia cát võ hầu dựng đài Thất tinh dưới chân núi Nam Bình cầu gió đông cũng là do ý trời chứ làm gì có chuyện trên thông thiên văn, dưới tường...địa chất. Họ La dựng nên câu chuyện thần bí đâu có dẫn được phép tắc nào ra. Nguyễn thừa tướng nghe vậy nên không tin lời dị nhân nữa, mới xuống chiếu cấp cho khí tượng nha 6 tỷ quan tiền để báo mưa.

Sử gia Lê Chưa Hưu bàn: 6 tỷ quan tiền chỉ để biết trước có mưa trước nửa canh giờ trong khi một kẻ thường dây mắc chứng dị ứng thời tiết, chẳng cần phải biết mưu cập bốc phệ chẳng cần phải hỏi quỷ thần chuyện hung cát cũng có thể đoán ra mưa trước hai ngày, há phải là hoang phí lắm ru

Tháng bảy, trên internet truyền lời sấm rằng:

Một rồng bay lên

Một rồng lặn nước

Bãi cháy ngút lửa

Công đầu sao rơi

Có người giảng rằng Đại lễ thành Thăng Long là việc rồng bay. Rồng lặn là điềm cầu Long Biên sẽ sụp xuống sông Cái. Bãi cháy ứng với địa danh Bãi Cháy ở Quảng Ninh, tất xảy cháy lớn. Còn sao rơi ám chỉ một quan lớn sẽ chết.

Đồn rằng do chúc dân Phan Bích Hằng truyền ra.

Chính Bắc thành Thăng Long, sát bờ sông Cái có người xây một ngôi mộ ghi chào mừng ngàn năm.

Tháng tám, động đất ở xứ Thanh. Chúng lo sợ lắm đem cả 3 việc này về báo rằng: có sao chổi thì có binh biến, có động đất thì ắt có một rồng lìa đầu. Vương lo sợ mới sai Thái thú Thăng Long là Phạm Quang Nghị ngồi xe đến thăm khai quốc công thần Nguyên Giáp Võ Hầu người đã 2 lần giữ thành Thăng Long năm Bính Tuất và năm Mậu Tí. Thấy ngài đã già yếu lắm.

Mùa thu, nước Đức dâng bia

Dịch lợn xanh tai lan khắp 31 phủ. 9 châu xảy cháy rừng

Ở làng Kẻ Noi, tổng Cổ Nhuế, phủ Hoài Đức 1000 con bọ xít hút máu xuất hiện.

Đông Hải có biến. Triều đình sai phó binh bộ thượng thư Nguyễn Chí Vịnh đi sứ sang Tàu. Vịnh nguyên là con trai út của Binh bộ thượng thư Nguyễn Vịnh, người năm chết đói Ất dậu được nhà vua cho tên là Nguyễn Chí Thanh. Vịnh là người thâm trầm, có chí lớn, tương truyền khi nhỏ, có lần đi chơi ở Tây Hồ thấy vị tướng quân tập bắn mới cười rằng: Bắn thì có gì khó, phải không bắn mà giặc trúng tên mới là cách bắn của bậc trí giả. Vịnh bình sinh thích nhất Tào Tháo, coi đó là bậc kỳ tài, thường nói với chúng rằng: Đã kế, thì phải hiểm. Không hiểm thì đến Gia Cát Võ Hầu chia ba thiên hạ từ hồi còn trong lều cỏ cuối cùng cũng là kẻ thua mà thôi. Về sau khi nắm binh quyền trong tay, Vịnh lập ra mạng lưới thám mã, quyền nghiêng thiên hạ.

Cuối tháng 9 nhân ngày nước Tàu khai quốc, Triều đình 3 vị tam công gửi sứ điệp xưng thần, xin giữ 16 chữ vàng

Mùa thu năm đó, cho đúc tượng Phù Đổng Thiên Vương trên núi Sóc hết 85 ngàn cân đồng, 60 tỷ quan tiền. Có mụ phú gia xin được đúc tim vàng. Việt Vương nghe thế bèn ngoảnh hỏi tả hữu. Có kẻ áo vàng đầu trọc tấu: Cổ kim đông tây chưa đâu có tim tượng,ở ta có lệ yểm tâm. Vương nghe đến thế đã có ý chỉ rằng: Chúng không có thì ta có mới là độc. Lại nghĩ tim thì phải có động mạch, tĩnh mạch mới treo được ở trong. Bèn sai người đúc tim cho cả người và ngựa gắn trong ngực đồng.

Ngày tí, tháng 9, Có quan thống kê họ Đỗ tên Thức tấu lên rằng cả nước có 688,4 nghìn lượt hộ với 2653,9 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói.

Dưới thềm, Thượng thư bộ Mõ tấu lên xin triều đình cấp tiền cho các mõ nha. Bèn phẩy tay cho thượng thư bộ Lương tài là Vũ Văn Ninh mở kho cấp ra 52 tỷ quan tiền.

Có con buôn là Tôn Trung Dân phú chủ Trường Thành ở phủ Hoài Đức xin dâng 100 tỷ quan tiền làm cống phẩm "Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long". Vương phê

Ngày tí, tháng 9, Thành nhà Mạc thất thủ ở phủ Hưng Hóa.

Sử gia Lê Chưa Hưu bàn: Đại Việt bấy giờ đang vay nợ rất nhiều. Dự trữ trong ngân khố còn rất ít. Nhưng lại tung tiền cho câu chuyện lễ lạt, thế thì tiêu tốn tiền của sức dân biết chừng nào mà kể. Của không phải trời mưa xuống, sức không phải là thần làm hộ, há chẳng phải vét máu mỡ của dân ư! Vét máu mỡ của dân, có thể gọi là làm việc phúc chăng?

Ngự sử Ngô Liên Thiên bàn: Ngàn năm trước, rồng vàng hiện ra ở nơi thuyền rồng vua Lý ngự là điềm tốt cho việc lập thành Thăng Long. Cổng thành nhà Mạc có 418 năm tuổi thọ sau một đêm bỗng biến thành lò gạch vài ngày tuổi. Điềm này xấu bởi năm xưa có kẻ sĩ là Nam Cao đã kể những câu chuyện liên dân về một kẻ là Chí phèo đã sinh ra từ lò gạch. Phúc họa mới biết là thật khó lường.

(trích)

30-09-2010

Đào Tuấn

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn