BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gameshow “Ai đến thành Thăng Long”

29 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1216)
Gameshow “Ai đến thành Thăng Long”
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Không phát sóng bộ phim “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long”, Đài truyền hình nào phát sóng thì tự chịu trách nhiệm với công chúng về chất lượng bộ phim”- Cuối cùng sự kiện ngu dốt nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam cũng đã chấm dứt, vó ngựa của “Lý Triển Chiêu” đã phải dừng ngoài ải Nam Quan khi Hội đồng duyệt phim Quốc gia đưa ra ý kiến về bộ phim này. Tuy nhiên, đây chưa phải là quyết định cuối cùng, vì có lẽ, phải còn chờ ý kiến của bác Hùng, Phó Thủ tướng, người một năm trước đã có văn bản cho phép đưa bộ phim vào chương trình chính thức của Đại lễ.

“Sự kiện ngu dốt nhất trong lịch sử” là từ dùng của Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân. Theo ông, phim lịch sử dù sai một chi tiết là đã không thể chiếu, mà bộ phim này lại có quá nhiều chi tiếc sai lệch về phục trang, khung cảnh....phải chăng có "ý đồ riêng của nhà sản xuất phim" khi cho thấy một sự lệ thuộc văn hóa vào Trung Quốc? Phải chăng chiếu một bộ phim như vậy nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là một "sự phá hoại"? Đối với “vụ vinashin về văn hóa này” cần phải cho vào kho để đánh dấu rằng trong điện ảnh Việt Nam đã từng có một sự kiện ngu dốt đến như vậy. Còn Lý Triển Chiêu là cách nói của nhà văn Trần Thị Trường trong một bài viết với nhan đề “Lý Công Uẩn biến mất trong Đường tới thành Thăng Long”. Ngẫm ra, ông già Công Uẩn không biến mất mới là lạ, khi mà đạo diễn chính người Trung Quốc của phim đã từng làm “Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên”, còn đạo diễn Việt thì trước nay mới chỉ làm phim game show.

Trong cái game show “Ai đến thành Thăng Long” đó, Tạ Huy Cường đã biến Thái tổ Lý Công Uẩn thành gì? Thành Tần Thủy Hoàng hay thành Lý Triển Chiêu? Lý Công Uẩn chẳng khác Tần Thủy Hoàng. Thiền sư Vạn Hạnh y tróc Đường Huyền Trang. Binh lính mặt lạnh, mắt một mí đúng hệt tinh kỵ của Hán cao tổ Lưu Bang. Nhà cửa, thành quách, đền đài cho đến áo mão lời ăn tiếng nói, lối tư duy và cả những âm mưu nội cung thâm hiểm không sai một ly Tống triều. Đường tới thành Thăng Long không đơn giản chỉ là “bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt" như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng nhận xét mà là một sự điếm nhục văn hóa, một cống phẩm cho một “đại lễ 1000 năm đô hộ”.

Nhưng sự ngu dốt chưa dừng lại ở đó. Chu Tước - một địa danh không có thật trong lịch sử mà bộ phim đưa vào trong sự kiện Lê Hoàn đánh quân Tống - đã được sửa thành ải Chi Lăng. Nhưng ngay cả việc sửa chữa chỉ là sửa từ cái sai này sang một cái sai khác. Lý luận trong phim là “không cần đánh, quân Tống tự rút” với một lời “sấm” được nhét vào miệng Thiền sư Vạn Hạnh. Mặt khác, tuy tên bộ phim là Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long nhưng chỉ có 1-2 tập phim đề cập chủ đề này, số còn lại phản ánh cuộc tranh giành quyền lực trong các triều đại. Những cảnh chém giết nhau được mô tả khá kỹ, thể hiện tính dã man, tàn độc của những người tranh ngôi, đoạt vị…

Khổ cho ông già Lý Công Uẩn, người khai sáng 400 năm triều Lý, một trong 3 triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam . Trong phim này, có lúc con cháu thấy ông búi tó chỉ tay y như Tần Thủy Hoàng. Có người gọi ông là Lý Triển Triêu…Nhưng cũng vì ông, 100 tỷ đi bay giữa thời buổi túi tiền con cháu ngày càng teo tóp. Cũng vì ông và vì cái chuyện dời đô ngàn năm của ông mà con cháu phải chọn lấy cái ngày 10-10-2010 cho đẹp với con số 1000 để biến cả dân tộc thành một lũ trọc phú văn hóa.

Ý kiến của phía Hội đồng Duyệt phim là kiến nghị không phát sóng bộ phim trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Còn bao giờ phát sóng truyền hình và phát ở đài nào sẽ phụ thuộc vào các đối tác truyền hình của đơn vị sản xuất phim. Khi đó, đơn vị phát sóng sẽ phải lập hội đồng duyệt, yêu cầu sửa chữa theo đề nghị của họ đến mức có thể chấp nhận được và sẽ chịu trách nhiệm trước công luận về chất lượng của bộ phim. Nhưng gameshow “Ai đến thành Thăng Long” có lẽ vẫn chưa dừng lại ở đây. 100 tỷ mà Trường Thành đã ném ra rõ ràng là không phải cát ngoài sông. Ai mà biết khi bị buộc phải quyết định, bác Hùng, sẽ nghĩ gì, có thèm xem qua chí ít là cái trailer sặc mùi hảo hảo đó!

GS.TS Đinh Xuân Dũng, cố vấn nội dung cho bộ phim nhưng lại phát biểu với tư cách Ủy viên thường trực hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, rằng: Bộ phim đã thể hiện sinh động với một tình cảm sâu sắc, một thái độ trân trọng với lịch sử.

Lịch sử nào và tình cảm ấy là là một bộ phim mùi Tàu?

Tiến sĩ Đoàn Thị Tình - họa sĩ thiết kế trang phục của phim khẳng định toàn bộ trang phục trong phim là dựa trên chính sử Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí... đến các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc như tượng, phù điêu... còn hiện hữu ở bảo tàng và nhiều di tích đình, chùa... chứ không phải tự bà vẽ ra. Khi thiết kế trang phục, bà nói phải dựa vào các miêu tả của thư tịch cổ và tượng thời Lý tại đình đền và long bào của vua Lý dựa theo tượng vua Lý ở chùa Kiến Sơ, Hà Nội. Còn giáp trụ của tướng lĩnh dựa vào tám pho tượng Kim Cương tại các chùa ở Bắc Ninh, Hà Nam . Giáo sư sử học Lê Văn Lan sau đó đã nói: "Tôi là người duyệt cái cuốn sách của bà ấy đang in về trang phục Thăng Long Hà Nội nhân dịp đại lễ kỷ niệm này. Chính trong quyển sách đó tôi đã chỉ ra cái nào bà ấy viết đúng cái nào là viết không đúng. Những cái đúng nó nói ngược lại cái lời của bà ấy. Khi viết sách thì bà ấy dẫn ra được khá nhiều tư liệu để chứng minh cái thời ấy người ta như vậy. Bây giờ thì bà ấy lại nói ngược lại với quyển sách bà ấy sắp in do tôi duyệt.

Đào Tuấn

29-09-2010

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn