Tôi không theo đạo. Gia đình tôi bố mẹ đều là Đảng viên mấy chục năm thâm niên chưa một lần nói đến Phật hay Chúa. Cũng như các gia đình Việt khác, chúng tôi chỉ thờ ông bà tổ tiên. Vì vậy, những khái niệm về tôn giáo đối với tôi gần như là con số 0. Nhưng dù là vậy, việc chính phủ ngăn cản tự do tôn giáo khiến tôi ngỡ ngàng. Chợt nhớ một ngày đông tôi một mình ra sân bay quay lại tiếp tục chương trình học, đường đi dài đến gần tiếng đồng hồ, tôi và tài xế lái taxi cũng có cuộc nói chuyện ngắn ngủi. Anh kể mình vừa cưới vợ được 1 năm, thủ tục giấy tờ kết hôn xong xuôi cũng là lúc anh phải bỏ việc tại một cơ quan nhà nước (thuộc bộ Công an) vì vợ anh theo đạo. Chỉ cần gia đình có người theo đạo là cấm tiệt, chỉ còn đường đi làm tư nhân, bên bộ điều tra lý lịch rõ ràng nghiêm ngặt, không giấu nổi.
Hà Nội có nhà thờ lớn sừng sững giữa trung tâm, xung quanh đó là hàng chục quán café trà đá mà mỗi tối là nghìn nghịt thanh niên kéo nhau đến lê la đông đúc. Có lẽ ít ai biết đến tên thật của Nhà thờ lớn, là St.Joseph’s Cathedral, được xây dựng năm 1886, dựa trên kiến trúc của nhà thờ Đức Bà Notre Dame de Paris, Pháp. Đêm 24/12/1886, lần đầu tiên tiếng chuông nhà thờ rung lên, réo rắt. Và chẳng rõ tiếng chuông đã dừng lại từ bao giờ, im ắng đã được bao mùa Giáng sinh, và liệu sẽ có ngày réo rắt trở lại chăng? Năm 1651, nhà thờ Phố Hiến (Hưng Yên) được dựng lên, cũng là lần đầu tiên người dân Việt biết đến đạo giáo. Rồi từ ngày ấy, nơi nhà thờ cổ nhất Việt Nam vẫn đón chào hàng ngàn người dân đến làm lễ và cầu nguyện. Mãi cho đến sau 1975, tức sau gần 3 thế kỷ, bóng dáng giáo dân qua lại thưa thớt hẳn. Trong một bài viết rất buồn nói về nhà thờ Phố Hiến, nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: “Những năm 60, người Công giáo ở miền Bắc bị coi là công dân hạng hai. Đặc biệt với khu Bùi Chu – Phát Diệm, nơi có hơn 50% giáo dân ra đi, nhà thờ và linh mục có thể bị chụp mũ là gián điệp. Quá khứ của Phố Hiến ngồn ngộn những câu chuyện truyền kỳ. Từ những chiếc thuyền thương buôn cho đến số phận những con người vô danh đi qua nghịch cảnh, khiến cho tiếng chuông cổ của nhà thờ ngân nga bài hát về nhân thế hôm nay, lại khốn cùng hơn.”
Tôn giáo là một vấn đề lớn mà không ai có thể giải thích được, nó trở thành linh hồn, văn hóa và lịch sử của thế giới. Biết bao những kiệt tác nghệ thuật, công trình kiến trúc, những tác phẩm văn học, nhuốm đậm mọi tư tưởng tôn giáo khác nhau, hình thành nên một dân tộc, một con người, đa dạng muôn hình muôn vẻ. Sự phát triển từ xưa đến nay không chỉ đơn thuần dựa trên khoa học, dù đã có những cuộc tranh cãi khốc liệt giữa tôn giáo và khoa học, nhưng không ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của tôn giáo, đặc biệt đối với mỗi cá nhân. Bởi có tôn giáo là có sức mạnh, niềm tin, và tình yêu thương. Chẳng trách mà trong mọi hệ thống cấp bậc giáo dục của Mỹ, học sinh luôn được yêu cầu học ít nhất một lớp về tôn giáo. Tôi từng học một khóa học “Religion and film” – Tôn giáo và phim ảnh. Rất ngạc nhiên rằng trong tất cả những kiệt tác “masterpiece” điện ảnh đỉnh cao thế giới, luôn hiện hữu ý nghĩa tôn giáo rõ rệt, từ các bộ phim hoạt hình dành cho con nít tưởng chừng rất giản đơn. Và từ đó tôi nhận ra rằng nhận thức tôn giáo nằm ở ý thức hệ cao hơn, sâu hơn những gì mắt thấy tai nghe một cách đơn thuần. Tôn giáo phát triển nhanh và mạnh mẽ, tự bản thân nó đã hình thành nên một thế giới, hệ thống riêng. Chính vì vậy, thông thường, chính phủ các nước phát triển cũng rất e dè khi đụng chạm vào một cộng đồng tôn giáo nào đó, thế chẳng khác nào đụng vào ổ kiến lửa. Hàng trăm ngàn cuộc chiến tôn giáo xuyên suốt lịch sử đã minh chứng cho điều đó.
Một người thầy tôi từng bâng quơ nói, một đất nước vô thần, là một đất nước đáng tội. Câu nói ấy có chăng quá cực đoan hay không? Bản thân tôi nghĩ nhẹ nhàng hơn, đó là sự đáng tiếc, vì có lẽ thế hệ vô thần kế tiếp sẽ khó để cảm nhận được hết những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đêm Giáng sinh, đối với họ, chẳng khác mấy một ngày nghỉ cuối tuần, nô nức kéo nhau ra phố phường, thâu đêm trong những quán bar, ăn mừng ngày sinh nhật Chúa.
Hoàng Giang
Nguồn Blog Hoàng Giang
Gửi ý kiến của bạn