BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Tên Biệt Kích Của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng

23 Tháng Hai 201612:00 SA(Xem: 3009)
Những Tên Biệt Kích Của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng
513Vote
40Vote
30Vote
20Vote
151Vote
1.864
Nhà báo Huy Đức viết trong Bên Thắng Cuộc :

"Trong những thời khắc bị đưa tới tận cùng, lịch sử, tự thân nó, lại thai nghén những nhu cầu thay đổi. Cuối thập niên 1970 trí thức, văn nghệ sỹ miền Bắc bắt đầu suy ngẫm về những giá trị mà họ có thể tiếp cận ở miền Nam, qua sách báo, tivi, tủ lạnh. Trong khi tại Sài Gòn, Vũ Hạnh, Trần Trọng Đăng Đàn, Thạch Phương, Trần Văn Giàu… viết sách, viết báo, lăng mạ văn nghệ sỹ miền Nam thì ở miền Bắc, thanh niên bắt đầu tìm đọc các tác phẩm của họ. Từ trước khi chiến tranh kết thúc, nhiều nhà văn miền Bắc đã thay đổi cách nhìn hiện thực và có không ít người cảm thấy xấu hổ với những trang viết của mình."

Đã 35 năm kể từ ngày "Những Tên Biệt Kích Của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng" ra đời, các nhà văn nhà báo miền Nam "trong cái chiến tuyến chung của tổ quốc xã hội chủ nghĩa" nhiệt tình lăng mạ những người "cầm bút phản động" miền Nam đã bao giờ cảm thấy xấu hổ ? Đã thật sự ăn năn, hối hận ?

Công tâm mà nhận xét, đám "thành phần thứ ba", "cách mạng 30", "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" chưa hề biết xấu hổ ! Họ tận tụy phục vụ cách mạng nhiệt tình hơn hẳn những những người cộng sản chân chính. Họ hãnh diện "lột" người ! Họ lăng mạ "Bên Thua Cuộc"!Và họ chỉ "thức tỉnh" tuổi xế chiều !

Vài người trong số họ cố gắng viết những dòng "phản tỉnh" để khỏa lấp một quá khứ văn nô. Không thấy họ đấm ngực ăn năn vì "sự nghiệp vĩ đại" của mình. Những người này, giống như nhận định của Vương Trí Nhàn về nhà văn miền Bắc đại tá Nguyễn Khải :

"Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết Đi tìm cái Tôi đã mất? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết Di cảo thơ, và Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông “cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình” như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng)."

Buồn thay, đất nước ta có quá nhiều nhà văn, nhà báo, nhà đấu tranh, nhà phản kháng, nhà trí thức... đã thủ sẵn hai "cục gạch" trong nhà !

Hưng Việt đăng lại "Những Tên Biệt Kích Của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng" để độc giả có thể cảm nhận được một thời kỳ khốn nạn của những nhà văn, nhà báo miền Nam bị trù dập, bị xỉ vả, bị nhục mạ bởi tập thể văn nghệ sĩ trí thức "đỉnh cao trí tuệ".

 ***



Lời Giới Thiệu

Trong chính sách xâm lược miền Nam Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, đế quốc Mỹ, bên cạnh thủ đoạn nhúng tay trực tiếp - một thủ đoạn tin cậy nhất nhưng ít mang lại hiệu quả - đã biết đánh giá đúng vai trò của bọn tay sai cầm bút. Những người này là chiếc cầu nối giữa đường lối, chủ trương của Mỹ và chính quyền tay sai với quần chúng nhân dân, là công cụ trực tiếp thực hiện chủ nghĩa chống cộng về mặt tư tưởng và triển khai chính sách văn hóa của Mỹ-ngụy. Vạch trần bộ mặt làm tay sai, phục vụ quyền lợi đế quốc thực dân của một bộ phận cầm bút phản động cũng chính là góp phần vạch trần những âm mưu, thủ đoạn nằm trong chính sách văn hóa thực dân mới của đế quốc Mỹ.

Nếu trong lĩnh vực chính trị, Mỹ cần một đội quân tay sai đông đảo để lập một bộ máy thống trị, bộ máy quân sự đủ mạnh nhằm chống lại phong trào cách mạng của nhân dân ta thì, trong lĩnh vực văn hóa và tư tưởng chúng cũng thiết lập một đội quân tác động tinh thần, trực tiếp đánh phá cách mạng từ trong gốc rễ. Những gì do bộ máy kìm kẹp, khủng bố, do bom đạn và đồng đô la không mang lại hiệu quả mong muốn thì Mỹ đã có đội quân này để giúp nó đạt mục đích. Sử dụng đội quân cầm bút làm vũ khí, qua thực tế chứng minh, đưa đến hiệu quả chắc chắn hơn, lâu dài hơn.

Đối vớc các chuyên gia Mỹ việc nắm đội quân văn hóa, tư tưởng ở miền Nam nằm trong âm mưu nắm một bộ phận khá lớn trong xã hội là tầng lớp trí thức trung gian. Thực tế cho thấy, vai trò của bộ phận trí thức ở các "nước thuộc thế giới thứ ba" và ở miền Nam nói riêng có ảnh hưởng lớn đối với phong trào cách mạng. Chính những nhân vật có tư tưởng tiến bộ xuất thân từ giới trí thức. Họ hòa vào phong trào đấu tranh cách mạng và có người trở thành người lãnh đạo cuộc đấu tranh chống đế quốc thực dân của nhân dân ở các nước này. Nhưng mặt khác giới trí thức, do có tinh thần dễ dao động, có thể trở thành môi trường nuôi dưỡng các trào lưu tư tưởng chính trị phản động. Nắm được bộ phận này, thông qua bộ phận này Mỹ và chính quyền tay sai hy vọng sẽ thực hiện được chương trình "tranh thủ trái tim và khối óc" của quảng đại quần chúng nhân dân.

Do chỗ giới cầm bút nói riêng và giới trí thức nói chung đóng vai trò lớn trong lĩnh vực tư tưởng xã hội và thường tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng cũng như số phận đất nước, đế quốc Mỹ chú ý đặc biệt tới những cách thức tác động, lôi kéo họ theo chiều hướng phục vụ trực tiếp, hoặc theo chiều hướng có lợi cho chúng. Ngay từ ngày mới đặt chân lên Việt Nam, các chuyên gia Mỹ đã có những hành động nhằm móc nối tập hợp đội quân tay sai này. Đối tượng mà Mỹ nhắm tới chính là bọn tay sai của Pháp hoặc thân Pháp hoạt động trong các thành thị do Pháp chiếm đóng. Mỹ còn bỏ tiền, giúp phương tiện cho Pháp di chuyển toàn bộ bộ máy chính quyền, trong đó có bộ máy tác động tinh thần, từ miền Bắc vào miền Nam, sau ngày hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954 về Việt Nam được ký kết, để làm lực lượng đầu tiên khi Mỹ hất chân Pháp.

Nhưng âm mưu của Mỹ còn tính tới những bước lâu dài và chắc ăn hơn. Chúng muốn lập nên ở miền Nam Việt nam một đội quân "bản xứ chung máu mủ và màu da, nhưng Mỹ hóa về chính kiến đạo đức và trí lực". Nói khác đi là "dùng người Việt nam đánh lại người Việt Nam" vì quyền lợi của Mỹ. Theo ý kiến của những chính trị gia và tư tưởng gia phản động Mỹ, có như vậy chúng mới dễ dàng thực hiện được những âm mưu về chính trị cũng như văn hóa ở vùng này. Muốn thế, một mặt chúng áp dụng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm mua chuộc, lôi kéo lực lượng đã có sẵn, mặt khác thông qua chính quyền tay sai thực hiện công việc đào tạo một cách rộng rãi, có hệ thống tại miền Nam, cũng như thu nhận sinh viên miền Nam vào học trong các trường của Mỹ, đào tạo họ thành một đội quân có chuyên môn làm nòng cốt trong bộ máy tư tưởng và văn hóa. Ngoài ra Mỹ khuyến khích chính quyền ngụy tổ chức các hoạt động khác về văn hóa, giáo dục cốt để lôi kéo những cây bút hoạt động không thuộc bộ máy nhà nước, những cây bút mới trưởng thành vào quỹ đạo tư tưởng của chúng. Lực lượng văn hóa trog quân ngụy cũng là một thành phần đáng kể. Thực tế cho thấy, quân đội ngụy ngoài chức năng chủ yếu trực tiếp, còn thực hiện một số chức năng khác, trong đó có việc tham gia giải quyết một số vấn đề về tư tưởng và văn hóa.

Xuất phát từ những vấn đề trên và bằng nhiều con đường khác nhau, nhìn chung Mỹ và các chính quyền tay sai của chúng trong hơn hai chục năm xâm lược miền Nam đã tổ chức được một đội ngũ cầm bút khá đông đảo. Giới cầm bút Sài Gòn thời Mỹ - ngụy hoạt động ở hầu khắp các lĩnh vực, xuất phát từ nhiều hoàn cảnh và với nhiều mục đích, nhiều thái độ khác nhau. Do đó biểu hiện trong tư tưởng và sáng tác cũng thuộc nhiều khuynh hướng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trừ những người hoạt động mà tư tưởng và sáng tác thuộc khuynh hướng yêu nước tiến bộ, hầu hết giới cầm bút Sài Gòn hoặc trực tiếp chịu sự chỉ đạo hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của chính sách văn hóa tư tưởng của chủ nghĩ thực dân mới Mỹ - một chính sách cực kỳ phản động trong thời đại ngày nay.... (bản in xấu không đọc được).... Nguyễn Mạnh Côn đã từng là tay sai của phát xít Nhật, của bọn Tàu Tưởng và sau hết là "sĩ quan đồng hóa" trong quân đội ngụy . Chu Tử xuất thân từ một gia đình địa chủ lớn. Phạm Duy một thời đi theo kháng chiến, đến 1953 trốn về Hà Nội, vùng Pháp tạm chiếm (nhưng trước thời kỳ kháng chiến cũng đã từng xin đăng lính ONS); đầu 1954 đi Pháp, cuối 1955 về miền Nam và trở thành tay sai đắc lực, kẻ phản động đầu sỏ trong lĩnh vực âm nhạc ở miền Nam.

Lực lượng thứ hai đáng kể, chính là bọn phản động vốn nằm sẵn ở miền Nam. Võ Phiến từng bị án tù của cách mạng, hoạt động cầm bút với động cơ hận thù giai cấp. Hồ Hữu Tường là một tên trốt-kít, ngày trước từng hoạt động chống cách mạng, chống kháng chiến. Rất đông những người mới lớn lên trong vùng kìm tỏa của chủ nghĩa thực dân mới, chống cách mạng chỉ vì bị đầu độc, vì ngộ nhận, vì cái ngông nghênh tiểu tư sản. Một bọn khác là tay sai của CIA hiện còn hoạt động trong các tổ chức đảng phái phản động, các tổ chức tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, lợi dụng niềm tin âm mưu đẩy dần các tổ chứ này vào con đường hoạt động chính trị phản động. Thích Nhất Hạnh, sát ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chạy theo chủ ra nước ngoài, vẫn không từ bỏ con đường cũ, cùng một số tên khác tổ chức những hoạt động, nhằm kích động, xúi giục người di tản bất hợp pháp, hòng gây thêm tình trạng khó khăn cho cách mạng.

Một bộ phận khác cũng đáng được chú ý là bọn phản động đầu hàng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Những người này vì không chịu được gian khổ, bị bắt, không chịu được sự tra tấn, tù đày đã ly khai tổ chức, rởi bỏ đồng đội quay lưng với kháng chiến, thậm chí có kẻ vì bả lợi danh đã cam tâm làm tay sai cho kẻ thù, chống lại cách mạng, chống nhân dân. Đó là những tên như Xuân Vũ, Nam Hải, Phạm Thành Tài, Nguyễn Anh Tuấn v.v...

Nói về đội ngũ cầm bút phản động, Lữ Phương trong một bài viết gần đây, khi dẫn lại ý kiến của một người cầm bút trước đây, đã cho rằng : nếu xét dưới góc độ là phạm vi ảnh hưởng của đồng đô la, chúng ta thấy có khá nhiều kẻ chọn lựa làm công việc viết lách chống cộng như một phương tiện kiếm ăn cần thiết... Nhưng theo thói quen của giới văn nghệ sống trong vùng địch tạm chiếm trước đây, các hoạt động như vậy thường được coi là thuộc lĩnh vực chiến tranh tâm lý, không thuộc phạm vi văn nghệ và thường bị rẻ rúng, bị coi khinh. Bộ phận thứ hai là những người làm văn nghệ thực thụ, là "viết lách với khao khát đem lại điều mới lạ, khao khát sáng tao" (!) và được gọi một cách xứng đáng là nhà văn, nhà thơ. Lữ Phương cũng cho rằng sự phân chia đó không hoàn toàn đúng. Bởi vì bên cạnh những người cầm bút vì "mục đích kiếm sống" mà làm tâm lý chiến, trên thực tế trong hàng ngũ các "nhà văn, nhà thơ" chống cộng, có rất nhiều kẻ lấy hẳn hoạt động chiến tranh tâm lý làm nghề nghiệp, không hề có sự phân biệt giữa chiến tranh tâm lý và văn nghệ. Đối với họ văn nghệ là phương tiện, là vũ khí, cũng có người viết văn chống cộng cốt để được chính quyền tài trợ. Hình thức tài trợ kiểu này được che giấu một cách không khéo. Vì thế tính chất lừa gạt của họ cũng cao hơn. Một số người khác như Thế Uyên, Nhã Ca, Duyên Anh... chấp nhận chủ nghĩa chống cộng với một thái độ hoàn toàn tự nguyện. Nhưng nếu xét gốc rễ thái độ thù địch của họ đối với cách mạng, thái độ đó có nguyên nhân ở sự tác động của chủ nghĩa thực dân mới. Họ vừa là kẻ thù của cách mạng, của nhân dân. Nhưng nếu xét đến cùng họ cũng vừa là nạn nhân của đường lối xâm lược tinh vi, xảo quyệt của Mỹ.

Dù xét dưới tác động nào, hoạt động chống cộng bằng văn nghệ của đội ngũ những cây bút này là những hoạt động có ý thức. Ý thức đó biểu hiện trước hết trong thái độ chấp nhận trật tự xã hội thực dân mới, chống lại một cách điên cuồng chủ nghĩa cộng sản. Họ cho văn nghệ là sự chọn lựa một phạm vi hoạt động, một phương tiện để đạt mục đích và tự nguyện dùng ngòi bút của mình phục vụ cho chế độ.

Thái độ tự nguyện của họ cũng đã có nhiều người tự nói ra. Vũ Hoàng Chương tự ví mình là "viên gạch để xây bức trường thành ngăn sóng đỏ". Nguyễn Mạnh Côn tuyên bố: "Tôi viết vì nhu cầu chính trị và kiếm sống. Tôi chưa hề thấy sáng tác vì yêu văn nghệ". Hoặc: "Năm ngoái tôi được một cơ quan nghiên cứu chính trị xã hội trợ cấp cho mỗi thằng 10 ngàn để viết văn chống cộng, nhưng cơ quan này không phải là một tờ báo, nên thật ra là cho không". Doãn Quốc Sỹ coi mình như "một viên kim cương, răng cộng sản không sao nhá được".

Hoạt động chống cách mạng, chống nhân dân bằng văn nghệ chưa đủ, họ còn trực tiếp hoạt động trong các tổ chức đảng phái chính trị phản động, trong bộ máy chính quyền tay sai, làm gián điệp cho đế quốc xâm lược. Đối với loại này, chống cộng là mục đích. Làm chính trị, đồng hóa sĩ quan để trực tiếp cầm súng hay cầm bút, làm đầy tớ hay "làm chúa đàn, làm văn nô hay làm văn sĩ, làm tâm lý chiến hay làm văn nghệ" dục tình, văn chương siêu thực, văn chương hiện sinh v.v... không cần phải băn khoăn gì nhiều. Đó chỉ là những phạm vi hoạt động khác nhau do hoàn cảnh, do thời thế. Điều mà họ lưu tâm là làm sao chống cách mạng, chống cộng cho có hiệu quả. Thái độ đó xuất phát từ sự thù hằn sâu sắc của một giai cấp, một tầng lớp bị cách mạng làm cho mất quyền lợi... không đọc được...

Xét về văn nghệ, sáng tác của những cây bút chống cộng đi theo hai khuynh hướng rõ rệt. Khuynh hướng thứ nhất là khuynh hướng văn nghệ phản động. Khuynh hướng này xâm nhập vào các lĩnh vực văn, thơ, nhạc, kịch, phim ảnh của miền Nam trước đây. Chủ đề của thứ văn nghệ này có nhiều loại. Loại thứ nhất : tập trung xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Mặt Trận Việt Minh; vu khống, đả kích chủ nghĩa cộng sản, cán bộ cách mạng và chế độ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Phần lớn nhân vật chính trong các tác phẩm thuộc loại này thường xuất thân là người có tham gia kháng chiến, hoặc là cán bộ cách mạng. Các nhân vật ấy, bao giờ cũng được tác giả gán cho những đặc điểm, những tính cách xấu xa. Tác giả cường điệu những mặt đó lên, biến hình tượng thành những biểu tượng cho cái xấu, cái ác đáng ghê sợ, đáng kinh tởm, hoặc cường điệu hóa để xuyên tạc những vấn đề thuộc về tổ chức Đảng, về chuyên chính vô sản nhằm mục đích hù dọa, khủng bố tư tưởng người đọc, gieo vào lòng họ ấn tượng kinh khiếp; mong qua đó tìm thấy ở người dân một thái độ thù nghịch đối với chủ nghĩa và con người cộng sản, và một thái độ đồng cảm với chúng. Tác dụng của loại chủ đề này còn có ý nghĩa biện minh cho chính sách phát xít của bọn cầm quyền, cho thái độ đầu hàng của những người viết, ngăn chặn hoặc làm hạn chế ảnh hưởng vốn rất mạnh mẽ về mặt tâm lý, tình cảm mà chủ nghĩa xã hội và cách mạng mang lại cho nhân dân.

Loại chủ đề thứ hai : ca ngợi chế độ quốc gia, tô vẽ cho "công cuộc chống cộng" xây dựng quốc gia, hoặc trực tiếp ca tụng cá nhân bọn tay sai. Hình tượng thuộc loại này bao giờ cũng là sự đối lập lại những hình tượng thuộc chủ đề trên. Cái xấu tuyệt đối của cộng sản phải đi liền cái tốt tuyệt đối của quốc gia. Cho nên những loại hình tượng nhân vật như vậy chỉ là những công thức đã được chế tạo sẵn, rồi đem thay tên đổi họ, lắp ghép vào những hoàn cảnh, những trường hợp khác nhau.

Loại chủ đề thứ ba xuất hiện trong "văn chương thương mại" hay "văn nghệ thị trường", xét hậu quả về mặt tư tưởng cũng nằm trong quỹ đạo của khynh hướng này. Đó là những cuốn sách, bộ phim, bản nhạc cổ vũ cho những chuyện giật gân, những cảnh đâm thuê chém mướn, sống bê tha trụy lạc mà xét hiệu quả cuối cùng về chức năng giáo dục không có con đường nào khác hơn là dẫn người ta đi vào các quân trường, trở thành những tên ác ôn, cắt tai người, ăn gan uống máu đồng loại.

Khuynh hướng thứ hai, bộ mặt thứ hai của chủ nghĩa chống cộng trong văn nghệ, là khuynh hướng đồi trụy. Đi liền với đồng đô la và đội quân viễn chinh Mỹ, đi liền với những nghề dịch vụ, gái bán "bar". Nhất là sự truyền bá lối sống kiểu Mỹ, là thứ văn hóa sê-xy, văn nghệ dục tình. Bộ mặt của nó phơi bày trên báo chí, phim ảnh, hội họa, trong âm nhạc, trong tiểu thuyết, trong thơ và thậm chí cả trong sách biên khảo cũng đều xoay quyanh câu chuyện tình dục dưới mọi gốc cạnh có thể khai thác được. Thứ văn hóa, văn nghệ này có tác dụng thú vật hóa con người, làm cho "con người không còn khát vọng nào nữa ngoài cái khát vọng của con dê đực chỉ còn biết ăn cỏ và dâm dục". Nó cổ vũ cho cuộc sống hưởng thụ khoái lạc, tiêu ma ý chí, nghị lực đấu tranh, góp phầnn tạo thêm quân cho nghề dịch vụ, nghề mãi dâm phục vụ đội quân viễn chinh Mỹ, nghề đâm thuê chém mướn, và xa hơn là nghề cầm súng đánh thuê. Ngoài ra như có người nói : "nó chỉ làm dơ dáy đường phố, ung thối tâm hồn". Không phải chỉ những cây bút chống cộng mới khai thác khuynh hướng này. Nhưng trong các tác phẩm của Mai Thảo, Chu Tử, Văn Quang v.v... chất phản động và đồi trụy pha trộn vào nhau, cái này chuyên chở cái kia. Tác động của thứ văn chương kiểu này là phản động hóa về mặt tư tưởng, thú vật hóa về mặt nhân cách. Nó có tác dụng tạo nên một đội quân phục vụ đắc lực cho chính sách xâm lược, đồng thời có tác dụng biện minh cho những hanh động tàn bạo, phát xít của Mỹ và tay sai. Xa hơn đó cũng là mục tiêu Mỹ muốn đạt tới trong chính sách văn hóa, tư tưởng đã được tiết lộ qua ý kiến sau đây của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỵ ở Việt Nam (dịch đăng trong tạp chí Đối diện tháng 3-1972) "Phải dùng mọi thủ đoạn ồ ạt và tinh vi để tạo nên những đứa con hoang câm và điếc của chiến tranh, phải xúi giục và đôn đốc, hướng dẫn và khích lệ những đứa con hoang chó đẻ khác, nghèo đói của chiến tranh để chúng nó chiến đấu và chết cho chiến thắng của chúng ta. Phải làm thế nào để chúng nó hăm hở, bền bỉ chiến đấu cho quyền lợi của xứ sở chúng ta mà chúng cứ nuôi ảo tưởng chiến đấu và chết cho quê hương chúng nó". Đó là một câu nói sặc mùi thực dân, láo xược. Nhưng ý tưởng của nó thì cũng đã được bộc lộ nhiều lần.

Ngoài hai khuynh hướng nổi bật nêu trên, xét dưới góc độ sáng tác, những người làm văn nghệ phản động còn đi theo những khuynh hướng khác nhằm tuyên truyền cho hệ tư tưởng tư sản. Những trào lưu tư tưởng, trào lưu văn nghệ tư sản phương Tây, những tàn dư văn hóa và tư tưởng phản động, lạc hậu còn tồnta5i trong xã hội thuộc địa thực dân mới cũng được chúng khai thác để phục vụ cho mặt trận tư tưởng phản cách mạng, cho cái gọi là "cuộc đấu tranh ý thức hệ". Những thứ văn chương hiện sinh, "thơ siêu thực", văn nghệ viễn mơ, văn nghệ tình thương... cũng chỉ là những bộ phận khác nhau của một guồng máy, những vũ khí khác nhau của một tên lính mà đích nhắm không thay đổi ............................ không đọc được................................. chúng tạo ra còn tồn tại trong tư tưởng, trong tâm lý của nhân dân, làm ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác mục đích quyển sách không nhằm chủ yếu vào tư cách cá nhân mà thông qua từng người để vạch trần tính chất nguy hại của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ về mặt văn hóa. Một quan điểm như vậy cho phép đề cập tới những con người hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhưng thống nhất về mặt tư tưởng và vẫn đứng chung hàng với nhau được.

Quyển sách chia làm hai tập và có cùng một trật tự sắp xếp.Tập một gồm các bài về : Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Hồ Hữu Tường, Thích Nhất Hạnh, Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh, Nhã Ca. Tập hai sẽ đề cập đến những tên khác như : Phạm Duy, Chu Tử, Tạ Tỵ, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Phan Nhật Nam, Văn Quang, Xuân Vũ, Thảo Trường, Hà Huyền Chi, Tô Văn, Lê Xuyên...

Nhìn qua, bạn đọc có thể hình dung được đâu là những tên đầu sỏ, còn đâu là những kẻ tuy đóng vai trò hoạt động tích cực trong việc chống phá cách mạng, đầu độc nhân dân nhưng suy cho cùng cũng chỉ là nạn nhân của của một chính sách thâm độc. Mỗi bài trong quyển sách đề cập tới một người. Những chi tiết đưa ra và lời phân tích về nguồn gốc và quá trình hoạt động của một cây bút chống cộng có ý nghĩa trước hết ở đối tượng ấy. Nhưng tập hợp chung các đối tượng và xem xét chúng theo một quan điểm thống nhất, việc làm đó chắc chắn sẽ giúp bạn đọc có một nhận thức bao quát, một sự đánh giá tương đối có hệ thống về đội ngũ những tên bồi bút tay sai của chủ nghĩa thực dân mới.

Tuy nhiên, ngay từng bài cũng như cả quyển sách không sao tránh khỏi những điều thiếu sót : một đôi chi tiết trùng lặp, một đôi chỗ lời văn thiếu uyển chuyển, sự phân tích đánh giá chưa thật sát với đối tượng... Chúng tôi đã cố gắng nhiều nhưng vẫn là điều không thể tránh hết được. Rất mong bạn đọc rộng lượng, góp ý phê bình.

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA

Hà Nội - 1980

 

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn