Maciej Nowicki, Newsweek - Lê Diễn Đức dịch
Việt Nam thay đổi không nhận ra. Phía sau chiếc khăn choàng Marxist khởi sắc chủ nghĩa tư bản man rợ. Những người Việt đói khát thành công đã quen với chế độ đàn áp, và Mỹ, một kẻ thù cũ, bây giờ là bạn.
Truyền hình Việt Nam không ngừng phát sóng lặp đi lặp lại vào ngày 30 tháng 4 cuộc diễu hành lớn nhân dịp kỷ niệm 40 năm quân Cộng sản giành được Sài Gòn. Nhưng dân chúng thì không hề mừng lễ. - Khi tôi đến Sài Gòn vào ngày có cuộc diễu hành, thành phố là gần như trống rỗng. Người dân đi biển - Andrew Meller, một nhà báo đã nhiều năm sinh sống tại Việt Nam, nói với tôi. - Những người mà tôi đã nói chuyện, chẳng liên hệ cuộc diễu hành với chiến thắng. Họ nói rằng vào ngày đó họ đã mất nước, hoặc tuyên bố rằng họ sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc chiến tranh từ cả hai phía. Cuộc diễu hành được họ xem như là một sự phô trương của cộng sản, hoàn toàn tách ra khỏi thực tế - Meller cho biết.
Về mặt chính thức sự phân chia giữa miền Bắc thắng cuộc và miền Nam thua cuộc từ lâu đã không tồn tại. Nhưng về mặt cá nhân, những người từ Sài Gòn không muốn chấp nhận người Bắc từ năm 1975 ra lệnh cho họ phải làm gì. - Chúng tôi ghét họ vì từ ngày này sang ngày khác họ áp đặt cho chúng tôi một cách sống mới. Đột nhiên tất cả chúng tôi đã trở thành công nhân - Tuong Vi Lam, một người Sài Gòn giải thích.
Óc khỉ với sâm panh
- Trước khi tôi trở về Việt Nam, người ta đã cảnh báo tôi rằng chính phủ sẽ không cho tôi thành lập doanh nghiệp ở đây. Nhưng sự thật lại là khác - những người Cộng sản nếu thấy bạn đến chỉ để kinh doanh, họ sẽ để bạn yên - Sien Van Tran, một doanh nhân, sau nhiều thập niên di cư ra nước ngoài, cho biết. Ngay sau chiến tranh hoặc trong quá trình trấn áp sau đó tại Việt Nam, vài triệu người đã chạy trốn khỏi đất nước (trong đó có một triệu rưỡi đến Mỹ). Trong nhiều năm Việt kiều, tức người Việt Nam ở nước ngoài, trở lại, và nhà chức trách hy vọng rằng tiền của họ sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam.
Cha của Hoan là một phi công máy bay chiến đấu, chiến đấu ở phía Nam Việt Nam, được hỗ trợ bởi Hoa Kỳ. Sau sự sụp đổ của Sài Gòn ông bị đưa đi trại cải tạo. Ông ra đã khỏi nơi đó và sau đó trốn khỏi đất nước bằng thuyền. Cho đến ngày nay, ông sợ về thăm Việt Nam. Ông tin rằng nhà chức trách sẽ bắt ông ngay lập tức. Riêng Hoan Do mình từng về Việt Nam vài lần, lần đầu tiên cách đây 18 năm. "Nó giống như ngày và đêm. Những thay đổi trong các thành phố không thể tin được. Tại Sài Gòn, tôi đã phải há hốc miệng. Các cửa hàng, nhà hàng, trung tâm buôn bán được Mỹ hóa rõ ràng. Mười tám năm trước, cả nước bị suy sụp. Không có dấu hiệu nào của các công nghệ mới. Hôm nay, ngay cả những người nghèo cũng có thể đi đến một quán cà phê Internet và đăng nhập vào Facebook "- Hoan mô tả.
Hà Nội cai quản đất nước, còn Sài Gòn kiếm tiền là thủ đô kinh tế và tài chính của đất nước. Khi bạn đến Việt Nam, bạn có thể dễ dàng thấy rằng chúng ta đang trong một nước của thế giới thứ ba cũ - cái nghèo gấy ấn tượng hầu như ở mỗi bước đi. Nhưng cũng có đường phố Đồng Khởi, nơi người dân giàu địa phương có thể mua áo T-shirt của Hermes với giá 500 USD, đồng hồ Versace với 15.000 USD hoặc dùng một bữa ăn tại nhà hàng Le Bourgeois, nơi một món ăn đắt hơn một tuần lương tại nhà máy. Như ai đó đã viết ác ý: "Túi xách giả siêu đắt đã ra khỏi thời trang ở đây. Hôm nay, bạn cần phải có đồ thật. Nhưng thay cho điều này, mũi giả và mi mắt giả ngày trào lên như sóng".
Đối với các ca phẫu thuật phức tạp người Việt làm ở Thái Lan hay Singapore. Botox được thực hiện ngay tại chỗ. Những chuyên gia Pháp đến với Việt Nam cho cái gọi là trại Botox sinh tồn. Họ tiêm Botox cho người Việt ngày và đêm trong ba tuần, thu hàng bó tiền. Việt Nam trở nên giàu có và vung tay. Trong 5 năm qua, số lượng triệu phú Việt gần như tăng gấp đôi. Nhưng những đại gia không cảm thấy hoàn toàn an toàn. Những câu chuyện lưu thông khắp cả nước về những người giàu ăn não sống của khỉ, tinh tế nhấm nháp với sâm banh và vàng vụn 22-cara ngày càng kích thích những người dân Việt Nam bình thường. Vì vậy, những người cộng sản Việt Nam lâu lâu lại thực hiện một cuộc bắt giữ mang tính trình diễn đối với những người giàu có "biển thủ tài sản nhà nước" với mức án rất cao hoặc thậm chí tử hình.
Nếu cửa chính bị đóng, họ sẽ đi bằng cửa sổ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành một nghị định miễn học phí cho sinh viên học chủ nghĩa Mác-Lênin (ở Việt Nam học đại học phải trả tiền). Nghị định không mang lại bất kỳ kết quả nào, bởi vì giới trẻ Việt chỉ quan tâm đến việc làm được trả lương cao, và chứ không phải - nghiên cứu các sắc thái của hệ tư tưởng bắt buộc. - Học sinh luôn luôn nói với tôi những điều tương tự: quyền con người quan trọng nhất là khả năng nhanh chóng làm giàu cho mình. Và nếu như đảng tạo điều kiện cho phép theo đuổi, tất cả sẽ đồng ý với đảng - nhà kinh tế Daniel Van Houtte, người giảng dạy nhiều năm ở Việt Nam, nói.
Cuộc chiến tranh đưa cả nước vào tình trạng bi thảm: ba triệu người chết và phần rất lớn các cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy. Chính sách kinh tế của Cộng sản đã làm dấn sâu thêm vào sự suy sụp - Việt Nam trở thành một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. 90 phần trăm đường xá không trải nhựa, nông dân ở các tỉnh nghèo đã sống ít hơn 5USD mỗi tháng, và đôi giày là sự sang trọng mà hầu hết gia đình không đủ khả năng. Thậm chí phải nhập khẩu gạo, khi đồng ruộng ở đây không thiếu. Và sau đó đã dẫn tới thay đổi. "Trong giữa thập niên 80 những người cộng sản đã quyết định ném vào máy trộn học thuyết của Adam Smith, cha đẻ của chủ nghĩa tư bản, vào cùng với Karl Marx, và xem hỗn hợp gì sẽ được tạo thành" - David Lamb đã viết như thế trong cuốn sách "Việt Nam Now". Kết quả của cuộc cải cách kinh tế được gọi là Đổi Mới (hoặc xây dựng lại) được nhìn thấy sau vài năm: lạm phát đã giảm từ 900 phần trăm xuống còn một chữ số, và 35 triệu người thoát ra khỏi đói nghèo. Trong 15 năm qua, tăng trưởng kinh tế ở mức hàng năm đạt hơn 5 phần trăm.
Điều để phân biệt người Việt Nam trong các dân tộc của Đông Dương cũ, là sự khát vọng thành công rất cao. - Mọi người đều muốn đạt được điều gì đó. Nếu cánh cửa bị đóng lại, họ sẽ vào bằng cửa sổ. Họ là những nhà đàm phán xuất sắc, không bao giờ bỏ cuộc - một quan chức cấp cao của một trong các tổ chức quốc tế cho biết. Việt Nam vẫn là nước xã hội chủ nghĩa trên danh nghĩa, nhưng những người từ bên ngoài rất khó khăn ban đầu để hiểu ý thức hệ ở đây đóng vai trò gì. - Tất cả mọi thứ đều phải trả tiền, giáo dục hay chăm sóc sức khỏe. Dưới nhiều góc độ, nó giống như chủ nghĩa tư bản man rợ. Trong số những người của thành phố có một chút bằng cấp nào đó, tôi không gặp bất cứ ai xem hệ tư tưởng một cách nghiêm túc. Nông dân ở các tỉnh thì chắc chắc tin vào điều này,. Nhưng điều đó không chứng minh bất cứ điều gì, bởi vì đó là những người tin theo nghĩa đen tất cả mọi thứ - Andrew Meller giải thích cho tôi.
Nhiều năm sống trong chế độ độc tài cộng sản người Việt đã quen với suy nghĩ rằng chính trị là một lĩnh vực dành riêng cho nhà chức trách. - Thực tế ở Việt Nam ngự trị chủ nghĩa bạo lực, nhưng chúng tôi không thể nhìn từ quan điểm của chúng tôi. Đối với nhà nước, rõ ràng là một người bình thường không quan tâm đến chính trị. Và bất cứ ai ngẩng cao đầu sẽ lập tức bị ngồi tù. Ở đây không có sự cảm tình nào dành cho rất ít những người bất đồng chính kiến. Người Việt Nam tin rằng đàn áp là một cái gì đó tự nhiên - Meller cho biết thêm.
Nhà cầm quyền hành động dã man. Có lẽ nhà cầm quyền không xem ý thức hệ một cách nghiêm túc, nhưng nhờ nó mà cai trị và duy trì quyền sở hữu nhà nước của mình. - Những gì chúng ta gọi là cải cách Việt Nam, nó cũng có một khuôn mặt khác. Đằng sau nó các phe phái tranh giành sự phân chia chiếc bánh - Martin Gainsborough, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Bristol, người đã dành nhiều năm ở Việt Nam, cho biết
Với Mỹ để chống Trung Quốc
Khi Larry Johns 14 tuổi thì anh trai Jeff của ông đã bị chết vì mìn trong chiến tranh ở Việt Nam. Một vài tháng trước đây, Larry đã liên lạc với đồng nghiệp của anh trai mình trong quân đội. Lúc đầu, họ không muốn đi, bởi vì một trong số họ bị hội chứng căng thẳng sau chấn thương. Anh ta nhìn thấy một nửa bộ não của Jeff rơi xuống nơi chân mình. Nhưng cuối cùng Johns đã thuyết phục họ. Nhờ sử dụng bản đồ quân sự cũ và hình ảnh vệ tinh họ đã tìm thấy nơi Jeff chết. Họ đã chôn những tấm huy chương của ông cùng với những bức thư của mình và bạn bè.
Việt Nam đã làm họ ngạc nhiên: họ không mong đợi khách sạn năm sao, sân golf hoặc thức ăn nhanh của Mỹ. Nhưng ấn tượng lớn nhất được thực hiện là bữa tiệc đuợc làm bởi những người trong làng bên cạnh nơi Jeff chết. "Đã có rất nhiều nước mắt và rất nhiều tiếng cười. Đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi "- Larry mô tả.
Thất bại trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã đánh dấu sự tưởng tượng của mọi người trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ. Nhiều nhà bình luận nhận thấy đây là một dấu hiệu cho thấy sự thống trị của Mỹ có thể sắp kết thúc, và chủ nghĩa cộng sản có thể chiến thắng các nền dân chủ phương Tây. Ngày nay, người Việt nhìn sang kẻ thù cũ với hy vọng. Hoa Kỳ là nước nhập khẩu lớn nhất hàng hóa Việt Nam. Trong khi đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc, Việt Nam đã ký kết với Mỹ một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng. Một vài năm trước đây, các cán bộ Việt quan sát cuộc diễn tập từ boong của tàu khu trục Mỹ John S. McCain, đặt theo tên của ông nội và cha của Thượng nghị sĩ McCain, người đã chiến đấu tại Việt Nam và trải qua nhà tù ở Hà Nội trong hơn 5 năm.
- Sự hiện diện của Mỹ tốt cho sự ổn định của khu vực - tuyên bố gần đây của Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Người Việt Nam không nói ra, nhưng trong tâm khảm họ hiểu rằng trong trường hợp cần thiết người Mỹ sẽ răn đe Trung Quốc. Việt Nam đã nhiều thế kỷ bị xâm lược bởi Trung Nam Hải. Cuộc chiến tranh Trung-Việt cuối cùng ngắn ngủi nổ ra vào năm 1979. - Người Việt Nam sợ Trung Quốc, một cường quốc nguy hiểm và không thể đoán trước, giống như người Nga đối với Ba Lan. Cách đây một năm ở đây bùng nổ một cuộc bạo động mạnh mẽ chống Trung Quốc. Người biểu tình đã phá hủy nhà máy Trung Quốc. Và gần như không có ai ở đây biết chữ cái Trung Quốc ra sao, trong khi có cả của Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia - Andrzej Meller nói.
Nhưng ngày nay, dưới nhiều quan điểm, Việt Nam là một Trung Quốc thứ hai, chỉ hơi tệ hơn. Người Trung Quốc giàu có hơn và mua ở Việt Nam, mọi thứ có thể. Mức lương thấp nhất ở Trung Quốc cao hơn so với những người ở Việt Nam gần hai lần. Nghịch lý thay, cả hai quốc gia có vấn đề tương tự: tầng lớp trung lưu tại các thành phố giàu có và đang phát triển mạnh, nhưng nông thôn vẫn nghèo. Người dân đã quá chán bộ máy quan liêu và quyền lực tuyệt đối của quan chức địa phương. Tham nhũng hiện diện khắp nơi. Chính sách hai con (phiên bản địa phương của chính sách một con của Trung Quốc) và sự thiếu hiểu biết về tránh thai đã dẫn đến thảm họa xã hội - nhiều hơn 50 phần trăm phụ nữ Việt Nam có thai kết thúc bằng nạo thai, bởi vì chỉ con trai là mong muốn.
Tình trạng mà Việt Nam trải qua 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, được Nguyen Phuoc Tuong, một cố vấn lâu năm của Thủ tướng, mô tả chính xác nhất: "Marx chắc chằn là một nhà tư tưởng lớn, nhưng nếu không có ông ta cuộc sống của chúng tôi sẽ tốt hơn". Marx ngày càng gây tổn thương cho người Việt Nam. - Tôi đã sống ở đây 21 năm. Tôi chưa bao giờ thấy mức độ của thất vọng như hiện tại về hệ thống trong giới trí thức và doanh nhân. Mọi người đang tự hỏi, đất nước đang hướng về đâu - Peter R. Ryder, từ tập đoàn đầu tư Indochina Capital, nói.
Ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc, câu hỏi lớn đặt ra là: Còn bao lâu nữa để có thể thành công trong sự kết hợp quyền lực của một đảng với thị trường tự do?
Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức
---------------------------------------------------------
Bài dịch từ nguyên bản tiếng Ba lan, đăng trên Newsweek, ấn bản Ba lan, ngày 15 tháng 5 năm 2015 tại link: http://www.newsweek.pl/wietnamski-kapitalizm-jak-zmienil-sie-ten-kraj-,artykuly,362866,1,z.html
Gửi ý kiến của bạn