BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73225)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xã hội dân sự độc lập VN lần đầu tiên góp tiếng tại Hội nghị XHDS Đông Nam Á

24 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1131)
Xã hội dân sự độc lập VN lần đầu tiên góp tiếng tại Hội nghị XHDS Đông Nam Á
50Vote
40Vote
32Vote
20Vote
10Vote
32
Lần đầu tiên các tổ chức hoạt động dân sự độc lập của người Việt trong và ngoài nước góp tiếng tại một hội nghị thường niên của các tổ chức xã hội dân sự toàn khu vực ASEAN, phản biện phần trình bày của các nhóm xã hội dân sự do nhà nước Việt Nam tổ chức để phản ánh thực trạng nhân quyền trong nước trước khu vực và quốc tế.

Hội nghị Xã hội Dân sự ASEAN và Diễn đàn Người dân ASEAN năm nay diễn ra tại Malaysia từ ngày 22-24/4, quy tụ sự tham gia của hàng ngàn người.

Một số thành viên trong phái đoàn người Việt tham gia ACSC/APF do BPSOS điều phối chuẩn bị tham dự buổi họp đối đầu với GONGO Viet Nam tại ngày đầu của Hội nghị.


Phía người Việt, ngoài phái của Hà Nội gửi đi, lần này còn có sự góp mặt của các tổ chức xã hội dân sự độc lập của người Việt ở hải ngoại như Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS hay Hiệp hội Giáo dân Cồn Dầu.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, cho biết phái đoàn của ông gồm trên chục người từ nhiều quốc gia.

Trên website của BPSOS, ông Thắng nói rằng: ‘Mục tiêu của chúng tôi là vô hiệu hoá phái đoàn GONGO do nhà nước Việt Nam gởi đi.’ Vẫn theo lời ông, GONGO là những tổ chức phi chính phủ do chính phủ tổ chức để ‘làm công cụ khống chế xã hội dân sự trong nước và qua mặt thế giới.’

Trao đổi với VOA Việt ngữ tối 23/4, một thành viên trong phái đoàn là đại diện Hiệp hội Giáo dân Cồn Dầu, ông Trần Thanh Tùng, cho biết:

“Chúng tôi có một gian hàng trình bày các vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi có hai hội thảo về nạn tra tấn và về tự do tôn giáo tại Việt Nam với hai nhân chứng là người Cồn Dầu. Linh mục Phan Văn Lợi từ Huế và nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy cũng gửi video qua trình bày về tự do tôn giáo. Ngoài những workshop như vậy hội nghị còn có những panel lớn hơn. Tại những diễn đàn đó, chúng tôi với tư cách là người tham dự đã nêu lên các câu hỏi về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Hôm qua, chúng tôi có cuộc gặp giữa các nhóm xã hội dân sự độc lập chúng tôi với phái đoàn của Việt Nam hơn 50 người. Họ là các xã hội dân sự quốc doanh, của chính phủ. Phần phát biểu của họ ngắn vài ba phút, nói về quyền của phụ nữ và trẻ em, về cá vấn đề chung chung một cách vô thưởng vô phạt. Chúng tôi có mặt đây để nói cho Đông Nam Á và thế giới biết rằng phái đoàn xã hội dân sự của Việt Nam là của chính quyền, không độc lập, nên những điều họ nói đều có lợi cho chính quyền cả. Chúng tôi yêu cầu hội nghị trong những lần kế tiếp phải làm mọi cách để các xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam có thể tham gia để góp phần đưa đất nước lên tiến trình dân chủ.”

Các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam nói họ không cử người tham dự trực tiếp vì sự ngăn cản của chính quyền, nhưng gửi các video trình bày những khó khăn của xã hội dân sự nội địa trước các vi phạm nhân quyền của nhà nước.

Gian hàng xã hội dân sự độc lập của Việt Nam.


Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, đại diện Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, một người gửi phần tham luận của mình tới Hội nghị qua video trực tuyến, nói về thông điệp chính của cô:

“Em chủ yếu nói về tự do tôn giáo rằng tự do tôn giáo và các nhân quyền khác ở Việt Nam đều bị nghiêm phạm nghiêm trọng bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Em muốn những người bạn hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự ở ASEAN biết rõ về thực trạng đó. Em cũng muốn cho họ biết rằng các tổ chức xã hội dân sự do nhà nước thành lập và quản lý không hoạt động để bảo vệ nhân quyền cho người dân mà chỉ hoạt động để bảo vệ cho đảng cộng sản Việt Nam.”

Nhà hoạt động từng nhận Giải thưởng Hellman-Hammett của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch 2012 đánh giá cao vai trò của Hội nghị xã hội dân sự ASEAN trong quá trình thúc đẩy dân chủ và nhân quyền cho các nước trong vùng:

“Xã hội dân sự ở Việt Nam mới manh nha trong 2 năm gần đây, vì vậy, người dân Việt Nam và giới đấu tranh trong nước không có môi trường rèn luyện mình. Một hội nghị như thế này là môi trường rất tốt cho tất cả các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam thực tập kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm từ các bạn trong khối ASEAN để bảo vệ nhân quyền và phục vụ tốt hơn.”

Huỳnh Thục Vy bày tỏ nguyện vọng:

“Hơn 10 năm nay, chính quyền cộng sản Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự của họ ‘múa gậy vườn hoang’ một mình một cõi trong Hội nghị Xã hội Dân sự ASEAN hằng năm. Năm nay là lần đầu tiên có sự tham gia của các tổ chức độc lập từ trong nước. Em mong qua mối liên lạc này có thể chỉ rõ cho bạn bè quốc tế thấy chính quyền Việt Nam đang đàn áp nhân quyền ngày càng khốc liệt. Em muốn tạo một kênh liên lạc cho tất cả tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước để nói ra với khu vực và thế giới.”

Hội Nghị Xã hội Dân sự ASEAN và Diễn Đàn Người Dân ASEAN được tổ chức hằng năm tại quốc gia nắm chức Chủ tịch ASEAN.

Diễn Đàn Người Dân ASEAN là sự kiện thường niên lớn nhất quy tụ các tổ chức xã hội dân sự trong khu vực được tổ chức kết hợp với Thượng đỉnh ASEAN.

Phát biểu tại Diễn đàn hôm qua, cựu Ngoại trưởng Malaysia, Tan Sri Syed Hamid Albar, kêu gọi xem lại chính sách của ASEAN quy định không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau nếu muốn xây dựng xã hội dân sự lành mạnh và giải quyết các vi phạm nhân quyền trong khu vực.

Các nhà hoạt động và giới dân cử tham gia hội nghị đều nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải thúc đẩy ASEAN chú tâm đến quyền lợi của người dân chứ không chỉ là các lợi ích về thương mại.

Trà Mi, VOA

23-04-2015

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn