BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73237)
(Xem: 62215)
(Xem: 39394)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tháng Tư lại về (Viết cho những ai còn nghĩ đến Tháng Tư)

08 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1383)
Tháng Tư lại về (Viết cho những ai còn nghĩ đến Tháng Tư)
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53


Thời tôi còn nhỏ, còn học dưới mái trường Tiểu học và Trung học, khi nghe đến “bọn Mỹ-ngụy” ôm chân đế quốc và “bán nước” Việt Nam cho ngoại bang, tôi thấy căm phẫn làm sao những kẻ (nỡ) bán linh hồn mình cho ngoại bang cai trị.

Lớn lên một chút, khi vào học cấp Phổ thông Trung học, qua những bài báo và sách tôi đọc, nhỏ giọt những thông tin, tôi nhận ra rằng, té ra thế giới không phải suy nghĩ như mình đã nghĩ, đã được dạy; thế giới muôn màu muôn vẻ và có rất nhiều cách nhìn của thế giới liên quan đến cùng một sự kiện.

Năm 1997, Việt Nam có internet; từ đó, Việt Nam và thế giới gần như không xa mấy về khoảng cách.

Thực tế, tôi biết Việt Nam có net (internet) năm 1997 nhưng mãi tới những năm 2005 tôi mới bắt đầu tiếp cận net.

Khi biết lõm bõm thế giới net, tôi bắt đầu muốn biết thế giới bên ngoài của tôi (bên ngoài Việt Nam) nói gì về Việt Nam. Đầu tiên là những thông tin chuyên môn (tôi chuyên ngành Sử học) rồi sau đó là những thông tin bán chính thức từ những trang web đó, (và) tôi tìm thấy thông tin từ thế giới bên ngoài.

Đó là tất cả quá trình tôi biết đến thế giới bên ngoài để biến mình trở thành kẻ tư duy độc lập mà không bị “nhồi sọ” bởi tuyên truyền của “Đảng ta”.

Cũng nhờ đó, tôi đọc được và cảm nhận rằng, Việt Nam là một dân tộc bi thương và bi thảm nhất. Trong nước, chế độ Cộng sản giày xéo trên chính đồng bào mình. Bên ngoài, chính những người đồng bào lại oán thù và quyết không “đội trời chung” với Cộng sản quốc nội. Bốn mươi (40) năm, địa dư thống nhất nhưng lòng người không thống nhất.

Việt Nam, ngay từ thời Trịnh-Nguyễn đã phân chia. Cuộc “cách mạng” của anh em nhà Tây Sơn chẳng những không chấm dứt thế phân chia, trái lại, còn chia ba đất nước. Cách mạng Nguyễn Ánh thu đất nước về một mối chẳng được bao lâu (nên nhớ Nguyễn Ánh cũng cho trả thù tàn bạo nhà Tây Sơn khi Nguyễn Ánh nắm chính quyền, và như thế cũng tạo ra “oán hận lòng người” Tây Sơn và nhà Nguyễn), lại xảy ra sự kiện cấm đạo (Công giáo) của Minh Mạng (Năm 1825, vua Minh Mạng ban hành dụ cấm đạo: “Các tôn giáo sai trái của người Tây Dương làm hư hỏng lòng người. Đã từ lâu nhiều tàu Tây Dương đến đây buôn bán và đã để lại các đạo trưởng trong vương quốc này. Các đạo trưởng đã lôi kéo và làm hỏng nhân tâm, làm suy thoái thuần phong mỹ tục. Đó chẳng phải tai họa lớn cho đất nước. Vậy phải chống lại sự lạm dụng này để đưa dân chúng trở lại con đường chính… phải canh phòng cẩn thận mặt hải cảng, miền núi, tất cả mọi ngả đường thủy bộ để ngăn không cho các đạo trưởng Tây Dương xâm nhập lén lút, trà trộn vào dân chúng để gieo rắc bóng đen trên vương quốc” (Dẫn theo PGS.TS Đỗ Bang trong Triều Nguyễn Với Thiên Chúa Giáo, xem tại đây: http://baotangnhanhoc.org/vi/bai-nghien-cu-lch-s/879-triu-nguyn-vi-thien-chua-giao.html)), người Việt lại đối chọi gay gắt với chính quyền khi bất kì ai theo Công giáo đều bị chính quyền… xử tử.

Sang thời Pháp thuộc, khi Thực dân Pháp thống trị Việt Nam, Pháp biến “công dân Công giáo” trở nên có ưu quyền hơn trong xã hội, Việt Nam cũng lại phân hóa lòng người để cho thấy xã hội khó chấp nhận những tín đồ Công giáo sẽ ưu quyền hơn những người “lương giáo” trong bổ nhiệm phẩm trật ở Triều đình cũng như Công chức Pháp (Thượng thư Ngô Đình Diệm là bằng chứng rõ nét nhất của chính sách này).

Tuy nhiên, trong cái nạn “mất nước”, người Việt Nam đã cố gắng đoàn kết giáo-lương để cùng chống Thực dân Pháp, đó là điều không thể chối cãi.

Nhưng thành quả chống Thực dân Pháp giành độc lập cũng như thành tích chống Thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đã bị tước đoạt. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) rêu rao rằng, nhờ ĐCSVN, cuộc lật đổ Pháp mới thành công và kháng chiến chống Pháp mới thắng lợi. Thực tế, dân Việt Nam đâu có muốn theo lý tưởng Cộng sản để toàn tâm chống Pháp sau 1945 (nên nhớ: sau 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố giải thể; vì vậy, không lý có nào nhân dân Việt Nam tin theo Đảng Cộng sản như ĐCSVN rêu rao). Đó là vì nhân dân Việt Nam muốn đuổi hoàn toàn Pháp ra khỏi lãnh địa Việt Nam.

Tuy nhiên, phải nói rằng, sau Hiệp định Genève, cuộc chiến Đông Dương 2 khốc liệt mới chính là “đại nạn” cho sự phân chia lòng người và mang đến sự bi thảm nhất cho dân tộc Việt cho đến bây giờ. Chính trị gia Nguyễn Gia Kiểng cho rằng, cuộc chiến Quốc-Cộng xảy ra là do chúng ta không biết ngồi lại cùng nhau để lo chuyện đất nước, dẫn đến chúng ta “chia phe đánh nhau”. Tôi cũng cho là như thế!

Thật là như thế! Nếu chúng ta đặt đất nước hay tổ quốc, dân tộc lên hàng đầu, chúng ta sẽ không có hiện tượng “tranh đấu vì lý tưởng” theo kiểu “tôi theo Tự do” và “anh theo Cộng sản”, chúng ta thử sức coi ai thắng ai.

Chiến tranh 30 năm cho thấy người Việt quyết “một mất một còn” với nhau. Sau 30/04/1975, việc chế độ Cộng sản không thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc mà thực hiện chế độ trả thù ti tiện cũng đã gieo thêm trong vết thương lòng người dân Việt khoảng cách thù hằn. Hẳn không ai (hải ngoại cũng như quốc nội) quên được những tháng ngày khổ sai cải tạo; hẳn không ai ở hải ngoại quên được những giây phút kinh hoàng trong hành trình vượt biển tìm tự do.

Cảnh điêu tàn trong ngày cuối cùng 30/4/1975


Đất nước bi thảm cho đến bây giờ vẫn còn bi thảm. Bốn mươi (40) năm sau cuộc chiến, đất nước Việt Nam được gì? Người dân Việt Nam quốc nội được “hưởng thành tích” chống “đế quốc Mỹ” của ĐCSVN, khi cứ hàng năm, vào thời điểm này (30/04) ĐCSVN cứ ra rả “tang bốc” mình trên các phương tiện truyền thông của chính mình. Người dân Việt Nam hải ngoại thì không bao giờ quên vì có ngày 30/04 mà họ ra “nông nỗi” vậy. Họ hận. Họ biến luôn thành… quốc hận!

Nhưng tựu chung, nếu ai còn bao dung, chúng ta nên nghĩ gì?

Với người quốc nội, những ai đã xả thân vì những điều mình cho là lý tưởng, nay thấy lý tưởng mình hy sinh không còn ý nghĩa thì nên phản tỉnh. Chúng ta nên tự vấn lòng, chính chúng ta tạo nên cảnh “đồng bào mình thù ghét mình” chứ không phải ai khác. Đồng bào hải ngoại, chúng ta cũng nên nhận ra rằng, dân tộc mới là trường tồn chứ không phải chế độ trường tồn (tôi muốn nhắn gửi đến ai còn muốn vinh danh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Chẳng lẽ sau này, khi quê hương Việt Nam hết Cộng sản, Việt Nam có dân chủ, sẽ có ai đó muốn khởi xướng Việt Nam nên theo chế độ VNCH như xưa và muốn trưng cầu dân ý theo cờ vàng ba sọc đỏ, cùng việc hô khẩu hiệu “Việt Nam Cộng hòa muôn năm”), cho nên chúng ta nên lấy tinh thần hòa giải làm quan trọng để hợp sức tranh đấu (không phải người Mỹ đã cho chúng ta bài học hòa giải sâu sắc trong chiến tranh Nam-Bắc đó sao? Vậy đồng bào hải ngoại không học được gì ở Mỹ khi ở trên đất Mỹ trong suốt 40 năm đó sao?). Tất cả phải cùng một suy nghĩ như vậy mới hướng đến một công cuộc giải thể Cộng sản thành công nhanh nhất.

Bốn mươi năm qua, trên dải đất trọn vẹn của Việt Nam, chế độ Cộng sản đã cai trị, nhưng đã làm được gì cho đất nước như họ tuyên bố một cách ra rả. Vì vậy chúng ta, dù quốc nội hay hải ngoại, không phải công việc của chúng ta là biện minh Quốc gia đúng hay Cộng sản sai, mà là giải thể chế độ Cộng sản trên quê hương càng sớm càng tốt. Khi đất nước có dân chủ, mỗi người, mỗi tổ chức cứ tha hồ đem “hiện thực dân chủ” mà mình học được trên xứ người về thi thố trên quê hương Việt Nam, chẳng có ai mà cấm cản. Tuy nhiên trước mắt, hãy giải thể chế độ độc tài toàn trị Cộng sản trên quê hương Việt Nam. Mong lắm thay!

Phan Gia Minh
07/04/2015

Nguồn Thông Luận

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn