BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73389)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cuộc đời khốn khó của Marx ở London

04 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 2290)
Cuộc đời khốn khó của Marx ở London
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tượng Marx được đặt vào nghĩa địa Highgate năm 1956


Nhân có một người bạn sang thăm London chụp lại hình Bảo tàng Anh Quốc với dấu tích ông tổ của chủ nghĩa cộng sản Karl Marx tôi mới nhớ ra rằng vẫn có người Việt Nam quan tâm đến ông.

Cũng để các bạn khác biết thêm về cuộc sống khốn khó ở Anh của nhà sáng lập ra Tuyên ngôn Cộng sản, tôi viết ra đây những chuyện đã biết và tìm lại chút tài liệu về thời Marx ở London.

Hồi sang Anh năm 1999, tôi ở trọ nhà Rafael, một anh bạn Ba Lan tại khu Camden, nằm về phía Bắc của trung tâm London.

Vì cùng học khoa luật Đại học Tổng hợp Warsava và cùng quan tâm lịch sử, anh bạn tôi nói ông Marx cũng từng sống ở Camden và rủ tôi đi xem mộ ông tại nghĩa trang Highgate.

Từ đó, tôi bỏ công tìm hiểu và biết rằng ở London còn có 'Tuyến đường của Marx' (Karl Marx The Walking Tour).

Nếu đến London, lấy khu Westminster có Tháp đồng hồ Big Ben và Quảng trường Trafalgar làm trung tâm thì bạn chỉ đi bộ là đến phố Tàu tức Chinatown.

Ngay rìa khu này, Dean Street, Soho là nơi Marx từng trú ngụ hồi mới sang Anh.

Soho nay vẫn là một nơi ăn chơi 'phóng túng' nhất London và gần đây có thêm mấy quán bán phở hay món ăn Việt Nam.

Nhưng khi đó, đây là khu nghèo, nổi tiếng với các nhà hát, tiệm ăn bình dân, các quán đèn đỏ và vào năm 1854 bệnh dịch tả nổ ra ở ngay Broad Street làm hơn 600 người chết.

Mãi sang thế kỷ 20, chính quyền Anh mới cho người Hoa dọn từ Limehouse, gần khu Đảo Chó (Isle of Dogs) ở Đông London về đây xây Chinatown, ít nhiều tạo ra không khí làm ăn nhộn nhịp.

Bước trở lại phía Đông tới khu Covent Garden trên các con đường vẫn thoảng mùi vịt quay hoặc bánh bao bán tới nửa đêm với giá chỉ 2 bảng, bạn tới phố Long Acre là nơi có St Martin’s Hall, chỗ Marx từng diễn thuyết cho Hội Ái hữu Công nhân Quốc tế hồi thế kỷ 19.

Vòng lại phía Tây Bắc chỉ mất thêm 10 phút đi bộ kể cả khi đi chậm, bạn tới British Museum có phòng đọc Reading Room là nơi Marx hàng ngày đến ngồi nghiên cứu.

Đây cũng là nơi ông ‘tỵ nạn’ lúc trời đông vì ở nhà không có sưởi và viết ra các tác phẩm nổi tiếng.

Từ khi này, đi lên phía Bắc không xa là Công viên Regent Park rất rộng và ngay mạn Bắc của công viên, trên bờ khu kênh đào chính là Camden, nơi Marx cũng từng sống ở nhà số 41 Regents Park Road.

Đi lên phía trạm xe điện ngầm Chalk Farm, tới số 1 Modena Villas rồi 44 Maitland Park Road và số 9 Grafton Terrace (nay là số 36), bạn đã qua tất cả các địa chỉ ông Marx đã từng sống tại London.

Từ đó, bạn có thể lên xe bus hoặc xuống xe điện ngầm (Tube) ở Kentish Town vẫn tiếp tục về hướng Bắc tới ga Archway (gần hơn ga Highgate) đi bộ vào nghĩa địa Highgate, nơi có mộ và bức tượng Marx.

Đi theo ‘con đường của Marx’ (www.Marxwalks.com) mà chỉ nhìn thấy Marx thì quả là một thiếu sót lớn.

Lần đến nghĩa trang Highgate, Rafael chỉ cho tôi thấy ngay đối diện mộ ông Marx là nhiều hàng bia mộ của các quân nhân Ba Lan phải lưu lại Anh sau Thế Chiến 2 vì tổ quốc của họ bị Liên Xô chiếm và nhiều người ngây thơ trở về đã bị chế độ mới đầy đọa.

Cũng trong tinh thần nhìn lịch sử phải công bằng với mọi bên như vậy, tôi muốn mô tả lại cho các bạn cuộc sống của ông Marx như một người lưu vong rất đáng thương, được nhiều người cưu mang.

Ông cũng không hề làm gì nguy hiểm vì chỉ viết sách, có đi biểu tình ở Hyde Park và diễn thuyết bằng tiếng Đức cho kiều dân Đức vì không giỏi tiếng Anh chứ không phải ‘khủng bố’.

Sống mòn ở London


Marx và con gái trong một bộ phim về cuộc đời ông


Sang Anh năm 1849 vì bị đuổi khỏi Pháp và bị Đức coi là mối đe dọa, Marx sống trong cảnh nghèo khó như hàng nghìn hàng vạn trí thức nhập cư vào đảo quốc từ châu Âu.

London luôn là nơi cởi mở hơn các thủ đô bên lục địa và đã từng đón người Pháp, Do Thái, Nga, Ba Lan, Trung Đông, chạy loạn qua nhiều thế kỷ nên có thêm một cây bút từ Đức cũng chẳng sao cả.

Trên thực tế, tác phẩm quan trọng nhất về mặt cách mạng của ông là Tuyên ngôn Cộng sản thì đã ra mắt ở Brussels năm 1848 và Anh Quốc chỉ là nơi ông làm báo, soạn cuốn Das Kapital về kinh tế học.

Tôi nghĩ cuộc sống khốn khó tại Anh hẳn đã có tác động đến cái nhìn phê phán của Marx về chủ nghĩa tư bản.

Khi sang Anh, Marx còn khá trẻ, mới chỉ ngoài 30 tuổi, nhà đông con lại có vợ quý tộc Đức, Jenny thuộc dòng von Westphalen, không biết lao động, buôn bán gì, cả hai không biết một câu tiếng Anh

Bản thân ông lại làm một nghề ít tiền là viết báo (cho tờ New York Daily Tribune) nên cuộc sống ở Anh khổ tới mức trong bảy con thì chết bốn, chỉ có ba người sống đến tuổi thành niên.

Một số nhà nghiên cứu còn tin rằng rạn nứt trong phong trào cánh tả châu Âu còn đến từ sự thù ghét của Marx với Ferdinand Lassalle (1825-1864), một lãnh tụ cách mạng Đức khi ông này sang London tiêu pha xả láng.

Các tài liệu để lại cho thấy Marx đã phải viết thư xin vay Lassalle khoản tiền 30 bảng Anh vì thiếu tiền quá.

Marx cũng viết cho bạn thân Friedrich Engels, phỉ báng Lassalle (sinh ở Breslau, nay là Wroclaw, Ba Lan) với lời lẽ phân biệt chủng tộc rằng ‘y hẳn phải là mọi đen’ dù ông kia cũng gốc Do Thái như Marx.

Nhưng viết về Marx không thể không kể đến tình bạn tuyệt vời của Engels thì quả không được.

Trong khi Marx sống trong túng quẫn triền miên ở London thì Engels, vốn được thừa kế nhà máy tại Manchester, trung tâm công nghiệp Anh khi đó, đã làm nghề ông chủ tư bản bóc lột công nhân.

Không chỉ như vậy, Engels còn quan hệ cùng lúc với hai chị em Lizzy và Mary Burns theo một cuốn sách gần đây nêu lại.

Nhưng Engels không quên ông bạn gốc từ Đức sang Anh cùng mình.

Sau khi bán nhà máy ở Manchester được 12 nghìn bảng Anh (bằng tiền triệu hiện nay), ông giúp bạn chuyển từ địa chỉ khốn khổ ở mấy căn phòng thuê tại Dean Street, nơi ba con của Karl Marx và Jenny chết, sang căn nhà khác ở 36 Grafton Terrace.

Có nguồn nói vợ chồng Marx rời khỏi Dean Street là nhờ tiền thừa kế mẹ Jenny để lại nhưng điều chắc chắn là Engels đã giúp họ nhiều về tài chính và còn đứng ra giúp in ấn các tác phẩm của Jenny viết bằng tiếng Đức về kịch Shakespeare và các sách của Marx.

Tiền thuê nhà khi đó ở Grafton Terrace chỉ có 65 bảng Anh một năm và với gia đình Marx, đây là sự đổi đời.

Họ có thể ra picnic ở các công viên vùng Bắc London và có nhà riêng để đón khách.

Friedrich Engels và một tác phẩm nghệ thuật 'râu của ông'


Nhưng bản thân Engels mới thật sự là sống giàu. Biệt thự ở 122 Regent’s Park Road gần công viên lớn bậc nhất London, và tới nay vẫn cũng là khu của các dinh thự, đại sứ quán.

Điều thú vị và cũng là nghịch lý là Engels đã dùng tiền từ các thương vụ tư bản để bỏ tiền ra nghiên cứu phong trào công nhân.

Và tuy phê phán cay nghiệt chủ nghĩa tư bản, Marx cũng cố gắng kiếm tiền bằng cách chơi cổ phiếu.

Trong một lá thư gửi về Đức cho Lion Philips, ông vui mừng khoe đã ‘đầu cơ’ thành công trên thị trường chứng khoán và kiếm được 400 bảng Anh, một khoản khá to vào thời đó.

Chết vô tổ quốc


Cuộc đời Marx kết thúc tại số 44 Maitland Park Road, nơi vợ ông qua đời trước ông, vào ngày 2/12 năm 1881.

Khi đó, Marx đã trải qua nhiều năm bị bệnh gan, bệnh phổi và yếu tới mức bác sỹ cấm ông không được đưa tang vợ vào ngày mùa đông lạnh giá.

Lúc chết (14/3/1883), Karl Marx bị coi là ‘vô tổ quốc’.

Thực ra, các biến động lớn ở đang diễn ra khắp nơi: Nga hoàng bị ám sát, đế quốc Ottoman bắt đầu rối loạn, Pháp đánh Việt Nam, Anh đưa quân đến Sudan, Đức chiếm thuộc địa ở châu Phi...nên không ai để ý đến một ông già di dân qua đời tại London.

Trong đám tang chỉ có các con gái, hai con rể người Pháp, một số bạn bè là đảng viên cộng sản tham dự.

Engels đọc lời điếu trang trọng, gọi Marx là “một trong những nhà tư tưởng lớn nhất thời đại”.

Ông được chôn cạnh mộ của vợ và chỉ mãi về sau này hài cốt mới được đưa về chỗ hiện nay trong nghĩa địa Highgate .

Friedrich Engels quyết định không cho xây tượng Marx.

Nhưng trái với ý nguyện của người bạn thân nhất đời Karl Marx, Đảng Cộng sản Anh sau đã cho đặt bức tượng ông bằng đồng của Lawrence Bradshaw vào chỗ hiện nay năm 1956.

Nhiều tượng khác của ông được xây trên khắp thế giới.

Nhưng đó là chuyện về những người thích dựng tượng ông cho mục tiêu của họ mà tôi không tin họ hiểu được tâm trạng của ông lúc sống và lúc chết ở London.

Ở Anh ngày nay, người ta coi ông là một triết gia mà các ý tưởng về tương lai bị biến hóa gây ra những hậu quả khủng khiếp nhưng Anh vẫn coi trọng sự phê phán của ông với kinh tế tư bản chủ nghĩa .

Nói ngắn gọn thì ông sai hoàn toàn về chủ nghĩa cộng sản tuy vẫn có điểm đúng về chủ nghĩa tư bản.

Nhưng tôi nghĩ chính cuộc đời ông tôi mới là bài học đáng nhớ nhất.

Cái nôi của chủ nghĩa tư bản dù sao cũng đã bao dung ông, thậm chí còn cho dựng tượng tôn kính ông trong khi chính ông lại chẳng làm được gì cho chính mình và gia đình.

Con gái sinh ra tại Anh của Karl và Jenny Marx là Eleanor (1855-1898) cũng là một ví dụ khác về cuộc đời sống vì lý tưởng nhưng kết thúc bất hạnh.

Eleanor 'Tussy' Marx yêu đảng viên Marxist người Anh, Edward Aveling và sống với ông ta bằng một tình yêu cùng tình đồng chí.

Khi phát hiện ra Aveling phản bội bà và bí mật cưới một nữ diễn viên, Eleanor đã tự sát chết bằng thuốc độc khi mới 43 tuổi .

Tuy thế, đến năm 2014 vừa rồi Rachel Holmes ra sách về bà, ghi nhận tài năng và công lao của Eleanor Marx cho phong trào nữ quyền Anh.

Một cây bút nữ khác, Mary Gabriel gần đây cũng ra sách về Jenny (Love and Capital: Karl and Jenny Marx and the Birth of a Revolution), viết rằng cuộc đời chìm nổi nhưng kiêu hãnh của bà đã có tác động lớn đến suy nghĩ của Marx về xã hội.

Ân nhân, người bạn, người đồng chí của Marx là Engels sau đó cũng qua đời ở London và được đưa xuống một nhà thiêu ở Woking để hỏa táng.

Một nhóm bạn, những di dân và cũng là những tên tuổi trong ‘làng trí thức cánh tả châu Âu’ gồm cả Eduard Bernstein và Karl Kautsky là những người cuối cùng đưa tiễn Engels.

Họ đã đi tàu từ ga Waterloo tới Eastbourne, quận Sussex, chèo thuyền ra biển trải tro xuống nước, hướng về phía Đông là quê hương Engels ở lục địa châu Âu.

Karl Kautsky (sinh tại Prague, nay là CH Czech), một trí thức Marxist đứng đắn, sau đi vào sử sách của các nước cộng sản như 'tên phản bội ' vì Lenin đã dùng lời lẽ nanh nọc chửi rủa ông bởi vì ông nói đấu tranh nghị trường sẽ tốt cho công nhân hơn là nổi dậy.

Phong trào cánh tả và cộng sản như thế ngay từ những thập niên đầu đã chia rẽ, hiềm khích nhau khủng khiếp, báo hiệu những bão tố chia rẽ, sát phạt và triệt hạ nhau bằng máu về sau này ở nhiều xứ sở.

London là nơi ghi nhớ tất cả những chuyện vui buồn đó quanh cuộc đời Marx và gia đình, bạn bè của ông và một số chuyện về sau.

Nguyễn Giang

03-02-2015

Nguồn BBC
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn