BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Niềm tin của đám đông

08 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1488)
Niềm tin của đám đông
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Câu chuyện được kể thật nhiều trong những ngày gần đây là chuyện mấy thanh niên câu trộm chó ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An và ở thành phố Vinh bị người dân bắt được và đánh đến chết, đốt cả xe và xác người.

Câu chuyện dã man ấy không xa xôi. Nó xuất hiện trong truyện kể của cha tôi từ những ngày tôi còn rất bé, ở ngay ngôi làng của ông. Cha tôi kể, thằng ăn trộm đi vào làng, chỉ cần một tiếng tri hô của bà con là cả làng xách cuốc, xách gậy ra đuổi. Làng xóm ngày xưa đủ ngóc ngách như vậy chứ thằng trộm khó có thể nào thoát được. Tên trộm bị tóm có thể bị làng đánh đến chết, không ai thương.

Đó là chuyện của cha tôi, hồi ông còn bé tí và nghe người làng hể hả đi về sau các cuộc “đánh trộm” kể lại. Thời ấy ắt là đã lâu lắm, cũng cách đây hơn 50 năm rồi. Câu chuyện của mấy ngày nay như một cái vĩ thanh kéo dài những tưởng tượng của người ta từ xa xưa đến tận bây giờ.

Nhưng cái làng thời ấy là cái làng tự nhiên mọc lên trong một đời sống mà pháp luật được dựng ra từ những niềm tin lỏng lẻo và ít nhiều sơ khai của mọi người. Ở làng thời ấy, cái ăn mặc khốn khó, của cải thì nhà ai nấy phải giữ. Chuyện lệ làng dày đặc hơn chuyện lề thói phép tắc.

Còn hôm nay, cái làng cũng đã là một đơn vị hành chính. Mỗi con người trong làng cũng là một công dân – nghĩa là được ghi tên từ thuở khai sinh, chú dẫn, theo dõi cho đến lớn thì có chứng minh nhân dân. Cái làng bây giờ là cái làng có pháp luật, có người của pháp luật – ăn trên đồng tiền thuế của người dân – và làm cái nhiệm vụ bảo đảm cho cuộc sống của những người đã trả tiền ấy được an bình làm ăn và sinh sống.

Nhưng cũng chẳng hiểu vì sao, cái nền nếp ấy bị bẻ gẫy một cách ngấm ngầm từ trong cái làng bé nhỏ đến cái thành phố lớn một cách không thương tiếc. Người dân đóng rất nhiều thuế, rất nhiều khoản chi, ở nông thôn thì có lúc đóng tiền nhiều tới nỗi... được lên báo. Nhưng người bảo vệ trị an – được trả tiền - không biết đã và đang bận rộn những gì, mà bẻ gẫy cả niềm tin của người dân vào chính cái người mà họ đã trả tiền và trao cho thiên chức bảo vệ trị an ấy.

Ngày hôm nay ở trên báo Thanh Niên có một câu chuyện khác. Một cô bé nhỏ xíu 6 tuổi bị một anh chàng 16 tuổi hiếp dâm. Bà mẹ cô bé, chỉ mới hỏi đến chuyện này, đã bị cả nhà anh chàng cho người đến đánh đập đến thương tích, ép viết cả một lá đơn tuyên bố rằng bà là kẻ hàm hồ chứ quyết không có chuyện anh chàng kia hiếp dâm con gái bà.

Chuyện chưa kể hết, nhưng bóng dáng của người bảo vệ trị an, những anh công an xã, trật tự huyện... vẫn bất thần xuất hiện để túm bắt người dân vi phạm từ đồng tiền thuế chưa đóng, xe chạy ẩu, bán hàng chiếm lề đường nay lại hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Cả xóm của bà mẹ biết bà bị người ta đánh đập dã man nhiều giờ liền. Cả cái xóm ấy cũng biết cô bé bị anh chàng hiếp dâm. Nhưng có vẻ các anh công an không hề biết có một cuộc hành hung – ít ra là có thể nhìn thấy ngay trước mắt – đang diễn ra ngay gần cái nơi mình làm nhiệm vụ trị an ấy. Họ trả lời báo Thanh Niên thế này: ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy. Theo ông Phú: “Vì chưa làm rõ sự việc lại chuyện trẻ con nên không muốn thông báo cho UBND huyện biết”.

Tôi vừa tóm tắt lại hai câu chuyện khác nhau, thậm chí là xảy ra ở khác tỉnh, thành phố. Nhưng trong ấy, có một thứ rất chung đang hiện hữu: Niềm tin vào pháp luật – hay đúng hơn là những nền nếp xã hội – của những con người lương thiện đang bị đánh vỡ bởi chính những người xưng tôn mình là nhân danh của trị an xã hội.

Hành vi của đám đông giết người chỉ vì một con chó không thể chỉ diễn giải là họ bực quá hay nhiều người đánh quá mấy thằng trộm chết. Đánh quá tay thì chết. Hành vi của đám đông luôn luôn là hành vi đầy sức mạnh như bị tối giản về trí tuệ. Nó phát ra khi những mẫu số chung của tinh thần được gộp lại làm một. Tôi mất chó. Anh mất chó. Cô mất chó. Nhà chúng ta mất chó. Thằng trộm là thằng khốn ăn trộm chó. Chúng ta phải bảo vệ ngôi nhà và tài sản của mình. Chúng ta đánh thằng trộm. Logic chỉ có vậy.

Nhưng cái logic đó thật phi lí, ở chỗ cái chức năng “bảo vệ” và “đánh” (tức chiến đấu) ấy đã được người dân dâng lên cho anh công an, anh trật tự, người bảo vệ người dân, người vẽ ra pháp luật. Nếu không có pháp luật thì thằng nào đánh người thì ta giơ gậy lên đánh lại. Vậy thôi. Luật rừng. Nhưng một xã hội văn minh không dùng luật rừng, nó có nền nếp và pháp luật, có cả những lực lượng cưỡng chế để kẻ không tuân theo pháp luật phải đi đúng nếp đường đó. Vậy mà người dân ở mấy cái xã này đã điên lên đến mức sẵn sàng dùng gậy gộc đánh đến chết một con người khác – đồng loại của họ - vì một con chó – chỉ là tài sản ngoài thân họ. Vậy nghĩa là cái niềm tin vào một chuẩn mực đạo đức hay nền nếp pháp luật đã hoàn toàn bị lung lay đến đau lòng.

Cái đau lòng đó được thu vào đôi mắt của những người hàng xóm giống như bà mẹ có con gái bị hiếp dâm ở câu chuyện trên báo Thanh Niên. Mọi người đều chứng kiến. Và mọi người hiểu, nếu con gái họ có bị hiếp dâm mà cái thằng phạm tội là con nhà giàu có, chức cao quyền trọng, thì cái khả năng họ lãnh thêm một trận đòn tơi bời cũng là rất khả thi mà thôi. Ai cũng có một gia đình. Và ai cũng phải gồng mình lên để chiến đấu bảo vệ cái mái ấm bé nhỏ đó của mình. Cây gậy giơ lên đánh thằng ăn trộm chó chưa chắc ác ý đến mức đánh chết nó. Nhưng 100 cây gậy giơ lên như thế thì thằng ăn cắp sẽ chết thật.

Tội của thằng ăn trộm chó không đáng chết. Chết vì 1 con chó là một cái chết quá nhẫn tâm và đau lòng. Nhưng sống mà con gái bị hiếp dâm và bản thân bị đánh đến phải vào bệnh viện và ko một ai can thiệp, giúp đỡ mình thì còn đau lòng hơn cả trăm lần.

Đau lòng nhất là người dân đã làm nai lưng ra trên những cánh đồng quanh năm mồ hôi nước mắt để đóng tiền thuế cho những “người bảo vệ trị an” không chút mảy may quan tâm tới sự an toàn của mái ấm gia đình họ... phải không?

Khải Đơn

Theo blog Phạm Lan Phương
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn