BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nếu Xảy Ra một Cuộc Biểu Tình Lớn Tại Việt Nam, “Quân Đội Nhân Dân” Có Bắn Vào… Nhân Dân?

19 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 1231)
Nếu Xảy Ra một Cuộc Biểu Tình Lớn Tại Việt Nam, “Quân Đội Nhân Dân” Có Bắn Vào… Nhân Dân?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trong khí thế sục sôi của lòng dân trước việc Trung Cộng ngang nhiên xâm chiếm vùng biển nước ta và thái độ ươn hèn của giới cầm quyền Cộng sản Hà-nội, người ta có thể nhìn thấy khả năng bùng nổ khi có một cuộc biểu tình lớn với sự tham sự của hàng trăm ngàn người, vượt khỏi sự kiểm soát của lực lượng Công an Nhân dân.




 

Khi ấy “Quân đội Nhân dân” sẽ được đưa tới để tái lập trật tự, đàn áp khối quần chúng biểu tình chống Trung quốc xâm lược và có thể chống luôn chế độ CSVN, được xem không khác gì tôi tớ của quan thày ở Bắc Kinh.

 

Để dự đoán chuyện gì có thể xảy ra, đã có sẵn những bài học lịch sử - cho những người biểu tình, và cho cả những kẻ sẽ được lệnh đàn áp.

 

Trước hết là cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản tại Rô-ma-ni vào cuối năm 1989. Khởi đầu ngày 23.11.1989, vài trăm người phần lớn là công nhân đã tập họp trước trụ sở Đảng Cộng sản ở thành phố Timisoara để phản đối việc bầu Ceausescu làm tổng bí thư. Cuộc biểu tình đã bị lực lượng đặc vụ đàn áp và nhiều người bị bắt giữ.

 

Ngày 16.12, vài trăm người khác trong thành phố lại biểu tình chống lệnh trục xuất Mục sư Laszlo Tokes, một người thường lên tiếng đòi hỏi tự do, nhân quyền. Công an thành phố đàn áp, nổ súng vào đám giáo dân làm rào cản bảo vệ Mục sư Tokes khiến hơn 30 người tử thương. Tin này được truyền nhanh khắp thành phố tạo ra một không khí căng thẳng khiến hơn hai ngàn người kéo nhau xuống đường phản đối, đả đảo Ceausescu và đòi tự do.

 

Qua ngày hôm sau, 17.12, dân chúng tiếp tục đổ ra đường gia nhập đòan biểu tình, khí thế lên cao, kéo nhau tới trụ sở Đảng Cộng sản địa phương đập phá. Công an nổ súng vào đám đông nhưng chỉ làm đoàn người biểu tình quyết tâm hơn. Nhiều người đã khoét bỏ huy hiệu búa liềm của cộng sản ở giữa quốc kỳ Rô-ma-ni, phất cao làm thành lá cờ của cách mạng (sau này trở thành quốc kỳ của nước Rô-ma-ni tự do với ba màu xanh, vàng, đỏ).

 

Tới ngày 19.12, số người tham gia biểu tình tại Timisoara đã tăng lên hơn 100 ngàn và không khí căng thẳng đã lan tới thủ đô Bucharest.

 

Ngày 21.12, Ceausescu cho tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại Công trường Cộng Hòa ở thủ đô để ủng hộ chế độ cộng sản nhưng đã thất bại và sau đó Bucharest đã trở thành một bãi chiến trường của cuộc giao tranh giữa lực lượng đặc vụ của Ceausescu và quân đội đã đứng về phía quần chúng làm cách mạng với Mặt Trận Cứu Quốc vừa được thành lập không lâu.

 

Ngày 23.12, vợ chồng Ceausescu bị quân cách mạng bắt giữ và bị xử bắn ngày 25.12. 1989, ngày Lễ Giáng Sinh, đúng một tháng từ khi có cuộc biểu tình đầu tiên tại Timisoara, và quân đội đã đứng về phía dân chúng, thay vì bắn vào dân, để đưa cách mạng tới thành công, lật đổ chế độ cộng sản.

 

Bài học lịch sử thứ hai đã diễn ra gần hai năm sau tại Mạc-tư-khoa, thủ đô của Liên-bang Sô-Viết (Liên-Sô), hang ổ của phong trào Cộng sản Quốc tế, cái nôi của những chế độ độc tài nhân danh chủ nghĩa Mác-Lê trên mặt địa cầu.

 

Sau khi toàn bộ các chế độ cộng sản tại các nước Đông Âu theo nhau sụp đổ trong năm 1989, chế độ cộng sản tại Liên-Sô đã có nhiều thay đổi dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Gorbachev với những chính sách cởi mở từ ngày lên nắm quyền tổng bí thư đảng.

 

Lo sợ tiến trình này sẽ đưa tới sự tan rã của chế độ cộng sản, các phần tử giáo điều cuồng tín trong đảng lúc ấy đã tung ra một cuộc đảo chính vào ngày 18.8.1991, định lật đổ Gorbachev để kéo lùi bánh xe lịch sử trở lại thời kỳ sắt máu của 70 thống trị đã qua. Chủ mưu cuộc đảo chính gồm tám người được báo chí Tây phương gọi là “Băng đảng tám tên” (Gang of Eight), nắm trong tay hầu như toàn bộ sức mạnh của hệ thống cai trị lúc bấy giờ, gốm có Vladimir Kryuchkov (trùm mật vu KGB), Dimitri T. Yazov (Bộ trưởng Quốc Phòng), Valentin Pavlov (Thủ tướng), Boris Pugo (Bộ trưởng Nội Vụ), Oleg Baklanov (Phó Chủ tịch Hội Đồng Quốc Phòng Sô-Viết), Gennadi Yanayev (Phó Chủ tịch Liên-Sô), Alexander Tizyakov (Chủ tịch Doanh Nghiệp Quốc Gia), và Vassily Starodubtsev (Chủ tịch Liên Hiệp Nông Dân).

 

Kế hoạch của “Băng đảng tám tên” là lợi dụng lúc Gorbachev đưa gia đình đi nghỉ hè trên bờ biển Hắc Hải để cô lập ông ta, áp lực phải từ chức, đồng thời đưa xe tăng tới bao vây Quốc Hội Cộng Hòa Nga và bắt giữ Boris Yeltsin, cựu Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Mạc-tư-khoa đã ra khỏi Đảng Cộng Sản trước đó một năm, và được bầu làm tổng thống Cộng Hòa Nga vào tháng 6.1991.

 

Chủ tịch Gorbachev đã cương quyết không từ chức và T.T. Yeltsin đã kịp thời kêu gọi dân chúng xuống đường để chống đảo chính. Khi đoàn xe tăng của phe đảo chính tiến tới trụ sở Quốc Hội Cộng Hòa Nga đã phải đối đầu với hàng trăm ngàn người bất chấp lệnh giới nghiêm và thiết quân luật của phe đảo chính, xây thành một bức tường người mỗi lúc một đông. Những chiếc xe tăng đã phải khựng lại, và không dám bắn vào đám đông.

 

Những kẻ chủ mưu làm cuộc đảo chính đã không hiểu thời thế và đi ngược lại lòng dân. Trên màn ảnh truyền hình được trực tiếp chuyển đi khắp thế giới, người ta thấy những cụ già bật khóc vì xúc động và lớn tiếng nguyền rủa đoàn xe tăng phản loạn trên đường phố Mạc-tư-khoa, những thanh niên hăng say dựng phòng tuyến và chế những chai bom xăng Molotov.

 

Tối ngày thứ ba, mấy chiếc xe tăng toan chọc thủng “bức tường người” đã bị chận đánh bằng bom xăng. Cuộc đụng độ này đã làm chết ba thường dân. Vì 99 phần trăm sĩ quan cao cấp đứng ngoài cuộc đảo chính nên những kẻ chủ mưu đã phải quyết định dùng lực lượng trừ bị của KGB để đàn áp dân chúng. Đây là biệt đoàn Alpha chống khủng bố và nội loạn rất tinh nhuệ, nhưng tất cả 20 sĩ quan chỉ huy của đơn vị đã từ chối bắn vào dân, bất chấp áp lực nặng nề của cấp trên, kể cả đe dọa áp dụng quân luật và xử tử.

 

Cuộc đảo chính đã hoàn toàn thất bại sau ba ngày phát động, kéo theo sự cáo chung của chế độ cộng sản và tan rã của Liên Bang Sô-Viết.

 

Ngày 24.8 mở đầu kỷ nguyên mới của nước Nga tự do bằng đám tang ba thanh niên đã hy sinh trong khi xuống đường chống lại đoàn xe tăng của phe đảo chính. Đường phố Mạc-tư-khoa tràn ngập những lá cờ ba màu xanh trắng đỏ của thời Nga Hoàng, thay thế cho lá cờ búa liềm đỏ máu của chế độ cộng sản. Hàng trăm ngàn người lặng lẽ diễn hành kéo dài hơn 5 cây số, tay trong tay, mắt rưng rưng trong nỗi xúc động và niềm tự hào của một dân tộc vừa dũng cảm đứng lên đòi lại tự do đã bị tước đoạt trong hơn 70 năm.

 

Dân tộc Việt Nam cũng đang nắm trong tay thời cơ để giành lại tự do và quyền làm chủ đất nước. Quân đội đang bị Đảng CSVN lợi dụng làm công cụ bảo vệ một chế độ độc tài đã mục rữa cũng đang có cơ hội để chọn lựa, hãy đứng về phía chính nghĩa, bảo vệ đất nước, và xây dựng một quốc gia dân chủ, phú cường.

 

Bài học lịch sử từ Rô-ma-ni và Liên-Sô đang mở cho dân tộc Việt Nam một con đường để ra khỏi bóng đêm và tiến về tương lai tươi sáng…

 

Sơn Tùng

Virginia, 17.5.2014


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn