- Cái tay ấy giỏi kinh, các cụ nhể. Nhưng vẫn chưa giỏi bằng tay kiện tướng cờ Ấn Độ. Một mình nó oánh cả 40 nhà toán học thế giới. Nước mình phải phát triển cờ mới đúng. Mỗi ngày mẹ đĩ nhà cháu ép thằng cu Dĩn tập oánh cờ 8 tiếng liền.
- Vợ chồng ông dốt bỏ mẹ. Cái tay ấy oánh cờ tây, chứ cờ tướng nhà mình làm sao mà thông minh được. Mấy chục năm nay chiều nào ông cũng ngồi đây hút thuốc, oánh cờ. Có thấy khôn ra tí nào không?
Cụ Thà, bí thư chi bộ xã nói chêm vào.
- Vừa rồi tôi đi họp trên tỉnh. Trên phổ biến, mỗi thôn phải tổ chức một lớp chuyên toán cấp 1. Mỗi xã phải có một khối chuyên toán cấp 2. Xã nào cũng phải thành lập thư viện toán học.
- Cháu nghĩ chỉ tiêu như thế ngặt quá ạ. – Chị Phấn rụt rè thưa – Mấy năm nay cả huyện không có em nào đỗ đại học. Cả xã mình chỉ có 4 em đang học cấp 2 thôi ạ. Ủy ban có cái tủ sách cũng bị trẻ con đập gãy, lấy đi hết truyện tranh, chả còn quyển nào.
- Đây là chủ trương của các thầy ở tận Hà nội. Người ta nhìn xa trông rộng, tính kỹ cả rồi. Đàn bà biết gì. Đứa nào vào được cấp 2, bắt đi học chuyên toán hết. Tôi có thằng cháu họ bán đồ đồng nát ở ngoài đấy. Thỉnh thoảng có cuốn sách toán tiếng nước ngoài, bán rất rẻ mà chẳng ai mua. Mỗi gia đình xã ta chỉ cần góp vài ngàn là lập được thư viện. Toàn sách tiếng tây không đánh vần được, trẻ con lấy trộm làm gì. Chị không biết chứ, toán học vô cùng quan trọng đối với đất nước. 90% cái xe bò nhà chị có toán ở trong đấy.
Trái nhà bên, cụ Bỉnh đang ngồi cặm cụi viết thư.
“Thuấn thương nhớ của thày,
Ở nơi đảo xa, ngày ngày luyện tập có vất lắm không con? Thày u vẫn khỏe. U mày vừa bán con lợn sữa, nhờ người lên tận tỉnh mua được một cuốn Bồ Đề Cơ Bản mới tinh do Bộ giáo dục dịch. U mày giấu ở bồ thóc trong buồng. Khi nào định đến chơi nhà ai thật quý, thầy mới xé một trang, gấp nhỏ lại, bọc vào lá chuối làm quà.
Thư này, thày gửi cho con một trang có nhiều chữ Q nhất, để con luôn nhớ về Quê Hương. Nhà ông Sửu cuối xóm lắm tiền còn treo nguyên cả xâu bồ đề cơ. Đằng nào cũng chả đọc được chữ Nho. Thà thay Hoành phi Câu đối bằng Xâu Bồ đề, lại được tiếng là hiếu học...”
Vui nhất là đêm Hội thi Giỏi toán Toàn xã. Giải nhất thuộc về bác Tốn. Bác tâm sự: “Nhà rất nghèo nên cháu chỉ học hết lớp hai rồi đi làm. Nhưng dòng họ nhà cháu có truyền thống hiếu học. Ban ngày, đi thả trâu, gánh phân, đập lúa. Tối đến cháu lại chong đèn ngồi học Bổ đề Cơ bản đến tận khuya. Mỗi ngày cháu cố gắng tập chép 10 dòng. Chép đến đâu, học thuộc lòng đến đó. Chữ nào khó vẽ quá thì nhờ cụ giáo Bôn dạy cho bằng vẽ được mới thôi. Đến hội thi lần này, cháu đã thuộc tới mức vẽ 5 trang chữ liền, không cần nhìn sách…”.
Nghe đến đây, cả hội trường xúc động, vỗ tay rào rào. Ai cũng tấm tắc khen bác Tốn nỗ lực vượt khó khăn, phấn đấu học giỏi. Bác Tốn cũng run run cảm động, cứ lấy khăn lau mồ hôi mãi. Cuối cùng, bác thổ lộ quyết tâm từ nay đến cuối đời sẽ cố gắng học thuộc lòng, để vẽ được toàn bộ 200 trang chữ của Bổ đề.
Tiếp theo phần hội thi là phần văn nghệ. Các em thiếu nhi vừa hát, vừa đánh trống ếch rộn ràng:
Á có bác Chầu đời em được ấm no
Chúng em múa ca càng nhớ công ơn bác Chầu.
(PS: viết cho vui thôi. Tớ với nhà bác Chầu không có vấn đề gì đâu nhé. Hi vọng không ai hiểu lầm.)
Nkd
03-09-2010
Theo blog Một Thế Giới Khác
Gửi ý kiến của bạn