BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ôn Chuyện Cũ

11 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 1047)
Ôn Chuyện Cũ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Nguyễn Đình Thắng


Cách đây gần 17 năm đã xảy ra một cuộc vận động đòi tự do cho tù nhân lương tâm mà tôi có dự phần. Chuyện tuy đã lâu nhưng vẫn có những bài học có thể rút ra từ đó để áp dụng cho ngày hôm nay.

Trong chuyến đi Việt Nam vào cuối năm 1997 theo lời mời của Đại Sứ Hoa Kỳ Douglas “Pete” Peterson (xem bài Đằng sau chuyến đi Việt Nam năm 1997), tôi cùng với anh Grover Joseph Rees mà tôi quen tọi trong thân tình là anh Joseph. Lúc ấy anh là Cố Vấn Trưởng của DB Christopher Smith. Anh Joseph với tôi có dịp để trao đổi nhiều vấn đề với vị đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam này -- ĐS Peterson nhậm chức cách đấy không lâu.

Tại một bữa ăn sáng, khi anh Joseph Rees và tôi nêu lên tình trạng của các tù chính trị, tôn giáo và lương tâm, ĐS Peterson rất hào hứng kể về việc vận động chính quyền Việt Nam trả tự do cho 7, 8 người. Trong số đó có Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Thượng Toạ Thích Trí Siêu…Theo Ông, phía Việt Nam đã đồng ý trên nguyên tắc.

Giữa tháng 6 năm sau, ĐS Peterson về Hoa Kỳ để vận động gia hạn cho Việt Nam được tiếp tục bãi miễn điều kiện Jackson-Vanick để được phát triển mậu dịch với Hoa Kỳ. Tu Chính Án Jackson-Vanik cấm không ban cấp quy chế Quan Hệ Mậu Dịch Bình Thường (Normal Trade Relation) với quốc gia nào không tôn trọng quyền tự do di dân của người dân trong nước. ĐS Peterson sẽ ra điều trần trước Tiểu Ban Mậu Dịch ở Hạ Viện Hoa Kỳ để chứng minh rằng Việt Nam đã hợp tác và sẽ tiếp tục hợp tác trong các chương trình di dân và tị nạn của Hoa Kỳ gọi chung là Orderly Departure Program (ODP).

Tôi cũng sẽ ra điều trần nhưng để chứng minh ngược lại: Chính quyền Việt Nam vẫn chưa hợp tác để giải quyết cho các thuyền nhân hồi hương được định cư theo chương trình Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees (ROVR), vẫn tiếp tục cản chặn hay đòi hối lộ trong các chương trình HO và con lai.

Ngày điều trần là 18 tháng 6, 1998.

Qua sự sắp xếp của văn phòng Dân Biểu Christopher Smith và nữ Dân Biểu Loretta Sanchez, chiều hôm trước tôi cùng với hai người nữa đến gặp riêng Đại Sứ Peterson tại khách sạn nơi ĐS Peterson tạm cư trong mấy ngày ở DC. Vừa mới chào hỏi xong, Ông bày tỏ ngay sự bực mình vì công trình vận động trả tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam bỗng dưng đổ sông đổ biển do một sự việc “từ trên trời rơi xuống”.

 

Đoàn Viết Hoạt


Ông cho biết là một êkíp truyền hình Pháp vừa bất ngờ đến trại tù Thanh Cẩm và đòi phỏng vấn Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt. Không những vậy “Bà Thức” còn lên truyền hình trả lời phỏng vấn – “Bà Thức” là chị Trần Thị Thức, vợ anh Hoạt.

“Chính quyền Hà Nội bị mất mặt và quyết định không trả tự do cho một ai nữa”, ĐS Peterson giải thích. “Tôi cũng bỏ cuộc, không làm gì nữa.”

ĐS Peterson bất mãn ra mặt. Ông than là sự việc trên không chỉ ảnh hưởng đến anh Hoạt mà còn làm mất cơ hội tự do cho nửa tá hồ sơ khác.

Tôi thấy nguy mất rồi. Không những phía Việt Nam không hợp tác mà ngay chính phủ Hoa Kỳ, điểm tựa lưng của mình, cũng “chê” thì là hỏng thật rồi.

Tôi đưa ra một gợi ý khá liều: “Chúng tôi sẽ phối hợp với Quốc Hội để mời GS Đoàn Viết Hoạt sang Hoa Kỳ trong chương trình trao đổi học giả của USIA.”

Bị bất ngờ, ĐS Peterson dẫy nẩy lên:

“Anh không thể làm như vậy. Sẽ thật khó cho tôi. Cứ cho là GS Hoạt được sang Hoa Kỳ, nhưng khi xong chương trình trao đổi thì về Việt Nam trong tư cách nào? Nhởn nhơ tự do ở ngoài hay phải vào lại nhà tù?”

Tôi biết ngay rằng ĐS Peterson đang hình dung trong đầu tình trạng thật khó xử này mà ông ta có thể sẽ phải đối mặt. Tôi không nói gì thêm mà chào ra về và hẹn gặp lại nhau ngày hôm sau tại buổi điều trần.

Tôi nảy ra ý này là vì năm trước đó DB Christopher Smith vừa đẩy thông qua ngôn ngữ luật bắt buộc US Information Agency (USIA), cơ quan trách nhiệm các chương trình học bổng, trao đổi du sinh, thực tập sinh và học giả của Hoa Kỳ, phải đặc biệt mời các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam tham gia. Ngay sau đó DB Smith, anh Joseph và tôi đã bắt đầu lập danh sách những ai nên mời sang Hoa Kỳ. Chính vì vậy, khi ĐS Peterson tuyên bố bỏ cuộc, tôi đã có sẵn “lá bài” USIA để đáp ứng. Và tôi chọn anh Hoạt vì vụ đài truyền hình Pháp biến anh thành “chướng ngại vật” cần tháo gỡ; nếu gỡ được thì sẽ thông suốt cho tất cả mọi người còn lại.

Lúc ấy, cơ quan USIA còn độc lập với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Khi Giám Đốc USIA viết thư mời anh Hoạt, thì nhiệm vụ của ĐS Peterson sẽ chỉ là chuyển đạt lá thư ấy đến đương sự, nghĩa là phải gửi thư mời vào trại tù Thanh Cẩm. Tôi hình dung được tình trạng thật lúng túng cho cả Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội lẫn chính quyền Việt Nam nếu việc này xảy ra.

Hôm sau, trước khi vào điều trần tôi hẹn với ĐS Peterson sẽ gặp nhau ở cafeteria dưới nhà ngay sau đó.

ĐS Peterson trưng dẫn các số liệu để chứng minh là Việt Nam đã hoàn toàn hợp tác với các chương trình định cư di dân và tị nạn của Hoa Kỳ, giúp tìm quân nhân Mỹ mất tích, v.v. để vận động gia hạn thêm một năm quyền đặc miễn điều kiện Jackson-Vanik. Tôi thì trưng dẫn những dữ kiện và lý lẽ ngược lại (xem bài điều trần: http://waysandmeans.house.gov/legacy/trade/105cong/6-18-98/6-18than.htm, và toàn bộ hồ sơ điều trần: https://bulk.resource.org/gpo.gov/hearings/105h/58852.txt).

Sau buổi điều trần tôi vội xuống cafeteria ở tầng hầm thì thấy ĐS Peterson đã ngồi ở đó cùng với anh Joseph. Tôi nhập toán. Chúng tôi tiếp tục trao đổi nhiều vấn đề. Trước khi chia tay, tôi nhắc nhở ĐS Peterson:

“Tuy tại bàn điều trần chúng ta có vẻ đối đầu nhưng thực ra chúng ta cùng một mục tiêu, đứng cùng một phía. Khi về Hà Nội, xin anh giải thích với chính quyền Việt Nam là việc gia hạn đặc miễn điều kiện Jackson-Vanik hãy còn bấp bênh vì sự ủng hộ và chống đối ngang ngửa nhau; Việt Nam cần chứng tỏ thiện chí ngay lúc này bằng cách giải quyết định cư các cựu thuyền nhân hồi hương và trả tự do cho tù nhân chính trị và tôn giáo.”

ĐS Peterson gật đầu biểu lộ sự đồng ý.

Anh Joseph cho biết là một phái đoàn Việt Nam từ Hà Nội đã đến tận văn phòng của DB Chris Smith để gặp anh và vận động cho việc gia hạn đặc miễn điều kiện Jackson-Vanik. Anh Joseph cũng nói với họ đại loại như trên.

Khi ĐS Peterson đi rồi, tôi bàn với anh Joseph về ý kiến mời GS Đoàn Viết Hoạt qua chương trình USIA. Anh Joseph tỏ ra thích thú với ý kiến này.

Chỉ vài ngày sau, DB Smith gọi điện thoại nói chuyện với vị Khoa Trưởng Phân Khoa Luật ở trường Catholic University of America, đề nghị tiếp nhận anh Hoạt trong vai trò học giả đến đó nghiên cứu. Sắp xếp xong với Đại Học Catholic University, DB Smith gọi cho Giám Đốc USIA để yêu cầu gởi văn thư mời anh Hoạt. Lúc ấy DB Smith đang nắm ngân sách hàng năm của cơ quan USIA.

Mọi thủ tục giấy tờ được sắp xếp xong chỉ trong vài tuần.

Song song, ĐS Peterson tiếp tục thúc đẩy Việt Nam trả tự do cho số tù chính trị và tôn giáo như hai bên đã cam kết, xem đó như là một điều kiện để gia hạn đặc miễn điều kiện Jackson-Vanik.

Trở ngại cuối cùng là anh Hoạt không chịu rời khỏi Việt Nam. Tôi bàn với chị Thức là hãy vào thăm anh Hoạt trong tù để giải thích rằng đây là ra đi trong tư cách học giả để nghiên cứu về con đường thay đổi VIệt Nam. Với sự sắp xếp của ĐS Peterson, chị Thức đã thực hiện được điều này và không lâu sau anh Hoạt đến Hoa Kỳ. Nhiều tù nhân chính trị và tôn giáo cũng được trả tự do trong thời điểm này.

Rất ít ai biết rõ nội tình của cuộc vận động vào giờ thứ 25 này. Sau gần 17 năm, tôi thiết nghĩ những bài học rút ra sẽ góp vào kiến thức chung về quốc tế vận.

Nguyễn Đình Thắng

10-04-2014

Theo Mạch Sống
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn