BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73175)
(Xem: 62204)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ái Èn Iển Ạy Ằng Ủi Ạt Ờ…

10 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 989)
Ái Èn Iển Ạy Ằng Ủi Ạt Ờ…
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
“Những ai lầm tưởng kẻ ngọng ngại nói và đách sợ gì, hãy chịu khó đọc xã luận trên báo Nhân Dân” (ĐTL).

Tiêu biểu là bài viết mới nhất (và có lẽ là công phu nhất xưa giờ) của tác giả Nguyễn Hải Đăng, hiển thị trên Cơ quan Ngôn luận trung ương vào ngày hạ nêu Tết Giáp Ngọ, dưới tựa đề “Sự ‘bùng nổ’ của Facebook và một số vấn đề đặt ra”. Mọi chữ in nghiêng ở đây đều là những dòng trích từ bài báo vừa dẫn.



Thời điểm bài xã luận hạng cối (và đầy từ nhức nhối) này chính thức lên trang chính quy Nhân Dân điện tử trùng khớp vào dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 10 của mạng xã hội lẫy lừng Facebook (tạm viết tắt là FB). Điều đó khiến “một bộ phận không nhiều” độc giả báo đảng bỗng chốc chuyển sang tâm trạng cực hoang mang: Cậu bé 10 tuổi này đã “bùng nổ” cái gì, thế nào, ở đâu, lúc nào, với ai, bởi ai, chọc ai, triệt ai, hay có ai chứng kiến…? Nỗi hoang mang của người đọc tăng lên gấp bội, khi phải ức đoán xem chú em này tự nảy nòi ra những vấn đề nào, hay đã có những ai tận lực ưu lo chuyện sinh tử cận kề, và những ai tận dụng nỗi ưu lo đó để tận tâm sản xuất ra (một số) vấn đề cho nó?

*


Trước tiên, hãy níu lấy Wiki xem thử chú em Facebook là ai, tóc tai/mặt mũi/đầu mình/ngũ chi… ra sao? Hóa ra chàng nhóc FB này xuất thân từ khuôn viên trường Havard danh giá của Mỹ, bởi một nhúm sinh viên năng động, đứng đầu là Mark Zuckerberg. Khởi thỉ họ chỉ muốn có một phương tiện hữu hiệu để liên lạc/trao đổi/chia sẻ/tâm tình với nhau giữa các sinh viên cùng trường, sau đó lấn qua một sân trường danh giá khác của Mỹ là Stanford, rồi lan ra nhiều trường khác, Columbia, Yale, MIT, NYU…, trước khi bung rộng ra ngoài công chúng.

Ban đầu FB chỉ như một trò giải trí, nhằm mục tiêu “nối liền bằng hữu” tiến tới “nối liền nhân loại” (nghe có vẻ như một tụ điểm thế giới đại đồng… tình?). Về sau thành một hấp lực sinh nghiện của cộng đồng mạng (và qua đó, sinh cả ý niệm thế giới đại đồng… đô). Ngay vào đầu năm 2014, giá trị thương mại của FB chỉ vượt quá 134 tỷ USD một tị, tức là tròm trèm ngang bằng với tổng lượng của cải làm ra của toàn thể nhân dân VN ta suốt năm trước (cái mà giới kinh tế vẫn gọi tắt là GDP). Tất cả chỉ nhờ vào số người sử dụng mạng ảo (thuật ra tiền thật) này lên đến 1,23 tỷ người (tương đương với 1/5 nhân loại), trong đó, non 1 tỷ người truy cập bằng điện thoại đi động trong năm 2013.

Có nghĩa là, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, chỉ cần có đường truyền nối mạng, là FB có thể đưa bất kỳ một công dân FB nào (trên 13 tuổi & có 1 địa chỉ email nghiêm túc) đến thăm viếng tức khắc và vui buồn tức khắc với bạn bè của họ, bằng cả hình ảnh, âm thanh và chữ viết.

Trên báo cáo công khai, kể từ tháng 3 năm 2011, FB đã phải vất vả mỗi ngày trục xuất hai vạn trương mục có nội dung không lành mạnh hoặc làm phiền các trương mục lành mạnh khác. Vào giữa năm 2011, theo thống kê của Cty DoubleClick, FB đã với tới con số kỷ lục một nghìn tỷ (số 1 đứng trước 12 số không) lượt truy cập trong nội tháng 6-2011, đứng đầu thế giới tại thời điểm đó. Cuối năm 2011, theo nghiên cứu của Cty Nielsen Media Research, FB được xếp hạng là trang mạng có số lượt truy cập đứng hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Google.

Trung Quốc không ưa cả hai, Google lẫn FB, và ra quyết sách cấm đoán. CHXHCNVN cũng rụt rè mon men cái chủ trương “Bài Phây-Tẩy Gúc” (của quan thầy). Cao điểm là thời “Quản lý là quản có lý” của Lê Doãn Hợp, ngay vào giai đoạn thoái trào tự thân của Yahoo!360 (chứ chẳng phải do ai “quay lưng dần” với nó cả, cũng chẳng phải vì không thể “cộng sinh hoặc đánh cắp ý tưởng của người khác“ như lãnh đạo từng quen tay ăn cắp ý tưởng “khoán 10” của dân rồi biến thành nội dung “đổi mới” của đảng!). Yahoo!VN, tưởng là có thể nhân khoảng trống mạng mà “cướp chính quyền”, thế chỗ cho Yahoo!360 quốc tế, nhưng rất tiếc, đã hấp hối quá nhanh. Đó cũng là thời xiết báo chí và triệt Blog dưới tay Đỗ Quý Doãn, đa phần là nhắm vào mạng Multiply thế chỗ cho Y-360.…

Ngay vào lúc cao trào ngăn chặn các thứ phương tiện tác động (và thu hoạch) Hoa Lài Hoa Sói không thể không khiếp, hệ truyền thông nín thở đứng nghiêm hàng một của Hà Nội bỗng dưng nhảy dựng sóng cồn với một loạt thông tin đánh võng tẹt ga, nung nóng dư luận hơn cả lò luyện thép Thái Nguyên:

“Ông chủ” Facebook bất ngờ đến Việt Nam

Facebook xác nhận “ông chủ” Mark Zuckerberg đang ở Việt Nam

Những hình ảnh đầu tiên về CEO Facebook ở Hà Nội

CEO Mark Zuckerberg sẽ gặp gỡ ai tại Việt Nam?

Mark Zuckerberg, “ông chủ” Facebook đang ở Sa Pa

Gặp Mark Zuckerberg – CEO Facebook tại Vịnh Hạ Long

CEO Facebook hứng thú đi cầu treo vượt suối và cưỡi trâu

CEO Facebook – Mark Zuckerberg nhiều khả năng đã rời Hà Nội

5 bí mật kinh doanh khó tin của CEO Facebook

Toàn cảnh chuyến du ngoạn “tung hỏa mù” của CEO Facebook

Ông chủ Facebook lên trực thăng về HN

Người con gái đứng sau “ông trùm” Facebook là ai?

Mệt mỏi “săn lùng” ông chủ Facebook tại VN

Ông chủ Facebook thích thú Sa Pa

CEO Facebook cưỡi trâu, chơi bịt mắt bắt dê

CEO Facebook được nuôi dạy thế nào?

CEO Facebook tung hỏa mù ở Sa Pa

Hình ảnh CEO Facebook tại vịnh Hạ Long

CEO Facebook thăm Hạ Long bằng trực thăng

Những tỷ phú giàu nhất thế giới đến Việt Nam để làm gì? 

Thậm chí:

Mark Zuckerberg ăn gì khi ở Việt Nam?

Chỉ cần ngần ấy, FB được hưởng một quả PR miễn phí, rầm rộ hết công suất, cuồng nộ như lệnh trên cho xả đập mùa lũ, và cái ngón cái chỉ thiên (Good job!) của Mark mặc sức tung hoành ở đây, cả nước, từ bấy…

 

*


Thế là đã hai năm trôi qua. Đủ để nỗi sợ tưởng đâu nguội lạnh tro than chợt ngún bùng ngọn lại. Với bài Nhân Dân xã luận thượng dẫn, tác giả Hải Đăng không ngần ngại hé lộ gốc gác bộ phận đặt hàng, ngay ở dòng đầu in đậm của bài viết: “Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC)…”.

Trang nhà của Bộ 4T ghi rõ (nguyên văn, cả lỗi văn phạm):
“Trung tâm Internet Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý, phân bổ, giám sát và thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài nguyên tên miền, địa chỉ, số hiệu mạng Internet ở Việt Nam (gọi chung là tài nguyên); thông tin hướng dẫn, thống kê về mạng Internet tham gia các hoạt động quốc tế về Internet.
Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Internet Network Information Center (viết tắt là: VNNIC)”.

Đó cũng là bộ phận mặt tiền (chí ít cũng là mặt thiếu tiền) của chính phủ xứ này, từng nhiều lần báo cáo thất bại thảm hại về nỗ lực “quản lý mạng ảo & blogger”. Gì thì gì, thất bại là ngoại thành công, cũng là bà đỡ của các thứ dự án chống sợ hãi (và véo thêm tiền) của lãnh đạo.

Ngay dòng đầu in đậm nay, tác giả Hải Đăng còn hé lộ thêm một bí mật nhà nước khác nữa:
Từ hiện tượng ‘hạ nhiệt blog’ để thay thế bằng ‘cơn sốt Facebook’ lại đặt ra một số vấn đề cần được khảo sát, nghiên cứu và điều chỉnh…”.

Con số 31 triệu người VN sử dụng internet (theo thống kê của VNNIC), tức 1/3 dân số, đã là điều đáng lo. Lại thêm 1/3 con số đó tham gia Facebook, hỏi có chết người không? 

Hiện tượng “hạ nhiệt blog” không phải là thành quả gì sất, nhưng rất đáng mừng. Nó là chuỗi thoái trào (theo định luật đào thải tự nhiên) của Y-360 qua tới Multiply, trên toàn thế giới, chứ chẳng riêng gì VN. Và, lắm kẻ đồ rằng, bất chiến tự nhiên thành mà được ngần đó đã đủ để …thở phào. Nào ngờ, họa vô đơn chí, “cơn sốt Facebook” ập tới, khiến bộ 4T và dàn lãnh đạo trên đầu nó rụng rời chết khiếp khi nghe mô tả độ “hung hãn” của FB không kém gì trận sóng thần Tsunami-2004.

Thực tế, có muốn đừng khiếp cũng không xong:
Theo công bố của Facebook thì trung bình ba giây có một tài khoản mới đến từ Việt Nam; số người dùng Facebook tại Việt Nam đạt 19,6 triệu người, chiếm 74,1% lượng người sử dụng internet, vượt qua các trang mạng trong nước nhiều lần…” .

Tác giả vừa muốn dọa lãnh đạo, lại vừa ngây ngô ngờ nghệch đặt lên bàn cân một “vấn đề nhức nhối”, như một sơ kết lỏng đoạn 1: “Vậy, với sự phát triển chưa có dấu hiệu dừng lại, Facebook có phải là mạng xã hội hữu ích thật sự hay chỉ là ‘mốt’ mới của một số người Việt Nam, nhất là giới trẻ?”. Thế nào là thật sự hữu ích? Phục vụ cho cỗ máy xay thịt này mới là hữu ích? Ý thích của dân vừa khớp với ý đảng bầy đàn “nhập hán” thì là hảo hảo, ngược lại thì thành “mốt” (ở cái nghĩa tiêu cực của từ này) chăng?  Mà nói cho cùng, “mốt” thì đã sao?

Chỉ tiếc mỗi điều, cơn bão FB chưa qua (và hẳn còn lâu mới qua), nhưng đã tận lực giúp cho các “vấn đề cần được khảo sát, nghiên cứu và điều chỉnh“ cái “kỷ nguyên số” thần kỳ của VN đã để lộ ra cái trình IT không mấy cao của tác giả Hải Đăng (ngay cả tên mạng liên kết giới chuyên gia LinkedIn cũng bị tác giả viết sai thành “Linkelin”, hay hồn nhiên mắng người lấy nick Phồng Tôm, chẳng hạn). Tức là, ít ra, cũng không cao bằng những ưu lo về mặt chính trị rất đỗi đáng phiền của “hệ quả Facebook”.

Một trong những hệ quả ngày càng khiến lãnh đạo khó thở là sự chuyển đổi thái độ của quần chúng, từ tiếu lâm/xa gần bóng gió sang hát nhại/mắng xéo, rồi bật ngay sang cao điểm gọi thẳng tên/mắng thẳng mặt, với độ nhặt và độ khuếch âm tỷ lệ thuận theo con số trương mục FB ngày càng gia tăng ở đây. Điều này quả khó nói thẳng. Tác giả đã phải tự tụt hậu về thời xa xôi bóng gió mà định danh rằng đó là “trào lưu bôi xấu, hạ thấp danh dự người khác trên mạng”. Người dân thường không phải là mối lo được ghi là “người khác” ở đây. Tác giả chỉ duy nhất bày tỏ một lòng cúc cung bảo vệ loại “người khác” thuộc hàng lãnh đạo. Và do đó, nói thế là nói điêu, bởi chưng, loại đó có cóc gì danh dự mà bôi xấu với chả hạ thấp? Có chăng, đó là khúc quanh lịch sử từ ý tưởng ra tới hành động Nói Thẳng & Nói Thật, của các FBker, thông qua phương tiện tuyệt vời FB.

Y-360 ngày trước giới hạn số bạn thân quen là 300 người. FB ngày nay nâng vòng đai thân hữu lên 5000 người. Hãy tưởng tượng những vòng đai 5000 người ấy đan chéo và chồng chất lên nhau… Một bức ảnh, một mẩu tin, một ý tưởng, một bình luận, hay một đề nghị nào đó… đăng lên FB, chỉ trong vòng đôi ba phút là có thể lan ra đến nhiều vạn người và từ đó nhồi sóng liên hoàn đến hàng chục vạn người khác. Cho nên, từ đó nảy sinh ra một hệ quả sinh tử khác (rất đáng ngại,) là số người mới gia nhập cộng đồng FB Việt Nam tự làm quen kết thân với nhau và với những cư dân cũ (thông qua những nút Like), sẽ đi tắt đón đầu rất nhanh trong việc tìm hiểu/cập nhật Sự Thật (bằng những nút Share), rồi chuyền nhau cái Sự Thật đó ra theo lũy thừa/cấp số nhân. Cứ 1 người chuyền đến 2 người (tầng 1), 2 ra 4 (tầng 2)… cứ thế, hãy mường tượng đến cấp thứ 25-26 là mẩu thông tin ấy đã “phủ sóng” được một phần đất nước!

Nguyễn Hải Đăng đã thành công khá cao về mặt trưng bày sự sợ hãi, của lãnh đạo, và có thể phần nào của cá nhân, đối với tài năng tận dụng FB của dân Việt.

Nhưng xem ra, tác giả thất bại nặng nề trong lý luận tuyên án “Facebook là mạng xã hội mà người dùng có thể khai báo, sử dụng, trao đổi, chia sẻ các thông tin, thông điệp một cách công khai, bán công khai hay hoàn toàn bí mật”. Thế, quá rõ là FB không văn minh, dân chủ, công bằng…! FB, lẽ ra, phải học tập lối sống và làm việc theo hiến pháp và luật pháp của VN chăng?

Càng nặng nề hơn khi tác giả ghép tội đại trà cho giới blogger VN, rằng: “…blog không phải là nơi để người dùng giãi bày việc khó nói, đưa ra phát ngôn tùy tiện, nhất là những điều sai sự thật… phát ngôn bừa bãi, tung tin hiếu kỳ, vu cáo người khác”. Chính trong dòng chữ này, tác giả (như khá nhiều tác giả khác của hệ báo đảng) đã vơ đũa vu cáo cho nhiều triệu blogger Việt Nam. Hẳn là bởi sự xuất hiện của Mạng Lưới Blogger Việt Nam và những Tuyên Bố (rất thẳng thắn và rất phiền lòng đảng) chăng?

Hay, khi tác giả ghép tội đại trà cho giới FBker VN là: “quảng cáo về mình… mắc bệnh nghiện được ‘like’… không đọc kỹ các thông tin đăng trên các trang báo ‘lá cải’ và một số trang tin hải ngoại, rồi bình luận thiếu trách nhiệm”.

Đại loại như những bài đầy lá gần đây:

“Trò diễn mới của mấy đào kép cũ”! (20/01)

Về cuộc “chạy đua bằng cấp”! (16/01)

Những nhận định hồ đồ (13/01)

Họ đã tự loại mình khỏi đội ngũ (09/01)

Thêm một “trò hề” lộ diện! (02/01)

CPJ bảo vệ, tiếp tay cho cái xấu (26/12)

Rồi thân tình khuyến cáo “bạn bè theo đúng nghĩa trên Facebook luôn có thể là người xa lạ, người dùng chỉ biết đến thông qua những mối quan hệ rời rạc”… Trong đoạn công tố hùng hồn này, phe kiểm sát đã tiết lộ một chi tiết động trời mà thủ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng từng lắm phen vất vả phủ định: Báo Lá Cải. Phải chăng nền truyền thông nước nhà đã vào cuối ngõ cụt, và mọi người lên FB là vì muốn tránh mùi bắp cải úng gom đống ở chợ chiều Cầu Muối?

Xong phần công tố FBker, tác giả lại quay ra tuyên án lần nữa “Facebook đã ‘vô tình’ cổ động cho hành vi không minh bạch của nhiều người sử dụng”. Bởi, cứ ngữ này thì có khác gì sinh hoạt của giới giám đốc/tổng giám đốc ngân hàng các loại, hay, sinh hoạt thượng tầng của BCT, trong việc sử dụng tiền thuế của người dân VN. Đã thế, FB lại còn “ru ngủ và gây nghiện ” người tham gia, khiến người người bỏ bê họp đảng, hoặc là đi họp với khối kiến thức trang bị từ mạng FB…

Chưa hết, tội đáng chém là: “Facebook đã gián tiếp lôi kéo người sử dụng làm việc riêng trong giờ hành chính”… “và như thế là vi phạm Luật Lao động”. Rõ là FB đã tập cho công nhân viên chức VN thay đổi tập quán (cùng luật lao động) cà phê thuốc lá/thuốc lào (từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa) và bia bọt/cuốc lủi (từ 11 giờ trưa tới 11 giờ đêm) thành tập quán hoàn toàn tai hại là cà phê + bia bọt + FB suốt ngày!

Túm lại, trong bài xã luận này, tác giả muốn gì (cho đúng ý trên)?
Xử lý được loại tin đồn nhảm, xúc phạm, bôi xấu người khác với đầy rẫy trên các trang Facebook cộng đồng, hội không rõ nguồn gốc”…

Các trang Facebook của các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam lập ra để vu cáo, vu khống, bình luận xuyên tạc về Việt Nam”…

Tác giả mớm ý điều gì?
 “Facebook và những quyền lợi phù du mà nó đem lại có đáng để đánh đổi những gì mà chúng ta không thể đánh mất?“.

Hiện tại một số nước không cho phép mạng xã hội này được hoạt động tại nước họ”.

Giải pháp?
Để hạn chế người dùng Facebook một cách tiêu cực là cần xây dựng, phát huy tốt vai trò của những mạng xã hội trong nước cũng như nâng cao văn hóa của người sử dụng internet”.

Ngắn gọn, đó là đoạn Ouverture dạo đầu nhằm diễn ý kẻ đặt hàng: 1) Miệt thị Bloggers; 2) Tuyên án FB; 3) Tuyên án FBkers; 4) Mớm ý cấm FB; 5) Chỉ đạo tiến trình cấm FB.

Người ta có thể cảm thông cho ý chí ngăn chận/cấm đoán bất kỳ điều gì đảng không quản nổi. Mà không cấm được thì cũng cứ ra quyết định cho một bộ phận không nhỏ có cái mà làm luật với dân. Bình thường xưa giờ vẫn vậy, không có gì ngạc nhiên. Cũng chẳng ai ngạc nhiên về cái giải pháp “Không Bãi Đáp” kia. Chưa nói là sẽ làm cách nào, làm khi nào… Trước mắt đã đạt thành quả bước đầu là một số câu hỏi treo lơ lửng: Ai xây dựng? Ai phát huy các mạng xã hội trong nước? Ai nâng cao văn hóa của người sử dụng internet? Cho việc phục vụ cái guồng máy ép dân ra nước cốt này?

Lại phải hoan hô báo Nhân Dân đã dụng công đưa bài lãnh đạo mớm ý cấm tiệt Facebook trùng khớp vào lúc LHQ tổ chức Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát Nhân Quyền 2014.

*


FB không làm phiền ai, và cật lực cố tránh làm phiền bất cứ ai. Tuy nhiên, trong tay những người bị đàn áp, vào thời buổi này, thì quả thực không có phương tiện truyền thông nào bảnh hơn FB, để bày tỏ/truyền đạt ý tưởng, thực thi quyền phát biểu/phản biện, và nối kết hành động với nhau… bất kể nhà nước có đồng ý hay không.

Túm lại, ở đây, Nguyễn Hải Đăng chỉ cắm cúi/cặm cụi làm tròn cái việc bày tỏ sự sợ hãi của lãnh đạo đảng, không phải đối với FB, mà là đối với Sự Thật đại trà do nhân dân trưng ra ánh sáng, thông qua mạng FB.

Doãn Hợp & Quý Doãn, ở cương vị thủ trưởng và thủ phó của bộ 4T, đã từng đích thân mày mò làm công việc trưng bày sự sợ hãi đó từ nhiều năm trước, và cũng từng gãy răng sứt trán với dàn blogger VN non trẻ thời ấy. Chỉ cần duyệt sơ chuyện gì xảy ra trong hai năm qua, người ta thấy ngay là truyền thông đảng đã thực sự vỡ trận. Một bài báo nhận định kém và giải pháp tồi như của Nguyễn Hải Đăng, cho dù là viết theo đơn đặt hàng hay do lòng cúc cung bẫm sinh, cũng hẳn là khó lòng lật ngược tình hình cái trận thế nhão nhoét hiện nay.

FBker Trung Bảo đã phát hiện một điểm vỡ trận (và vỡ mặt) lý thú ngay trong bài báo đề xuất đối sách cấm FB:
“Nhiều khi không hiểu báo Nhân Dân muốn gửi thông điệp gì đến người đọc. Bên dưới bài viết kêu gọi cấm facebook là một nút share bài viết đó trên… facebook” (FBker Trung Bảo – ảnh minh họa của FBker Hao-Nhien Q. Vu).

Chúc tác giả bài xã luận gai góc thượng dẫn thật nhiều may mắn trong tiến trình dựng bảng cấm.

Bởi, nhân loại ngày nay có hai thứ sinh hoạt mê hồn, viết theo tiếng Anh, cùng bắt đầu bằng chữ F và chấm dứt bằng chữ K. Chỉ trong vòng 10 năm nay, sinh hoạt FacebooK đã thong thả dẫn đầu, và loại sinh hoạt kia, có cố gắng cách mấy, tự thân hay được hỗ trợ bằng các thứ tiên dược màu xanh, cũng không thể nào theo kịp, cả sô lượng lẫn thơi lượng. Cái còn lại kia đó, nhân đây, cũng trân trọng và hết lòng ưu ái gửi tặng tác giả Nguyễn Hải Đăng cùng các thứ “trên” của bạn.

Suýt quên: FBker Hương Xuân Hồ đã chịu khó đọc giúp tựa bài là: Cái Đèn Biển Chạy Bằng Củi Dạt Bờ.
08-02-2014 – Kỷ niệm tròn 110 năm Nhật tuyên chiến với Nga.

Blogger Đinh Tấn Lực
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn