BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73335)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

"Nhờ ơn" Nhà Nước

28 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1019)
"Nhờ ơn" Nhà Nước
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Từ thời xa lắc xa lơ mồ ở miền Nam và xa thật xa nữa trên cả nước Việt Nam, thông thường, một đứa trẻ mới đi học, đầu tiên người ta dạy nó “Tiên học lễ, hậu học văn”, “kính trên nhường dưới”, “đi thưa về trình”, “lễ phép với người lớn”, “siêng năng học tập”... (theo Quốc Văn Giáo Khoa Thư). Riêng tôi thì có phần bị ngược lại, già đầu hai thứ tóc mới “học vỡ lòng”; và thực hành những bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Tôi xin kể vài chuyện lặt vặt “mua vui cũng được một vài trống canh” hầu bạn đọc.

Đầu tiên, năm học lớp 1 bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng được dạy thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Quả trẻ con với người lớn rất chi là “bình đẳng”. Ngày nào cũng vậy, đầu giờ học, lớp trưởng đứng trên hô to: “Học sinh, nghiêm!”. Cả lớp đứng dậy. Lớp trưởng hô tiếp: “5 điều bác Hồ dạy. Điều 1”. Bọn học trò bên dưới đọc to lên rào rào rất khí thế đến hết 5 câu, rồi mới ngồi xuống mở tập vở ra học. Suốt mười sáu năm, tôi lọ mọ học hết tiểu học, trung học, đại học, trở thành cán bộ nhà nước theo cái nguyên tắc ấy.

Tôi thuộc loại cán bộ “hoang đàng có tổ chức”, ở nhà muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, khi nào muốn về nhà thì về, khỏi cần phải thưa gởi xin phép ai hết. Bởi lẽ, nhà tôi lớn nhất chỉ có bà mẹ “thấm nhuần lý tưởng cộng sản” từ thời còn làm cán bộ hành chính trong công ty Chăn Nuôi Thú Y của nhà nước, nên mẹ tôi chẳng khi nào thắc mắc về cái sự đi lại thất thường của tôi. Nhà lại không có điện thoại bàn lẫn di động nên không cần gọi điện về thông báo.

Từ ngày tôi không còn là cán bộ nữa mà chuyển sang nghiệp “nhà báo lề trái” thì, “nhờ ơn” nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi bỗng dưng trở thành “con ngoan trò giỏi”, “đi thưa về trình”, “kính trên nhường dưới”, “nhân nghĩa bác ái”, “siêng năng học tập không ngừng”... mẫu mực theo kiểu thực dân - phong kiến.

Nếu như hồi làm cán bộ tôi hay đi làm về khuya lắc khuya lơ, thường xuyên là “đối tượng” cho bọn chó “nghi vấn kẻ gian”, chúng sủa dậy động cả khu phố yên tĩnh. Thậm chí đi suốt đêm, sáng bét mới mò về nhà đánh răng rửa mặt, thay bộ quần áo khác, xong lại đi tiếp đến 11 giờ trưa mới về. Nửa đêm đang ngủ, thường có những “thằng” quen mặt chạy Honda 67 đến nhà kêu “Tần ơi! Tần à!” um sùm, rồi tôi mặc quần áo vô theo “thằng đó” đi mất đến sáng hôm sau. Người nhà không hỏi, mà tôi cũng không nói là tôi đi đâu. Còn bây giờ, buổi sáng đường phố đông đúc người đi, tôi mới ra khỏi nhà; buổi tối đi đâu không quá 9 giờ là tôi về nhà, trừ phi có việc gì đó quan trọng hơn, thì cũng đi không quá 10 giờ. Trước khi ra khỏi nhà tôi đều “lễ phép trình báo” với bạn bè, người quen tin cẩn rằng tôi đi đâu, làm cái gì, ở đâu, mấy giờ thì về. Về đến nhà xong cũng “lễ phép trình báo” rằng tôi đã về nhà rồi để bọn họ khỏi phải nháo nhào tìm kiếm rồi gào toáng lên, và nghi vấn tôi đã bị “quần chúng tự phát” cho đi “mò tôm” ở xó xỉnh nào đó. Gặp hàng xóm, người quen tôi chào hỏi “nhiệt tình” (phòng khi tôi “bỗng dưng mất tích” thì cũng có người làm chứng thời điểm sau cùng gặp tôi là lúc mấy giờ, ở đâu). Không vào chỗ tối, không vào mấy chỗ ăn chơi nhậu nhẹt, không nghiện ngập bất cứ thứ gì (lớ ngớ là được “lên báo đảng” như chơi).

Trong khi thế giới đang phản đối quy định của đạo Hồi bắt buộc phụ nữ ra đường phải có đàn ông là chồng hoặc anh em trai đi cùng, thì ở xứ sở Việt Nam “thiên đường XHCN” này, tôi “bỗng dưng tự nguyện” theo quy định của đạo Hồi trong khi tôi là con chiên của Chúa Jésus. Tôi ra khỏi nhà luôn có “vệ sĩ của tôi đi kèm”, dù “vệ sĩ” này ho hen ốm yếu như con gà rù mắc mưa, chỉ đủ khả năng làm “tài xế” xe máy. “Đính kèm” theo tôi còn có “vệ sĩ không phải của tôi” (mà giáo dân Thái Hà gọi là “quần chúng tự phát... tiền”) trẻ trung, khỏe mạnh, “đẹp chai” tự nguyện “bám sát đít” mọi lúc mọi nơi. Nếu tôi gặp gỡ bạn bè, người quen thì các vị “quần chúng tự phát... tiền” đột nhiên tăng số lượng lên theo cấp số nhân để sẵn sàng “hộ tống tận nhà” các bạn hữu của tôi luôn. Thế này thì chẳng phải tôi nghiễm nhiên trở thành “con ngoan trò giỏi”, biết “đi thưa về trình” rồi hay sao? Khối bậc phụ huynh ngày nay chỉ mơ ước duy nhất quý tử của mình đừng ăn chơi đàn đúm, đừng tụ tập bè bạn đi sớm về khuya, mà còn không được nữa đó.

Hồi trước, tôi chỉ gọi “cha” có một người là cha ruột tôi thôi, mà cũng ít khi nhắc đến từ “cha” trên miệng vì cha tôi chết sớm. Tôi là kẻ vô thần, ăn trộm đồ cúng (bè chuối người ta thả trôi sông cúng cô hồn đều bị tôi lội ra lôi vào “quất” hết), phá chùa phá miễu, giễu cợt sư thầy. Bây giờ, “nhờ ơn” đảng ta tống cổ tôi ra khỏi đảng, “nhờ ơn” nhà nước ta tống cổ tôi ra khỏi cơ quan nhà nước. Tôi đi theo Chúa Jesus nên tôi bỗng dưng được có rất nhiều Cha, mỗi lần gặp quý Cha tôi đều cúi gập người “Con chào Cha” rồi trò chuyện với quý Ngài rất là kính cẩn, vui vẻ.
Tạ Phong Tần nhận lãnh bí tích rửa tội

Một người bạn trêu đùa tôi rằng: “Cố gắng ngồi còng lưng làm việc, kiếm cho nhiều tiền đi để còn có cái cho chúng ăn cướp”. Có lần, Cha Thành kể chuyện rằng hồi trước năm 1975, có vị bề trên (cao lắm) của Việt Nam đi nước ngoài dự hội nghị gì đó (Cha Thành nói tiếng Tây, mà tôi dốt tiếng Tây quá nên quên rồi), vị này ký văn bản hứa hẹn cùng với Giáo hội các nước khác bán tài sản Giáo hội giúp đỡ người nghèo, nhưng sau khi về Việt Nam rồi thì không thực hiện. Sau năm 1975 tài sản Giáo hội bị cướp sạch hết. Bọn chúng tôi được một trận cười hả hê. Tôi nghĩ, cái gì đã hứa cho mà không thực hiện thì coi chừng Chúa cũng lấy đi, keo kiệt quá thì “của Thiên trả Địa”, nên bây giờ tôi có tiền, thì tôi cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác, hết thì thôi, không cần giữ lại nhiều, may ra lúc mình túng bấn, có khi người ta giúp lại mình. Nếu không, bị cướp hết sạch như vừa rồi, thì có phải là uổng phí hay không. Thế thì chẳng phải tôi trở nên “kính trên nhường dưới”, “nhân nghĩa bác ái vượt chỉ tiêu trên giao”, “lịch sự lễ phép có thừa” thì là gì?

 
 Trái qua: Tạ Phong Tần, Blogger Điếu cày và Nguyễn Tiến Trung




Tôi được “cơ quan phân công” đi học tin học năm 1997, lúc đó chương trình chứng chỉ A bao gồm sử dụng MS-DOS, Word, Excel là chấm hết, chưa có và chưa biết đến Internet. Khi trở thành “nhà báo lề trái”, tôi phải tự mình học cách sử dụng internet, học cách tạo và post bài, post ảnh, post video- audio, trình bày những trang blog. Tôi bắt buộc phải tự học cách trèo tường lửa (nếu không muốn bị “cho ăn” thông tin “định hướng” một chiều), cách lấy lại những bài báo “lề phải” đã bị “giật xuống” (nếu muốn giữ lại bằng chứng “bí mật” vô tình bị “bật mí”), cách làm sạch và “tiêm vắc-xin”, “chữa bệnh” cho cái còm píu tơ của mình (đôi lúc cũng bị “phạm thuốc”, nhưng chưa gây “hậu quả nghiêm trọng”), v.v... Nói chung là trình độ i- tờ (IT) của tôi từ bậc “mẫu giáo lớp mầm” đã được “nâng cấp” lên một cách “quành cháng”. Thế chẳng phải tôi đã phát huy tinh thần “siêng năng học tập không ngừng” thì là gì?
Nếu còn ngồi trong “cơ quan nhà nước” có lẽ tôi vẫn là loại cán bộ “thành phần làng nhàng” như ông nguyên Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ Thang Văn Phúc vừa mới nói. Nói túm lại là, “nhờ ơn” nhà nước CHXHCN Việt Nam ta mà tôi đã không ngừng rèn luyện và hoàn thiện bản thân tôi nâng lên một tầm cao mới (lại muốn dùng chữ “quành cháng” mà không dám, sợ người đọc cười té ghế).




Ghi chú: “Chiện” có thiệt “chăm phần chăm”. Ai hổng tin cứ gọi số (84) 1677 315 421 hỏi... tui thì biết.

Tạ Phong Tần

Bài đã đăng Tuần báo Trẻ (Texas, USA)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn