BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hải chiến Hoàng Sa: Tường trình của một lính thủy trên chiến hạm Trần Khánh Dư

21 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 1225)
Hải chiến Hoàng Sa: Tường trình của một lính thủy trên chiến hạm Trần Khánh Dư
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Đã 40 năm trôi qua, song đối với ông Lữ Công Bảy, trận hải chiến Hoàng Sa như vừa mới vừa xảy ra hôm qua. Ở trận chiến đó, ông và các đồng đội của mình đã phải chứng kiến một phần lãnh thổ của tổ tiên bị vuột mất vào tay ngoại bang.Ký ức Hoàng Sa

Ông Lữ Công Bảy hẹn chúng tôi ra một “quán cóc” trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Giờ đây, người thủy thủ của trận hải chiến Hoàng Sa không còn mang trên ngực phù hiệu, cấp bậc mà một chiếc thẻ của nhân viên bảo vệ.

Ở cái tuổi ngoài 60 nhưng ông Bảy vẫn giữ được vẻ nhanh nhẹn của một người từng trải qua sóng gió của đại dương.



Những tưởng cuộc sống thường nhật và những biến thiên của lịch sử từ sau năm 1975 sẽ khiến ông quên đi trận chiến ngày xưa. Vậy mà, khi nghe nhắc đến hai tiếng Hoàng Sa, câu chuyện giữa chúng tôi trở nên sôi nổi, mọi thứ như một đoạn phim cũ được chiếu lại.

Ông bảo, thời điểm cuộc chiến giữ đảo - mà bây giờ chúng ta hay gọi là trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra, ông đang đeo quân hàm thượng sĩ, giữ nhiệm vụ trong thuật ngữ chuyên môn của Hải quân Việt Nam Cộng hòa gọi là “giám sát lộ trình hàng hải” hay gọi tắt là Giám lộ.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn ra, ông Lữ Công Bảy còn kiêm nhiệm chức vụ phụ tá hành quân trên chiến hạm Trần Khánh Dư – đó là lý do mà ông nắm được khá nhiều thông tin về trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra vào năm 1974.

So với nhiều người lính tham gia trận hải chiến ấy, ông Bảy được xem là người có thâm niên gắn bó với Hoàng Sa nhiều nhất.

Những đồng đội của ông Bảy đã hi sinh ở Hoàng Sa


Nhập ngũ năm 1964, tính đến thời điểm xảy ra hải chiến ông đã có hơn 10 năm gắn bó với hải quân và hơn phân nửa thời gian đó, ông cùng những đồng đội của mình vẫn đi tuần khắp vùng biển Hoàng Sa để canh giữ chủ quyền hoặc tham gia nhiệm vụ chuyển quân ra đảo.

“Đối với tôi, Hoàng Sa như máu thịt, các hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa không nơi nào tôi không đặt chân lên…”, ông Bảy trầm ngâm nhớ lại "Tôi còn nhớ cá ở Hoàng Sa nhiều lắm, cứ mỗi lần tàu đến vùng biển này, chỉ cần buông một dây câu có 10 lưỡi thì trong vòng 10 phút phải có đến 6 lưỡi câu dính cá".

Ngày 11.1.1974, quân Trung Quốc đột ngột đưa tàu đến vây những hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Bộ chỉ huy Quân đoàn I của Việt Nam Cộng hòa quyết định điều chiến hạm ra Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền.

Khi ấy, khu trục hạm Trần Khánh Dư – HQ-04 nơi ông Bảy phục vụ đang làm nhiệm vụ tuần tra ở khu vực Cù Lao Ré (đảo bé thuộc huyện Lý Sơn – PV) được lệnh quay trở về cảng Tiên Sa - Đà Nẵng.

Toàn bộ đơn vị được lệnh cấm trại 100%.

Đến 8 giờ sáng ngày 16.11.1974, tàu được tiếp tế lương thực, đạn dược và 2 chiếc xe GMC xịch đến đổ xuống một toán Biệt Hải (biệt kích hải quân - PV).

11 giờ ngày 16/1/1974, đơn vị được lệnh trực chỉ Hoàng Sa.

Cuộc chiến tín hiệu

Sau một ngày đêm, cùng với các chiến hạm khác, chiến hạm HQ-04 có mặt tại quần đảo Hoàng Sa.

Ngoài các lực lượng chiếm đóng trái phép trên đảo, quân cướp nước còn cho bố trí ở đây hai chiếc tàu tuần tiễu.

Để gây hấn, chúng ngày đêm đánh tín hiệu bằng đèn nhằm chọc tức những người trên các chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa.

“Tôi là người nhận và trả tín hiệu nên nhớ rất rõ. Bọn chúng liên tục khiêu khích chúng tôi bằng cách phát đi thông điệp "chúng ta hãy làm những điều mà một quân nhân cần làm” hoặc ngụy xưng chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa", ông Bảy nhớ lại.

Tuy nhiên, tuân thủ luật Hàng hải và luật pháp quốc tế, các chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa đáp lại bằng những lời khẳng định chủ quyền cương quyết, kêu gọi các tàu Trung Quốc hãy ra khỏi lãnh hải Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Không khí căng như dây đàn suốt một ngày đêm, trò khiêu khích, thách chiến ấy vẫn duy trì cho đến khi súng nổ vào sáng ngày 19.1.1974.

“Như các anh đã biết, sau 30 phút chiến đấu sinh tử với kẻ thù, một phần mảnh đất cha ông đã bị quân cướp nước cưỡng đoạt từ đấy”, nói đến đây người thượng sĩ già năm ấy chợt ngừng lại.

Câu chuyện về trận chiến năm ấy chưa dừng lại khi ông Lữ Công Bảy kể cho chúng tôi nghe vì một sự bất nhất trong khi ra lệnh tác chiến, một chiến hạm thay vì nổ súng thẳng vào kẻ thù lại bắn lên đảo với ý đồ "dọn bãi" cho lực lượng đổ bộ. 

Chỉ một tích tắc thiếu sự phối hợp đó đã không gây được nhiều tổn hại cho quân địch như ý muốn.

Theo ông Bảy, nếu trận chiến diễn ra chậm 1 ngày thì sẽ là một trận đánh lớn vì tất cả chiến hạm của hải quân Việt Nam Cộng hòa đã được lệnh trực chỉ Hoàng Sa để chiến đấu.

“Chết vì chiến đấu với Trung Quốc là cái chết vinh quang!”

Mặc dù thất bại, không giữ đất đảo song khi trở về Đà Nẵng, những người lính sống sót sau trận đánh được người dân chào đón như những người hùng.

Trước đó, thông tin về trận hải chiến khiến đất liền không yên. Không ai biết điều gì xảy ra với những người tham gia chiến trận. Người người như lửa đốt trong lòng khi nghe tin lãnh thổ Việt Nam bị quân Trung Quốc cưỡng chiếm.

Tàu vừa cập quân cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), ông Bảy lập tức nhờ một người đàn em có nhiệm vụ đưa xác các tử sĩ về Sài Gòn đến báo tin cho gia đình ông biết rằng "con vẫn không có bề gì". Tin báo đến với gia đình ông đúng trưa 30 tết năm ấy.

Ông Lữ Công Bảy ngày nay


Về phần những thủy thủ tham gia trận hải chiến, khi vừa bước ra đường là được người dân vây quanh thăm hỏi về trận chiến.

"Lúc đó tôi mang phù hiệu của khu trục hạm Trần Khánh Dư, phù hiệu đẹp lắm, vừa bước ra đường là được người dân xúm lại hỏi thăm. Trả lời không kịp, tự hào lắm", ông bảo vệ già này hồi tưởng.

Lúc đó lòng người ai ai cũng phẫn uất trước sự ngang ngược của quân Trung Quốc và thương tiếc cho những người đã vị quốc vong thân. Vì vậy, khi có lệnh chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa, trong lòng ai cũng phấn khởi vô cùng.

“Đêm mồng một Tết, sau khi đón giao thừa xong chúng tôi được lệnh chuẩn bị lên đường đi tái chiếm Hoàng Sa. Đứng trước người chỉ huy, nhiều người lính, trong đó có tôi đã thốt lên – nếu có chết vì giao chiến với quân Trung Quốc để giành lại Hoàng Sa thì đó sẽ là một cái chết đầy vinh quang…”, ông Bảy nhớ lại.

Có lẽ chính vì suy nghĩ như vậy mà đêm ấy – Tết Nguyên đán – không một người nào trên chiến hạm Trần Khánh Dư đào ngũ – một điều rất lạ trước mỗi trận đánh thời ấy.

Tuy nhiên, đi được khoảng một ngày, đột nhiên tàu nhận được lệnh hủy tái chiếm Hoàng Sa.

Chiến đi tái chiếm được chuyển thành một cuộc tuần tra, tìm kiếm những quân nhân bị nạn trong trận chiến trước đó.

Biết chuyện, nhiều quân nhân trên chiến hạm như muốn điên lên vì uất ức.

“Chuyện hủy bỏ kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa đã được lịch sử giải mã. Thế nhưng, riêng cá nhân tôi và các đồng đội của mình vẫn cảm thấy tiếc vì không được chiến đấu để giành lại đất…”, ông Bảy kết thúc câu chuyện với chúng tôi về Hoàng Sa bằng một sự nuối tiếc vì không được dịp hiến công sức, máu mình cho Tổ Quốc.

Như tựa đề cuốn hồi ký của cựu đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, người chỉ huy trận hải chiến, xuất bản cách đây vài năm ở Mỹ, với những nỗ lực và máu mà các quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã đổ xuống lòng biển ở quần đảo Hoàng Sa năm xưa, họ xứng đáng được gọi là "Can trường trong chiến bại".

Nguyễn Minh - Trung Bảo
Nguồn: motthegioi.vn/xa-hoi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn