BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73216)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tháng Bảy, mùa cúng cô hồn

25 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1000)
Tháng Bảy, mùa cúng cô hồn
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Một người dân ở thành phố Hà Nội đốt vàng mã trong ngày rằm Tháng Bảy, cúng cô hồn. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Theo thuyết nhà Phật, ngày rằm Tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam là Lễ Vu Lan cũng là Lễ Xá Tội Vong Nhân.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ điển tích Bồ Tát Mục Kiều Liên khổ hạnh để cứu mẹ là bà Thanh Đề đang bị sa địa ngục. Còn lễ Xá Tội Vong Nhân (còn gọi là lễ Cúng Cô Hồn) theo truyền thuyết dân gian nói rằng trong ngày rằm Tháng Bảy, những âm hồn chưa siêu thoát ở chín tầng địa ngục được quỷ sứ dắt lên đứng trên cầu Nại Hà cho nhìn về quê hương để thấy người thân của mình ở trần gian. Ngày này, nếu thân nhân có cúng kiếng thì các oan hồn này được nhận quà, những oan hồn cô độc (cô hồn) không người thân cúng nhưng người khác cúng cũng được nhận quà luôn. Nếu được tụng kinh siêu độ thì sẽ đi đầu thai sang kiếp khác.

Tục cúng cô hồn thể hiện tinh thần nhân hậu, thương xót kẻ bất hạnh của tổ tiên người Việt. Nhưng cúng cô hồn ngày nay bị một số người coi là một hình thức “hối lộ cõi trên” để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc để được họ “phù hộ” trong công việc làm ăn.

Tôi không rõ những cô hồn chết có thật sự được về ăn quà, nhận quà cúng hay không, nhưng rõ ràng, các “cô hồn sống” là bọn trẻ nít chúng tôi được hưởng lợi.

Ngày trước, năm nào cũng vậy, ngoài Tết Nguyên Đán thì lễ cúng cô hồn là lễ chúng tôi nôn nao trông đợi, đếm từng ngày để được đi “giựt vàng.” Ngày thường, nhà tôi cơm ăn với rau muống sống, rau muống luộc chấm nước mắm cũng không đủ no bụng, làm gì có quà bánh ăn vặt. Gặp tháng giáp hạt, nhà nghèo con nít đông phải nấu cháo thật loãng, hái rau tróc, rau trai, rau má... mọc ngoài ruộng đem về rửa sạch nhận vô nồi cháo “ăn độn.”

Miền Nam khác miền Bắc ở chỗ nếu miền Bắc xem bắp (ngô), khoai (mì, lang) là lương thực ăn độn khi thiếu gạo thì miền Nam chỉ có “độn” rau đồng. Bởi lẽ bắp, khoai được coi là thức ăn chơi, giá bán còn mắc hơn gạo mà ăn không no bằng. Vì vậy, “giựt vàng” là dịp tụi con nít “kiếm thêm chút cháo” cải thiện bữa ăn ngoài cơm, cháo độn rau.

“Vàng” tức là mâm hoa quả, thức ăn người ta cúng cô hồn, gồm có những thứ bắt buộc theo phong tục là: nhang, đèn, hoa (vạn thọ, cúc vàng, bông trang đỏ hoặc trắng), gạo, muối hột, giấy tiền vàng bạc, mía chặt khúc, cóc, ổi, khoai lang sống, bánh dừa, bánh cúng (nếp pha chút muối trộn cơm dừa nạo, đậu trắng, gói trong lá dừa non rồi đem luộc chín), tiền xu, tiền lẻ (nếu tiền giấy), bánh ngọt (bánh quy, bánh men, bánh gai). Nhà nào khấm khá có thể thêm con gà giò, miếng thịt heo, vài con tôm, một con cua, hai cái trứng vịt luộc.

Đúng ngày rằm, chủ nhà bày mâm ra sân, đốt nhang đèn, khấn vái. Đợi nhang cháy tàn mới lấy chén gạo, muối rải tung ra bốn phía, đốt giấy tiền vàng bạc. Xong, bưng nguyên mâm cỗ cúng hất mạnh ra sân cho bọn trẻ nít chúng tôi nhào vô lượm, kêu là “giựt vàng.” Đứa nào mạnh khỏe, giỏi chen lấn thì giựt được nhiều thức ăn, đứa nào yếu nhiều lúc bị tụi kia nó đạp trúng khóc la inh ỏi mà chỉ cướp được có mấy khúc mía, cóc, ổi là thứ thường bị chê vì ăn không no bụng.

Ở các chùa lớn, đình thần, nhờ tiền quyên góp của bá tánh, người ta tổ chức trai đàn tụng kinh suốt mấy ngày trước khi bày mâm cỗ cúng. Mâm cỗ cúng có cả đầu heo sống, đùi heo sống, gà sống nguyên con bự bự.

Gạo, muối thì đóng bịch sẵn mấy trăm bịch ni-lông, mỗi bịch 2 ký lô. Cúng xong, đốt tiền vàng, rải gạo muối rồi, sư ông đứng ra phát “thẻ” cho bá tánh. “Thẻ” tức là các thẻ tre của chùa làm, trên đó có ghi chữ “đầu heo,” “đùi heo,” “gà,” “xâu tiền.”... có bao nhiêu món thì có bấy nhiêu “thẻ.” Sư sẽ tung mấy cái thẻ này ra ngoài hàng rào, thường thì người lớn mạnh khỏe mới tranh giựt được thẻ, chớ con nít là “không có cửa.” Ai có thẻ xếp hàng đi vô cửa sau chùa để nhận quà ghi trong thẻ. Khoai, cóc ổi, mía, bánh cứ việc đổ tràn ra sân trước cho con nít giựt. Riêng gạo, muối thì xếp hàng trật tự đi vô, mỗi người được sư phát một bịch muối, một bịch gạo, không phân biệt người lớn hay trẻ em.

Nhiều người ăn gian, lãnh phần xong rồi chạy ra ngoài đưa cho người nhà giữ, quay trở vô xếp hàng lãnh tiếp. Hồi tôi còn nhỏ, dân quê tôi dù đói ăn mấy cũng không đi lãnh gạo muối chùa phát, sợ mắc nợ chùa mà không trả được thì làm ăn không khá, nên những người thuộc hàng “mạt rệp” dữ lắm mới đi lãnh gạo muối của chùa. Sau này, tôi thấy nhiều người báng bổ thánh thần cũng xếp hàng đi lãnh gạo muối của chùa, tranh thủ lãnh được nhiều đem về... bán lại giá rẻ cho hàng xóm.

Cô hồn là loại ma lẻ tẻ, không dữ dằn như “binh.” “Binh” tức là ma có “tổ chức,” có “tập đoàn.” Tôi nghe người lớn nói đó là những người lính chết trận, chết oan, chết bất đắc kỳ tử nên họ không biết là mình đã chết. Linh hồn họ tập hợp lại thành từng đoàn, từng nhóm sinh hoạt giống như khi còn sống. Cho nên, binh quậy dữ dằn hơn ma. Cúng binh phải cúng theo kiểu khác để “tống khứ” binh đi càng xa càng tốt.

Người ta đốn 3-4 thân cây chuối bự, đóng cọc tre xuyên ngang kết thành cái bè lớn khoảng bằng cái mặt bàn buy-rô. Một đầu bè để bằng, một đầu vạt nhọn như kiểu mũi ghe bầu. Đầu bè, xung quanh bè cắm cờ phướn tam giác bằng giấy nhiều màu xanh đỏ tím vàng. Mũi bè cắm một cái cờ giấy màu trắng cao hơn một chút. Đuôi bè cũng dựng cái buồm đen bằng giấy y như buồm thiệt, cái này kêu là “Tàu cúng binh.” Đợi nước thủy triều lên, người ta khiêng cái “tàu” này thả xuống sông, cột dây cho khỏi trôi. Chính giữa “tàu” bày mâm cỗ cúng giống như cúng trên bờ. Khác ở chỗ cúng binh thì cóc ổi, khoai, mía, bánh ngọt ít mà tiền xu, đồ nhậu (thịt, cá, tôm, cua, trứng luộc) nhiều hơn, thêm bầu gốm rượu đế, có lẽ để cho “quý ông binh” nhậu? Người ta cũng khấn vái, đốt vàng mã, ném gạo muối, xong cắt dây đẩy “tàu” ra giữa dòng nước rồi về. “Tàu” cứ trôi phiêu phiêu giữa sông cho Hà Bá “xử.”

Tháng Bảy hàng năm, từ ngày 10 đến ngày 20 âm lịch, hễ đi học về là tôi thay ngay quần đùi, áo lá, không quên thủ thêm cái bọc ni-lông giắt trong lưng quần, chạy ra con sông gần nhà vừa lặn ngụp bắt còng bắt cua, vừa “canh me” phía thượng nguồn, thấy có cờ xí màu sắc phấp phới trôi giữa sông là lập tức bơi ra trước đón đầu. Cái tàu cúng binh vừa trôi xuống thì tôi “quơ” hết tiền xu và những thứ ăn được trên “tàu” bỏ vô bọc ni-lông rồi lội lên chạy về nhà. Cũng có khi xui xẻo, lội ra đã đời, kéo được cái tàu vô mới biết có tên “binh gia đại càng” nào đó nó hớt tay trên mình rồi, trên tàu ngoài cái bầu rượu và mấy bịch gạo muối nhỏ xíu thì chẳng còn giống gì ăn được.

Những mùa cúng cô hồn đi qua tuổi thơ tôi được coi là những ngày “hạnh phúc” và no đủ.

Sau này, khi tôi đã đủ lớn để không còn có dịp đi “giựt vàng,” kéo “tàu cúng binh” nữa, tôi thấy người ta cúng cô hồn còn là dịp để “khoe của” khi vật phẩm cúng “quành cháng” với những heo quay, gà quay, thịt quay bự bự nhiều tú hụ.

Từ đó cũng phát sinh những “tập thể” thanh niên mạnh khỏe chuyên đi giựt đồ cúng cao cấp bằng xe máy, chúng “ra tay” ngay khi gia chủ chưa kịp làm lễ cúng, thậm chí đánh luôn chủ nhà để giật đồ cúng cho bằng được. Rồi bọn họ đem ra làm mồi nhậu với nhau hay bán lại cho mấy xe hủ tíu, phở gà. Không chửi thì gia chủ ấm ức trong lòng, mà chửi bọn cướp giật này thì lại sợ mang tội với “người khuất mặt khuất mày,” làm mất đi ý nghĩa linh thiêng của lễ cúng cô hồn.

Thôi thì thây kệ, tự an ủi cúng cô hồn mà có “cô hồn” giựt là phải rồi. Dù sao bọn cướp cô hồn này chúng cướp những của cũng chẳng đáng là bao nếu so với cái bọn cướp đất, cướp nhà, cướp quyền sống của con người một cách công khai.

Tạ Phong Tần

24-08-2010

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn