BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lan man nghĩ về ba chữ “Tù mọt gông”

11 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 1255)
Lan man nghĩ về ba chữ “Tù mọt gông”
51Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
42
Người tù suốt đời tức tù chung thân như Nguyễn Thanh Chấn được gọi là “tù mọt gông” dù có thể trong trại giam không phải lúc nào anh ta cũng bị cùm hai chân. Người tù cải tạo vô thời hạn không xét xử như Nguyễn Hữu Đang vụ đầu trò Nhân văn Giai phẩm bị cùm kẹp trong một trại giam ở miền sơn cước vô cùng khắc nghiệt và hai chân bị cùm để khỏi trốn trại gọi là “tù khổ sai”.

 Gông hay cùm để xích chân xích tay những người tù là một thứ công cụ làm bằng gỗ thường thấy trong phim ảnh cổ trang. Nó không chỉ xích chân tay người tù mà còn xích cả cổ. Bây giờ thì làm bằng kim loại gọn nhẹ hơn và còn thêm tên còng, “còng số 8”. Khi đọc lệnh bắt một người mang một cái tội nào đó bao giờ người ta cũng còng tay người đó dẫn giải ra xe bịt bùng kín mít đề phòng trốn chạy. Vào tù rồi mới thay còng bằng gông hay cùm.

Có lẽ phải đề nghị Bộ Giáo dục đào tạo đưa các kiến thức này vào sách giáo khoa môn giáo dục công dân vì những thứ này nay dùng đến nhiều quá!

Cha tôi là một nhân sĩ yêu nước sớm giác ngộ cách mạng đi theo Đảng từ những ngày đất nước còn chưa được độc lập. Vậy mà cũng đã ba lần phải vào tù, nhà tù của cả quân ta lẫn quân thù!

Lần thứ nhất, ngay trước khi cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông bị quân Nhật đóng ở Yên Bái bắt giam cùng với toàn bộ con trai trong gia đình vì đã liên lạc với Việt Minh ở chiến khu Vần và giúp họ sáu chục khẩu súng mousqueton để vũ trang chuẩn bị cướp chính quyền. Hôm đó với tư cách Tri phủ Trấn Yên, họ mời ông lên Đồn Cao (nơi đóng trụ sở Bộ chỉ huy quân Nhật) làm việc và giữ ông ở lại luôn, nhốt ông trong một căn nhà bỏ hoang đồng thời xua quân đi bắt các con trai của ông cả thảy năm người trong đó có một người anh đã tham gia cùng bố giúp súng cho Viêt Minh bị tra điện dã man. Như thế gọi là “tù giam lỏng“. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông được giải phóng, được cử làm Phó chủ tịch Ủy ban lâm thời cách mạng tỉnh Yên Bái rồi sau làm chánh án Tòa án nhân dân đệ nhị cấp tức Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Yên Bái.

Quốc dân đảng của Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh theo chân quân Tàu Tưởng cướp chính quyền ở thị xã Yên Bái, đẩy Việt Minh sang bên kia sông, ông lại bị bắt vì đã giải cứu ông Nguyễn Văn Phúc Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Họ nhốt hai ông trong một nhà tù, hàng ngày khảo cung. Sau một tháng ông Phúc bị thủ tiêu còn bố tôi được vận động bởi các đại biểu quốc hội thuộc thành phần quốc dân đảng ở Hà Nội nên được trả lại tự do. Lẽ ra, bố tôi cứ ở Hà Nội, giã từ con đường chính trị yêu nước thì cuộc đời yên ổn nhưng ngày 19-12-1946, nghe theo lời kêu gọi của ông Hồ, ông lại đưa cả gia đình lên Yên Bái tham gia kháng chiến chín năm để rồi…

Năm 1953 Đảng phát động giảm tô giảm tức, ông bị quy là địa chủ vì ba cái mẫu ruộng cho phát canh thu tô. Ông bị “ông Đội” đem ra đấu tố (Mỗi xã thành lập một Đội cải cách ruộng đất, đội trưởng do cấp trên cử xuống, họ phát động quần chúng dựa hẳn vào bần cố nông để đánh gục giai cấp địa chủ bóc lột. Ông đội trưởng có quyền sinh quyền sát, có thể ra lệnh bắt người này bắt người kia và xử bắn họ. Đã có hàng ngàn người bị chết oan như vậy mà không biết vì sao họ bị giết). Một lần nữa bố tôi lại bị bắt.

Buổi chiều hôm trước họ triệu bố tôi lên Ủy ban xã nhốt trong một căn nhà lá tồi tàn. Sợ ông bỏ trốn, những bần cố nông gọi là “cốt cán” có sáng kiến dùng hai cây chuối để cùm hai chân ông. Họ dùng dao khoét hai thân cây chuối đủ để lọt hai cổ chân rồi ép chặt hai thân cây chuối vào vói nhau xong buộc hai đầu. Thế là ông mất tự do. Hai chân không thể co chỉ có thể duỗi dài, muốn đái ỉa xin cứ tự nhiên tại chỗ. Chỉ có những người nông dân bị lường gạt và vô học mới nghĩ ra kiểu cùm như thế. Nó không thể bị mọt nên không có khái niệm “tù mọt gông” nhưng chỉ sau một đêm thôi, ông có cảm tưởng nó dài cả ngàn ngày. Hôm sau ông bị lôi ra đấu tố. May quá! Ông chỉ bị kết tội bóc lột và phải giảm tô nên không bị xử bắn như một số người địa chủ khác. May nữa là những người nông dân không biết ông đã bị Nhật và Quốc dân đảng bắt. Nếu biết chắc chắn ông sẽ bị xử bắn vì tội “phản động” mà không ai trừ hai ông cộng sản cỡ bự Ngô Minh Loan và Nguyễn Văn Phúc có thể minh oan cho ông. Năm 1956 Đảng sửa sai, ông được “hạ thành phần“ xuống “địa chủ kháng chiến” và trước khi chết còn được truy tặng Huân chương kháng chiến. Từ lúc được trả lại tự do năm 1956 đến lúc chết năm 1979, ông - một viên quan lại, một phó chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời rồi chủ tịch cái Ủy ban này, chánh án Tòa án Tỉnh, chủ tịch Liên Việt tỉnh, chủ tịch Hội nuôi quân - sống bằng nghề đan sọt, con cái sợ liên lụy không dám về thăm ông. Tuy không bị gông cùm nhưng cuộc đời của ông chẳng khác gì một tù khổ sai, một tù giam lỏng, một tù mọt gông như nhân vật trong “Những người khốn khổ” của Victo Huygo.

Lương Kháu Lão

Theo Dân Luận
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn