BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73392)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư Ngỏ Gửi Ngài George W. Bush

14 Tháng Bảy 200812:00 SA(Xem: 843)
Thư Ngỏ Gửi Ngài George W. Bush
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Kính thưa ngài GEORGE W BUSH - Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ !

Tôi là Nguyễn Thượng Long - Nhà giáo đang sống những ngày hưu trí ở đất nước ngập tràn ánh nắng nhiệt đới có tên gọi là CHXHCN Việt Nam.

Thưa ngài! Mặc dù phải sống trong phần ít ỏi còn sót lại sau sự đổ vỡ của cả hệ thống chính trị xã hội XHCN, nhưng nhờ sự bùng nổ thông tin mà tôi biết được ít nhiều điều về một thế giới phẳng với những xã hội dân sự mà phần nhân loại văn minh đang được thụ hưởng. Vì vậy nên một công dân rất bình thường như tôi có thể trò chuyện một cách rất tự nhiên và cởi mở với ngài - vị Tổng thống của một quốc gia hùng mạnh bậc nhất Thế giới hiện nay.

Thưa ngài Tổng thống !

Làm sao mà tôi có thể thờ ơ được khi thấy quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam đã xích lại gần nhau hơn bao giờ hết kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao với nhau. Có được chuyển động đó phần quan trọng là nhờ chuyến Mỹ du của ngài Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng của chúng tôi vào những ngày hạ tuần của tháng 6/2008 vừa qua.

Thử hỏi làm sao mà có thể ơ hờ được trước những trích đoạn: "Tổng thống Bush nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam, cám ơn chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đón tiếp vợ chồng ông nồng nhiệt. Ông (Bush) bầy tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, hoan nghênh quyết tâm của chính phủ Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô…".

Thưa ngài Tổng thống !

Không ai có thể phủ nhận được một hiện thực là nền kinh tế của đất nước chúng tôi đang khởi sắc với đà tăng trưởng rất cao (8% - nay là 7%). Nhưng, thưa ngài Tổng thống! Với đất nước của chúng tôi, đất nước mà Đảng Cộng Sản luôn lớn tiếng "Của dân, do dân, vì dân", một đất nước mà tuyệt đại đa số là người lao động nghèo khó, vậy mà công nhân vẫn phải rầm rộ đình công vì ngày công không đủ sống, nông dân tiếp tục bị biến thành dân oan vì mất đất, mất nhà với những giá bọt bèo, học sinh, sinh viên nhiều em phải thất học vì không đủ tiền theo đuổi đèn sách, người ốm đau bệnh tật không đủ tiền trang trải viện phí. Lợi tức thu được nhờ tăng trưởng cao hoá ra phần quan trọng đã chảy vào túi các tư bản đỏ, các địa chủ đỏ, các quan tham. Tăng trưởng cao hoá ra chỉ làm cho phân hoá giàu nghèo ngày càng quyết liệt, bất công xã hội ngày càng nảy sinh, tài nguyên của đất nước ngày càng bị suy kiệt, môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, dịch bệnh ngày càng tràn lan, lòng dân ngày càng ly tán, cuộc sống càng như mất an toàn. Chỉ có vui chơi có thưởng trên truyền thanh truyền hình là bão hoà và người dân chúng tôi thực sự bị bội thực… thế thì sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển kinh tế, sự kiện toàn kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô gì cũng vô nghĩa hết cả thôi. Theo tôi tiêu chí để đánh giá sự đi lên hay đi xuống của một chế độ chính trị không thể căn cứ vào những số liệu hết sức triết trung và vô hồn như vậy được. Tình hình kinh tế của đất nước chúng tôi lúc này có gì đâu để Ngài vội vui mừng.

***


Là một người ủng hộ tiến trình dân chủ hoá đời sống chính trị xã hội của đất nước lại có đức tin vào các đấng cứu rỗi, tôi không thể không trăn trở trước những đánh giá của ngài về tình hình tự do chính trị, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ngài đã đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực và giải pháp đang triển khai của chính phủ Việt Nam trong vấn đề tôn giáo. Theo tôi Việt Nam ngày hôm nay so với những ngày chùa chiền, thánh thất bị biến thành nhà kho, thành lớp học, thậm chí bị biến thành trại chăn nuôi, các nhà tu hành, những người có đức tin bị mạ lỵ, bị chế giễu, bị phân biệt đối xử thì những tiến bộ về tôn giáo ở đất nước chúng tôi lúc này là không thể phủ nhận. Tuy vậy, vẫn còn đó những bất đồng nhất giữa Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và Giáo Hội phật giáo Việt Nam (Giáo hội do Nhà nước tổ chức). Còn nguyên đó những vấn đề hết sức phức tạp về đất đai, tài sản của Giáo hội Thiên chúa giáo đang bị chính quyền chiếm đoạt. Còn đó những điều không vui vẻ gì trong mối quan hệ giữa chính quyền và các tín đồ đạo Tin lành. Còn nguyên đó những phân biệt đối xử với những nhà hoạt động tôn giáo bất đồng chính kiến… Dù cho trước chuyến đi của ông Nguyễn Tấn Dũng, người ta đã tạm thả tự do cho luật sư Bùi Kim Thành thì vẫn còn đó vài chục nhân vật bất đồng chính kiến khác tiếp tục bị đàn áp trong vòng lao lý. Những người có tư tưởng dân chủ tiếp tục bị cả công an, bị cả các quan tham thậm chí là cả đám giang hồ xã hội đen xách nhiễu, bị cầm chân, bị thẩm vấn thậm chí bị khủng bố tinh thần, bị bôi nhọ danh dự bằng đấu tố, bằng ném truyền đơn và đồ dơ bẩn vào tư gia, bằng gây khó dễ cho con cái. Các quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình ôn hoà… vẫn tiếp tục bị ngăn trở. Những thực trạng đáng buồn này hiện nay vẫn là một hiện thực không thể bác bỏ.

VESAK 2008 (Đại lễ Phật đản tam hợp liên hiệp quốc) vừa diễn ra rất hoành tráng ở Việt Nam. Đây là cú lội ngược dòng thật ngoạn mục của Đảng Cộng Sản và chính quyền nhà nước. Dân tộc tôi có câu nói: "Phật tại tâm". Trong trường hợp này, dù mới chỉ là một nửa lời xám hối, dù mới chỉ là nửa bước trở về với Đức Bồ Đề thì cũng là đáng ghi nhận rồi. Công bằng và khoa học mà nói không thể lấy hiện tượng VESAK 2008 hoành tráng để kết luận cho cả một hồ sơ về tự do chinh trị, tự do tôn giáo ở Việt Nam được.

Theo tôi mới chỉ nhìn thấy 1 - 2 tia nắng lúc sớm mai mà đã vội mừng rỡ là thời tiết hôm nay sẽ đẹp! Mới chỉ nhìn thấy một cánh chim trời, một nụ hoa chớm nở đã vội nghĩ tới cả một mùa xuân đã trở về! Thái độ đó là hết sức chủ quan. Hợp lý nhất để đánh giá hồ sơ về tôn giáo, hồ sơ về nhân quyền về tự do chính trị ở Việt Nam lúc này là: Về cơ bản, tất cả vẫn còn đang ở phía trước, vẫn còn đang bỏ ngỏ…

***


Vào buổi sáng ngày 9/12/2007, ý thức công dân của tôi mách bảo tôi tìm đến trước cửa Toà Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa ở Hà Nội để cùng với học sinh và sinh viên bày tỏ sự phản đối của mình trước việc nhà cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên thành lập đơn vị hành chính Tam Sa chùm lên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng tôi. Cuộc biểu tình đó là hết sức ôn hoà diễn ra một cách công khai và hợp hiến, nhưng vô lý thay! Cuộc xuống đường đó lại làm nhà cầm quyền chúng tôi không hài lòng. Hôm nay khi đọc đoạn văn "Một lần nữa Tổng thống Bush khẳng định ủng hộ chủ quyền an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", tôi không khỏi xúc động trước thiện tình của ngài. Lời tuyên bố của ngài làm ấm lòng những người đã xuống đường biểu tình vì sự toàn vẹn lãnh thổ như chúng tôi.

Thưa ngài Tổng thống! Để tồn tại được trong cái thế Địa lý chính trị chẳng mấy thuận lợi, tổ tiên chúng tôi có những lời dạy bảo thật chí tình:"Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Một khi láng giềng gần lại cứ đối xử với mình chẳng ra gì thì tổ tiên chúng tôi lại dạy:"Tứ hải giai huynh đệ!". Điều đó nói rằng "Việc bảo toàn được chủ quyền, giữ gìn được an ninh toàn vẹn lãnh thổ" là khát vọng truyền kiếp, là thách thức to lớn và thường xuyên đối với dân tộc chúng tôi. Dân tộc chúng tôi đã đổ bao xương máu suốt chiều dài lịch sử của mình cũng là để sáng danh cho những khát vọng đó.

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (USA) ở cách xa chúng tôi nửa vòng Trái đất. Bang giao Mỹ Việt đã có từ rất lâu đời. Nhưng vào thập niên 1960 - 1970 vì bối cảnh thế giới lúc đó là một thế giới của những hận thù vô lý nên những người con của quý quốc đã xuất hiện trên xứ sở tràn ngập ánh nắng của chúng tôi. Lần xuất hiện này không đơn giản là những bước thiên di đầy ngẫu hứng như ngày nào tổ tiên của quý quốc vượt đại dương tìm đến vùng đất mới Tây bán cầu để hơn 200 năm trước đã ra đời một Hợp chủng quốc mà ngày nay đã trở thành một siêu cường kinh tế quân sự và khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới. Lần này hơn 5 vạn người con của quý quốc đã ngã xuống trên những nẻo đường của cuộc chiến tranh ý thức hệ rất đáng tiếc. Với cả hai bên, cuộc chiến tranh đó là không cần thiết và hoàn toàn có thể tránh được. Giờ đây hỏi rằng cuộc chiến tranh đó có những gì còn lại? Có gì đâu ngoài những xót xa mà cả bên chiến thắng, cả bên chiến bại đều cố gắng cùng hát một bài ca "Khép lại quá khứ để cùng nhìn về tương lai".

Hôm nay ngài Tổng thống nhắc lại quyết tâm ủng hộ chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi, xin Tổng thống lưu ý điều này để nỗi âu lo "Nước xa không cứu được lửa gần" đừng là một hiện thực. Đầu thập kỷ 1960, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã từng tuyên bố: "Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến tận vỹ tuyến 17!". Thế mà năm 1974, khi cuộc nội chiến của dân tộc chúng tôi liên quan đến sự hiện diện của quý quốc chưa chấm dứt, quý quốc đã ngoảnh mặt đi cùng với những sai lầm thuộc về nội bộ dân tộc chúng tôi mà Hoàng Sa và một phần Trường Sa đã bị thất thủ bởi sự thôn tính của Trung Quốc, người láng giềng phương Bắc chúng tôi… để hôm nay học sinh, sinh viên chúng tôi phải xuống đường với khẩu hiệu "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam". Đi liền theo hành động đó là bao hệ luỵ đã hướng vào chúng tôi. Ngoảnh mặt đi như thế quý quốc chẳng mất gì. Còn chúng tôi! Chúng tôi mất những phần lãnh thổ của tiên tổ để lại. Tôi không muốn lịch sử lại tái diễn những lần ngoảnh mặt đi như thế nữa. Hôm nay ngài đã lại mở lòng ra mà nói những lời vàng ngọc ủng hộ chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi. Tôi rất muốn được chứng kiến ý tưởng tốt đẹp đó của ngài sớm nảy lộc đâm trồi trên đất nước của chúng tôi, Đất nước của những con người vì chữ "Tín cộng sản" mà đã dám mang cả dân tộc mình để làm thí nghiệm (!?).

***


Là người cả đời sống bằng nghề dạy học, tôi không thể không suy nghĩ gì về đoạn văn trong tuyên bố chung giữa ngài và ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và thoả thuận sẽ thành lập một nhóm chuyên trách giáo dục để cùng nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ hai nước các biện pháp hiệu quả cho sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới".

Thưa ngài Tổng thống !

Người ta thường xếp hoạt động giáo dục đào tạo nằm trong lãnh địa thượng tầng kiến trúc cùng với chính trị, văn hoá, văn học nghệ thuật… Thực ra giáo dục đào tạo lại là một hoạt động dịch vụ của thể chế chính trị mà nó phải hướng tới. Thể chế chính trị thế nào ắt sẽ quy định một nền giáo dục đào tạo phải tương ứng với nó. Mỹ và Việt Nam tuy cùng trong một "sân chơi" WTO, nhưng thể chế chính trị của hai nước khác biệt nhau ghê gớm lắm. Việt Nam phát triển đất nước theo con đường kinh tế thị trường nhưng vẫn kiên định định hướng XHCN. Vậy quý quốc sẽ hợp tác có hiệu quả với Việt Nam như thế nào để Việt Nam giữ vững được "Định hướng XHCN!". Tức là để ở Việt Nam thực sự không có bất công, không có chênh lệch giàu nghèo, không có tư hữu, không có bóc lột và quá trình làm việc sẽ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu!... Tôi biết nay mai quý quốc sẽ hào phóng mở cửa, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên chúng tôi du học thuận lợi vào đất nước của quý quốc. Chưa cần biết bao nhiêu phần trăm con em lao động nghèo khó? Bao nhiêu phần trăm là cậu ấm cô chiêu của các đại gia tư bản đỏ? Bao nhiêu phần trăm là con cháu của các ông lớn sẽ được du học, thì đã lồ lộ một câu hỏi lớn: Giáo dục đào tạo ở Mỹ quốc không tồn tại các bộ môn: Lịch sử Đảng, Đạo đức Hồ Chí Minh, Chính trị kinh tế học, Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, Triết học Mác - Lênin… Vậy văn bằng của các du học sinh ở Mỹ về phục vụ đất nước sẽ thế nào đây so với văn bằng của học sinh tu nghiệp trong nước? Nhiều đồng nghiệp của tôi lại hồ hởi theo một hướng khác. Họ bảo nay mai người Mỹ sẽ hào phóng mở túi để cho dòng USD chảy vào giáo dục đào tạo Việt Nam. Tôi nghĩ tiền bạc là cần lắm để trường ra trường, lớp ra lớp , thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học… nhưng tiền bạc không là tất cả. Có một thực tế thật là đau lòng ở đất nước chúng tôi là ngân sách cho giáo dục đào tạo năm sau luôn cao hơn năm trước. Vậy mà giáo dục đào tạo ở đất nước tôi vẫn cứ tụt dốc đến thảm hại về mọi tiêu chí. Cuộc vận động hai không rồi lại bốn không trong giáo dục đào tạo ở đất nước chúng tôi thật ra chỉ là những lời tự thú thật đau xót cho một nền giáo dục đã băng hoại từ gốc rễ. Ngược dòng lịch sử, khi cuộc chiến tranh Mỹ - Việt khởi phát đất nước chúng tôi đói nghèo lắm. Thầy trò chúng tôi chia nhau từng củ sắn, củ khoai, dạy và học trong hầm hào để tránh bom tránh đạn của quý quốc mà giáo dục chúng tôi ngày đó vẫn xứng tầm kiêu hãnh trước bạn bè quốc tế. Rõ ràng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tiền bạc rất cần xong cần hơn nhiều là não trạng của những con người có quyền điều phối đồng tiền đó, là cái mặt bằng dân trí của cả xã hội chúng tôi. Theo tôi giáo dục đào tạo có trách nhiệm rất lớn trong những bối cảnh này:

Khi người sinh viên bước chân vào mái trường đại học !
Khi người công nhân bước chân vào xưởng máy !
Khi người nông dân bước chân trên ruộng đồng !
Khi người lao động bước chân vào danh sách hưu trí !
Khi một con người nào đó bỗng dưng bị dồn đuổi vào hoàn cảnh khốn cùng !... mà vẫn không biết được theo tuyên ngôn nhân quyền mà chính phủ CHXH Việt Nam đã long trọng công nhận thì mình có những quyền gì đây? Để được kết nạp vào WTO, chính phủ mình đã cam kết với quốc tế những nới lỏng gì về tự do, dân chủ và nhân quyền cho nhân dân, "Đường dây nóng" mà Tổng bí thư Nông Đức Mạnh mới nối được giữa Trung Nam Hải và Ba Đình - Hà Nội là để làm gì? Điều mà tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang hết sức thắc mắc lo lắng và cảnh báo. Khi người dân vẫn hoàn toàn u mê về những điều hết sức phổ quát, hết sức sơ giản như vậy thì giáo dục đào tạo vẫn chưa hoàn thành được phận sự của mình. Qua bức thư ngỏ này là một nhà giáo nghỉ hưu, tôi xin ngài có những tác động với các nhà lãnh đạo đất nước chúng tôi để mọi người dân chúng tôi được tường minh những điều mà tôi vừa nhắc đến.

Tôi nghĩ rằng sự bồi lấp những khoảng trống về dân trí như vậy kết hợp với sự giúp đỡ hào hiệp của quý quốc, dân tộc chúng tôi - một dân tộc cần cù, thông minh và rất có trước có sau với bè bạn sẽ tự tìm được đường đi hợp lý và cần thiết cho mình. Làm được chuyện này quý quốc đã hào phóng trao cho chúng tôi chiếc cần câu cá, hơn hẳn việc quý quốc ban phát cho chúng tôi những con cá Hồi trên sông Mixixipi để chúng tôi bày trên những bàn tiệc.

Cuối cùng tôi không khỏi không xúc động trước niềm vui tái ngộ của hai nhà lãnh đạo (Bush và Nguyễn Tấn Dũng). Ngài Bush đã vui mừng trước những thành công của người Mỹ gốc Việt và ghi nhận sự đóng góp tích cực của họ vào việc thúc đẩy bang giao giữa hai nước. Ông Nguyễn Tấn Dũng còn khẳng định "Chính phủ Việt Nam luôn xem bà con Việt Kiều là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào hướng về quê hương đất nước thân yêu của mình.

Thưa ngài Tổng thống tôn kính! Nhân loại không thể nào quên cuộc đổ bộ đường không rợp trời bán đảo Noocmandi ở Tây Bắc Pháp quốc khi người Mỹ tình nguyện mở gọng kìm thứ hai xiết chặt cổ con quái thú phát xít góp phần cứu nhân loại thoát khỏi một cuộc thảm sát chưa từng có trong chiến tranh II. Nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới hiện nay vẫn đang chia sẻ với quý quốc những hy sinh to lớn trong cuộc chiến chống bạo tàn, chống khủng bố trên toàn thế giới mà Quý ngài đang là vị Tổng tư lệnh tối cao.

Về quan hệ Mỹ - Việt, khi đã thực sự khép lại những trang bi thảm và vô lý của quá khứ để cùng nhau hướng về tương lai thì người Việt Nam trọng lẽ phải nào, trọng công bằng nào cũng không khỏi xúc động khi thấy những người đồng bào cùng huyết thống với mình ngày nào là những "Thuyền nhân" bỏ xứ ra đi mong tìm một vận hội mới trong bao nỗi đau đớn bầm dập từ thể xác đến tinh thần nay họ đã hoà nhập thành công trên xứ sở của quý quốc Hoa Kỳ. Cám ơn Thượng đế! Cám ơn nghĩa cử cao cả của qúy quốc đã giành cho những người đồng bào của chúng tôi để hôm nay cộng đồng người Việt Nam trên đất Mỹ được chính quyền trong nước chúng tôi tôn vinh là "Khúc ruột ngàn dặm!", là Việt Kiều yêu nước và họ đang được đánh giá là một bộ phận không thể thiếu được trong một cơ thể Việt Nam thống nhất. Là người đồng bào với những người Mỹ gốc Việt đó, tôi rất mong mỏi được chứng kiến thông qua sự giúp đỡ toàn diện mọi mặt của quý quốc Hoa Kỳ mà người Việt Nam trong nước chúng tôi cũng sớm được hưởng những gì mà những người đồng bào của chúng tôi đang sống ở đất nước của ngài đã được hưởng.

Điều ước vọng này của tôi mà sớm trở thành hiện thực cho toàn dân tộc Việt Nam chúng tôi thì bang giao Mỹ -Việt mới thực sự có một kết thúc có hậu. Tôi luôn đinh ninh, điều gì phải đến rồi sẽ đến. Dân tộc chúng tôi một ngày gần đây sẽ rũ bỏ được những dấu vết dị mọ và dị biệt để cùng kiêu hãnh trên bước đường xát cánh cùng các dân tộc văn minh và tiến bộ khác vững bước đi lên trong ánh sáng của TỰ DO - DÂN CHỦ - NHÂN QUYỀN.

Kính chào ngài Tổng thống !

Cầu mong Thượng đế luôn đứng bên ngài và dân tộc ngài trong sứ mạng cao cả của mình trước một thế giới còn quá nhiều những điều phi lý bất công và bất trắc.

Thành phố Hà Đông - CHXHCNVN
Tháng 7 năm 2008
Nguyễn Thượng Long
Nhà giáo thôn Văn La - phường Phú La - TP Hà Đông - Hà Tây.
ĐT nhà riêng: 0343.521066 - DĐ: 0953298198
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn