BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

An ninh chính trị... Những điều chưa nói hết

20 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 1040)
An ninh chính trị... Những điều chưa nói hết
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55
Ngày 29 tháng 4 năm 2008. Vào buổi sáng, có một số gương mặt dân chủ, dân oan và gia đình các nạn nhân người Thanh Hoá bị Hải quân Trung Quốc bắn giết trên biển đã tìm đến cổng chợ Đồng Xuân - Hà Nội tổ chức một cuộc biểu tình ôn hoà lên án nhà cầm quyền Trung Quốc chính trị hoá đuốc lửa Olempic và bầy tỏ chủ quyền của dân tộc mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Gần đây tôi thấy một số người lập luận việc những người biểu tình bị đàn áp là đúng!? Họ đưa ra những lập luận mới nghe tưởng là rất thuận tai. Nào là…việc rước đón đuốc là hoạt động văn hoá Quốc tế. Đuốc lửa Olempic là phi chính trị. Bảo vệ việc rước đuốc không đồng nghĩa là bảo vệ Trung Quốc! Trên Thế giới đuốc đi tới đâu cũng được bảo vệ rất kỹ càng! Nào là…Việt Nam phải làm thế để nay mai cũng sẽ giành được quyền đăng cai những sinh hoạt Quốc tế quan trọng. Bình tĩnh lại mà xem xét, tôi thấy có điều không ổn. Với một nhóm người đứng xa đuốc lửa tới hơn 2000 km thì lập lý kể trên là rất khiên cưỡng. Những người đến chợ Đồng Xuân lúc đó họ không hề làm điều gì có thể thay đổi được những thời khắc Sài Gòn ngập trong rừng cờ đỏ Trung Quốc cỡ lớn. Một Sài Gòn tràn ngập là người Hoa đến từ Hoa Lục mà trong tay họ là bản đồ Trung Quốc với cả hai nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Buổi sáng ngày 29 tháng 4 năm 2008 chúng ta chỉ còn giữ được bầu trời. Nhiều đường phố Sài Gòn thân yêu đã bị Hán hoá đến tuyệt đối. Chính vì vậy không có gì phải ngạc nhiên khi người Việt Nam đã được vinh danh huy chương bạc đón rước đuốc Olempic Bắc Kinh 2008. Tất cả những gì đã diễn ra chỉ gợi lên sự nhói đau trong lòng người Việt Nam. Vậy chúng ta nghĩ gì đây về việc người Hán ở Đài Loan, người đồng bào cùng huyết thống với những người rước đuốc lại dứt khoát cấm cửa với ngọn đuốc này! Nghĩ gì đây việc sinh viên Việt Nam phanh ngực với biểu ngữ "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam" giữa đường phố Băng Cốc! Tại sao chúng ta lại quá lo lắng cho tình hữu nghị, quá lo lắng cho ngọn đuốc trong tay người hàng xóm đầy tham vọng đến thế! Thử hỏi chỉ một nhúm nhỏ người Việt Nam ôn hoà lại là một mối đe doạ ghê gớm với đuốc lửa Olempic được hay sao! Vì lý do gì mà đến nỗi cơ quan an ninh phải ra tay quyết liệt như vậy. Cú xuống tay quá cỡ đó đã làm xuất hiện kiệt tác ảnh "Xiết cổ" hoàn hảo không kém gì kiệt tác ảnh "Bịt miệng" cha Lý ngày nào. Thử hỏi nay mai các nguyên thủ Quốc gia ra nước ngoài, họ sẽ vấp phải những khó chịu đến thế nào trước những panô cỡ lớn in hình ảnh vòng tay an ninh đang xiết chặt quanh cổ sinh viên Nguyễn Tiến Nam trước cửa chợ Đồng Xuân. Vào những ngày đó, với lý do vì những bài viết của tôi gần đây, cơ quan an ninh yêu cầu tôi ngày ngày phải làm việc với họ. Cuộc làm việc của một người chủ trương dùng ngòi bút để phê phán những sai lầm của chế độ với những người có chức năng bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính quyền không dễ là một cuộc làm việc bình thường, không hứa hẹn một điều gì là suôn sẻ. Rất may tôi làm việc với những người không đến nỗi nào. Trước họ tôi luôn giữ được những nguyên tắc tư tưởng của tôi. Người làm việc với tôi cũng hết sức thoải mái bảo vệ những nguyên tắc làm việc của họ. Thực ra những vấn đề mà tôi nêu ra trong hai bức thư Hà Tây 3 và Hà Tây 4 có gì là phạm huý ghê gớm lắm đâu. Thư Hà Tây 3 tôi muốn tôn vinh thái độ sống thẳng thắn và tôi đưa ra những góc nhìn khác về một số sự kiện và con người của quá khứ. Thư Hà Tây 4 tôi muốn thượng tôn lòng nhân ái, đề cao tình người với nhau. Đố ai chỉ ra được dòng nào, chữ nào tôi kêu gọi lật đổ chính quyền, lật đổ chế độ. Đợt thẩm vấn này… nói thẩm vấn có thể là hơi nặng nề. Đợt làm việc bất đắc dĩ này chỉ kết thúc sau khi các ngày lễ trọng 30/4 và 1/5 đã thành công tốt đẹp. Người ta lo ngại sự có mặt của tôi một ông già cả đời chỉ luẩn quẩn với sách vở và những bục giảng vừa giáo điều vừa buồn tẻ sẽ làm hỏng đi những gì thiêng liêng của những ngày đại lễ. Chính vì vậy, quỹ thời gian sống của đời tôi lại vô tình mất thêm 5 ngày tự do. Tôi nhớ lúc kết thúc buổi làm việc cuối cùng tôi buột miệng nói với hai viên sĩ quan an ninh tuổi đã tầm tầm:

Đời tôi, đời các ông thậm chí hết đời con chúng ta nữa…chắc chắn chúng ta không được chứng kiến những phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc đã mất vào tay người Trung Quốc sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam.Có lẽ phải đến đời các cháu chắt của chúng ta mới có thể được chứng kiến chuyện đó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể không để lại được cho hậu thế những gì là lớn lao ví dụ một bình quân GDP cao ngất ngưởng như người Mỹ, người Nhật đã làm được cho dân tộc của họ. Nhưng, rõ ràng chúng ta cũng quá nhiều điều kiện để lại cho con cháu những giá trị tinh thần như những gì mà các bậc Minh Vương, Tiên Đế của Đại Việt đã để lại cho chúng ta. Việc có những người Việt Nam bằng xương bằng thịt ôn hoà đứng trước cửa chợ Đồng Xuân với biểu ngữ trong tay "Hoàng Sa, Trường Sa là của người Việt Nam" giữa lúc ngọn lửa Bắc Kinh 2008 đùng đùng cháy cách xa hơn 2000 km sẽ là một gia sản tinh thần không thể đo đếm được bằng tiền để lại cho hậu thế. Bức ảnh đó sẽ được con cháu chúng ta trịnh trọng đặt lên mặt bàn của cuộc tranh đấu với người Tàu trong tương lai. Ngày đó người Việt Nam chúng ta có quyền nói với họ: Không phải chỉ có một mình cụ Lê Dũng - người phát ngôn của Bộ ngoại giao CHXHCNVN là lo lắng cho sự mất còn biển đảo đất đai của chúng tôi, còn nhiều lắm những nỗi lo lắng cho giang sơn quốc thổ của tổ tiên chúng tôi.

Viên sĩ quan an ninh lớn tuổi nhún vai: "Tôi nghĩ những người hiểu biết, những người có đế văn hoá nhất định khi làm việc gì, nói gì, viết gì…rất cần phải biết "Trông trời, trông đất, trông mây", phải biết chọn điểm rơi, điểm dừng cho hợp lý ông Long ạ. Nếu ông tiếp tục chọn sai thời điểm! tần xuất phải làm việc với cơ quan an ninh sẽ nhiều hơn đấy. Nếu ông vẫn tiếp tục đứng sai vị trí "Đón bóng", chắc chắn ông sẽ bị thổi phạt việt vị trong khi ông là một tiền đạo tấn công!".

Thực ra những gì mà người sĩ quan đó vừa nói là không sai, nhưng có thể sẽ phải tranh luận dài dài. Tôi cám ơn và: Tôi rất biết những gì đã diễn ra ở Sài Gòn và Hà Nội vào buổi sáng 29 tháng 4 năm 2008 là một dẫn chứng rất đắt giá cho sự tồn tại của một triết lý bất thành văn lúc này! Xin thưa đây không phải là điều 69 của Hiến pháp, không phải là món cao lương mỹ vị quyền con người, không phải là "Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật…" mà lại là:

"Nếu anh chống lại tôi! Tôi sẽ tiêu diệt anh!"


"Nếu anh chống lại chế độ mà tôi có nhiệm vụ bảo vệ! Tôi cũng sẽ tiêu diệt anh!"


Nếu thực sự tiêu chí này được thượng tôn ở Việt Nam! Việc thẩm định nó, mổ xẻ nó xin giành cho các nhà đạo đức, các triết gia, các học giả, các nhà làm luật, các chính khách khả kính… Còn tôi phải chờ đến lúc hồi hưu rồi mới giám nhận mình là người ủng hộ tiến trình dân chủ hoá đời sống chính trị xã hội ở Việt Nam…điều đó nói rằng, tôi vẫn là con người trần gian. Đã là con người trần gian, để tồn tại được tôi và bạn bè tôi sẽ phải điều chỉnh. Nhưng chắc chắn rằng đây là những điều chỉnh để được làm con người đích thực và xứng đáng. Tôi từ chối những điều chỉnh hạ nhục phẩm giá con người như thói hèn nhát, xu thời, thói cơ hội, trở cờ, bảo Hoàng để được sống sót. Nếu tôi là loại người đó! Tôi tin rằng ông cũng khinh tôi.

Trong lúc viên sĩ quan hối hả hoàn tất các hồ sơ văn bản để trả lại tự do cho tôi sau gần 5 ngày bị buộc làm việc, tôi lơ đãng nhìn ra khoảng trời bát ngát ngoài ô cửa sổ mà trong lòng nặng trĩu những ưu phiền. Người đời nhiều khi thường xao nhãng việc trả lời cho chính mình những câu hỏi dạng: Mình là ai? Mình từ đâu đến? Mình đang đứng ở đâu? Mình sẽ đi đâu? Về đâu?. Ngày 29 tháng 4 năm 2008 những người đi đàn áp biểu tình, họ cũng đã quên những tự vấn như vậy. Có thể họ còn quá trẻ lại không thuộc bài lịch sử đã học để quên mất mảnh đất mà họ đang đứng là mảnh đất hơn 60 năm về trước các chiến sĩ tự vệ sao vuông thành Hoàng Diệu chỉ bằng dao bầu, gạch đá đã quần nhau với giặc Tây xung quanh những dẫy bàn bán thịt. Nơi đó đã từng là những chiến luỹ tạo ra từ bàn ghế, sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối của nhân dân và thấp thoáng trong chiến luỹ đó là bóng dáng các cảm tử quân ôm bom ba càng sẵn sàng lao vào xe tăng địch thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, để giữ từng tấc đất cho chúng ta ngày hôm nay. Sự hy sinh hào hùng của những con người đó không phải để có những hình ảnh phản cảm đã diễn ra vào buổi sáng buồn bã 29 tháng 4 năm 2008 này. Xin đừng nguỵ biện đàn áp là để bảo vệ ngọn đuốc Olempic! Bảo vệ đuốc lúc đó ở cách xa hơn 2000 km bằng hành động xiết cổ sinh viên Nguyễn Tiến Nam (8x), túm tóc sinh viên Quỳnh (7x), giật tóc, khoá chân thầy giáo Vũ Hùng (6x), lôi kéo cựu hiệu trưởng trường Đảng Vi Đức Hồi (5x), đè ngửa nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa (4x) trước chợ Đồng Xuân… họ thực sự là những "Hồng vệ binh gốc Việt" và chợ Đồng Xuân địa danh bất tử của Hà Nội 36 phố phường đã vụt trở thành một China Town hoàn toàn xa lạ trong con mắt những người được chứng kiến. Còn đâu nữa những hoà thanh hào hùng:

 

"Hà Nội cháy khói lửa ngập trời.


Hà Nội ầm ầm ầm rung sông Hồng reo!


(Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi)


Mải phiêu lãng trong những ám tượng hoàng hôn, tôi giật mình trước lời nhắc nhở của viên sĩ quan an ninh: Ông Long à! Chúng ta đều đã có tuổi. Chúng ta không chỉ sống vì chúng ta, chúng ta phải sống vì con, vì cháu, vì người thân trong gia đình của mình nữa ông Long ạ. Hôm nay chúng ta dừng ở đây ông ký và ghi rõ họ tên vào các trang này. Khác với các anh em trẻ, tôi vui vẻ cầm bút và đặt lên những chỗ cần thiết dòng tên và chữ ký của tôi. Người ta muốn hiểu ngọn ngành về tôi, tôi chẳng việc gì mà phải dấu giếm họ. Vừa ký tôi vừa nói với viên sĩ quan: "Tôi rất biết ông vừa nhắc nhở tôi điều gì. Thưa ông! tôi luôn dạy học trò tôi, dạy con, dạy cháu tôi và nhắc nhở các em tôi: Sống ở đời, trước khi là một con người chính trị, một doanh nhân, một nghệ sĩ hay một nhà khoa học… hãy là một con người nhân văn, một công dân tốt đã." Nếu đường lối giáo dục đó là sai, là có tội với chế độ này! Xin các ông một đề nghị: Ai có tội thì người đó phải chịu tội. Chúng ta đang sống ở thiên niên kỷ thứ 3, đang sống ở thế kỷ 21 rồi. Xa lắm rồi cái thời của Nguyễn Trãi với cuộc tàn sát cả 3 họ chỉ vì những nghi án của một con người. Tôi nghĩ rằng xã hội văn minh không có lối hành xử thấp kém như thế. Trả lại viên sĩ quan an ninh những gì mà ông ta kỳ khu nghiên cứu về tôi, tôi lặng lẽ rời trụ sở ra về trong cảm hứng buồn man mác của câu thơ:

"Người ra đi đầu không ngoảnh lại


Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"


(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)


***




Nhà giáo Vũ Hùng


Mấy ngày sau, một lần dạo phố Hà Đông tôi vô tình gặp Vũ Hùng với chiếc đầu cạo trọc lốc và một sống mũi hơi gồ lên vì một vết xước nhỏ. Tôi hỏi: sao lại xuống tóc thế này? Mặt mũi làm sao lại xước xác thế kia? Vũ Hùng bảo: Cháu cắt tóc để công an không có chỗ mà túm. Tôi hỏi: thực hư thế nào? Không trả lời tôi, Hùng chìa cho tôi xem tờ Thư tố cáo. Tôi giật mình thấy thư này Hùng gửi toàn các địa chỉ của các tổ chức nhân quyền thế giới và khu vực. Đọc kỹ những tố cáo của Hùng, tôi thực sự bất ngờ và thất vọng. Hoá ra những ngày đó, phòng Vũ Hùng phải làm việc với cơ quan an ninh chỉ cách phòng làm việc của tôi vài ba căn phòng. Những gì đã xảy ra đối với Hùng làm tôi thực sự bị sốc. Đây không phải là làm việc mà là chửi nhau, là xỉ nhục người được triệu tập và cuối cùng là hành hung người được triệu tập. Đây không hề là cảm hoá, là thuyết phục, là tranh luận gì hết.

Xin dừng lại đôi chút về nhân thân của Vũ Hùng: Vũ Hùng là một thầy giáo chưa già thì cũng đâu có còn quá trẻ so với mấy tay an ninh nọ. Vũ Hùng đi biểu tình là để thể hiện thái độ yêu nước của mình chứ có phải anh ta đi móc túi mọi người ở chợ Đồng Xuân đâu mà mấy người vừa mới chớm tam thập mắng chửi người thầy giáo quá tuổi 40 những câu chửi không hiểu là loại văn hoá gì: "Mày ngu lắm!Mày không bằng thằng Trội! Thằng Trội còn biết lo cho vợ cho con, mày là thứ bỏ đi. Thằng Long (thằng Long tức là tôi thầy giáo về hưu 62 tuổi - tác giả bài viết này) chửi mày là thằng đầu đất!?" và đỉnh điểm của cuộc làm việc đó là chiếc điều khiển TV bất ngờ bay vào giữa mặt Vũ Hùng để lại bên cạnh sống mũi anh ta một vết thẹo nhỏ. Rất tiếc thư tố cáo đó Vũ Hùng không nêu hết những đại từ nhân xưng rất hỗn xược. Nếu Vũ Hùng nêu đúng như những gì anh ta nói với tôi, tôi không biết ngôi trường đào tạo ra những con người như thế nghĩ gì về những sản phẩm của mình. Có lẽ cuộc vận động hai không chưa bám rễ được ở ngôi trường đã đào tạo ra những chiến sĩ an ninh chính trị dạng này.

Tôi nghĩ rằng những nắm đấm đã từng giáng vào mắt kỹ sư Nguyễn Phương Anh ở Hữu Lũng - Lạng Sơn, những ngón vặn sườn bẻ cổ Lê Thanh Tùng rồi nhét vội nhét vàng vào xe cảnh sát mà tôi cận mục sở thi lần Nguyễn Khắc Toàn mời tôi đến nhân ngày anh ta tổ chức gặp gỡ anh em dân chủ và giờ đây là những cú xiết cổ Nguyễn Tiến Nam, những cú giật tóc sinh viên Quỳnh, khoá cẳng, ném khiển TV vào mặt Vũ Hùng và hất ngã ngữa nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trước chợ Đồng Xuân… sẽ không đem lại lợi lộc gì cho nhân dân Việt Nam những người ngày đêm lao động vất vả để gom góp những đồng tiền thuế nuôi nấng họ. Đảng Cộng Sản Việt Nam , thể chế chính trị của Đảng mà họ có nhiệm vụ bảo vệ cũng chẳng hề mạnh mẽ gì hơn nhờ những ngón nghề hạ cấp như thế. Riêng với tôi, tôi không nghĩ 100% nhân viên an ninh đều là những người như vậy. Tôi có nhiều mối quan hệ với họ từ rất lâu rồi. Có người là học trò cũ của tôi, có người tôi vô tình mà phải tiếp xúc với họ. Làm việc với họ, tôi chưa bao giờ phải đánh mất những giá trị mà tôi theo đuổi. Ngược lại họ cũng không dễ dàng từ bỏ những nguyên tắc và nhiệm vụ của họ. Vậy mà cuộc làm việc của chúng tôi vẫn đi đến kết cục có lợi cho tất cả mọi người. Tất cả là nhờ chúng tôi có chung một nội hàm là những giá trị nhân văn, là những định chế tình người. Họ luôn thức tỉnh ở tôi năng lực tự điều chỉnh. Tôi không ngừng nhắc nhở họ giữ gìn âm đức cho cháu con. Cùng nói với nhau về cái mong manh lắm của thân kiếp con người giữa một cõi đời đầy bất trắc và điêu bạc này. Giờ đây, có những nhân viên an ninh tuổi đời không bằng con nhỏ của tôi, không bằng những học sinh cũ của tôi mạ lị tôi là thằng này thằng nọ! Tôi không quan tâm và không quá bất ngờ. Tôi không phải là nạn nhân đầu tiên, cũng không phải là nạn nhân cuối cùng của những lời thị phi, miệt thị sau lưng. Tôi đã từng có không ít những học sinh ngoan ngoãn và thành đạt. Có người là ân nhân của tôi. Tôi tôn trọng họ. Ngày nay tôi gọi họ là những người bạn. Tôi cũng không thiếu những loại học sinh như loại:

"Sợ thầy không bằng sợ giặc


Yêu chúa không bằng yêu thân"


(Hoàng Lê Nhất Thống chí)


Chắc chắn tôi không quên những gì mà tôi mới nói với viên sĩ quan an ninh chính trị của một tỉnh bạn: Tôi sẽ không bao giờ hạ mình làm việc với những con người như vậy. Đây là một trong những nguyên tắc sống của tôi.

***


Lẽ ra tôi có thể dừng bài viết ở đây, bất ngờ tôi nhận được điện thoại gọi về của bà vợ tôi. Vợ tôi bảo: Anh ở đâu về nhà ngay con mới về. Tôi biết, lại có chuyện rồi đây. Con tôi ở xa và đang rất vất vả một lương kỹ sư còm nuôi cả nhà 4 miệng ăn mà phải về lúc này là có chuyện rồi đây. Gặp tôi, con tôi nói: con đang học (con giai tôi là Nguyễn Thượng Thanh - 35 tuổi - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thành phố Bắc Ninh - Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam đang dự lớp chính trị nâng cao) thì nhận được điện thoại của một nhân vật nào đó tên là Dương của PA 38 Hà Tây gọi tới. Anh ta đe doạ tương lai chính trị của con sẽ chẳng ra gì nếu cứ để bố tiếp tục viết bài phê phán chế độ như thế. Anh ta còn yêu cầu con phải về gặp anh ta. Con đã kịch liệt phản đối và nói: Việc tôi khuyên bố tôi là chuyện tình cảm gia đình chúng tôi. Tôi đề nghị các anh sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.

Gặp con sau nhiều tháng ngày xa cách tôi hối hả hỏi han về sức khoẻ và việc học hành của hai đứa cháu nội tôi, hỏi han con dâu tôi từ đồng bằng sông Cửu Long ra Bắc suốt 8 năm nay thất nghiệp không sao xin được việc làm. Tôi động viên con tôi: "Bố đã nói với con nhiều lần rồi. Con phấn đấu để làm một người cộng sản là lý tưởng của con, bố không can thiệp. Bố chỉ khuyên con rằng điều quan trọng hơn, là hãy phấn đấu để trở thành một người chân chính. Hãy là một con người nhân văn, một công dân tốt. Những gì đang diễn ra giữa PA 38 Hà Tây với gia đình chúng ta là rất đáng buồn, là những thử thách rất gay gắt". Tôi cho con tôi đọc lại đơn xin tự ứng cử ĐBQH 12 của tôi viết ngày tranh cử. Đơn viết đó có một trích đoạn nói về gia tộc mà tôi rất muốn các con tôi ý thức được gia tộc chúng tôi đã sống và chết như thế nào:

"Lần đó mẹ tôi (tức là bà nội của các con tôi)kể:vào một ngày cuối đông rét mướt năm 1928 không biết điều gì đã xảy ra mà sau chuyến công cán với các quan đầu tỉnh cả quan Tây và quan An Nam trở về, ông nội của các con là cụ nghị Nguyễn Mộng Lại (Trinh tiết, Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Tây -  Ông nội tôi là dân biểu của nghị viện Bắc Kỳ) cho gọi toàn bộ con cháu đến và căn dặn: Ta một đời đi làm việc công, cũng một đời chỉ lo lợi ích cho ba họ. Ta chẳng màng điều gì cho riêng mình mà ta cũng chỉ là chiếc gai trong con mắt của người cầm quyền. Ta tuy đi đó đi đây, lên xe xuống ngựa mà vẫn sống một đời người nghèo (Người đời thường gọi ông tôi là cụ Chánh cố tức là cụ Chánh nhưng sống rất nghèo).Ta chẳng có gì để lại cho con cháu ngoài những đau xót mà ta nhìn thấy ở chốn quan trường. Nay ta muốn nhắc tới con cháu đời đời tiếp nối rằng: chớ có ham hố vòng danh lợi mà nhọc nhằn, nhục nhã lắm. Ở đời dựng nghiệp là rất cần xong cũng phải biết sống thế nào cho đúng nghĩa làm người lại ngàn lần cần thiết hơn.

Nghe ông cụ nói những điều như thế, các bác, các chú biết đó là điều chẳng lành, không ai bảo ai tất cả cùng oà khóc. Buổi đó cha các con (tức là ông nội các con tôi ngày nay) vừa tròn 8 tuổi".

Tiễn con tôi ra về, tôi nói: Số phận chúng ta nằm chung trong số phận của cả dân tộc. Rất may chúng ta còn có nhiều người tốt, còn có công luận, còn có dư luận, còn có áp lực của luật nhân quả. Nếu không chúng ta khó có thể sống xót nổi với những thử thách gớm ghiếc như thế này./.

Hà Đông, ngày 20 tháng 5 năm 2008

Người viết

Nguyễn Thượng Long

- Nguyên giáo viên dạy Địa lý của GD ĐT Hoà Bình và Hà Tây.

- Nguyên thanh tra chuyên môn kiêm nhiệm GD ĐT Hà Tây.

- Người đương thời GD ĐT 2006

- Ứng cử ĐBQH 12

- Địa chỉ: thôn Văn La - phường Phú La - thành phố Hà Đông - Hà Tây.

- ĐT: Nhà riêng 034. 3521066 - D Đ: 095 3298198
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn