BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39197)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận Điện Biên Phủ

13 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 1697)
Trận Điện Biên Phủ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
1.- TRƯỚC TRẬN ĐÁNH

Từ 20-11 đến 22-11-1953, thiếu tướng Jean Gilles, tư lệnh binh chủng Nhảy dù Pháp ở Đông Dương, mở cuộc hành quân Castor, đưa 6 tiểu đoàn nhảy dù quân Liên Hiệp Pháp (LHP) xuống ĐBP, trong đó có một tiểu đoàn nhảy dù quân đội Quốc Gia Việt Nam (QGVN). Tối 22-11-1953, 4,195 người đã có mặt ở lòng chảo ĐBP. Một người chết và 13 người bị thương khi nhảy dù.



Cuộc đụng độ với bộ đội Việt Minh cộng sản (VM) trấn giữ ĐBP vào tối đầu tiên, khiến 15 tử trận, 34 bị thương về phía Pháp và 115 tử trận, 4 bị thương và bị bắt về phía VM. Chiếm xong ĐBP, quân Pháp sửa lại sân bay của người Nhật thành một phi đạo cho những phi cơ vận tải Dakota có thể hạ cánh được. Từ ngày 26-11, việc liên lạc bằng hàng không với Hà Nội bắt đầu.

Đại tướng Henri Navarre, tổng tư lệnh lực lượng Pháp tại Đông Dương, cho tăng cường ào ạt võ khí đủ loại, xe tăng, kẽm gai, đưa thêm nhiều tiểu đoàn Lê-dương, Bắc Phi, và QĐQGVN, xây dựng ĐBP thành căn cứ cố thủ (camp retranché). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tổ chức và củng cố căn cứ ĐBP, thiếu tướng Jean Gilles giao việc chỉ huy cứ điểm ĐBP cho đại tá Christian de la Croix de Castries ngày 8-12-1953.

Người Pháp chia căn cứ ĐBP thành nhiều cứ điểm. Mỗi cứ điểm có nhiều điểm tựa để liên lạc và giúp đỡ nhau khi lâm chiến. Lúc đầu, ngoài sở chỉ huy của đại tá De Castries đóng ở phía nam phi đạo, căn cứ ĐBP gồm 4 cứ điểm chính, được đặt theo tên phụ nữ: Anne-Marie (ở phía tây bắc, 4 điểm tựa); Béatrice (ở phía đông bắc, 4 điểm tựa); Dominique (ở phía đông bắc, 6 điểm tựa), phía nam của Béatrice; Claudine (ở phía tây nam, 4 điểm tựa). Về sau, khi quân số gia tăng, nhiều cứ điểm khác được thành lập theo thứ tự thời gian:

Như thế ngoài sở chỉ huy của De Castries, căn cứ ĐBP gồm 13 cứ điểm. Bao quanh các cứ điểm là hàng rào kẽm gai, rộng từ 50 đến 75 thước; ngoài ra còn gài mìn và chứa bom Napalm. Các sĩ quan phụ tá cho De Castries gồm có trung tá Pierre Langlais (phụ trách không vận), đại tá Charles Piroth (phụ trách pháo binh), và các sĩ quan phụ trách các phân khu chung quanh sở chỉ huy là:

Tất cả các cứ điểm, đồn bót của quân LHP đều hoàn toàn nằm trong lòng thung lũng ĐBP. Các tướng lãnh Pháp tin rằng máy bay của Pháp sẽ khống chế các dãy núi bao bọc chung quanh ĐBP, nên bỏ trống vùng núi non nầy. Vì vậy, các đồi núi chung quanh thung lủng ĐBP hoàn toàn do bộ đội VM chiếm lĩnh. Rồi đây, từ các núi đồi chung quanh ĐBP, VM tự do phóng pháo, tấn công xuống thung lũng ĐBP.

Số quân Pháp tại ĐBP vào thời điểm cao nhất khoảng 14,000 người, kể cả những thành phần không chiến đấu, theo số liệu của Pháp, (Wikipédia: Bataille de Dien Bien Phu (http://fr.wikipedia.org), và 16,000 người, theo số liệu của VM. (Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ và Nguyễn Văn Thư , Đại cương lịch sử Việt Nam tập III (1945- 2000), tái bản lần thứ ba, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 2001, tr. 119.) Về phía VM, quân số cao nhất lên đến 55,000 quân (theo số liệu của VM) gồm 4 đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 và một đại đoàn công binh và pháo binh 351. (Lê Mậu Hãn, sđd. tr. 120.)

Ngày 13-12-1953, sau khi chiếm Lai Châu, đại đoàn VM 316 tiến về phía ĐBP. Từ 25-12-1953, căn cứ ĐBP hoàn toàn bị quân VM bao vây. Về chiến thuật, quân ủy trung ương Trung Cộng gởi hai công điện ngày 24 và 27-1-1954, khuyến cáo rằng VM không nên tấn công Pháp cùng một lúc từ nhiều hướng, nhưng phải kiếm cách tách riêng và tấn công từng đơn vị, cho đến khi Pháp kiệt quệ. Việt Minh kiếm cách dứt điểm căn cứ ĐBP trước khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 5.

Quân ủy Trung Cộng yêu cầu VM lập thêm các đơn vị pháo binh, đồng thời Trung Cộng gởi tối đa cho VM các loại súng lớn, như cao xạ phòng không 37 ly, đại pháo không giựt 75 ly, và đại bác 105 ly mà Trung Cộng đã lấy được của quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng năm 1949 và tịch thu được tại chiến trường Triều Tiên năm 1953. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tt. 46-48.)

Những khẩu đại pháo VM được tháo rời từng mãnh, dùng dân công tải lên các đồi núi bao bọc thung lủng ĐBP, rồi mới ráp trở lại để sử dụng. Tình báo Pháp hoàn toàn không biết điều nầy. Quân ủy Trung Cộng gởi cả những chuyên viên đào chiến hào, từng tham gia chiến tranh Triều Tiên, qua ĐBP giúp bộ đội VM đào giao thông hào, để tiến sát đến phòng tuyến quân LHP ở ĐBP. (Qiang Zhai, sđd. tr. 47.)

 Vào đầu năm 1954, chính phủ Pháp gởi tướng Clément Blanc, tham mưu trưởng lục quân Pháp sang nghiên cứu tại chỗ tình hình ĐBP. Ông ta cho rằng khuyết điểm căn bản của quân Pháp ở Đông Dương là hoàn toàn không lượng giá được pháo binh VM, và cứ nghĩ rằng VM không có cách gì đưa những khẩu trọng pháo lên các đỉnh núi cao. Với sự hợp tác của đại tá Henri Mirambeau, tướng Clément Blanc đã soạn thảo bản phúc trình dài 16 trang đề ngày 9-2-1954, đề nghị Pháp cấp tốc rút quân ra khỏi ĐBP.

Bản phúc trình của tướng Clémont Blanc được trình bày trong cuộc họp tại Sài Gòn ngày 10-2-1954 giữa tướng Blanc với René Pléven, bộ trưởng Quốc phòng Pháp và đại tướng Paul Ély, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp. Tuy nhiên cuối cùng bản phúc trình của tướng Clément Blanc bị bác bỏ, và Pháp tiếp tục duy trì căn cứ ĐBP. (http://fr.wikipedia.org: Bataille de Diện Biên Phu.)

Ngày 3-3-1954, bộ tổng tham mưu quân đội Trung Cộng gởi cho tướng Vi Quốc Thanh, đứng đầu bộ TLCVQSTC một điện văn như sau: “Hội nghị Genève sẽ thảo luận về Việt Nam, Chu Ân Lai chỉ thị: để giành thế chủ động về ngoại giao trước hội nghị Genève, Việt Nam tổ chức vài trận đánh thắng lợi. Vì vậy, các đồng chí nghiên cứu xem, trong thời điểm hiện nay, liệu có khả năng chắc chắn đánh bại quân địch ở Điện Biên Phủ?” (diendan@diendan.org: Tiền Giang (Qian Jiang): Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngỏa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Nhật-Nội-Ngõa]. Bắc Kinh: Trung Cộng Đảng Sử Xuất Bản Xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, chương 4 “Tính toán của phương Đông”.) Từ chỉ thị của Chu Ân Lai, bộ TLCVQSTC thúc giục VM tiến vào giai đoạn quyết định ở ĐBP.

2.- TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH (13-3 đến 7-5-1954)

Giai đoạn quyết định trận ĐBP khai diễn từ ngày 13-3-1954 và kết thúc ngày 7-5-1954. Trong suốt thời gian nầy, VM dùng trọng pháo bắn phá không ngừng căn cứ ĐBP. Đây là điều mà các tướng lãnh Pháp không tiên liệu được. Trong khi trọng pháo liên tục bắn phá, VM mở ba đợt tấn công bằng biển người:

ĐỢT THỨ NHỨT: Vào tối 13 rạng 14--3-1954, VM pháo kích dữ dội cứ điểm Béatrice, rồi cho người tràn ngập chiếm đồn. Tối 14 rạng 15-3, cảnh nầy tái Từ ngày 16-3, VM tiếp tục pháo kích nhưng không tấn công cứ điểm mới, mà tổ chức phòng thủ các cứ điểm đã chiếm, và đào hầm, giao thông hào, tiến sát đến các cứ điểm khác. Pháp tiếp tục tăng quân, thả dù tiếp viện và tiếp liệu. Ngày 28-3, Pháp phản công thành công, gây thiệt hại khá nặng cho VM.

Trong khi trận Điện Biên Phủ đang diễn tiến, Hồ Chí Minh cùng Phạm Văn Đồng rời Việt Nam, qua đến Bằng Tường (Quảng Tây) ngày 23-3-1954, lên xe hỏa đi Bắc Kinh. Hồ Chí Minh xin tăng viện và yêu cầu Bắc Kinh gởi quân Trung Cộng qua Việt Nam chiến đấu, nhưng bị từ chối. Theo lời Châu Ân Lai sau đó nói với Nikita Khrushchev, lãnh tụ mới của Liên Xô, rằng Tung Cộng đã mất quá nhiều quân trong chiến tranh Triều Tiên, nên chưa thể gởi quân tham gia một cuộc chiến khác. (Qiang Zhai, sđd. tr. 53.)

ĐỢT THỨ HAI: Chiều tối 30-3-1954, khác với lần trước là đánh từng cứ điểm một, lần nầy VM xua quân ào ạt tấn công 4 cứ điểm cùng một lúc. Đến ngày 5-4, VM chiếm thêm được 4 cứ điểm nữa là Dominique, Éliane, Françoise và Huguette. Ngày 10-4, quân Pháp-Việt tái chiếm một điểm tựa quan trọng tại cứ điểm Éliane. Trong đợt phản công nầy, một sĩ quan Việt nổi bật trong quân đội Pháp-Việt là trung uý là Phạm Văn Phú.

Dùng chiến thuật biển người, ào ạt xua quân tấn công Pháp, số thiệt hại nhân mạng của VM lên cao. Tinh thần quân đội VM dao động mạnh. Một số cán binh VM xin đầu hàng quân đội Pháp-Việt. Ngày 19-4-1954, bộ chính trị đảng Lao Động mở cuộc họp khẩn cấp để tìm biện pháp trấn an binh sĩ. (Qiang Zhai, sđd. tr. 49.) Võ Nguyên Giáp tổ chức “chỉnh huấn” ngay tại mặt trận, để củng cố tinh thần binh sĩ.

Sau Bắc Kinh, Hồ Chí Minh, cùng với Châu Ân Lai qua Moscow ngày 1-4-1954 để gặp Khrushchev. Nội dung hội nghị không được tiết lộ, chỉ biết chắc chắn Liên Xô cũng đang muốn kiếm cách chấm dứt chiến tranh Đông Dương, để đối phó với kế hoạch Tây Đức tái võ trang ở Âu Châu.(Qiang Zhai, sđd. tt. 51-52.) Chắc chắn Hồ Chí Minh không bỏ lỡ cơ hội xin Liên Xô tăng cường viện trợ để tăng áp lực ĐBP.

Trở lại thời sự Việt Nam. Vào giữa tháng 3-1954, chính phủ Pháp cử đại tướng Paul Ély, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, qua Hoa Kỳ xin tăng viện. Khi gặp các quan chức Hoa Kỳ ngày 20-3-1954, Ély đưa ra đề nghị mở cuộc hành quân Vautour (Diều hâu) do không lực Hoa Kỳ thực hiện. Kế hoạch dự tính sẽ sử dụng 98 oanh tạc cơ B-29 và khoảng 450 chiến đấu cơ để tấn công Tuần Giáo, hậu cứ tiếp liệu quan trọng của VM, về phía đông ĐBP.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ là John F. Dulles cho biết nếu Pháp cần Hoa Kỳ ủng hộ, thì Pháp phải để cho Hoa Kỳ tham dự vào những quyết định về Đông Dương. Paul Ély tránh không trả lời điều nầy. Khi vấn đề được đưa ra quốc hội Hoa Kỳ, quốc hội khuyên nên tìm thêm sự ủng hộ của đồng minh, nhất là Anh. Lúc đó, nước Anh đang còn thuộc địa Hồng Kông trên đất Trung Hoa, và Anh đang bận rộn bình định cuộc nổi dậy của đảng Cộng Sản tại Mã Lai, là nước tự trị dưới sự bảo hộ của Anh. Anh tránh va chạm với Trung Cộng, nên quyết định đứng ngoài chiến tranh Việt Nam. Ngày 29-4-1954, Hoa Kỳ chính thức từ chối thực hiện kế hoạch Vautour. (Hoàng Cơ Thụy, sđd. tr. 2492.)

Trước những khó khăn ở ĐBP, đại tướng Henri Navarre cho nghiên cứu kế hoạch Condor (Chim ưng), dự tính rút quân Pháp ra khỏi ĐBP bằng đường bộ. Để khuyến khích tinh thần chiến đấu, ngày 15-4-1954, Navarre cho thăng chức một loạt các sĩ quan ở ĐBP. Đại tá De Castries được lên thiếu tướng tại mặt trận. Các sĩ quan đều được thăng lên một cấp, trong đó trung uý Phạm Văn Phú được lên đại uý.

Cần chú ý là lúc đó, Hội nghị ngũ cường Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Cộng tại Genève chính thức khai mạc ngày 26-4-1954. Liên Xô đề nghị mời thêm các phe lâm chiến ở Việt Nam. Ý kiến nầy được chấp thuận tại phiên họp ngày 2-5-1954. Như thế, về vấn đề Đông Dương, sẽ có 9 phái đoàn tham dự: Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Cộng, Quốc Gia Việt Nam, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VM), Lào và Cambodge (Cambodia). Phiên họp đầu tiên của 9 phái đoàn sẽ diễn ra ngày 8-5-1954.

ĐỢT THỨ BA: Sau đợt thứ hai, VM tiếp tục pháo kích ĐBP nhưng tạm ngưng xung phong để chỉnh đốn lại lực lương. Việt Minh mở đợt tấn công thứ ba vào ngày 1-5-1954. Trong hai ngày liên tiếp (1 và 2-5-1954), VM dùng chiến thuật tiền pháo hậu xung, ban ngày bắn trọng pháo do Trung Cộng mới chuyển đến, ban đêm mở cuộc xung phong tấn công biển người, tràn ngập các cứ điểm bao quanh tổng hành dinh. Lại nghỉ thêm 3 ngày để lấy sức, chiều ngày 6-5-1954, VM mở cuộc tấn công quyết định.

Lúc 10 giờ sáng ngày 7-5-1954, De Castries xin tướng René Cogny, tư lệnh Bắc Việt, cho mở đường máu rút về phía nam, nhưng đã quá trễ, các lối thoát đều bị chận đứng. Lúc 5g30 chiều 7-5-1954, De Castries ra lệnh cho quân Pháp ở ĐBP buông súng, không đánh nữa. Cứ điểm cầm cự trễ nhất là Isabelle do đại tá André Lalande (mới thăng) chỉ huy, ở phía nam so với cứ điểm trung ương, nổ súng cho đến sáng sớm 8-5-1954.

3.- KẾT QUẢ TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Tổng số thiệt hại về phía quân Liên Hiệp Pháp (LHP) gồm có: 2,293 người chết, 5,195 bị thương, 11,721 người bị cầm tù. Trong số nầy chỉ có 3,290 trở về và 7,801 bị chết, ((http://fr.wikipedia.org: Bataille de Dien Bien Phu”) vì hai lý do chính: Thứ nhứt, chết vì đi bộ khoảng 600 dặm đến các trại giam trong cuộc giải giao mà người Pháp gọi là “hành trình tử thần”. Thứ hai, chết trong khi bị giam vì thiếu thực phẩm và thiếu thuốc men. Về phía VM, số tử trận khoảng từ 23,000 đến 25,000 người. Số bị thương khoảng 15,000 người. Thiệt hại nhân mạng phía VM cao hơn vì VM dùng chiến thuật biển người trước hỏa lực mạnh mẽ của quân LHP.

Việt Minh chiếm được ĐBP chiều ngày 7-5-1954, thì Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc ngày hôm sau 8-5-1954. Ngày 15-5-1954. Chính phủ Pháp quyết định ở Bắc Việt, Pháp chỉ giữ Hà Nội và vùng phụ cận, cùng con đường chiến lược số 5 nối liền Hà Nội với Hải Phòng. (Vị trí nầy gần giống thời kỳ Pháp ra đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1874.) Từ đây, Pháp chỉ hành quân cầm chừng, nhắm bảo toàn lực lượng để chuẩn bị rút lui, còn VM thì kiếm cách chận đánh, quấy phá việc rút lui của Pháp.

Sau thất bại ĐBP, giới lãnh đạo Pháp ở Đông Dương cũng như tại Pháp đều bị bất tín nhiệm. Ngày 3-6-1954, đại tướng Paul Ély được cử thay thế Maurice Déjean ở chức vụ tổng uỷ Pháp tại Đông Dương, kiêm tổng tư lệnh quân đội Pháp thay Henri Navarre.

Khi sang Đông Dương cầm quân, đại tướng Paul Ély cho chấm dứt cuộc hành quân Atlante, rút bỏ An Khê từ ngày 24-6-1954, theo quốc lộ 19, kéo quân về Pleiku. Quân Pháp bị VM chận đánh nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau, thiệt hại khá nặng.

Ở Bắc Việt, vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, đại tá Paul Vanuxem tổ chức cuộc hành quân Auvergne, rút lui khỏi các vùng Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Nam Định, Phủ Lý. Trong cuộc hành quân Auvergne, tại Nam Định, đại tá Vanuxem tiếp kiến bốn vị giáo phẩm Ky-Tô giáo do giám mục Phạm Ngọc Chi, địa phận Bùi Chu, dẫn đầu. Giám mục Chi đã nói với Vanuxem: “... Chúng tôi xin lỗi đại tá. Chúng tôi cứ tưởng rằng quốc gia chúng tôi xứng đáng được độc lập và chúng tôi có bổn phận giúp đỡ; nhưng chúng tôi đã nhận ra quá muộn rằng những người mà chúng tôi trông cậy lại là những kẻ thù của chúng tôi, những kẻ thù muốn chúng tôi mất linh hồn. Chúng tôi xin lỗi đại tá và xin đại tá cứu dân tộc chúng tôi...” (Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận, cuốn 4, Paris: Nam Á 2002, tr. 2532. Tác giả Hoàng Cơ Thụy trích dịch từ Historia, Paris, số 25 năm 1972 tt. 158-159.) Pháp cho rằng cuộc rút lui nầy để tái phối trí hệ thống phòng thủ, nhưng chính phủ QGVN phản đối, cho rằng cuộc rút lui đã bỏ rơi dân chúng các vùng trên.

KẾT LUẬN

Sau một thời gian rút lui vì yếu thế từ 1946 đến 1949, quân đội VM càng ngày càng mạnh trở lại trên chiến trường trong giai đoạn từ 1950 đến 1954, nhờ sự viện trợ lớn lao về mọi mặt của Trung Cộng và khối QTCS. Các cuộc hành quân lớn đều do quân uỷ trung ương Trung Cộng và các tướng lãnh Trung Cộng quyết định. Nhờ tin tức tình báo đầy đủ, quân ủy trung ương Trung Cộng ở Bắc Kinh nghiên cứu chi tiết từng chiến dịch, từng trận đánh và chuyển qua cho BTLCVQSTC và quân ủy VM thi hành.

Quân đội LHP, sau một thời gian khá mạnh năm 1951 dưới quyền chỉ huy của tướng De Lattre de Tassigny, đã suy sụp dần dần. Trong khi đó, quân đội QGVN được tổ chức quá trễ và quá chậm, nên dầu có tiến bộ, cũng chưa đáp ứng được nhu cầu chiến trường.

Thành quả trên chiến trường ĐBP giúp cho VM, Trung Cộng và khối CSQT được nhiều lợi thế trên chính trường quốc tế và tại hội nghị Genève, chẳng những riêng vấn đề Việt Nam, mà cả về hai nước Lào và Cambodia nữa.

 TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 10-10-2013)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn