BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tướng Giáp, Tướng về hưu

11 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 1089)
Tướng Giáp, Tướng về hưu
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Hai thập niên qua, câu chuyện chiến tranh Việt Nam không còn là đề tài được truyền thông Mỹ nhắc nhiều đến nữa.

Tướng Giáp tại lễ tang ông Phạm Văn Đồng


Từ năm 1995, khi hai cựu thù địch nối lại quan hệ thì phát triển thương mại và những quan tâm chung của hai nước được bàn thảo nhiều hơn là quá khứ bom đạn. Cuộc chiến Việt Nam đối với người Mỹ đã lùi vào dĩ vãng.

Cho đến cuối tuần qua. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời thì không thể không nhắc lại cuộc chiến, vì Tướng Giáp đã có được huyền thoại là người đánh bại đế quốc Mỹ năm 1975. Hai mươi năm trước đó tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, đuổi thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam.

Nhắc đến cuộc chiến tranh thì lòng người lại phân chia, giữa người Mỹ với nhau cũng như giữa người Việt với người Việt.

Bài viết của Thượng Nghị sĩ John McCain, cựu tù Hỏa Lò, trên Wall Street Journal cho rằng Tướng Giáp thắng vì không quan tâm đến con số binh lính phải hy sinh đã có hơn 500 ý kiến bênh chống. Bài viết này tóm lược trên VOA tiếng Việt và nhiều bài khác về Tướng Giáp cũng đã nhận được vài trăm ý kiến. Trên BBC và RFA Việt ngữ cũng có hàng trăm góp ý cho những bài viết liên quan đến cuộc đời Tướng Giáp.

Nhưng ở California, thủ phủ của người Việt tị nạn cộng sản thì thật khó tìm ra một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa có lòng kính trọng Tướng Giáp, khi mà qua những thảo luận hay trò chuyện tôi chỉ nghe Điện Biên Phủ là nhờ cố vấn Trung Quốc, không có chuyện xe pháo tuột núi mà dân công đem thân vào chèn, không có chuyện Bắc Việt đánh bại Hoa Kỳ, Việt Cộng thắng vì Mỹ đã quyết định bỏ Việt Nam cho Trung Cộng.

Hơn nữa ở đây đã có tượng đài chiến sĩ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà giữa trung tâm quận Cam. San Jose có Bảo tàng Việt Nam Cộng hòa và Thuyền nhân, có kế hoạch xây đài tưởng niệm những vị chỉ huy quân sự của Việt Nam Cộng hoà đã tuẫn tiết như các tướng tá Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long.

Nghĩ về tương lai


Trước cái chết của Tướng Giáp, truyền thông trong nước viết nhiều về cuộc đời và thành tích của ông. Suốt tuần qua, mỗi ngày đã có nhiều nghìn người đến viếng ông tại tư gia ở Hà Nội. Trang về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do gia đình lập trên Facebook trong vài ngày qua đã có hơn 236 nghìn “Like”.

Trong khi đó báo chí Việt ngữ hải ngoại chỉ loan tin ông qua đời và có rất ít những bài viết hay bình luận về cuộc đời ông.

Những cái chết của lãnh đạo Việt Nam, của cả hai miền Nam và Bắc, không đem đến cho tôi nhiều xúc động. Có chăng là suy tư và hồi tưởng về một thời đã sống qua, nhìn vào hiện tại và nghĩ về tương lai nước Việt với trăn trở.

Khi ông Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, rồi bị giết chết ngay, lúc đó tôi mới 8 tuổi và chỉ nghe loáng thoáng người trong khu xóm nói ông chưa chết mà đã được đưa ra nước ngoài. Người thân của tôi mang hy vọng ông còn sống và một ngày nào đó sẽ trở lại.

Ông Hồ Chí Minh mất năm 1969, tôi đã có những ký ức về chiến tranh. Mới hơn một năm trước là Tổng tấn công Mậu Thân, hai đợt, vào cuối tháng Giêng và đầu tháng Năm 1968.

Sài Gòn - Mậu Thân 1968


Lúc đó chiến tranh đã tràn vào Thủ đô Sài Gòn. Lần đầu tiên người dân thành phố biết đến bom đạn và loạn lạc. Đêm nghe tiếng súng mà thom thóp lo. Nhà tôi ở gần phi trường Tân Sơn Nhất, là khu vực có giao tranh nên mẹ cũng đã chuẩn bị khăn gói cho các con và dặn nếu Việt Cộng tràn vào thì chạy lên trung tâm thành phố. Mẹ tôi đã bao lần chạy loạn từ quê lên Nam Định nên có kinh nghiệm gói ghém ít quần áo thành nải xách tay. Khu xóm đêm đêm có Nhân dân Tự vệ canh gác nhưng giấc ngủ không yên. Mẹ bảo hễ hàng xóm kêu chạy là ôm túi quần áo chạy.

Cũng may trận chiến chỉ kéo dài vài hôm rồi yên. Nhưng sau đó nhiều đêm phải giật mình vì Việt Cộng pháo kích vào thành phố. Tiếng hỏa tiễn 122 ly rít trong không khí, xé tan màn đêm yên tĩnh. Nổ ầm. Có hôm đạn rơi gần. Nổ rung cửa nhà. Người chết không toàn thây.

Pháo kích trên đường Gia Long - Sài Gòn


Sống ở miền Nam tôi nghe những cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền rằng Hồ Chí Minh làm tay sai cho Nga Tầu để thôn tính và nhuộm đỏ miền Nam.

Trong xóm ngõ tôi ở, có một bác tên là Hồ nhưng không ai dám gọi như thế cả.

Nghĩ về chiến tranh


Lớn lên theo chiến tranh, mỗi ngày nhìn xe tang với quan tài phủ cờ, nghe tiếng khóc của thân nhân mà lòng không khỏi xúc động. Rồi người thân, bạn bè hy sinh. Nhiều lần đưa tiễn tôi đã khóc.

Tôi nhận ra chiến tranh đem lại quá nhiều khổ đau, nhưng hiểu rõ được cuộc chiến không dễ. Ai muốn nhuộm đỏ Việt Nam. Ai theo chân đế quốc Mỹ. Để làm gì? Đất nước rồi sẽ đi về đâu khi mà thanh niên cứ phải ra chiến trường. Rồi một hôm “Anh trở về bại tướng cụt chân, anh trở về hòm gỗ cài hoa…” hay “Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên…” như những lời ca vang vang xóm ngõ.



Ngày 27-1-1973 hòa bình đến. Tôi vui mừng. Sau nhận ra đó chỉ là thứ hòa bình giả tạo.

Cho đến 30-4-1975. Mừng chiến tranh chấm dứt nhưng lại buồn vì phải xa rời quê hương. Rồi thấy đất nước thống nhất nhưng lòng người vẫn không và hòa bình cũng chưa có.

Từ bên ngoài nhìn về Việt Nam hiểu biết được nhiều hơn. Những năm chiến tranh sôi động, báo chí miền Nam đưa tin Tướng Nguyễn Chí Thanh, Tướng Trần Độ chết tại chiến trường B như là những chiến tích của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Tin Tướng Giáp chủ trương Tổng tấn công Mậu Thân để rồi thất bại và bị mất chức. Nhưng đó không phải sự thực.

Tướng Giáp không đề xuất tấn công Mậu Thân 1968, cũng không phải là người phát động Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Tướng Nguyễn Chí Thanh chết ở Hà Nội đang lúc cao điểm của cuộc chiến. Tướng Trần Độ vẫn sống sau chiến tranh, rồi lo văn hoá tư tưởng cho cả nước. Khi ông lên tiếng kêu gọi dân chủ hoá thì bị nhà nước trù dập. Ông mất, nhà nước ngăn cản nhiều người muốn đến phân ưu. Tướng Giáp gửi vòng hoa phúng điếu mà bị ban tổ chức cắt bỏ những lời kính viếng trân trọng.

Đã đọc nhật ký của Tướng Trần Độ, tôi cảm phục ông hơn Tướng Giáp; phục hơn cả Tướng Nguyễn Cao Kỳ, một thời là lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa mà tôi đã ngưỡng mộ khi còn là thiếu niên.

Nửa thế kỷ qua, bao nhiêu người cầm quyền trên đất nước đã ra đi: Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Dương Văn Minh, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Khánh và giờ đây Võ Nguyên Giáp.

Họ để lại gì cho dân tộc ngoài nước Việt hiện tại, yếu kém về mọi mặt. Số phận đất nước cứ như thế mãi sao?

Giải mã cuộc chiến


Cho đến nay giải mã cuộc chiến Việt Nam còn là một bài toán với nhiều ẩn số. Bao nhiêu tấn bom đạn, bao nhiêu xác người, bao nhiêu ruộng vườn, làng mạc bị thiêu hủy mà vẫn chưa tìm ra cách giải cho bài toán đã có đáp số: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Có người đưa giả định nếu Tướng Giáp đã không thắng Điện Biên Phủ, nếu không có chiến tranh Nam Bắc, không có Tết Mậu Thân. Có người nói giá như ông Diệm không bị lật đổ, không có lính Mỹ đổ bộ vào miền Nam; có người mong Bác Hồ còn sống, muốn quay trở lại với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có người sợ bọn phản động khôi phục chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Có người đã tiên đoán chỉ khi những lãnh đạo già nua, giáo điều của Việt Nam chết đi, khi đó đất nước mới vươn lên được.

Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn đã đi theo ông Hồ. Tướng Võ Nguyên Giáp, người sau cùng và là lãnh đạo quân sự cao cấp nhất trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ cũng vừa ra đi.

Ông là biểu tượng của nhiều người Việt Nam vì công lao giành độc lập cho đất nước.

Nhưng bi kịch là sau chiến tranh xã hội lại đầy những tham ô, bất công mà ông không làm gì được và rồi con cháu của ông cũng vào guồng. Ông chỉ như một “Tướng về hưu” mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phác họa chân dung trong tiểu thuyết được dựng thành phim năm 1988.

Nghịch lý nữa là sau chiến tranh, con gái và cháu nội của Tướng Giáp lại theo học ở một đất nước từng là kẻ thù mà ông đã đánh bại. Đó là nước Mỹ.

Dịp Tướng Giáp thọ bách niên, viết về bi kịch hòa bình Việt Nam, tôi muốn hỏi ông về tên của các chị Võ Hạnh Phúc và Võ Hòa Bình mang những ý nghĩa thế nào.

Nay ông không còn. Nhưng tôi vẫn mong có dịp được nghe gia đình kể lại do đâu mà có tên của các anh chị Nguyên Anh, Điện Biên, Hồng Nam, Hạnh Phúc và Hòa Bình.

Bùi Văn Phú

Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn