BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73347)
(Xem: 62244)
(Xem: 39429)
(Xem: 31175)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Entry viết nhân ngày 19/8 : Ngày thành lập ngành Công an nhân dân Việt Nam

20 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 936)
Entry viết nhân ngày 19/8 : Ngày thành lập ngành Công an nhân dân Việt Nam
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Khi đưa Nấm đi chơi ở các khu vui chơi, mình thường bắt gặp cảnh các ông bố, bà mẹ hay dọa những đứa con đang khóc lóc, vòi vĩnh thế này: "Con mà không nín thì coi chừng bị công an bắt bây giờ...".

Mình không bao giờ dọa con như thế bởi vì mình có nhiều bạn đang làm công an, và việc đem bạn mình ra dọa con mình để tạo ấn tượng xấu cho nó thì không tốt chút nào.


Tại quán phở gà Lê Hồng Phong, hoặc quán phở Bắc - Lý Tự Trọng ở Nha Trang, mỗi lần đến ăn, hễ có người gọi phục vụ thật to tiếng, nói năng cộc lốc, phát biểu oang oang trên điện thoại di động như đang dự hội nghị, ăn xong có kèm một cái tăm ngay miệng, thì 9 phần 10 y như rằng, những người này là công an.


Bọn mình thường đùa với nhau: nói năng thô lỗ, thiếu giáo dục dường như là dấu hiệu nhận biết của các bạn công an tỉnh nhà (em không vơ đũa cả nắm nhé, bác nào bạn em mà làm công an thì coi như không đọc thấy câu này nhá ).


Một sự thật đáng buồn là có rất nhiều người trong xã hội, nhiều người xung quanh mình không ưa công an.


Hiện tại công an đã trở thành một kiểu “ông kẹ” mới để dọa con nít. Trong các câu chuyện hàng ngày, cụm từ “tụi công an” hoặc “thằng (con) công an”xuất hiện nhiều lần hơn là “chú/anh(chị) công an”.


Trách ai bây giờ? Trách xã hội thiếu tế nhị, thiếu văn hóa hay trách ngành công an nhân dân đã có quá nhiều khiếm khuyết và thiếu sót trong việc đào tạo, giáo dục học viên - cán bộ của mình?


Ở tất cả trụ sở công an đều có dán bảng ghi rõ 6 lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công an nhân dân:


Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.


Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.


Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.


Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.


Đối với công việc, phải tận tụy.


Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.


Điều 1, điều 2 cá nhân mình xin miễn bàn.


Điều 3, nó gần gần với câu khẩu hiệu "Chỉ biết còn Đảng, còn mình". Ở đây, chính phủ nằm trên nhân dân. Cho nên công an nhân dân phải trung thành với chính phủ trước khi bước qua điều thứ 4. Có lẽ nào vì vậy mà càng ngày lực lượng công an chỉ quan tâm đến mệnh lệnh và quyền lợi của chính phủ hơn là lợi ích chung của nhân dân?


Với điều 4, nó liên quan đến mình- một phần nhỏ bé trong quần thể "nhân dân" nên xin phép lạm bàn đôi chút.


Hình ảnh các anh công an phường vung tay nạt nộ những người dân buôn bán vỉa hè, hình ảnh giành giựt, lôi kéo, đạp đổ các mẹt hàng nhỏ bé trên biển của những người làm công tác giữ gìn trật tự an ninh đô thị đã khiến mình có ác cảm với hình ảnh công an rất nhiều. Ngăn cấm mà không đưa ra biện pháp giải quyết cho đời sống mưu sinh của những người buôn thúng bán bưng liệu có làm cho xã hội này văn minh và tốt đẹp hơn không? Hay chỉ là tình trạng "bắt cóc bỏ dĩa", rồi lại chực bùng phát như "nấm mọc sau mưa"?


Hình ảnh các anh cảnh sát cơ động với dùi cui lăm lăm trong tay sẵn sàng đối phó với những người dân tại các cuộc cưỡng chế, giải tỏa, tại các buổi cầu nguyện ôn hòa đã khiến ác cảm với công an ngày càng tăng lên gấp bội. Đỉnh điểm hơn là các hành vi bạo lực dẫn đến chết người trong khi thi hành công vụ tại Thanh Hóa, Bắc Giang, việc dùng súng bắn vào người tham gia giao thông tại Thái Nguyên.. đã khiến mình buộc phải đặt câu hỏi: "Tại sao công an lại có thể hành xử với nhân dân như kẻ thù vậy?".


Ở góc cạnh con người, không biết Nguyễn Mạnh Thư - người đã nổ súng bắn chết em Lê Xuân Dũng, Nguyễn Thế Nghiệp - người tham gia trực tiếp vào cái chết của em Lê Văn Khương, những người tham gia đánh đập dân oan khiếu kiện, giáo dân Cồn Dầu, cư dân Eden... liệu có tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn mình hay không? Hay cái mác công an nhân dân có thể khiến họ mất hết cảm xúc, vô cảm khi đối diện với lương tâm và lương tri của một con người.


Khi thẳng tay đàn áp người dân, dùng dùi cui đánh đập, dùng súng ống bắn vào nhân dân - những người lẽ ra phải nhận được sự lễ phép kính trọng từ phía công an. Có vị nào nghĩ rằng hành động này sẽ biến lực lượng công an trở thành thế lực thù địch trong mắt nhân dân hay không?


Trong các bài báo nói về diễn biến hòa bình, Đảng ta thường dẫn dụ "các thế lực thù địch" không tên như một minh chứng cho việc diễn biến và tự diễn biến. Chưa thấy bài báo nào nói đến sự xuất hiện của một lực lượng thù địch đang tồn tại ngay trong lòng Đảng. Đó là những con người được học tập và đào tạo từ tiền thuế của nhân dân - phục vụ trong hàng ngũ Đảng -đối xử với nhân dân như những ông chủ. Đó mới chính là những kẻ thù có thực đang phá hoại danh dự và uy tín của Đảng - chứ không phải cảnh giác đâu xa xôi.


Người xưa thường nói: "Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Trong trường hợp này, Bụt không có, cà sa lại càng không, vậy là chỉ còn lại ma và áo giấy - không có sự lựa chọn nào khác.


Không có người xấu - chỉ có người không biết là mình xấu. Mà mình thì muốn tin rằng, trên đời này, không có ai muốn mình là kẻ xấu.


Mẹ Nấm


19-08-2010


P/s : Quan điểm trong bài viết là nói về kẻ xấu, không nói bạn mình xấu, vì vậy bạn nào đọc mà thấy không thoải mái thì vui lòng coi như chưa đọc gì hết nha.


Theo Blog Mẹ Nấm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn