Cứ như sóng truyền thông, Tàu Thần châu 08 của xứ Đại lục chẳng là cái đinh gì cả. Xứ Thiên đường ta có thể sánh ngang với sứ Mặt trời mọc, vì hiện ở châu Á chỉ có hai nước đó có người được giải thưởng Field mà thôi. Bản đồ toán học thế giới đang thay đổi, không chừng, trung tâm toán học thế giới sắp chuyển về Hà Nội. Chỉ nay mai, người Việt sẽ ôm hết cả các giải thưởng Nobel cho thiên hạ lác mắt ra.
Chủ tịch đang hưng phấn cực độ thì một thằng củ chuối nào đó bảo: ông ơi, GS Châu mang quốc tịch Pháp, người Pháp gốc tre. Nơi ông này thành danh là Đại học Sư phạm Paris chứ đâu phải là Viện toán VN!
Nghe vậy, tức bỏ mẹ, nhưng vì hắn nói đúng nên Chủ tịch không dám cãi. Được thể, hắn tiếp tục mở máy: nói thật nha, cứ như cái Viện toán xứ Thiên đường thì cả trăm nhà toán học thiên tài nhốt vào đó đều trở thành những con vịt siêu nạc mà thôi!
Khỏi chấp cái lý luận thẳng tuột như thuốc chuột của thằng cha kia, Chủ tịch phủi quần đứng dậy ra về.
Công bằng mà nói, Ngô giáo sư vẫn là một hiện tượng, một tài năng, hơn thế là một ngôi sao. Ngoài năng khiếu bẩm sinh, truyền thống gia đình, khoa toán của trường Đại học Quốc gia đã tạo nền tảng cho tài năng đó. Những giáo sư đang hưởng đồng lương theo chuẩn mực của xứ Thiên đường nhưng vẫn giữ được nhiệt huyết, trí tuệ để nuôi dưỡng những lớp tài năng ở các môn khoa học cơ bản, không chỉ có toán mà còn cả lý, hóa, sinh… thành tích của đám học trò Việt ở các kỳ thi Olimpic là không thể phủ nhận.
Nhưng rồi, cái cách đãi ngộ theo thang bậc công chức của xứ Thiên đường khiến cho thiên tài không thể cất cánh được. Chỉ lạch phạch bơi trong ao rồi bận rộn với cuộc mưu sinh, để rồi sau đó khoe khoang là đã mua được cái nhà, con xe là oách lắm rồi. Những vị công bộc của dân hiểu rõ điều này, nên con cái họ, thường vẫn tống sang các nước dãy chết để lấy kinh.
Chủ tịch vẫn gọi đây là hiện tượng tỵ nạn giáo dục. Con gái của Chủ tịch cũng phải đi theo cách ấy.
Vừa rồi Chủ tịch có tạt qua khu nhà trọ sinh viên thăm đứa cháu, thấy chúng đang ôn thi môn lịch sử Tiệc. Liếc qua tập giáo án thấy vẫn ca ngợi luận cương năm 30 như một cẩm nang chỉ đường, sáng suốt và ưu việt. Luận cương này đang định hướng cho các cương lĩnh tiếp theo của Tiệc, ngay cả khi cơn lốc toàn cầu hóa, cơn lốc của khoa học công nghệ đã đưa nhân loại liên tục đi sang từ trang này sang trang khác.
Khi hệ thống chính trị vẫn kiên định học thuyết của các đồng chí Mạc râu và đồng chí Nin hói từ thế kỷ trước thì việc nhồi nhét tư tưởng của hai ông này trong các nhà trường vẫn là thứ không thay đổi.
Trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi với Ngô giáo sư, chẳng ai tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc nhồi nhét tư tưởng của đồng chí Mạc râu với công trình chứng minh bổ đề cơ bản Langlands và giải thưởng Field cả.
Nói cho vui vậy thôi, khi đánh giá nền giáo dục VN, bên cạnh những đồng chí tai tiếng và nổi tiếng như Sầm Đức Xương, Đỗ Tư Đông, bên cạnh sự tháo chạy ồ ạt của phong trào du học vẫn còn đó ngôi sao lấp lánh Ngô Bảo Châu.
Theo ngôn ngữ bóng đá, Ngô Bảo Châu, bàn gỡ cho nền giáo dục nước nhà. Vinh quang này, trước hết thuộc về Ngô giáo sư, gia đình và sau đó là Khoa toán của Đại học quốc gia.
Phan Thế Hải
20-08-2010
Theo Blog Phan Thế Hải
Gửi ý kiến của bạn